Những pha “vạch lá tìm sâu” quái đản dìm chết hôn nhân

( PHUNUTODAY ) - Thay bằng hành động chăm chút, nuôi dưỡng tình yêu, chắc chắn một điều, hạnh phúc sẽ nhanh chóng rời xa tổ ấm ta, nếu lúc nào chúng ta cũng nhìn người bạn đời thông qua lăng kính của những lỗi lầm, hơn thế, cố tình “bới lông tìm vết”,


“Ghen ngược” với… người đã khuất

Sau hơn 1 năm thử thách, vợ chồng anh Lượng chị Thảo sống ly thân. Đã có lúc anh muốn quay lại với người phụ nữ mà anh lấy làm vợ, nhưng suy đi tính lại, anh vẫn không thể quên được thái độ hành xử của Thảo đối với người đã khuất. Số là, anh Lượng đã đứt gánh giữa đường một lần khi người vợ đầu tiên của anh bị tai nạn giao thông và ra đi mãi mãi.

Thảo là người phụ nữ thứ hai bước vào cuộc đời anh, nên dù cuộc sống vợ chồng có đôi khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt anh cũng cố gắng nín nhịn, không muốn buông tay thêm lần nữa. Có điều, hành động của Thảo ngày càng quá quắt, sức chịu đựng của anh thì có hạn, đến mức anh quyết định rời bỏ Thảo bằng một lá đơn ly hôn sau hàng tháng trời nghĩ ngợi tới mức người gầy sọp cả đi. 

Khi mới cưới, Thảo còn dịu dàng, tử tế, càng về sau, Thảo nảy nòi ra thói ấm ức, ghen tỵ đối với người quá cố. Thấy anh Lượng trân trọng, nhớ thương người vợ cũ, chị thường xuyên mặt nặng mày nhẹ ra điều không hài lòng với chồng. Trong khi ấy, Lượng là người đàn ông rất tế nhị và chu toàn. Mọi di vật của vợ trước đều được anh gói ghém cẩn thận và cất kỹ trong một chiếc hòm nhỏ. Mỗi năm, đến ngày giỗ vợ, anh đều hỏi han ý kiến của Thảo, xong xuôi hai vợ chồng mới bàn tính làm cơm cúng cho vợ trước. Được 2 năm đầu, Thảo vui vẻ nhận lời đề nghị của chồng, nhưng sau đó, chị liên tục thể hiện thái độ tấm tức, đá thúng đụng nia khi thấy chồng và con riêng của chồng luyến quyến người cũ.

Đặc biệt khi nhìn thấy anh và con trai đứng lặng yên trước bàn thờ của vợ trước, mắt rưng rưng hồi tưởng về quá khứ xa xưa và miệng liên tục lẩm nhẩm như trò chuyện tâm tình với người còn sống, máu ghen tuông vô cớ của Thảo trong người bốc lên. Chị bắt đầu soi xét quá khứ hôn nhân của chồng. Nhiều lần anh cố công giải thích với vợ cho chị hiểu, rằng anh đã từng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhưng đó đã là quá khứ, và hiện tại giờ đây, trong lòng anh chỉ có riêng một mình chị. Nói thế, nói nữa mà chị vẫn không chịu hiểu.

Chị thường xuyên móc máy anh bằng những câu hỏi kiểu như: “Em nghe bảo chị ấy ngày xưa vụng lắm hả anh, chẳng biết nấu món gì cho ra hồn”, “Em nghe nói chị ấy là gái quê, nhỏ tí tẹo, quê kệch mà sao một người phong độ như anh lại chấp nhận lấy làm vợ nhỉ?”, “Này, có phải anh và chị ấy trước kia tự tổ chức đám cưới, bố mẹ chị ấy ngăn cản phải không? Lạ nhỉ, gái quê mà còn bày đặt kênh kiệu à”

Cái kiểu ghen ngược của Thảo khiến Lượng bao phen mệt mỏi. Anh bảo: “Anh yêu em thế nào em có thể cảm nhận được. Vả lại, em cũng biết rằng anh đã cảm ơn em nhiều thế nào khi em bước vào cuộc sống gia đình anh, xóa đi những chếnh vếnh, những khoảng trống trong lòng bố con anh. Còn về phần người đã khuất, em hãy để linh hồn họ được yên nghỉ. Đừng bới móc chuyện dĩ vãng nữa, bởi thực chất em đâu có hiểu rõ con người của cô ấy”. Lượng ít nhắc đến người vợ cũ hơn để tránh gây tổn thương cho Thảo, nhưng càng thấy chồng ít nhắc tới, Thảo lại sinh nghi, cho rằng chồng nhớ thương người vợ đã khuất tới quay quắt, và Thảo lại tìm mọi cứ để “hành” anh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Đỉnh điểm trong cái mớ bòng bong ghen tuông vô lý trong lòng Thảo là khi chị phát hiện chiếc hòm nhỏ chứa di vật của những người vợ cũ chị tìm được. Bất kể đêm hôm, chị ném lăn lóc chiếc hòm ra sân, tuột chốt, những tấm ảnh, chiếc khăn tay nhỏ, tấm áo cũ sờn của người quá cố rơi xô xuống nền gạch. Chị hét lạc cả giọng, quát tháo Lượng nhẫn tâm.

Chị rú lên kinh hoàng: “Bao năm nay anh đâu có thương yêu gì tôi. Thứ anh cần là lấy một người vợ về để nuôi dạy, chăm sóc con anh. Anh tàn nhẫn với tôi. Bằng chứng rõ rành rành đây rồi, anh còn gì để chối cãi nữa. Lấy anh, tôi cắn răng chịu đựng bao thiệt thòi, cuối cùng anh đối xử với tôi như vậy đây”. Mặc cậu con riêng co rúm người vì sợ hãi, chị thẳng tay liệng tấm di ảnh của mẹ bé xuống đồng đồ đạc ngổn ngang dưới đất. Chứng kiến cảnh này, anh Lượng không đủ bình tĩnh để nín nhịn và kiên nhẫn một lần nữa.

Anh gói ghém đồ đạc, dắt chiếc xe máy cũ, mặc thêm chiếc áo mỏng cho con, hai bố con anh lặng lẽ về nhà nội, không quên mang theo tấm di ảnh của người vợ dịu dàng, hiền thục trước đây. Anh bảo, sau 1 năm thử thách, anh cũng đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện có nên trở về với Thảo hay không. Bởi anh cũng không còn trẻ và cuộc hôn nhân lần thứ hai này anh đặt biết bao kỳ vọng, anh cũng khát khao một bến bình yên, không chỉ cho anh mà còn cho đứa con tội nghiệp của anh nữa. Song cuối cùng, trái với kỳ vọng của anh, tổ ấm ấy tan vỡ như bong bóng xà phòng, chỉ vì người trong cuộc không đủ bao dung, không vượt qua được những ghen tuông nhỏ nhặt.

Trước khi rời bước khỏi phiên hòa giải, anh Tùng có nói một câu đầy ám ảnh: “Với những người đàn ông sống cảnh gà trống nuôi con như anh, rất cần một người phụ nữ có tấm lòng bao dung và độ lượng có thể cảm thông, chia sẻ. Em nghĩ ghen là biểu hiện tuyệt đích của tình yêu và em thể hiện nó một cách vô lối. Em thử nghĩ xưa nay có ai ghen tuông với người quá cố hay không? Em không tôn trọng người đã khuất, đồng nghĩa rằng em đâu có tôn trọng bản thân anh và con trai anh”. Anh Tùng ra bậc cửa, nắm tay cậu con trai đang chơi nhảy lò cò ngoài đó một mình. Cha con anh rảo bước trong cái nắng chiều xiên xẹo u uẩn, còn lại mình chị Thảo, đôi mắt ầng ậng nước, chị nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng mọi sự đã trễ tràng cả rồi. 

Ấm ức tai quái cả với trẻ nhỏ

Anh Hoạt và chị Thuận (Hà Đông) cũng là “rổ rá cạp lại”. Anh ly hôn bởi không chịu được thói lăng nhắng của vợ, còn hoàn cảnh chị Thuận cũng thật đáng thương. Chồng chị qua đời sau cơn bạo bệnh, bỏ lại người vợ trẻ ốm đau và cô con gái 5 tuổi thơ dại. Đối với chị, con trở thành điểm tựa duy nhất giúp chị sống qua những tháng ngày bất hạnh nhất. Chị cứ ở vậy nuôi con, quyết không chịu đi bước nữa.

