Những cô bé đi nạo phá thai

06:31, Thứ hai 21/05/2012

( PHUNUTODAY ) - "Bác xin lỗi con, bác buộc phải làm thế này. Con có trách, hãy trách mẹ con chứ đừng theo bác". Tôi đoán là lúc đó, tim thai vẫn còn đập, nếu được chăm sóc đặc biệt, đứa trẻ này vẫn có thể sống. Đau lòng quá!”.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai độ tuổi vị thành niên (15-19 tuổi); mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình trong đời nạo phá thai 2,5 lần; mỗi tuần ở nước ta có 1 phụ nữ chết vì nạo phá thai không an toàn… Những con số này đang góp phần đưa Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á và là một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
[links()]
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam không cấm nạo phá thai, song chính thái độ kì thị của xã hội về tình dục trước hôn nhân là nguyên nhân khiến các bạn trẻ thiếu hụt thông tin về tình dục an toàn, thiếu hiểu biết về tránh thai và hoang mang khi có thai ngoài ý muốn.

Từ những ca phá thai bằng thuốc nguy hiểm…

Phá thai bằng thuốc là cách mà những trẻ vị thành niên nghĩ tới đầu tiên khi cho rằng, mình không phải tới bệnh viện, không phải phơi mặt ra chốn đông người, không phải dùng các thủ thuật ngoại khoa ảnh hưởng tới tử cung…

Song, phá thai bằng thuốc có những chỉ định nghiêm ngặt mà các bác sĩ không thể tự ý kê, vì điều này có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người phụ nữ.

16 tuổi, Thy Ng (Hà Nội) dính bầu. Khi thấy chậm kinh 1 tháng liền, Nga mới mua que thử thai để kiểm tra. Ng gần như choáng váng khi thấy que lên 2 vạch. Vốn được xem là con ngoan, trò giỏi, là niềm hi vọng của ba mẹ, nên Ng không thể nói ra được sự thật này.

“Có lẽ, chỉ khi nào lấy chồng, không sinh được con, họ mới thực sự thấy hối tiếc”
“Có lẽ, chỉ khi nào lấy chồng, không sinh được con, họ mới thực sự thấy hối tiếc”

Ng và bạn trai bàn nhau mua thuốc phá thai. Không ngờ, 3 tuần sau, Ng bị chảy máu ồ ạt, sốt cao, huyết áp tụt… khiến trong đêm, gia đình phải đưa Ng vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Tại đây, các bác sĩ sau khi thăm khám, siêu âm đã kết luận, Ng bị thai chết lưu, để quá lâu trong tử cung dẫn tới thai thối rữa ở bên trong.

Ng. bị mất máu nhiều khi âm đạo vẫn tiếp tục chảy máu, có mùi hôi khó chịu, da xanh rớt, huyết áp tụt chỉ còn 70/40 và buộc phải truyền máu cấp cứu. Lúc này, Ng. mới thú nhận có uống thuốc phá thai cách đây 3 tuần. Xém chút nữa, Ng. phải từ bỏ tính mạng của mình chỉ vì thiếu hiểu biết trong việc sử dụng thuốc phá thai.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng từng cấp cứu cho một bệnh nhân trẻ tuổi ở Thanh Hoá trong tình trạng trụy mạch do phá thai chui. Bệnh nhân có hai tử cung, trong đó một bên bị vỡ và chảy máu.

Nguyên nhân là sau khi phá thai bằng thuốc tại một phòng khám tư gần Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá, bệnh nhân này có biểu hiện trụy mạch. Ngay lập tức, chị được chuyển vào Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá cấp cứu và được chẩn đoán mang thai ngoài tử cung.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng tử cung, có hai tử cung, trong đó một bên đã bị vỡ và chảy máu do phá thai không đúng kĩ thuật.

Nguyên nhân cũng là do thai quá to, 17 tuần tuổi, song vì khám tại phòng khám tư, bị các bác sĩ thiếu hiểu biết tư vấn, vẫn cho chị phá thai bằng thuốc. Tiến sĩ Lê Hoài Chương, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết:

Bệnh nhân vào viện cấp cứu khi một bên tử cung đã bị vỡ và chảy máu do chịu sức ép của thuốc phá thai. Các bác sĩ phải cắt bỏ tử cung, nếu không bệnh nhân sẽ bị biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Những trường hợp mang họa vì tự ý phá thai bằng thuốc như Ng và bệnh nhân ở Thanh Hóa không phải là hiếm.

Nhiều chị em chọn phương pháp này vì nghĩ nó an toàn, không can thiệp ngoại khoa dẫn tới tổn thương, thủng tử cung… Song, phá thai bằng thuốc không đơn giản chỉ uống thuốc là xong.

Theo quy định của Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc phá thai được chỉ định trong những trường hợp thai dưới 7 tuần tuổi, sau khi siêu âm phải thấy túi thai trong tử cung, tránh trường hợp chửa ngoài dạ con. Song, đối với Ng, do thai đã quá to, uống thuốc phá thai không có tác dụng như mong muốn.

Ngoài ra, việc phá thai bằng thuốc còn cần phải theo dõi sát sao sau đó để xử lý khi có những bất thường như mất máu quá nhiều hay thai bị chết lưu, thai không ra được, tránh dẫn đến nhiễm trùng.

Đáng tiếc là có nhiều ca, trong đó có hai ca kể trên, đã bị những biến chứng đó, suýt ảnh hưởng đến tính mạng.

…Đến việc phải ép đẻ non những thai nhi đã hoàn thiện

Có không ít trường hợp trẻ vị thành niên phát hiện có thai khi đã quá muộn. Thời gian gần đây, báo chí đưa tin nhiều về các ca nữ sinh đẻ con trên lớp như trường hợp ở Nghệ An bất ngờ đau đẻ trong giờ học.

Sau khi đến bệnh viện, cô bé này đã sinh một bé gái nặng 3,1kg. Lại thêm một nữ sinh lớp 10 ở Bến Tre sinh con sau khi được mẹ đưa đi cấp cứu ở bệnh viện vì tưởng đau... ruột thừa. Và biết bao nhiêu ca, bạn gái trẻ bỏ con lại bệnh viện, trong khách sạn…

Song, cũng có không ít những nữ sinh kiên quyết từ bỏ đứa con của mình, kể cả khi đã mang thai 5 - 6 tháng. Và lúc này, các bác sĩ buộc phải ép sẩy thai nhân tạo. Một người mẹ chăm con tại bệnh viện kể lại:

“Lần đấy, có cô gái một thân một mình đến viện với cái bụng lùm lùm. Nhìn đã biết là có thai và thai đã quá to, tầm 6 - 7 tháng. Các bác sĩ thuyết phục mãi để đẻ, song cô gái này khóc lóc, van xin bác sĩ phá thai, vì tương lai cô ấy không thể nuôi con một mình.

Lúc này, các bác sĩ phải kích thích đẻ non. Cô gái trẻ đó đã rất đau đớn, la hét và khóc rất to. Và khi cái thai bị lôi ra, đó đã là một hình hài hoàn thiện, đỏ hỏn. Vị bác sĩ cầm bào thai đó vứt vào cái xô và nói:

"Bác xin lỗi con, bác buộc phải làm thế này. Con có trách, hãy trách mẹ con chứ đừng theo bác". Tôi đoán là lúc đó, tim thai vẫn còn đập, nếu được chăm sóc đặc biệt, đứa trẻ này vẫn có thể sống. Đau lòng quá!”.

Cũng có những nữ sinh đến bỏ cả cái thai gần 7 tháng tuổi, đứa trẻ đó vẫn còn sống sau đó 2h đồng hồ, song người mẹ trẻ đó vẫn phải quay đi vì họ không thể nuôi con. Đó cũng là những ca phá thai kinh hoàng đối với các bác sĩ.

Nếu như hút thai dưới 3 tháng, các bác sĩ chỉ phải chứng kiến những “mảnh vỡ” chưa thành hình hài thì việc đỡ cho các ca sẩy thai này là chứng kiến những hài nhi đã hoàn thiện nhưng bé xíu và chịu một cái chết oan nghiệt.

“Tôi luôn có cảm giác bồng bềnh, buốt dọc sống lưng mỗi khi đỡ cho những hài nhi xấu số này. Việc dùng thuốc làm bong thai, cắt đi nguồn dinh dưỡng giữa mẹ và con nên phần lớn các trẻ này đều đã chết trong bụng mẹ.

Nhưng cũng có vài đứa trẻ được đẻ ra nhanh quá, vẫn còn thoi thóp, nhưng chỉ ra nhịp thở cuối cùng, rồi sau đó “đi” luôn. Có muốn cứu cũng không được vì bé mới chỉ nặng xấp xỉ 400gr”.

“Là phụ nữ, tôi thấy chạnh lòng vô cùng cho những đứa trẻ xấu số. Những đứa trẻ khác ra đời được nâng niu, trân trọng, yêu thương đến thế. Còn những đứa trẻ này, 20 đến 22 tuần, đầy đủ hình hài, hoàn thiện rồi, là con búp bê nhỏ rồi nhưng phải chết. Cái chết này thực là oan nghiệt” – bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, giám đốc Trung tâm Kế hoạch hoá gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tâm sự.

Có thời điểm, mỗi ngày BS Minh phải đỡ 4 - 5 đứa trẻ phải chết tức tưởi như thế. Và đồng nghĩa với nhiều đêm BS mất ngủ vì trong lòng nặng trĩu ưu tư. Có không ít bác sĩ phải tìm sự tĩnh tâm trong cõi Phật, chăm đi lễ chùa để lòng mình thanh thản hơn.

Vô tư hay vô tâm khi nạo phá thai nhiều lần?

Một trong những nỗi ngán ngẩm của các bác sĩ là phải chứng kiến những cảnh không ít các cô gái trẻ, còn là sinh viên, trở đi trở lại phòng đình chỉ thai 2 - 3 lần.

Có những cô đến, mặt mũi tỉnh bơ, miệng nhai kẹo cao su, tay chơi game trên máy điện thoại chờ đến lượt. Với họ, việc phá thai không còn là quá đau đớn, dằn vặt, mà như một lần đi tiêm, đi khám bình thường.

Một vị bác sĩ ở Quảng Bình chia sẻ: “Có một số em đến phá thai 2 - 3 lần, đến nỗi bác sĩ quen mặt. Hỏi thì chỉ bảo cháu không làm chủ được, anh ấy không thích sử dụng bao cao su. Tôi hỏi xem còn biết biện pháp tránh thai nào nữa không thì lắc đầu”.

Một số em cho biết, họ không cảm thấy quá đau khi phá thai, nên xem mọi việc là bình thường, không ít trong số đó hồn nhiên để dính bầu và đi phá 3 - 4 lần trong năm.

“Có lẽ, chỉ khi nào lấy chồng, không sinh được con, họ mới thực sự thấy hối tiếc” - bác sĩ Bùi Thị Chút, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ với báo chí - “Trót lỡ một lần thì còn có thể thông cảm, nhưng lỡ đến 2 - 3 lần, phải phá thai thì thật đáng trách.

Tôi không có ý phê phán chuyện quan hệ tình dục của giới trẻ, cũng không khuyên nên giữ thai trong khi bản thân chưa đủ điều kiện để chăm sóc tốt cho đứa trẻ. Thế nhưng chỉ cần có ý thức hơn một chút, sử dụng biện pháp tránh thai thì có lẽ đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra”.

Kỳ II: Xót lòng những cô bé đi nạo phá thai

  • Hứa Bích
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc