Người thiện lương sẽ không nhìn vào điểm xấu của người khác
Trong kho tàng truyện cổ Phật gia có kể về một sa môn vốn xuất thân là một tên cướp khét tiếng hung tàn, sở thích của hắn là giết người chặt ngón út của tay trái nạn nhân làm vòng đeo. Hắn tổng cộng đã giết được 999 người, chỉ còn một người duy nhất nữa là hoàn thành tâm nguyện.
Một hôm, Phật Thích Ca cầm y bát vào thành Savatthi hóa duyên khất thực. Sau khi dùng bữa xong, trên đường trở về tịnh xá, Đức Phật gặp tên cướp Angulimāla. Tên cướp thấy Đức Phật đi một mình nên quyết định ra tay sát hại, hắn cầm đao nhằm về hướng đức Phật mà đuổi tới. Tuy nhiên, dù hắn có cố gắng ra sức chạy tới đâu cũng chẳng thể nào đuổi kịp Đức Phật.
Thấy quá lạ, tên cướp Angulimāla nghĩ: “Thật kỳ lạ, trước đây mình có thể đuổi kịp voi, ngựa, nai, thậm chí cả chiếc xe đang chạy, sao bây giờ không thể đuổi kịp một sa môn Cồ Đàm đi bình thường”. Nghĩ vậy nên hắn cất tiếng: “Này sa môn, hãy dừng lại! Hãy dừng lại, sa môn!” để gọi Đức Phật.
Đức Phật nghe vậy mới nhẹ nhàng đáp: “Ta đã dừng lại lâu rồi, chỉ có ngươi là chưa”.
Tên cướp nghe vậy, nghĩ bụng: rõ là đang đi sao lại nói dừng rồi? Hắn nghi hoặc: “Ông đi mà lại nói ‘Ta đã dừng rồi’, còn tôi đang dừng, ông lại nói tôi đang đi nghĩa là sao?”.
Đức Phật giải thích: “Với mọi chúng sinh, ta bỏ trượng, kiếm; còn ngươi, không tự kiềm chế, gieo rắc giết chóc và hận thù, nên ta đã dừng mà ngươi chưa dừng”.
Lời nói của Đức Phật tựa như tiếng chuông chùa đổ vọng sớm hôm, như tiếng thức tỉnh nơi sâu thẳm tâm hồn của tên cướp. Bao năm nghiệp nặng chất chồng, liệu có thể hối cải quay đầu được chăng? Angulimāla nói: “Bao năm gây ác không ngừng, đâu có cách nào quay đầu hối cải?”.
Đức Phật biết cơ duyên đắc độ của Angulimāla đã đến nên đã thuyết đạo giảng Pháp cho Angulimāla nghe. Sau khi được Đức Phật cảm hoá, Angulimāla quyết định xuống tóc theo tăng đoàn cùng Đức Phật xuất gia tu đạo.
Việc Angulimāla bỏ ác làm lành đã khiến cho không ít người bất ngờ. Từ một kẻ chuyên sát sinh hại mệnh, lấy trộm làm nghề, lấy cướp mưu sinh lại có thể đột ngột thay đổi, trở thành một người nói điều chân, làm điều thiện. Đây thực sự là một việc quá sức tưởng tượng của mọi người…
Người tốt không thể thiếu hành thiện
Người hiện đại rất chú trọng đến tâm thiện, còn cổ nhân lại nhấn mạnh vào việc hành thiện. Lương thiện chỉ có thể nói rõ một người có tâm địa thuần lương, có lực lượng “thiện” lớn mạnh; mà hành thiện, chính là đem cái lực lượng lớn mạnh đó phát huy ra, thông qua việc trợ giúp người khác, trợ giúp chính nghĩa mà khuếch đại, khuếch trương loại lực lượng này, từ đó gia tăng phúc báo.
Người tốt, không chỉ cần có thiện tâm, mà còn cần cố gắng làm việc thiện. Giúp người gặp khốn khó, khích lệ người, trợ giúp người, tán thưởng người. Ngoài ra, phải tin tưởng vững chắc rằng bản thân là người tốt, có thể vì trở thành người tốt mà phó xuất, bảo trì được cái tâm như thủa ban đầu. Hành thiện từ những việc nhỏ, như vậy trời cao nhất định sẽ an bài những điều tốt nhất cho bạn, trợ giúp bạn.
Người tốt cần tự mình cố gắng
Người lương thiện nhất đinh phải tự mình cố gắng, bởi vì trời cao sẽ không trợ giúp một người cam chịu, sẽ không chiếu cố người không có tâm cầu tiến bộ.
Trong “Chu Dịch” có câu: “Tự thiên hữu chi, cát vô bất lợi”. “Tự”, tức là chỉ chính mình, gọi là tiểu vũ trụ; “Thiên”, tức là chỉ trời cao, gọi là đại vũ trụ. Tiểu vũ trụ và đại vũ trụ này hợp lại làm một, chính là thiên nhân hợp nhất.
Tự mình cố gắng, chính là điều kiện tiên quyết để trời cao bang trợ. “Tự” chính là nguyên nhân bên trong, là tiểu hoàn cảnh; “Thiên” là nhân tố bên ngoài, là đại hoàn cảnh. Cho nên nói, đại hoàn cảnh, tiểu hoàn cảnh đều bảo hộ chính mình, thì đương nhiên tâm tưởng sự thành, không có chỗ nào bất lợi.