Thấy hai người cùng cảnh ngộ éo le, bạn bè anh chị tác hợp cho đôi bên nên duyên chồng vợ. Chị Thuận lấn cấn mãi, bởi lẽ chị sợ cô con gái bé bỏng phải khổ và thêm nữa, sau khi sinh bé Na, chị phải trải qua một ca phẫu thuật và vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ. Lấy anh Hoạt, chị e ngại anh không thông cảm với mẹ con chị, nhưng ngẫm đi ngẫm lại, con chị cũng cần hơi ấm và sự chỉ bảo của người cha, lại thấy anh thật thà, chất phác, chị phấp phỏng theo bước anh về nhà với lời hứa như đinh đóng cột “sẽ yêu thương mẹ con chị suốt cuộc đời”.

Nhìn cảnh anh Hoạt chăm sóc bé Na ân cần, chu đáo, đầy trách nhiệm giống như cha ruột của bé, chị Thuận từng rớt nước mắt vì xúc động. Chị ngỡ tưởng gia đình mình mãi thuận hòa êm ấm như thế, nào ngờ chẳng hiểu anh nghe đâu lời dèm pha của thiên hạ, rằng anh như kẻ “đầy tớ” cho mẹ con chị, lấy được cô vợ không biết đẻ, lại thêm đứa con riêng về bắt mình nâng niu. Đàn ông mà vậy còn gì là đàn ông nữa. Tai hại hơn, anh bắt đầu nghe ngóng và nóng mặt với những lời nói độc địa ấy. Kể tính tình cũng kì cục, anh bắt đầu có kiểu “ghen ngược” với trẻ nhỏ và bé Na trở thành “cái bị” để anh trút giận.

Có lần chị Thuận giận tím người khi thấy anh giơ tay tát vào mặt cháu một cái rõ mạnh chỉ vì cháu làm con toán sai đáp số. Chỉ cần bé Na làm gì không vừa mắt anh, Hoạt sẵn sàng dạy dỗ cháu bằng đòn roi. Chị nhiều lần góp ý với chồng và lần nào anh cũng ra đều ăn năn nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng chỉ được hôm trước hôm sau lại đâu vào đấy.

Một lần anh trở về nhà với nồng nặc mùi rượu trên người, miệng líu ríu anh quát tháo ỏm tỏi và trong những lời lẽ buông ra có những lời xát muối vào lòng mẹ con chị: “Cô chỉ biết bênh con cô chằm chặp. Nó như cái nợ của nhà này, tại sao cô không thể đẻ cho tôi những đứa con như vậy? Cô có biết tôi thèm có được giọt máu của mình như thế nào không? Còn con gái cô, như cái rằm trong mắt tôi”. Điều chị âm thầm sợ hãi bấy lâu đã trở thành hiện thực và chị biết chắc những lời lẽ nặng nề trong cơn say kia hoàn toàn là sự thật.

Hai mẹ con chị lủi thủi ra đi, không quên để lại lá đơn ly hôn có sẵn chữ kí của chị. Có thể, sáng sớm mai tỉnh dậy, anh Thuận mới đọc được lá đơn của người vợ bất hạnh gửi lại cho anh và không biết, liệu anh có chút nào hối hận?

Tình cờ tôi đã đọc được ở đâu đó câu nói, đại ý: Sự ích kỷ, thói ghen tuông một khi đã len lỏi vào đời sống hôn nhân giống như hạt cát lọt vào chiếc giày bạn đang đi. Ban đầu nó khiến bạn khó chịu vì cộm chân, rồi chân bạn sẽ đau vì trầy xước. Nhưng nếu không lấy hạt cát ra, nó có thể lọt vào tận sâu bên trong chiếc giầy và thật khó để lấy nó ra. Cuối cùng, bạn chọn cách cuối cùng là vứt bỏ chiếc giầy ấy đi để lấy lại sự thoải mái cho chính mình. Mái ấm của bạn đổ vỡ chỉ bằng những “hạt cát” bé nhỏ đó chỉ vì ghen tuông hay sở thích “vạch lá tìm sâu” chẳng phải quá đáng tiếc hay sao?

Huyền Lê (ghi)
 
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn