Người tố 'nhân bản' xét nghiệm khóc trước cho tương lai mình?

11:40, Thứ tư 21/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngẫm lại toàn bộ câu chuyện của chị Nguyệt, người viết cũng như dư luận không khỏi lo cho tương lai của chị Nguyệt. Phải chăng, chị Nguyệt đang khóc cho những ngày tháng sau này của mình.

Từ trước đến nay, trong lịch sử các buổi lễ khen thưởng người ta chỉ thấy người nhận thưởng cười vì công sức của mình được cả xã hội ghi nhận chứ có ai thấy người được nhận thưởng khóc nghẹn không nói nên lời như trong buổi khen thưởng của chị Hoàng Thị Nguyệt và đồng nghiệp được Sở Y tế Hà Nội tổ chức hôm 16/8 vừa qua đâu.

Nhiều người nhìn hình ảnh của chị cho rằng chị xúc động đang trong hạnh phúc. Nhưng biết đâu, các chị đang khóc cho tương lai, lo công việc sắp tới của mình sẽ ra sao.

Trong giây phút được trao tặng, các chị cười như biết bao người được khen thưởng khác thì một mai các chị cũng có thể phải khóc cho số phận của mình. Câu chuyện của chị Nguyệt chẳng khác nào câu chuyện của thầy Đỗ Việt Khoa giáo viên trường PTTH Vân Nội (Hà Tây cũ). Năm 2006, dư luận cả nước nóng ran với tin một thầy giáo dám đứng ra tố cáo gian lận trong thi cử trong trường.

Chị Nguyệt khóc vì hạnh phúc hay khóc cho tương lai

Từ đó, cái tên Đỗ Việt Khoa nổi như cồn. Thầy Khoa còn được lên cả ti vi trong chương trình Người đương thời. Trước hành động dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục, ngay chính ngôi trường thầy đã có hơn chục năm gắn bó Bộ trưởng Bộ GD và ĐT đã trao bằng khen cho thầy Khoa. Buổi khen thưởng diễn ra trang trọng. Bằng khen của Bộ GD và ĐT do đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó làm Bộ trưởng Bộ GD và ĐT) trao cho thầy Khoa cùng với hoa và tiếng vỗ tay chúc mừng.

Người đời ai cũng khen cho hành động của thầy Khoa như một "sự lạ" trong cái xã hội có quá nhiều tiêu cực này. Người ta phát động phong trào thi đua chống tiêu cực giống thầy Khoa. Tuy nhiên, từ sau lễ khen thưởng ấy, hình ảnh của thầy Khoa trong con mắt dư luận đẹp bao nhiêu thì trong con mắt bạn bè, đồng nghiệp thầy xấu đi bấy nhiêu. Cuộc sống của "người thẳng lưng trong thế giới người gù" có biết bao nhiêu khổ cực. Con thầy khoa thì không được nhập học, bạn bè, thầy cô xa lánh. Học sinh trong trường cứ nhìn thấy thầy là sợ và xa lánh.

Chỉ vài năm sau khi tố giác tiêu cực trong ngành giáo dục, thầy Khoa đã bạc đầu hơn một nửa. Không được nhà trường cho đứng lớp vì sợ thầy đi "soi" tiêu cực, sau một thời gian không chịu nổi áp lực, thầy đã phải viết đơn xin nghỉ dạy. Sau đó, ngành giáo dục Thủ đô đã vội vỗ về thầy. Họ cho thầy vẫn làm nghề trồng người như lời hứa năm nào. Thầy được chuyển đi trường khác nhưng ám ảnh về người "soi" tiêu cực khiến môi trường làm việc của thầy Khoa cũng không sáng sủa hơn. Không được đứng lớp, cuộc sống khó khăn thầy phải làm thêm đủ nghề để mưu sinh. Thế mới thấy, phát hiện tiêu cực dễ nhưng dám nói ra mới là điều khó. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân mà tiêu cực ai cũng thấy nhưng họ chọn cách im lặng để yên thân còn hơn tố giác để rồi bị trù dập.

Không chỉ vậy, dường như thầy Khoa còn quên đi hẳn công việc chính của mình là trồng người mà thấy chỉ chăm chú đi "soi" tiêu cực đặc biệt là trong các kỳ thi. Vào kỳ thi nào người ta cũng sợ nhắc đến tên thầy vì sợ những trường hợp như Vân Tảo, Đồi Ngô sẽ lộ thêm. Không chỉ tố cáo tiêu cực trong ngành giáo dục, thầy Khoa còn "lấn sân" sang bất cứ tiêu cực nào của ngành khác.

Vì muốn đấu tranh với tiêu cực, thầy Khoa sẵn sàng bỏ nghề để chạy theo ánh hào quang của "người đương thời". Nhưng đằng sau ánh hào quang ấy, gia đình vợ con thầy vẫn chật vật vì cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày.

Nhìn tấm gương của thầy Khoa chắc hẳn chị Nguyệt 'Hoài Đức' cũng phải lo xa cho tương lai của mình. Sao không lo được chứ, trong cái thời buổi người khôn của hiếm này có một công việc ổn định đã khó lắm rồi chứ chưa nói đến việc kiếm tiền nuôi gia đình.

Dư luận sợ chị rơi vào trường hợp như thầy Khoa. Nghe đâu, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đứng ra đảm bảo chị Nguyệt và các đồng nghiệp của mình sẽ bình yên để công tác. Nhưng không ai nói trước được điều gì. Đành rằng chị Nguyệt được bảo vệ nhưng hết nhiệm kỳ của lãnh đạo, người sau lên thì có ai bảo vệ chị Nguyệt nữa không? Thầy Khoa cũng vậy, ở thời điểm đó thầy được hứa nhiều lắm nhưng rồi, cuộc sống của thầy như tấm gương trong chống tiêu cực. Người ta cho rằng thầy bị điên, dị nhân. Liệu chị Nguyệt có được yên ổn sau biết bao sóng gió đã đi qua?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc