Những cuộc tình vụng trộm của các thánh nữ Nhật Bản thời cổ đại

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Thế nhưng, là những người con gái đương độ xuân thì, đã có không ít những trường hợp các vị “thánh nữ” này đã “vượt rào” để đi theo tiếng gọi của tình yêu…

 (Phunutoday) - Theo những ghi chép của “Nhật Bản thư kỷ” cũng như nhiều bộ chính sử khác của Nhật Bản còn được lưu lại tới ngày nay thì người quản lý việc thờ cúng tại Thần cung, đền thờ Thiên Chiếu Đại Thần và thần xã tắc đều là những cô công chúa chưa chồng của hoàng thất. Họ được gọi là các thánh nữ hay “Trai vương” và là người thay mặt hoàng thất thờ phụng các thần linh với những quy chế cực kỳ nghiêm ngặt. Thế nhưng, là những người con gái đương độ xuân thì, đã có không ít những trường hợp các vị “thánh nữ” này đã “vượt rào” để đi theo tiếng gọi của tình yêu…

1. Chế độ “Trai vương” trong tiếng Nhật gọi là Saio bắt đầu thời Thiên hoàng Tammu (631 - 668). Sau khi giành được vương vị, Thiên hoàng Tammu đã đưa cô con gái của mình là công chúa Oku tới Thần cung Ise trông coi việc tế tự tại đây. Oku cũng trở thành “Trai vương” đầu tiên trong lịch sử 660 năm của chế độ này tại nước Nhật. 

Kể từ công chúa Oku trở về sau, mỗi lần một Thiên hoàng mới đăng cơ lại cử một công chúa chưa chồng, có thể là em gái hoặc con gái của mình tới Thần cung đảm nhận vai trò “Trai vương”. Tuy nhiên, cũng chính Oku đã mở đầu cho tiền lệ “vụng trộm” của các vị thánh nữ Nhật Bản thời cổ đại. 

Công chúa Oku sinh năm 661 khi chiếc thuyền của Hoàng hậu Saimei, vợ của Thiên hoàng Tammu mẹ cô đi qua vùng biển Oku. Cái tên Oku của cô chính là tên của vùng biển nơi cô được sinh ra. Ba năm sau đó, Hoàng hậu Saimei sinh thêm một hoàng tử tên là Otsu, người sau này trở thành người tình của Oku. Bốn năm sau đó, khi công chúa Oku lên 7, Hoàng hậu Saimei qua đời. Năm 674, khi cha cô lên ngôi Thiên hoàng, mới 12 tuổi, công chúa Oku đã được đưa tới Thần cung Ise để trở thành một “Trai vương”, trông coi việc lễ tế tại nơi đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em trai của Oku, hoàng tử Otsu rất được Thiên hoàng Tammu yêu quý, vì vậy nhiều người tin rằng, Otsu sẽ trở thành người kế thừa ngôi vị Thiên hoàng. Cho tới năm 668, khi Thiên hoàng Tammu hấp hối trên giường bệnh thì hoàng tử Otsu đã bí mật tìm tới Ise để gặp công chúa Oku. 

Nhiều người nói rằng, hoàng tử Otsu tới đây để thông báo với chị mình rằng, mình có thể trở thành người kế vị ngai vàng sau khi Thiên hoàng Tammu qua đời. Tuy nhiên, việc Otsu bí mật tìm tới nơi dành riêng cho thánh nữ trong thời điểm “nhạy cảm” như vậy đã khiến nhiều người tin rằng, giữa hoàng tử Otsu và công chúa Oku đã nảy sinh một mối quan hệ đặc biệt. 

Vào thời cổ đại, Nhật Bản không hề cấm đoán chuyện hôn nhân cận huyết thống. Thậm chí chế độ hôn nhân nội tộc được hoàng thất Nhật Bản áp dụng như một biện pháp bảo vệ sự thuần khiết của dòng máu hoàng tộc. Vì vậy, chuyện giữa hoàng tử Otsu và công chúa Oku có nảy sinh tìm cảm nam nữ thì cũng chẳng phải là chuyện gì lạ thường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Oku đang là một thánh nữ đảm nhiệm việc tế lễ ở Thần cung, đền thờ Thiên Chiếu Đại Thần, vị thần linh được kính trọng nhất tại Nhật Bản. Việc một thánh nữ không giữ gìn được “mình ngọc” là một điều khó có thể chấp nhận. 

Một trong những “bằng chứng không thể chối cãi” của cuộc tình này, chính là bài thơ “Hoàng tử Otsu trộm tới Thần cung Ise” do chính công chúa Oku làm được ghi chép trong Vạn Diệp tập, tuyển tập thi ca nổi tiếng thời cổ đại của Nhật Bản. 

Người ta nói rằng, bài thơ mà công chúa Oku làm ra không phải là một bài thơ “tống biệt” thông thường mà là một bài tình ca. Do vậy, chắc chắn giữa hai người là một mối quan hệ đặc biệt. Tuy nhiên, giả như câu chuyện tình lãng mạn này là có thực thì kết thúc của nó lại là một tấn bi kịch chứ không hề có hậu như người ta vẫn mong đợi.
f
Trang phục của một thánh nữ

Sau khi Thiên hoàng Tammu qua đời, Hoàng hậu Sarana, người khi đó đang nắm những quyền lực to lớn trong triều đình tuyên bố rằng, con của bà, hoàng tử Kusakabe mới xứng đáng là người kế thừa Thiên hoàng. Để loại trừ đối thủ của con trai, Hoàng hậu tuyên bố, hoàng tử Otsu đang lên một kế hoạch mưu phản nhằm chống lại triều đình. 

Không kịp trở tay, hoàng tử Otsu bị bắt vào ngày 10/2/668 và bị bức treo cổ cùng trong năm đó. Nghe tin người em trai của mình bị giết chết Oku đã cực kỳ bàng hoàng. Tuy nhiên, bị kịch chưa phải đã hết. Cô bị phế truất khỏi ngôi vị “Trai vương” trong cùng năm đó. Vì vậy, cuối năm 686, Oku trở về kinh đô sau 13 năm đảm nhiệm vai trò một thánh nữ. Từ đó trở về sau, không còn nhiều ghi chép liên quan tới công chúa Oku, tuy nhiên, người ta nói rằng Oku không bao giờ kết hôn cho tới khi cô qua đời năm 41 tuổi.

2. Ngoài chuyện tình gây tranh cãi của thánh nữ Oku, sử sách Nhật Bản còn lưu truyền không ít những chuyện tình vụng trộm của các nữ tu đảm nhận vai trò thánh nữ trong Thần cung.
Một trong những câu chuyện tình nổi tiếng của thánh nữ trong Thần cung được sách “Y Thế vật ngữ” có chép rằng, Nguyên Nghiệp Bình, sống vào khoảng thế kỷ thứ 9, là một người đàn ông khôi ngô tuấn tú và rất giỏi văn thơ ca phú.

 Tuy nhiên, Nguyên Nghiệp Bình lại ỷ vào tài năng của mình sống rất phóng đãng và háo sắc. Trên thực tế, Nguyên Nghiệp Bình là con cháu hoàng thất đã thoát ly. Cha của anh ta là hoàng tử con của Thiên hoàng Heizei, mẹ Nguyên Nghiệp Bình là con gái của Thiên hoàng Kammu. 

Khi Nguyên Nghiệp Bình được phong chức quan chuyên trông coi việc săn bắn của hoàng thất, anh ta đã tới Ise. Tại đây, có một công chúa đang tu hành tại Thần cung. Mẹ của công chúa này biết chuyện Nguyên Nghiệp Bình sẽ tới, mới nói với con gái của mình rằng: “Con phải đối đãi thật tốt với vị quan này”. Vì vậy, cô công chúa đang tu hành đã đối đãi với Nguyên Nghiệp Bình hết sức thân mật, với hy vọng một ngày kia xuất cung trở thành vợ của anh ta. Vì vậy trong thời gian Nguyên Nghiệp Bình ở Ise, công chúa đã sắp xếp để anh ta ra ngoài săn bắn từ sáng sớm, đến chiều trở về thì mời đến cung điện của mình ở. 

Vốn tính háo sắc, nên khi có cơ hội gần gũi cô công chúa xinh đẹp, Nguyên Nghiệp Bình đã quyết định bày tỏ tình yêu của mình. Hai người đã cùng nhau thề nguyền, hẹn ước sẽ không sống mà không có nhau. 
Thần cung
Thần cung

Công chúa biết mình là phận nữ tu tuy phải giữ gìn thanh danh cho hoàng tộc, nhưng bản thân lại không thể tự kiềm chế được nên không có cách nào từ chối Nguyên Nghiệp Bình. Tuy nhiên, tại nơi công chúa tu hành, rất nhiều người qua lại, để ý nên việc hai người thường xuyên gặp gỡ, ân ái là cực kỳ không tiện. Vì vậy, vào một đêm thanh vắng, công chúa len lén rời khỏi tu viện tới phòng của Nguyên Nghiệp Bình. 

Lúc đó, Nguyên Nghiệp Bình còn đang ngồi trong phòng tương tư công chúa thì đột nhiên nghe tiếng gọi cửa. Ngước mắt nhìn ra ngoài, Nguyên Nghiệp Bình thấy một đứa trẻ, phía sau đứa trẻ là công chúa mà anh ta đang nhớ thương. Vui mừng khôn xiết, Nguyên Nghiệp Bình đẩy cửa, kéo công chúa vào phòng mình. 

Từ lúc đó cho tới khi trời gần sáng, hai người ân ái mặn nồng. Đến khi thức giấc, công chúa vội vã trở về Thần cung, không kịp nói với nhau lời nào. Công chúa đi rồi, Nguyên Nghiêp Bình lại ngồi than thở sầu não vì thời gian ở bên nhau quá ngắn ngủi.

Đêm thứ 2, Nguyên Nghiệp Bình đã đốt đèn từ rất sớm chờ đợi người tình. Tuy nhiên đợi mãi mà không thấy công chúa tới, lại không thể sai người sang hỏi nên Nguyên Nghiệp Bình chỉ đành ngồi đợi, lòng nóng như lửa đốt. Cho đến khi trời gần sáng, công chúa mới sai một đứa trẻ mang tới một bức thư. 

Nguyên Nghiệp Bình mở vội bức thư, trong thư viết rằng, tối qua không thể ra ngoài, hẹn chàng tối nay sẽ tới. Nguyên Nghiệp Bình buồn bã viết thư trả lời, hẹn rằng mình nhất định sẽ đợi. Tuy nhiên, không may mắn cho cặp tình nhân vụng trộm, ngày hôm đó, thái thú của Ise nghe tin đặc sứ của Thiên hoàng tới đây đã mời tới phủ của mình mở tiệc thâu đêm. 

Nguyên Nghiệp Bình không thể từ chối, ngồi uống rượu với quan thái thú mà lòng như lửa đốt. Điều Nguyên Nghiệp Bình lo lắng chính là, sáng ngày mai, theo lịch trình đã được sắp xếp từ trước, anh ta sẽ phải rời khỏi Ise để sang một vùng khác. Nếu như tối nay không gặp được người tình trong mộng thì chắc chắn họ sẽ khó có cơ hội để gặp lại nhau lần nữa. 

Sáng sớm hôm sau, khi Nguyên Nghiệp Bình chuẩn bị lên đường thì công chúa lại một lần nữa sai đứa trẻ mang thư tới. Trong thư, công chúa trách móc Nguyên Nghiệp Bình thất hẹn. Nguyên Nghiệp Bình cũng không còn cách nào khác, viết một câu vào bức thư “Trèo núi, vượt biển cũng sẽ có ngày gặp lại”. Viết xong đưa cho cậu bé mang trở về rồi lên đường rời khỏi Ise trong nỗi tương tư. 

Đã từng có thời người ta cực lực lên án những câu chuyện thuộc diện “đồi phong bại tục” như trên. Song xét cho đến cùng, dù xuất thân từ tầng lớp quý tộc thì các công chúa hay thánh nữ cũng giống như những người con gái bình thường khác, nghĩa là cũng có ham muốn bình thường của con người. Vì vậy, nếu như họ có “vượt rào” để đi theo tiếng gọi của tình yêu âu cũng là chuyện thường tình.

  • Cù Thăng
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn