Đời sống) – Bạn thử kiểm tra xem trên người, trong phòng ở, làm việc của bạn có bao nhiêu thứ được sản xuất trong nước, bao nhiêu thứ của Trung Quốc?
[links()]
Có bao giờ bạn tự nhìn khắp phòng làm việc của mình rồi thử đặt câu hỏi, trong phòng có bao nhiêu đồ là sản xuất tại Việt Nam, bao nhiêu của Châu Âu và bao nhiêu của Trung Quốc? Còn tôi, tôi kiểm chứng tại chính phòng làm việc của mình và kết quả có hơn một nửa đồ trong văn phòng là hàng “Made in China”, một số ít của Việt Nàm, một số cái không rõ nguồn gốc, nhưng chắc chắn không phải đến từ Châu Âu.
Đồ Việt Nam gồm: Bàn, ghế, tủ cá nhân (nhưng khóa tủ là của Trung Quốc),
Đồ của Trung Quốc thì tràn ngập từ lớn tới bé, như máy tính, điều hòa, rèm cửa, cây nước nóng lạnh, ấm chén…
Những miếng thịt lợn trông đẹp mắt nhưng không một con ruồi nào dám tới đậu. |
Còn khi ra chợ, có gì sạch? Chúng tôi thực tế tại chợ Xanh (khu đô thị Định Công, Hà Nội) để kiểm chứng. Trước tiên là với thịt lợn, trên chiếc bàn bụi bặm, thịt được cắt thành từng tảng rải kín mặt bàn, ở lối đi và nhiều đồ vật khác ruôi bâu đen, nhưng không hiểu sao những miếng thịt lợn trông hồng tươi lại không con nào chịu đậu. Sau một hồi chào mời luyến thoắng, với giá 80.000 đồng/kg.
Thấy khách lưỡng lự, bà chủ quầy thêm vào “lợn ta đấy em, chân đen này, không lo đâu”, vừa nói bà chủ vừa cầm cái chân lợn đưa lên lấy dao cạo cạo lớp da, đúng là cái chân dò có hơi xám hơn các loại khác trắng hồng mà tôi vẫn thường mua ở các chợ. Cũng không rõ cái chân dò sắc hơi đen đó là tự nhiên hay do bị tụ máu vì lợn chết trước khi kịp cắt tiết? bà chủ bao sao cứ tạm biết vậy.
Tới quầy gà làm thịt sẵn, khó mà biết là gà ta hay Tàu, vì tất cả đều đã được mổ bụng, vặt sạch lông, cũng không biết được làm thịt lúc gà còn sống hay đã chết bệnh, nên tôi chuyển sang khu gà còn sống cho chắc ăn. Ở góc chợ gà được nhốt trong lồng ủ rũ, lông xác xơ không thèm quan tâm có người lạ tới ngó nghiên.
Hỏi có gà Bắc Giang không, mấy cô bán gà xao xác “gà đấy giờ kiếm đâu ra”, tôi liếc tìm tem gà Bắc Giang như lãnh đạo tỉnh hướng dẫn cũng không thấy lồng nào có, có lẽ các cô nói thật. “Thế gà này nuôi ở đâu” – tôi hỏi, và thay vì trả lời thẳng các cô chỉ cười cười, rồi nói bâng quơ “gà mình đấy, không phải lo”. Bên cạnh một vài con gà đang được cắt tiết, số tiết mỗi con chỉ được hơn một chén hoa hồng đã giãy chết, tiết cũng sẫm màu chứ không đỏ tươi.
Chuyển sang xem cá, những con cá trắm, trôi béo mậm, cỡ vài cân một con đều tăm tắp, còn cá rô phi thì to hơn bàn tay người lớn cũng trên dưới 1kg mỗi con… những con cá tầm đã chết nằm cứng đơ trong chậu đá, dù người bán cá vẫn giới thiệu cá tầm Đà Lạt, nhưng không có gì để làm chứng. Những người nuôi cá, lãnh đạo Cục Thủy sản (Bộ NN&PT-NT) đều khẳng định hầu như cá tầm bán la liệt các chợ lá cá tầm Trung Quốc, vì cá tầm Việt Nam nuôi cung không đủ cầu và phần lớn bán cho các nhà hàng, siêu thị, chứ không đủ để cung cấp cho chợ nào cũng có.
