Nhờ 1 người bạn vốn là chỗ quen thân với ông, tôi có được số điện thoại của ông. Khác với sự hồi hộp, lo lắng của tôi, ông nói chuyện điện thoại với tôi nhẹ nhàng, nhiệt tình, vui vẻ. Ông cho biết rất sẵn sàng và vui mừng khi có “mấy em nhà báo” ghé nhà thăm ông.
Chan hòa với thiên nhiên
Thế nhưng, lần điện thoại nói chuyện với ông ở trên, tôi chưa thể lên đường gặp ông liền, vì ông đang đi thăm một người đồng đội cũ bị bệnh nằm bệnh viện Thống Nhất - TP.HCM, rồi đi dự họp mặt truyền thống gì đó, phải mấy ngày sau ông mới về. Lần thứ hai tôi điện thoại thì ông lại đang đi trao nhà tình nghĩa cho người dân nghèo bên tỉnh Bến Tre.
Ông không chỉ làm công tác từ thiện ở quê nhà Tiền Giang của mình, mà những địa phương xung quanh cũng từng nặng nợ với ông trong những năm chiến tranh, giờ là lúc ông “trả nợ” ân tình cho cả một đời người. Đến lần điện thoại thứ ba, tôi mới thở phào nhẹ nhõm khi đầu dây bên kia giọng ông Tư Bốn vui vẻ: “Tuần này anh rảnh, ở nhà, chưa có kế hoạch đi đâu hết…Ngày mai mấy em đến giác 10 giờ thì vừa, mình ngồi nói chuyện tới trưa rồi mời mấy em nhậu với anh chị Tư ít ly rượu”.
Ngày 15.4.2001, theo hẹn với ông, tôi cùng 1 đồng nghiệp ở Báo tiền Phong khởi hành từ TP.HCM bằng xe gắn máy lúc 6g30 sáng trực chỉ hướng TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Đoạn đường QL1A dài 70 cây số giữa 2 đô thị lớn miền Nam bây giờ mật độ xe vẫn còn rất cao dù song song với nó đã có đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương san sẻ đến 70% lượng xe ô tô lưu thông.
Đoạn đường không dài lắm, thế nhưng trong thời gian diễn ra chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, ông Tư Bốn có khi cả tháng mới từ TP.HCM về Tiền Giang thăm vợ con 1 lần.
Chúng tôi đến TP.Mỹ Tho lúc 8g30, ngồi uống cà phê bên lề quốc lộ 50 trước cửa trụ sở Công an tỉnh Tiền Giang để hỏi thăm đường về huyện Chợ Gạo nơi ông Tư Bốn đang sống với gia đình.
Trụ sở Công an tỉnh Tiền Giang rất rộng, nhiều cây xanh, đẹp như là công viên. Chính ông Tư Bốn thời còn làm giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã có công làm cho trụ sở này “xanh, sạch, đẹp” như thế, là trụ sở cơ quan công an đẹp bậc nhất miền Tây thời đó.
Rời TP.Mỹ Tho, chúng tôi đi hơn 10 cây số là đến thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo. Chỉ cái tên thôi đủ cho thấy huyện đồng bằng này đất đai rất màu mỡ, lúa gạo dồi dào, cuộc sống người nông dân no đủ…Đi tiếp hơn 10 cây số, chúng tôi đến xã Thanh Bình quê ông Tư Bốn. Tỉnh Tiền Giang nói chung, huyện Chợ Gạo nói riêng đã đi đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong việc xây dựng giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
![]() |
Trung tướng Tư Bốn – Nguyễn Việt Thành. Ảnh: Tuổi trẻ |
Về nông thôn huyện Chợ Gạo chúng tôi mới tận mắt chứng kiến thành tích đáng khen ngợi đó. Hầu như không còn con đường giao thông đá đỏ hoặc đường đất nào, tất cả các con đường liên xã, liên ấp, đường làng đều đã được nhựa hóa hoặc đổ bê tông kiên cố.
Hỏi thăm mấy người dân nhà trung tướng công an Nguyễn Việt Thành, họ cứ ngây người lạ lẫm, trả lời rằng ở đó không có ai như thế. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi thăm nhà ông Tư Bốn, già trẻ bé lớn tất thảy ai cũng biết. Một em học sinh lớp 5 trước Trường Tiểu học Thanh Bình vừa lễ phép chỉ đường cho chúng tôi thật rành mạch vừa khoe thành tích học giỏi của mình: “Mấy chú qua khỏi cầu Thanh Bình rồi quẹo trái liền, đi theo con đường dal chừng 300 mét là tới ấp Bình Long, nhà ông Tư nằm bên tray phải, có nhiều cây trái. Hồi năm rồi con học giỏi, được ông Tư trao học bổng”.
Con đường làng dẫn vào ấp Bình Long cũng được đổ dal kiên cố, xe 4 bánh có thể vào được. Chúng tôi không khó để tìm ra nhà ông Tư Bốn theo chỉ dẫn của cô học trò nhỏ ngoài xã Thanh Bình. Nhà ông nằm ẩn khuất giữa vườn cây trái sum xuê, bốn bề là đồng lúa đang hồi chín tới. Chúng tôi đến nhà ông sớm hơn 15 phút so với giờ hẹn. Ông ra cổng đón chúng tôi trong trang phục quần sooc, áo thun 3 lổ lấm lem đất. Ông vẫn như ngày nào với vóc dáng cao gầy, cái lưng hơi khom, khuôn mặt lạnh và hiền với nhiều vết “rỗ” hậu quả của 1 lần bị bệnh “trái rạ” thời nhỏ.
Ông bắt tay chúng tôi thật chặt và nói nhỏ nhẹ: “Anh Tư rất vui và cảm động khi mấy em không quản đường xa đến đây thăm anh chị Tư. Thôi vô nhà rửa mặt, uống nước cho khỏe rồi nói chuyện”. Ông cho biết mình đang cùng mấy đứa cháu kéo cá lóc, cá rô dưới ao nhà lên để làm cơm trưa đãi chúng tôi. Khi thấy chúng tôi đến chỉ có 2 người, ông tiếc rẻ nói: “Sao mấy em không rủ thêm nhiều anh em đi cho vui. Đi đường xa chắc mệt lắm hả mấy em?”.
Chúng tôi quan sát ngôi nhà của 1 vị tướng không chỉ nổi tiếng trong nước. Nhà ông không khác nhiều nhà dân ở nông thôn huyện Chợ Gạo mà chúng tôi thấy trên đường đi - nhà trệt nhiều căn rộng rãi, xung quanh trồng nhiều cây ăn trái, xen kẻ là ao nuôi cá, ở cuối vườn có chuồng trại chăn nuôi.
Nhà ông cất theo cái kiểu mùa nào cũng đón được gió trời, khi chúng tôi đến là vào giữa mùa khô mà không khí trong nhà vẫn mát dịu, gió lồng lộng. Chỉ cần bước ra khỏi hiên nhà 1 bước là chúng tôi đụng cây trái, thậm chí người bạn đồng nghiệp của tôi thử nằm trên võng trong nhà cũng cò thể đưa tay hái bưởi, hái mận ăn.
Nhà ông mắc nhiều võng, ở trước hiên nhà cũng có, dọc theo hàng cột bên hông nhà cũng có, dưới nhà ăn 2 – 3 cái, tổng cộng 5 – 6 chiếc võng mới có mà bạc màu sương gió cũng có. Ông cho biết, ông có thói quen nằm võng từ những năm đi kháng chiến, sau này làm giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang và khi về TPHCM làm Phó Tổng Cục trưởng TCCS Phía Nam, lúc nào ông cũng kè kè chiếc võng bên mình để khi cần nằm nghỉ thì buộc dây võng vào 2 cây cột, thân cây nào đó.
Trong thời gian chờ đợi ông tắm rửa, thay đồ, chúng tôi tranh thủ đi lang thang khắp khu vườn rộng hơn 2.000m2 của ông. Trong vườn nhà ông trồng đủ các loại cây ăn trái đặc trưng của “vương quốc trái cây” Tiền Giang như vú sữa, xoài, bưởi, chuối, mít,….
Khu vườn rộng, cây trái đều xanh tươi, say quả. Chúng tôi không thấy chiếc lá sâu nào trên cây, trên mặt đất cũng không 1 chiếc lá khô, không 1 cành cây khô gãy, chứng tỏ chủ nhân khu vườn là người rất kỹ tính, hàng ngày chăm sóc vườn cây, quét dọn khu vườn chu đáo. Chúng tôi cứ tưởng vợ chồng ông Tư Bốn có con cháu ở chung hoặc mướn người chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược.
![]() |
Trung tướng Tư Bốn – Nguyễn Việt Thành bên cháu. Ảnh: Tiền phong |
Nhưng sau đó, gặp bà Phan Thị Chín – vợ ông Tư Bốn – ở chuồng trại nuôi heo ở góc vườn, bà vừa cho heo ăn vừa kể về “gia cảnh” của mình: “Anh chị Tư có 3 đứa con, hai trai 1 gái. Hai đứa con trai làm trong ngành công an tỉnh Tiền Giang, đều có gia đình, sống ở TP.Mỹ Tho. Đứa con gái cùng chồng làm bác sĩ ở TP.HCM. Thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần các con, cháu nội, ngoại mới về đây thăm anh chị. Ở đây chỏ có 2 vợ chồng già, phải tự lo hết mọi chuyện. Hàng ngày chị lo bầy heo, cơm nước, quét dọn nhà cửa, còn anh Tư mấy em lo chăm sóc vườn cây, ao cá…”.
Còn một chữ TÂM
Nhà ông Tư Bốn cất không cao, cả nền và mái nhà, nền nhà chỉ cao hơn mặt đất ngoài vườn độ 2 tấc, còn mái nhà bị che khuất bởi những tàng cây trong vườn. Trong nhà ông hầu hết đồ đạc, vật dụng đều làm bằng gỗ, từ những bộ ván, giường, tủ, bàn ghế, chiếc ghế bố, cả những chiếc khung lộng hình ảnh cũng bằng gỗ theo kiểu xưa. Trong nhà trước, ngoài bàn thờ gia tiên, ở những nơi trang trọng nhất còn lại ông dành để đặt ảnh Bác Hồ và đặt 2 bức thư pháp vẽ chữ TÂM rất đẹp.
Ông cho biết, hai bức thư pháp ấy do bạn bè, người thân tặng ông trong dịp mừng thọ cách đây mấy năm. Trong cả cuộc đời rất phong phú của mình, ông nhận rất nhiều hình ảnh, hiện vật của bạn bè, người thân tặng trong các dịp kỷ niệm, mừng công, lễ lạt, nhưng 2 món quà tặng có chữ TÂM này ông thích hơn hết, không phải vì giá trị vật chất của món quà, mà vì nội dung chứa đựng trong ấy, vì người tặng đã rất hiểu ông, thương yêu ông và đồng cảm với ông.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ của cụ Tố Như: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”. Ở ông Tư Bốn có cả TÀI lẫn TÂM, nhưng cái làm nên cốt cách của ông, giúp ông thành công trong cuộc đời, làm cho ông được nhiều người biết đến, có lẽ là nhờ chữ TÂM nhiều hơn. Và có lẽ vì vậy mà những món quà “chữ TÂM kia” được ông trân trọng hơn bất cứ món quà nào khác.
Bên cạnh bức thư pháp vẽ chữ TÂM, ông Tư Bốn đặt bức ảnh ông chụp chung với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cho biết, sau khi kết thúc thành công chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến Mỹ Tho chúc mừng ông và chụp chung tấm hình này. Ông Tư Bốn đã bùi ngùi khi nhắc đến người cố thủ tướng mà ông rất thương yêu, ngưỡng mộ.
Ông cho rằng, nếu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt không “ra đi” vội vã, hẳn ông sẽ còn đóng góp nhiều cho dân, cho nước, nhất là những hoài bảo về chủ trương “sống chung với lũ” ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và học tập kinh nghiệm của Hà Lan về “sống chung với biến đổi khí hậu toàn cầu”. Ở phía bên kia bức thư pháp vẽ chữ TÂM, ông Tư Bốn đặt tấm hình chụp cảnh ông trong trang phục tướng công an đứng bên giường bệnh thăm hỏi người bệnh bị băng bó khắp người.
Ông cho biết, bệnh nhân này đã bị bọn cướp bắn trả trọng thương khi anh không ngại nguy hiểm ngăn chặn bọn chúng gây án. Cảm kích trước sự dũng cảm quên thân mình vì sự bình yên của cộng đồng, ông Tư Bốn đã đích thân đến bệnh viện thăm, động viên nạn nhân, một nhà báo tình cờ có mặt ở bệnh viện đã chụp được tấm ảnh và phóng lớn gửi tặng ông. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt trong những năm về công tác ở TP.HCM, ông chụp rất nhiều hình ảnh, nhưng 2 tấm hình trên thuộc loại những tấm hình ông thích nhất, lúc nào cũng muốn lưu giữ bên mình.
Không để chúng tôi đợi lâu, ông đã tươm tất trong bộ đồ tây áo bỏ trong quần như thời ông về làm phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương. Tính ông là thế, dù tiếp 1 công dân tại trụ sở cơ quan hay tiếp những “nhà báo quèn” như chúng tôi tại nhà riêng, ông đều xuất hiện với tác phong lịch sự, tươm tất. Theo ông, đó là sự thể hiện sự trân trọng đối với người đối thoại.
Trong lúc trò chuyện, bao giờ ông cũng chăm chú lắng nghe người khác nói, đến phiên mình, ông luôn suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận trước khi mở lời. Thói quen đó không chỉ có trong lúc làm việc, mà ngay khi ngồi nhậu với em út, con cháu ông cũng trầm tỉnh như thế. Trong lúc ngồi trò chuyện với chúng tôi, có 1 lần ông Tư Bốn nghe điện thoại, có ai đó gọi đến cần gặp ông. Vẫn giọng nói nhỏ nhẹ, ân cần, từ tốn, ông Tư Bốn nói chuyện điện thoại thật vui.
Kết thúc cuộc điện thoại, ông cười vui cho biết, một người phụ nữ là dân ở tận tỉnh Kiên Giang điện thoại lên thăm và cảm ơn ông. Cảm ơn bởi lẽ, nhờ ông Tư Bốn mà gia đình bà đã trở nên yên ấm, cuộc sống trở nên khấm khá. Ông kể: Có một dạo, bà con nông dân miền Tây đi khiếu kiện đông người ở các cơ quan trung ương đóng tại TP.HCM rất đông. Hầu hết các vụ khiếu kiện đều liên quan tới đất đai, hậu quả của lịch sử để lại, không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng giải quyết.
Một lần, có hơn 400 bà con ở nhiều tỉnh miền Tây kéo đến Tổng Cục CS Phía Nam (258 Nguyễn Trãi - Q1 TPHCM) xin gặp tướng Tư Bốn. Được anh em báo cáo, ông Tư Bốn ra lệnh cho cảnh vệ mở cửa, mời hết bà con vào rồi đích thân ông ra tiếp bà con. Hội trường không đủ chỗ chứa, ông động viên bà con ngồi tạm ngoài hành lang, ngoài sân cơ quan.
Xong ông chăm chú lắng nghe bà con trình bày trong trật tự những nguyện vọng, bức xúc của họ, một mặt ông cho anh em lo bữa ăn trưa, nước uống cho tất cả mọi người. Ông cẩn thận ghi chép từng ý kiến của bà con, làm thủ tục nhận đơn của từng người. Ông hứa sẽ nghiên cứu kỹ và làm việc với các địa phương để xem xét những điều bà con phản ảnh, khiếu nại. Bà con vui mừng, định trở ra bến xe Miền Tây trở về quê.
Nhưng ông Tư Bốn đã cho thuê 10 chiếc xe đò loại 45 chỗ đậu sẵn trước cửa để chở bà con về tỉnh. Khi ra về mỗi người còn được tặng ổ bánh mì thịt và chai nước suối để lót dạ dọc đường. Thế nhưng, có một số người vẫn chưa chịu về, đòi gặp lại ông Tư Bốn để xin “con rít” của ông.
