Yêu và được yêu là một niềm hạnh phúc, nhưng yêu thì phải thể hiện để cho người kia biết được tình cảm của mình đối với họ cho dù kết quả có được như ý hay không và hơn thế nữa được nghe những lời yêu thương cũng là một niềm hạnh phúc không kém. Ở mỗi dân tộc với nền văn hóa khác nhau thì quan niệm về tình yêu, cách thức bày tỏ tình cảm cũng khác nhau với muôn hình vạn dạng vô cùng độc đáo và thú vị.
[links()]
Tỏ tình không chỉ bằng lời
Tại châu Phi, người Maasai ở Tanzania thường tìm kiếm tình yêu thông qua các buổi lễ ăn mừng sau mỗi chuyến đi săn, khi ấy các chiến binh xếp hàng thành hình cầu vồng trước mặt các cô gái chưa chồng, rồi tất cả họ cùng nhau nhảy múa theo tiếng trống bập bùng.
Trong khi thực hiện các vũ đạo cuồng nhiệt, những chàng trai Maasai đưa mắt quan sát các cô gái để tìm người mà mình ưng ý rồi vừa nhảy vừa tiến lại gần. Nếu cô gái có tình cảm với người đó và chấp nhận chàng trai, cô gái sẽ không nhảy nữa mà đứng yên một lát sau đó đi lấy một bình đựng sữa làm bằng vỏ cây dưa đắng phơi khô mang ra làm quà tặng.
Lúc này chàng trai giơ một chân ra, cô gái cúi xuống buộc vào bắp chân chàng trai một cái vỏ bầu như một hành động thể hiện sự chấp nhận tình cảm. Từ thời điểm đấy họ trở thành một đôi và có quyền tự do quan hệ tình dục mà không bị ngăn cấm, trừng phạt.
Ở Nigeria có bộ tộc người Ibo, khi một chàng trai cảm mến và ngỏ lời yêu một cô gái, anh ta sẽ sẽ phải “nếm” một trận đòn do cô gái đánh mà không được chống đỡ.
Vũ điệu của các chàng trai Maasai |
Người Ibo quan niệm rằng người đàn ông nào chịu đựng được đòn đau mới đủ tư cách nhận được tình yêu thương của cô gái và có thể làm chồng, điều đó thể hiện sự dũng cảm và gan dạ của đấng nam nhi. Nếu cô gái có cảm tình, cô sẽ nhẹ tay để chàng trai không bị đau, việc đánh đòn lúc này chỉ là hình thức.
Tại đảo Saint Antang, hòn đảo lớn nhất của quốc đảo Cape Verde nằm gần bờ biển Tây Phi có tộc người Krioul. Nếu chàng trai thích một cô gái thì tặng cô gái một bó hoa gói bằng lá. Cô gái nhận hoa thì chàng trai sẽ xoay quanh cô gái nhảy múa vui mừng, nhìn cô gái với ánh mắt chan chứa tình yêu.
Khi cô gái mỉm cười biểu đạt tình ý, chàng trai lập tức hôn cô say đắm, sau đó chàng trai lấy lá chuối làm giấy viết thư cầu hôn với bố mẹ cô gái. Làm như thế, chàng trai muốn nói với bố mẹ cô gái rằng tình yêu của anh dành cho cô gái lúc nào xanh tươi mơn mởn.
Phía nam đảo Madagascar, khi một chàng trai cảm thấy yêu mến một cô gái, anh ta sẽ bày tỏ tình cảm của mình bằng cách bắt trộm con bò của nhà cô ta, trộm được được coi là thành công.
Vì bò có vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân Madagascar như một tài sản quý nên theo quan niệm của người dân địa phương, hành động này thể hiện lòng dũng cảm của chàng trai, vì tình yêu mà sẵn sàng chịu những hình phạt, kể cả ngồi tù vì hành vi trộm cắp kia.
Nếu như ăn trộm là một cách tỏ tình thì cũng với mục đích tương tự nhưng các chàng trai dân tộc Buxuman sống ở khu vực Krahad (Nam Phi) lại có cách cầu hôn khá kỳ lạ rất “nguy hiểm”.
Họ làm mũi tên bằng xương thú, đầu mũi tên không quá nhọn có thể gây nguy hiểm mà được trang trí hoa tươi thơm ngát để khi bắn tên sẽ không làm người yêu bị đau.
Một chàng trai Buxuman khi có “đối tượng” sẽ sử dụng mũi tên độc đáo đó và bắn về phía người mà mình thích và tin rằng, nếu mũi tên trúng vào lưng cô gái thì hai người có duyên, cô gái phải lấy chàng trai.
Còn nếu mũi tên trượt qua hoặc trúng vào lưng nhưng gãy làm đôi thì hai người không có duyên và chàng trai sẽ phải từ bỏ ý định ràng buộc tình cảm với cô gái đó.
Ở Congo, người ta lấy chim rừng và bắp ngô làm phương tiện bày tỏ tình cảm, chàng trai yêu thích cô gái nào sẽ mang đến tặng ý chung nhân một con chim đã nướng chín và nói rằng: “Con chim này do anh tự tay bắn được”.
Nếu như cô gái yêu anh ta thì tặng lại bắp ngô và nói: “Ngô này do chính tay em trồng”. Như vậy cả hai người coi như đã chính thức thành một đôi, đồng thời con chim rừng nướng chín và bắp ngôi kia coi như vật đính hôn của họ.
Nét đẹp của cô gái Ấn Độ |
Tại một số vùng của Ấn Độ, hàng năm vào tháng 3 ăn tết thánh, thanh niên nam nữ ở đây sẽ tụ tập nhau lại trong một buổi lễ. Chàng trai yêu cô gái nào sẽ lấy bột đỏ rắc lên người cô gái; rắc một lần cô gái không phản ứng, rắc lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư mà cô gái vẫn không có ý gì, chàng trai đành phải tìm một đối tượng khác.
Nếu như cô gái có ý đón nhận tình cảm, cô sẽ lấy bột đỏ rắc lại lên người chàng trai. Còn tại quốc đảo Srilanka, láng giềng phía nam của Ấn Độ, các chàng trai tỏ tình bằng cách tặng cho cô gái mình yêu bằng cách cắt một cụm tóc của mình để tặng, nếu cô gái nhận tức là chấp nhận tình yêu, ngược lại có nghĩa là cô gái từ chối.
Với người dân tộc Tolacha ở Indonesia, văn hóa của họ không thể tách rời con trâu, cũng vì thế mới có câu nói “trâu dẫn dắt tình yêu”. Người đàn ông khi tỏ tình với một cô gái phải tặng cô một con trâu, nếu như cô gái từ chối thì tức là cô không có ý gì với anh ta, như vậy con trâu được trả lại.
Nếu như cô gái nhận thì tức là cô ấy đồng ý, sau đó họ tổ chức đám cưới chính thức. Trong buổi lễ, người chủ hôn sẽ hỏi: “Ai tặng trâu?”. Người cầu hôn trả lời xong thì người chủ hôn lại hỏi cô gái: “Con có đồng ý không?” Cô gái trả lời đồng ý, như vậy việc hôn nhân đã được ấn định.
Những thiếu nữ đến tuổi lấy chồng ở phía Bắc Thái Lan nếu như có người đến tỏ tình thì đích thân cô gái phải ra tiếp đón, khi ấy cả gia đình biết ý lui ra để họ tự do nói chuyện.
Nếu như cô gái có ý thì cô sẽ làm hai miếng trầu, một miếng để tặng chàng trai còn một miếng để mình ăn, điều này thể hiện hai người có thể trở thành bạn đời của nhau. Từ đó về sau chàng trai sẽ được phép qua lại nhà cô gái thường xuyên cho đến khi họ thống nhất được thời điểm kết hôn.
Các chàng trai dân tộc Tanla ở Mianma thích tìm bạn gái vào những dịp lễ tết. Khi tìm bạn gái, các chàng trai thường thổi sáo, khèn để mời mọc các cô gái.
Các cô gái nghe tiếng thì mời chàng trai vào nhà nói chuyện, khi ấy chàng trai mời cô gái ăn trầu, nếu như cùng một lúc có mấy chàng trai đến mời thì cô gái ăn trầu của ai tức là cô ấy yêu người đó, những người còn lại sẽ vui vẻ rút lui.
Người được cô gái lựa chọn sẽ tặng lại cô một cái nhẫn hay một hộp bạc đựng vôi, cô gái vào nấu cơm mời anh ta ăn.
Vùng Thanh Động thuộc huyện Tiên Trụ, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) có một phiên chợ là nơi trai gái hò hẹn tìm bạn. Khi thấy một cô gái vừa ý, để dò xét thái độ xem có chấp nhận tình cảm của mình không, chàng trai sẽ giẫm vào chân cô gái.
Điều thú vị là ở Thanh Động thường có hai phiên chợ, sáng là “phiên chợ người già” diễn ra các hoạt động mua bán thực sự. Khi phiên chợ này vừa kết thúc thì “phiên chợ thanh niên” bắt đầu, người tham dự chỉ toàn thanh niên nam nữ.
Họ đến đây không phải để mua bán mà để vui chơi, ca hát, tìm bạn. Mọi người đi lại quan sát, nhìn ngắm nhau; nếu gặp được ánh mắt từ phía ánh mắt bên kia thì chàng trai sẽ làm dấu hiệu và hai người sẽ rời khỏi phiên chợ.
Cô gái đi trước, chàng trai theo sau khi thấy không có ai để ý chàng trai sẽ đi nhanh tới sau lưng cô gái và giẫm mạnh vào gót chân của cô rồi ra cổng chợ đứng đợi.
Nếu có lòng cảm mến, cô gái sẽ đi theo chàng trai rồi tìm chỗ kín để dốc bầu tâm sự, còn nếu không thấy cô gái đến thì chàng trai chỉ còn cách quay lại chợ tìm người khác mà thôi. Tục này được người dân nơi đây gọi là “giẫm gót chân tỏ tình”.
Theo phong tục độc đáo của người Tuluk ở quần đảo Micronesia trên Thái Bình Dương, khi chàng trai người yêu một cô gái, anh ta không cần mối lái, không trực tiếp tỏ tình mà phải bí mật tìm hiểu xem nhà cô gái ở đâu, cô gái sống tại căn phòng nào của ngôi nhà.
Sau đó khi đêm xuống sẽ bày tỏ tình cảm của mình bằng cách…đẩy một chiếc gậy vào nơi cô gái nằm. Đó là một chiếc gậy phải do chính chàng trai chạm khắc, đẽo gọt hoa văn tùy thẩm mỹ của mình, nó được gọi là “gậy ái tình”.
Sau khi luồn chiếc gậy anh ta sẽ ngồi ở bên ngoài chờ đợi cho đến sáng, nếu cô gái từ chối tình cảm sẽ đẩy chiếc gậy ra ngoài, còn nếu cô gái ưng thuận sẽ giữ lại chiếc gậy và khi trời sáng chàng trai sẽ bước vào nhà cô gái tuyên bố cô là người yêu của mình, rồi về dẫn cha mẹ đến để hai bên bàn chuyện cưới hỏi.
Cũng nằm tại Thái Bình Dương nhưng việc thể hiện tình yêu của thanh niên nam nữ trên quần đảo Trobarian lại do phái nữ chủ động. Các thiếu nữ nơi đây có một cách tỏ tình rất độc đáo, nếu đã tìm được chàng trai mà mình thích, cô gái sẽ chờ dịp thuận lợi để tiếp cận, khi chàng trai không đề phòng cô gái sẽ bất ngờ nhào đến cắn một cái vào mũi anh ta.
Trong trường hợp chấp thuận tình cảm của cô gái, chàng trai sẽ phải tươi cười rạng rỡ cho dù mũi vẫn rất đau. Còn nếu không đồng ý, chàng trai sẽ phải bồi thường tình cảm cho cô gái bằng một con bò hoặc một con lợn…
Cô gái da đỏ xinh đẹp nhưng mạnh mẽ như bầy sói |
Mạnh mẽ không kém trong tình yêu, trên quần đảo Papua New Guinea, nam giới không có quyền tỏ tình mà chuyện đó là do phái nữ thực hiện. Nếu thấy một chàng trai vừa ý, cô gái sẽ tỏ tình bằng cách bất ngờ lao đến cắn mạnh vào lông mi chàng trai, càng cắn mạnh chứng tỏ tình yêu càng mãnh liệt.
Ở các vùng nông thôn còn có những cô gái đuổi theo chàng trai để cắn, nếu không muốn đón nhận tình cảm của người đẹp thì chàng trai chỉ còn cách là ôm mặt bỏ chạy.
Trong truyền thống văn hóa về tình yêu hôn nhân của người da đỏ Nivacle tại vùng núi cao Chacao (Paraguay) có phong tục rất lạ. Trường hợp nếu có hai cô gái cùng yêu và muốn lấy một chàng trai, để giải quyết sự khúc mắc này họ sẽ phân giải bằng cách … đánh nhau.
Vì quyền chủ động yêu đương không phải của phái nam mà lại thuộc về phái nữ do đó chính các cô gái sẽ quyết định chàng trai đó thuộc về ai, họ lao vào đánh nhau với “vũ khí” là bàn tay và móng tay của mình.
Sau trận đấu, cô gái nào chiến thắng sẽ có quyền tuyên bố chàng trai là tình yêu của đời mình và anh ta được cô chọn làm chồng. Người thua cuộc phải chấp nhận điều đó mà không được có hành động nào cản trở, phá hoại cuộc hôn nhân đó.
Người Taulaumala ở phía Bắc Mexico, tính cách của họ rất phóng khoáng, cả trong chuyện yêu đương. Các cô gái Taulaumala khá mạnh bạo và hoạt bát, họ luôn là người chủ động bày tỏ tình cảm.
Khi đã chọn được người trong mộng, cô gái sẽ ném một hòn đá vào nhà chàng trai để báo cho chàng và gia đình biết cô đã lựa chọn chàng trai làm ý trung nhân của mình. Hòn đá có thể xem như một vật làm tin, một lời tỏ tình của người con gái đối với chàng trai mà mình yêu.
Những cách chối từ đầy ý nhị
Nếu như một người đón nhận tình yêu của một người khác thì đó là niềm hạnh phúc được nhân đôi, tuy nhiên cũng có khi tình cảm không được chấp thuận thì cách chối từ cũng rất nhẹ nhàng, đầy ý nhị khiến cho người “thất tình” kia không đến nỗi bị mất mặt, tự ti.
Khi cô gái người Maasai không chấp nhận chàng trai bày tỏ tình cảm bằng cách nhảy múa trước mặt mình, cô sẽ quay đi hướng khác để hòa vào điệu nhảy chung của những người tham gia lễ hội mà không cần phải nói một lời nào.
Còn với chàng trai người Ibo ở Nigeria, thông qua trận đòn, anh ta sẽ biết được cô gái có chấp nhận tình yêu của mình không vì nếu cô gái không có tình cảm thì anh chàng tỏ tình không đúng chỗ kia sẽ phải chịu một trận đòn roi đau đớn mà không dám kêu ca gì.
Trong khi đó, chàng trai người Krioul nếu bị từ chối tình yêu thì bó hoa gói bằng lá mà anh ta bỏ công cắt tỉa sẽ không được cô gái đón nhận, hoặc như cô gái dân tộc Tolacha nếu không có ý gì với chàng trai đến tỏ tình với mình, như vậy con trâu mà anh ta mang đến sẽ được trả lại.
Còn cô gái ở khu vực miền Bắc Thái Lan thì thể hiện bằng cách chỉ làm một miếng trầu khi tiếp khách, như vậy có ý nghĩa là từ chối, chàng trai phải tự động rút lui, không được đến nhà cô gái ấy nữa.
Nếu như việc bày tỏ thái độ không đón nhận tình cảm của một người, đơn giản chỉ từ chối nhận các lễ vật, quà tặng thì ở một số dân tộc, chuyện này được thực hiện rất âm thầm mà người ngoài nhiều khi khó có thể biết được ngoại trừ hai người trong cuộc.
Như cách mà người da đỏ ở bang Michehenta ở Mexico tỏ tình bằng một hành động rất bình thường nhưng thông qua hành động này chàng trai có thể biết được thái độ của cô gái đối với tình cảm của mình.
Do sống ở vùng núi, để có nước sinh hoạt các cô gái da đỏ thường phải gánh nước từ sông, suối về dùng. Chính từ hoạt động đó mà nảy sinh cách bày tỏ tình cảm rất độc đáo của các chàng trai nơi đây.
Nếu thích cô gái nào, một chàng trai sẽ chủ động đón đường và ngỏ lời xin nước. Nếu cô gái đặt gánh nước xuống và nói:
“Nước của em gánh là nước thiêng vừa trong vừa ngọt, anh có thể uống cho đã”, như thế có nghĩa là cô gái đã chấp nhận lời tỏ tình. Nếu không đồng ý, cô gái từ chối cho nước uống và chàng trai lúc này chỉ còn cách là đi tìm một cô gái khác.
Một số vùng của người da đỏ ở Brazil, việc tỏ tình hoàn toàn do nữ giới chủ động, cô gái sẽ làm một món ăn ngon nhất, chờ cho chàng trai mình thích đi ngang qua nhà, và trước mặt bố mẹ của mình cô gái sẽ đưa đĩa thức ăn đó cho chàng trai.
Và mẹ cô gái sẽ nói: “Con gái chúng tôi rất sung sướng nếu anh chấp nhận tình yêu và nó được lấy làm chồng”. Chàng trai sẽ vui vẻ nhận đĩa thức ăn và không được biểu lộ điều gì. Nếu đồng ý lấy cô gái, anh ta sẽ mang về ăn hết đĩa thức ăn đó và hôm sau mang trả lại chiếc đĩa không.
Còn nếu từ chối thì cha mẹ hoặc một người thân của chàng trai sẽ phải mang đến tận nhà cô gái trả lại đĩa thức ăn còn nguyên vẹn, không được động đến một miếng nào mới được coi là có lễ nghi và tôn trọng cô gái.
Ý nhị không kém trong việc chấp nhận hay chối từ, những cô gái trên quần đảo Micronesia tại Thái Bình Dương có cách trả lời rất đặc biệt. Khi có chàng trai tỏ tình, cô gái Micronesia sẽ trả lời bằng một hành động rất thú vị.
Nếu đồng ý, cô sẽ cài lên tai phải của mình một bông hoa, ngược lại cô sẽ cài bông hoa lên tai trái hoặc ở trên trán với ý: Em đã có một người đàn ông khác rồi.
Đối với các cô gái Hungary, câu trả lời cho chuyện tình cảm của họ lại thông qua chiếc áo choàng truyền thống Szur. Đây là loại trang phục có một vị trí quan trọng trong đời sống người Hungary.
Hình thức của áo choàng Szur rất phong phú, thay đổi tuỳ từng vùng, những người sống ở bên ngoài khu vực sông Danube, thường mặc áo choàng ngắn, cổ rộng và dài đến tận eo; còn những người sống trong khu vực sông Tisza lại mặc áo choàng cổ nhỏ, dựng lên. Có loại làm bằng chất liệu nỉ nhung, có loại lại làm bằng da.
Các chàng trai Hungary khi muốn tỏ tình với một cô gái, sau khi đến chơi họ phải giả vờ như để quên chiếc áo choàng ở nhà cô gái.
Nếu sau đó chiếc áo được cô gái mang treo ra ngoài cửa nhà của mình thì nghĩa là việc tỏ tình đã thất bại, nếu chiếc áo được giữ lại trong nhà thì chàng trai có thể chuẩn bị dần cho những buổi gặp gỡ chính thức với danh nghĩa là một cặp yêu đương và sẽ tiến tới một lễ đính hôn.
Trên đây chỉ là một số trong muôn vàn cách thức bày tỏ tình yêu trong nền văn hóa các dân tộc trên thế giới, nó cho thấy dù có những khác biệt trong cách thức thể hiện nhưng tất cả đều có một điểm chung là cùng hướng đến việc tìm kiếm lựa chọn một tình yêu đích thực cho cuộc đời mỗi con người.
- Phụng Nam