Tới các loại rau, củ, quả, quầy bày đủ các loại rau như cải, muống, mùng tơi, đỗ, dưa chuột… tất cả đều xanh vướt, thân béo mậm, những cọng rau muống to như ngon tay út của người lớn, lấy tay bẻ nhẹ nó phát ra tiếng đốp rất giòn, rau muốn xưa chỉ khi trời mưa vài ngày mới được giòn như thế, còn thân thì chỉ bằng nửa rau muống hiện nay.
Trong đống hàng những thứ này ai dám khẳng định có đồ nào là của Việt Nam? |
Người bán rau giới thiệu rau muống này là rau muống Thanh Trì, “người nhà chị trồng, nên an toàn lắm, chị toàn bán cho người quen đấy”, chị bán hàng nhanh nhảu quảng cáo, chen lẫn với những tiếng chào mời gần như tương tự ở những sạp rau bên cạnh khi thấy khách ngó nghiêng. Người dân bên bờ sông Nhuệ vẫn thường làm những ô bằng tre nứa thả trên mặt nước đen nghòm để trồng rau muống, loại rau trồng ở đấy cũng xanh mướt, thân mập y như vậy.
Với phần gia vị, thì tỏi, gừng, ớt… của Trung Quốc bán tràn lan. Có thể khẳng định vậy vì có thể phân biệt bằng mắt thường, tỏi Trung Quốc thường trắng và to hơn tỏi ta, mùi cũng không được bằng; còn gừng thì củ to, da bóng, đốt dài.
Đến quầy hoa quả, tiếng chào mời làm người mua cảm thấy xốn xang, nhưng nhìn lướt qua, chỉ thấy có chuối, xoài, dưa hấu, măng cụt là người mua có thể chắn chắn của Việt Nam trồng, vì Trung Quốc không trồng được những loại trái cây này. Nhưng nhìn những nải chuối quả chín vàng nằm giữa những quả xanh da vẫn còn phủ lớp phấn mịn thì ai cũng phải đặt câu hỏi, sao chuối non vẫn có thể chin vàng được như thế, những quả chín vàng óng lại nằm kẹt vào những quả chưa có dấu hiệu gì là nay mai sẽ chín.
Thời gian gần đây dư luận xôn xao một số người bán chuối dùng thuốc kích thích ủ chín chuối, nhưng thay vì phun đều lên cả nải như trước đây, giờ họ chỉ phết thuốc vào một số quả trong nải để chuối chín trông tự nhiên, không dùng thuốc nên mới chín không đều như vậy.
Còn lại trên quầy hoa quả đủ loại cam, quất, táo, lê, nho… đều không nhãn mác, dưới gầm sạp hàng là những thùng xốp có dán chữ Trung Quốc. Nhưng chủ hàng vẫn một mực khẳng định là cam ta, nho Ninh Thuận, táo Úc… không phải của Trung Quốc đâu nên cứ yên tâm.
Tới khu vực bán hàng quần áo, dày dép, nhìn những đôi dép nhiều màu sắc, kiểu dáng, với các chất liệu như xốp, vải, nhựa chẳng mấy ai tin là hàng Việt Nam. Còn quần áo, từ loại cho người lớn tới trẻ con, từ quần trong tới áo ngoài sau khi giả vờ xem hàng, lật tìm nhãn mác gắn trên sản phẩm đều có dòng chữ “Made in China”. Hầu như tại các chợ không có bán các sản phẩm may mặc của Việt Nam, nên có muốn mua cũng không có.
Chán nản với chợ vì chỉ hàng không rõ nguồn gốc, không biết chất lượng, nếu có nguồn gốc thì cũng là “Made in China”, chúng tôi vào tiếp siêu thị gần đó, hoa quả chủ yếu là táo, lê nhập từ Úc, New Zealand; thịt gà Mỹ; thịt bò Nhật; gạo Thái Lan… tới các loại nước uống đóng chai, bia, rượu, mỹ phẩm phần lớn cũng là các thương hiệu nước ngoài, hoặc nhập khẩu toàn bộ.
Việt Nam chỉ tự hào về mặt hàng may mặc, nhưng những thương hiệu lớn, đẳng cấp lai bị các thương hiệu nước ngoài như Gucci, Milano, Kelvin… nắm giữ.
Cho tới những lọ tăm, chổi lau nhà cũng là hàng “made in china”.
- Lê Việt