Sau khi triều đại phong kiến sụp đổ, từ người lái xe cho Vua, ông cùng với gia đình theo kháng chiến đi trọn cuộc trường chinh của dân tộc.
Tôi đến khu tập thể Xã Tắc tìm ông Nguyễn Như Đào vào một chiều Huế mưa tầm tã. Trong căn phòng nhỏ chưa đầy chục mét vuông nhưng vô cùng sạch sẽ, ông Đào sống một mình đơn chiếc. Tuổi cao, sức yếu song trí nhớ vẫn còn minh mẫn lắm. Sau khi biết mục đích cuộc viếng thăm của tôi, ông đã vui vẻ kể lại những kỷ niệm năm tháng cùng Vua xuôi ngược khắp kinh kỳ.
Ông Nguyễn Như Đào chia sẻ, sở dĩ ông có được
may mắn là lái xe riêng cho Vua Bảo Đại bởi gia đình ông xuất phát từ thành phần quan lại, sớm được hưởng bổng lộc của triều đình. Ông nội là Nguyễn Như Bình trước đây làm quan tại Khâm Thiên giám và được phong là Hồng lâu tự khanh. Cha là Nguyễn Như Xán làm quan Thị vệ trong cung Đại Nội từ thời Vua Khải Định (Ngũ đẳng thị vệ điện Cần Thành và điện Cần Chánh). Tuổi thơ của Nguyễn Như Đào và những người em cũng vì thế mà trôi qua yên ả bên chốn cung đình. Sinh năm 1916, khi đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Như Đào được cha đưa vào cung làm thị vệ. Nhưng với vóc dáng khỏe mạnh, rắn chắc và thanh thoát nên ông Đào được triều đình chọn học lái xe để phục vụ Vua Bảo Đại.
Trong ký ức của người tài xế năm xưa, ông Nguyễn Như Đào cho hay, thời ấy Vua Bảo Đại có một đội xe toàn loại sang, có cái mua nhưng cũng có nhiều cái được gửi tặng từ nước ngoài về. Trong đó, có rất nhiều dòng xe rất xịn như Ford, Packard, Mercury hay Cadillac. Nhà Vua rất nghiêm túc ngay cả trong việc phân loại xe. Với Hoàng đế, xe nào dùng để đi giao thiệp, thăm thú hay vi hành, xe nào chỉ chuyên dụng vào việc ra ngoài thành thư giãn.
Hồi ấy, Bảo Đại rất thích săn bắn nên thường hay lên Đà Lạt, Buôn Mê Thuột để săn muông thú. Mỗi lần đi, Vua chỉ
mang theo vài cận vệ. Vua không thích ngủ dọc đường nên thường bảo lái xe chạy một mạch từ Huế lên Đà Lạt. Đến nơi, Vua cưỡi voi vào rừng săn bắn. Buổi chiều Vua thường đá bóng với đám thị vệ và lính, quan ở địa phương. Những hồi ức về vị Vua ấy đến bây giờ ông Đào vẫn nhớ nguyên vẹn, và thậm chí là nhớ nhiều hơn bởi chính trong những lần chở Vua đi săn ở xa kinh thành, ông đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
|
Ông Đào (ngoài cùng bên trái) lúc lái xe ở Cục Vận tải. |
Ông Đào bồi hồi nhớ lại, thuở ấy trong cung có cả một đội xe của nhà Vua và triều đình. Chính xác thì năm 17 tuổi, ông đã được tuyển lựa vào đội ngũ lái xe và trước khi chính thức ngồi sau vô lăng, ông cùng những người khác phải trải qua một khóa đào tạo tương đối bài bản. Không chỉ học lái xe mà học cả về máy móc, động cơ, người tài xế vừa lái xe vừa là thợ máy sửa chữa, học mất ba năm thì ông được chọn vào đội tài xế của nhà Vua. Hồi ấy, đội xe của triều đình có nhiều tài xế, riêng nhà Vua có ba lái xe phục vụ.
Ngoài ông Đào còn có hai người khác tên Vỹ và Cảnh. Tuy vậy, ông Đào vốn trẻ, lại đẹp trai và lái xe giỏi nên rất được Vua Bảo Đại trọng dụng và chọn làm tài xế cho Vua và bà Nam Phương Hoàng hậu từ năm 1936 đến cuối năm 1945.
Ngày ngày, vào những ngày trời mưa, ông thường chở Vua Bảo Đại đi đánh tennis tại Tây Lộc (khu vực sân bay Tây Lộc sau này). Những ngày trời nắng thì Bảo Đại đánh tennis ở trong Đại Nội, rồi đánh golf ở Dạ Lê hoặc đi câu cá những lúc chiều tà trên sông Hương. Ngoài ra, cũng rất nhiều lần ông lái xe chở Vua và Hoàng hậu đi xa để tìm thú vui tiêu khiển, đặc biệt là những chuyến săn bắn trên vùng đất Tây Nguyên.
Vài kỷ niệm thú vị về Vua Bảo Đại Ông Nguyễn Như Đào bồi hồi, 15 năm thân cận bên Vua, ông cũng như anh em tài xế khác có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng với riêng bản thân ông, chuyện đưa ôtô sang Pháp và lái xe cho Vua Bảo Đại trong thời gian chữa bệnh tại Paris vào năm 1939 hay chuyện lái xe cho Vua trong dịp lễ Vua thoái vị rồi lái xe cho bà Nam Phương đi đóng góp quỹ ủng hộ Chính phủ VNDCCH trong “Tuần lễ vàng” tại Huế là những chuyện cảm động, kỷ niệm đi liền với thời gian và năm tháng làm tài xế của ông.
Hồi ấy, Bảo Đại là ông Vua mê săn bắn như điếu đổ. Hầu như tuần nào, tháng nào, Vua cũng rời kinh thành để tìm thú vui tiêu khiển trong chốn thâm sơn cùng cốc. Địa điểm được Vua ưa chọn nhất là vùng đất Tây Nguyên, lắm thú nhiều chim. Đường từ Huế lên cao nguyên tuy xa nhưng xe cộ thưa thớt, mỗi lần đi thường chạy một mạch từ Huế lên Đà Lạt không nghỉ đêm. Mà trong những chuyến đi xa như vậy, Vua và Hoàng hậu chỉ thích mỗi ông Đào làm tài xế, vì tính Vua không thích đông người.
|
Vợ chồng ông Đào lúc trẻ. |
Trong những chuyến đi săn ấy, ông vẫn còn nhớ như in cái dạo nhà Vua đi săn ở Buôn
Ma Thuột bị gãy chân. Nguyên do, sau một ngày đi săn vất vả nhưng thu được khá nhiều chiến lợi phẩm, Vua đã cởi bỏ áo quần để xuống sân đá bóng với tùy tùng và quan lại địa phương. Trận đấu ấy ông Đào không tham gia mà chỉ đứng ngoài quan sát nên nhớ rất rõ. Mỗi bên chia làm 5 người, quan lại địa phương thi đấu với triều đình.
Lúc đầu, mọi người đang e dè nên trận đấu vô cùng tẻ nhạt, chỉ sau khi đội triều đình ghi được bàn thắng thì trận đấu mới có lửa. Dường như, tinh thần thể thao đã lấn át phận Vua tôi, mọi người xông vào tranh cướp tưng bừng và hậu quả là trong một lần tranh cướp bóng, nhà Vua bị chèn ép, ngã vật ra đất. Mọi người hồn vía lên mây khi hay tin, Vua đã bị gãy chân.
Sự việc xảy ra quá nhanh, Nguyễn Như Đào vội vã thu xếp hành lý để chở Vua về Sài Gòn chữa trị ngay trong đêm. Về nhà thương Sài Gòn băng bó tạm, rồi Vua và Hoàng hậu Nam Phương quyết định đi máy bay sang Pháp để chữa trị. Một mình ông Đào lại đánh xe ra Huế lo liệu việc đưa xe ôtô riêng của Vua xuống tàu sang Pháp bằng đường thuỷ để phục vụ công tác đi lại ở bên đó. Ông Đào cho hay, đó là “Ngài” thích như vậy chứ thực ra ở Pháp cũng không thiếu gì phương tiện đi lại. Dịp ấy là vào năm 1939, đúng vào lúc nước Pháp đang trong hoàn cảnh thế chiến thứ II nổ ra, nên ông cùng Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương chỉ ở được một thời gian ngắn rồi phải về nước.
Một kỷ niệm khác không thể không nhắc tới, đó cũng là nguyên do dẫn ông và gia đình đến với cách mạng sau này. Ấy là chuyện ông lái xe cho Vua Bảo Đại trong dịp lễ Vua thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ VNDCCH.
Chiều ngày 30/8/1945, ông Nguyễn Như Đào được lệnh chở Vua Bảo Đại trên chiếc xe Nash đến Ngọ Môn để dự lễ thoái vị của nhà Vua tại lầu Ngũ Phụng. Ông Đào bâng khuâng, hôm đó Vua Bảo Đại mặc triều phục đại lễ, chiếc áo hoàng bào màu vàng, đội khăn đóng màu vàng, đi giày cườm màu vàng. Nhìn vào, hẳn không ai nghĩ rằng đó lại là những giây phút cuối cùng của một vị Hoàng đế bởi trông nhà Vua vẫn rất oai phong, lẫm liệt.
Ông Đào cho biết thêm, cái oai phong ấy không phải của một ông Vua sắp rời khỏi ngai vàng mà là thể hiện chí khí của một người vì dân, vì nước. Câu nói “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ” của nhà Vua chính là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần ấy.
|
Ông Nguyễn Như Đào với những kỷ niệm cũ |
Hôm ấy, tại quảng trường Ngọ Môn, lễ tuyên bố thoái vị của nhà Vua và thủ tục trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu -Trưởng đoàn Đại diện Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào tiếp nhận được tiến hành khoảng chừng hơn 30 phút. Người dân đến dự rất đông và ủng hộ việc làm dũng khí của nhà Vua.
Sau khi tan lễ, ông Vĩnh Thụy vui vẻ, vẫy tay chào tạm biệt quốc dân đồng bào rồi lặng lẽ rút lui xuống dưới phía sau lễ đài, vui vẻ cởi bỏ
trang phục triều đình. Ngài chỉ giữ lại duy nhất chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng do Đại diện của Chính phủ VNDCCH trao tặng. Ngài cài lên ngực áo vét, đến ngồi vào chiếc xe Nash, sau đó đích thân Nguyễn Hữu Đào lái xe về điện Kiến Trung để Bảo Đại nghỉ ngơi trước khi chuyển về cung An Định với gia đình.
Về sau, khi nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thụy ra làm Cố vấn cho Chính phủ cách mạng, ông Cố vấn đã vui vẻ nhận lời và ra thủ đô. Còn gia quyến vẫn ở lại tại cung An Định và ông Đào vẫn được giữ lại để tiếp tục lái xe cho gia đình Cố vấn Vĩnh Thụy thêm một thời gian nữa trước khi về hẳn để đi theo cách mạng.
Cũng liên quan đến những lần làm tài xế riêng cho gia quyến Vua Bảo Đại, có một kỷ niệm khá thú vị đã đi cùng năm tháng với ông Đào, ấy là dịp lái xe chở bà Nam Phương lúc ấy vừa rời ngôi vị đương kim Hoàng hậu đi đóng góp quỹ ủng hộ cho Chính phủ VNDCCH trong “Tuần lễ vàng” tại Huế. Không nhớ rõ ấy là ngày nào, tháng nào nhưng diễn biến của ngày đáng nhớ ấy thì ông Nguyễn Hữu Đào vẫn chẳng thể quên.
Ông nhớ lại, vào một buổi sáng mùa thu, trời se nắng, ông được lệnh đến cung An Định đón bà Nam Phương đi ủng hộ “Tuần lễ vàng”. Khác với mọi ngày, hôm đó bà mặc
áo dài và trang điểm rất đẹp, cổ đeo vòng kiềng vàng, xuyến vàng và hoa tai vàng. Trông xa bà Hoàng Nam Phương chẳng khác gì một
cô gái Huế e ấp trong tà
áo dài truyền thống.
“Tôi đưa bà ấy đến chỗ tổ chức lễ quyên góp tại vườn hoa Tứ Tượng (bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền). Bà xuống xe, thong thả đến bàn lạc quyên. Ban Tổ chức vui vẻ, trân trọng đón Hoàng hậu (thời điểm ấy người dân và chính quyền vẫn coi bà như Quốc mẫu của đất nước) và mời bà ngồi vào ghế. Mọi người đều nhìn bà Nam Phương một cách thán phục.
Sau đó đến lượt bà lên ủng hộ. Bà vui vẻ nhìn mọi người xung quanh rồi đưa tay gỡ vòng kiềng vàng, xuyến vàng, dây chuyền vàng, hoa tai vàng
mang theo bỏ vào thùng lạc quyên. Hành động ấy khiến cho ai cũng ngỡ ngàng, thán phục, kể cả người tài xế đang ngồi trong xe bởi không ai nghĩ rằng, cách làm từ thiện của một Quốc mẫu lại giản đơn nhưng tinh tế đến lạ kỳ như vậy. Sau khi bà Hoàng Nam Phương ra về, nhiều tràng pháo tay rền vang còn với theo.
Động thái cử chỉ tinh tế ấy của bà Nam Phương, gỡ từng vật quý đang trang điểm cá nhân của mình để ủng hộ cho Chính phủ đang lúc thiếu thốn công quỹ đã làm cho tôi và đồng bào, cán bộ có mặt hôm đó rất cảm kích tinh thần yêu nước của một bà Hoàng ”, ông Đào xa xăm hồi tưởng.
Trở lại những câu chuyện về Hoàng đế Bảo Đại mà ông được diện kiến, chuyện xảy ra ngay ngày Nhật - Pháp bắn nhau cũng là một ký ức không quên về vị Vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Hôm ấy là ngày 9/3, Nhật đảo chính Pháp, đất nước trước cơn rối ren cùng cực nhưng Vua Bảo Đại lại đang mải đi săn ở một cánh rừng thuộc vùng Khe Sanh, huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị.
Nhật tràn vào Huế nhưng chẳng thấy “thủ lĩnh” đâu, chúng điên tiết lùng sục khắp nơi và khi hay tin nhà Vua đang mải miết với muông thú trên rừng liền cử ngay một đơn vị lính Nhật lên tìm để đón ông về Huế. Tuy vậy, dường như lúc này với Vĩnh Thụy thì Nhật hay Pháp thì cũng chẳng làm Ngài bận tâm bởi sau khi bị “điệu” từ Quảng Trị về Huế, ngay ngày hôm sau nhà Vua lại sai lái xe Nguyễn Hữu Đào chở đi Touranne (
Đà Nẵng) để nghỉ mát.
“Vua Bảo Đại và bà Hoàng Nam Phương giản dị lắm!” 15 năm thân cận bên Vua và Hoàng hậu, ông Nguyễn Như Đào là người
may mắn biết được khá nhiều chuyện thú vị lẫn biến cố xảy ra trong cuộc đời của Vua cũng như cuộc sống chốn cung cấm những năm cuối đời. Theo ông Đào, cả Vĩnh Thụy lẫn bà Nam Phương đều rất hiền lành, dễ tính. Vua Bảo Đại là người đàng hoàng, phóng khoáng tự nhiên, không kiêu ngạo, quan cách, hống hách như một số quan lại khác trong triều. Là người đứng đầu triều chính của một đất nước nhưng luôn điềm đạm, mọi việc trong triều đình luôn được nhà Vua
xử lý nhanh gọn, vừa thấu tình vừa đạt lý.
Trong công việc, Bảo Đại là một người anh minh, còn ở ngoài đời, Ngài lại thực sự gần gũi. Theo nhận xét chủ quan của ông Đào thì Vĩnh Thụy là người không tham danh vọng quyền hành chính trị mà chỉ quan tâm đến thể thao văn hoá. Thực ra, xét về bối cảnh
lịch sử lúc bấy giờ cũng dễ nhận thấy, Bảo Đại là một người thừa khôn ngoan để hành động như vậy. Nếu nhà Vua tham quan chức tước hẳn không còn cơ hội để trao ấn kiếm bởi lẽ, mọi quyền lực thời ấy đều do thực dân Pháp nắm trong tay.
Cũng như chồng, Hoàng hậu Nam Phương sống cũng rất giản dị, chân tình. Trong cung, bà rất hòa đồng với các cung nữ, nhiều khi còn chỉ bảo đám nữ tỳ các việc lặt vặt mà chúng chưa thuần thục.
Còn mỗi lần ra khỏi thành, bà không ăn mặc diêm dúa mà trang điểm nhẹ nhàng, bận bộ đồ truyền thống của người con gái Huế. Giản dị vậy chứ Nam Phương kỳ thực rất thông minh, lịch lãm và nhạy cảm trong việc đối nhân xử thế. Trong gia tộc, bà con, cũng như đối với đồng bào, đất nước, lúc nào bà cũng chọn cách đối nhân dĩ hòa vi quý khiến cho muôn dân lẫn cận thần ai cũng nể phục.
Từ lái xe của Hoàng đế, trở thành cán bộ kháng chiến Kể từ sau khi ông Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Như Đào ở lại lái xe một thời gian dài cho gia đình nhà Vua rồi mới ra khỏi cung. Sau khi rời cung An Định, ông Đào có ý định ở lại Huế lái xe kiếm sống nhưng lúc đó, chuyện các vị quan to nhà Nguyễn không ngại gian khổ một lòng yêu nước nghe theo Bác Hồ đi kháng chiến cứu quốc như các ông Thái Văn Toản, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại đã làm cho ông Đào cảm kích và kiên quyết ra đi kháng chiến.