Ông Tư Bốn không hiểu bà con cần gì, khi gặng hỏi kỹ mới biết “con rít” mà bà con cần là…các-vi-dít (danh thiếp). Thì ra bà con muốn có số điện thoại của ông. Tức thì ông cho in máy tính tốc hành mấy trăm miếng giấy có tên và số điện thoại của mình, tặng cho tất cả bà con. Sau đó ông đã chuyển giao các hồ sơ khiếu nại cho các tỉnh và theo dõi việc giải quyết của họ. Nhờ đó, có nhiều người đã được trả sự công bằng, trong đó có người dân ở Kiên Giang vừa điện lên thăm ông theo số điện thoại trong “con rít” ngày nào.
Chân tình là thế, nhưng ông Tư Bốn cũng rất kiên quyết đối với những người lợi dụng khiếu kiện để mưu lợi riêng, làm ảnh hưởng trật tự xã hội. Có một dạo, ông để ý thấy có một người tự xưng là vợ, mẹ liệt sĩ suốt ngày dẫn đầu các nhóm khiếu kiện đến các cơ quan trung ương đóng tại TP.HCM. Linh cảm nghề nghiệp cho ông biết, khó có thể 1 người vợ, mẹ liệt sĩ chân chính lại hành xử như thế.
Ông đã tiến hành xác minh và phát hiện đúng là người phụ nữ ấy có giấy chứng nhận là mẹ, vợ liệt sĩ thật. Nhưng khi kiểm tra hồ sơ gốc, ông đã phát hiện nó bị làm giả, người phụ nữ ấy không hề có chồng, con hi sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Các bằng tổ quốc ghi công bị thu hồi, những cán bộ làm trái bị kiểm điểm xử lý, nhưng ông Tư Bốn can không để cơ quan có trách nhiệm “hình sự hóa” sai trái ấy, tức những người có lỗi không bị truy cứu tội cố ý giả mạo giấy tờ.
Giữ gìn nếp nhà
Bắt đầu câu chuyện, ông Tư Bốn hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia cảnh của chúng tôi và những phóng viên các báo mà ông có quen biết trong thời gian ông làm việc ở TP.HCM. Ông nhớ rất kỹ những phóng viên từng gặp ông phỏng vấn, lấy thông tin trong thời gian diễn ra chuyên án Năm Cam.
Khi ông nghe chúng tôi cho biết phóng viên Trần Quang của Báo Lao Động đã qua đời vì bạo bệnh, ông Tư Bốn bồi hồi nói: “Phải chi mấy em báo cho anh hay để anh đi viếng đám tang. Trần Quang viết có cái tâm, có trách nhiệm dữ lắm. Thật tiếc khi mất 1 nhà báo như vậy”. Ông là như vậy, với những người quen biết dù không thật thân, nhưng một khi ông đã quý mến, bao giờ ông cũng cố thu xếp để đến với họ khi có “hữu sự”. Cuộc trò chuyện với ông thú vị tới mức đã 12 giờ trưa mà chúng tôi không để ý.
Vợ ông đứng bên trong gọi ông ra nói nhỏ gì đó, xong ông quay vào đứng trước mặt chúng tôi, hai tay để trước bụng, trân trọng nói: “Mấy em tới thăm anh Tư, giờ đã trưa rồi, chị Tư mấy em có làm đãi mấy anh em mình món cháo cá lóc ăn với rau đắng. Mời 2 em xuống ăn cháo và uống với anh Tư xị rượu”. Cùng lúc có anh Nguyễn Thanh Nhàn (Chín Nhàn, nhà ở gần đó, hiện là bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh Tiền Giang) là em ruột của ông Tư Bốn được anh mình kêu tới cùng tiếp các nhà báo.
Trước cử chỉ trân trọng quá mức của ông Tư Bốn, chúng tôi cảm thấy hơi áy náy, nhất là động tác ông để tay trước bụng mời cơm chúng tôi. Hiểu tâm trạng chúng tôi, anh Chín Nhàn giải thích: “Anh Tư đã quen lễ phép từ ngày còn nhỏ. Sau này dù đã giữ trọng trách, nhưng mỗi lần về nhà anh đều khoanh tay thưa má và những người lớn tuổi. Với em út, con cháu trong gia đình anh Tư luôn gương mẫu trong chuyện giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, của dòng họ, anh xem đó là cái gốc cơ bản của con người”. Điều đó có thể giúp chúng tôi hiểu thêm vì sao ông Tư Bốn luôn đứng vững trước mọi cảm dỗ vật chất, trước mọi sự mua chuộc, đe dọa.
Bữa ăn trưa hôm đó không chỉ có anh em ông tư Bốn và hai nhà báo chúng tôi, mà còn có những người cháu hàng xóm đã phụ giúp ông kéo cá lúc sáng. Họ cùng chúng tôi ngồi ăn nhậu “bình đẳng” với ông Tư Bốn, không hề có sự phân biệt nào. Thậm chí, trong suốt bữa ăn, ông luôn quan tâm đến bữa ăn của tất cả mọi người trong bàn, ông múc từng chén cháo, gắp từng miếng cá cho các nhà báo và cho những người hàng xóm trẻ tuổi.
Với cương vị, công việc mà ông đã từng kinh qua, hẳn ông đã nếm không thiếu món cao lương mỹ vị nào trong các nhà hàng sang trọng ở TP.HCM. Nhưng, có một món ăn ông thích nhất, món ăn bình dân có nguồn gốc từ quê mẹ, món ăn thường có trong bữa ăn nhà nghèo ở nông thôn Tiền Giang, đó là cháo cá lóc ăn với rau đắng. Tất nhiên là kèm theo 1 chén tiêu xay và đĩa nước mắm trắng loại ngon. Ông cũng không thích uống rượu ngoại hoặc các loại bia đắt tiền, từ thời trẻ ông đã quen với loại rượu đế nấu bằng gạo, nếp từ chính quê hương ông. Suốt những năm tháng làm tướng, ông cũng chỉ thích loại rượu rẻ tiền mà đậm đà hương vị quê hương ấy. Bữa trưa hôm ấy ông cũng đãi chúng tôi rượu đế Chợ Gạo ngâm với chuối hột trồng trong vườn nhà.
Ông có tửu lượng rất cao, thời còn khỏe ông có thể uống đến 5 xị rượu đế (1,25 lít). Ở tuổi 65 hiện nay nếu cần thiết ông vẫn có thể uống cả lít rượu. Nhưng buổi trưa hôm ấy ông chỉ uống mấy ly, còn lại chính tay ông rót rượu cho tất cả mọi người.
Ông nói: “Mới phát hiện bị cao huyết áp, bác sĩ khuyên hạn chế uống rượu. Mấy bữa nay phải kiêng cử để uống thuốc cho trở lại bình thường rồi tính”. Trong khi ông Tư ân cần tiếp đãi chúng tôi như thượng khách thì vợ ông cũng tất tả chạy đi chạy lại giữa nhà bếp và bàn ăn. Bà kiên quyết không để chúng tôi đụng chân tay vào bếp, vì: “Chuyện này của chị, mấy đứa đụng vô mất công rửa tay. Nhậu vừa vừa thôi, còn chừa đường về”.
Hỏi chuyện những người cháu hàng xóm của ông, tôi nghe kể có người trong họ trước đây từng rượu chè bê tha, bỏ bê gia đình, vợ con nghèo khổ. Khi ông Tư Bốn về nghỉ hưu, người thanh niên nọ được ông mời đến để ông đãi bữa nhậu cháo cá lóc, xong ông phân tích cái hay cái dỡ của chuyện nhậu, nhậu để cho cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải để hủy hoại sức khỏe, hủy hoại hạnh phúc gia đình. Chỉ 1 lần như thế, người thanh niên hư hỏng nọ đã tỉnh ngộ ra, nay đã lo làm ăn, gia đình sống hạnh phúc.
Bài tiếp theo: Anh hùng lựu đạn dàn thun.
Song Kỳ