Mặc cả tiền chuộc cháu nội
J. Paul Getty III là cháu nội của J. Paul Getty, người mang biệt danh "Vua dầu lửa nước Mỹ". Getty III là một đứa trẻ nổi loạn, kẻ từng nói đùa rằng anh ta sẽ tự dàn dựng một vụ bắt cóc bản thân để moi tiền từ người ông keo kiệt. Chính vì thế, năm 1973, khi Getty, lúc ấy là thiếu niên 16 tuổi, bị bắt cóc, không ai trong gia đình nghĩ đó là chuyện nghiêm túc, theo Washingtonpost.
Bọn bắt cóc yêu cầu số tiền chuộc 17 triệu USD. Tuy nhiên, tỷ phú J. Paul Getty từ chối với lý do “Nếu tôi trả một đồng xu cho bọn chúng, 14 đứa cháu khác cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự”.
Vua dầu lửa John Paul Getty nổi tiếng keo kiệt khi mặc cả tiền chuộc cháu trai với bọn bắt cóc. |
Sau đó, bọn bắt cóc cắt tóc và tai của con tin, gửi đến một tờ báo rồi gửi trang báo đó đến gia đình Getty. Cuối cùng, nhà tỷ phú chấp nhận mức tiền chuộc 3 triệu USD. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trả 2,2 triệu USD. Số còn lại do con trai ông, J. Paul Getty II, thanh toán.
Ngày 15/12/1973, bọn bắt cóc phóng thích Getty III. Sau đó, cảnh sát bắt 9 người đàn ông liên quan đến vụ việc nhưng phải thả 7 tên trong số đó vì thiếu chứng cứ.
Con tin yêu cầu tăng tiền chuộc
Julius Caesar, người sau này trở thành Thống lĩnh tối cao của La Mã, chào đời vào năm 100 trước Công nguyên (TCN) trong một gia đình tiếng tăm ở thành Rome, La Mã (nay là thành phố Rome, Italy). Năm 75 trước Công nguyên, khi Caesar đi qua biển Aegea, vùng vịnh thuộc Địa Trung Hải, bọn hải tặc vùng Cilicia đã bắt cóc ông.
Theo Lucius Mestrius Plutarchus, một sử gia của La Mã cổ đại, ban đầu, những tên cướp biển đòi khoản tiền chuộc 20 talent vàng (hơn 10 triệu USD theo giá vàng ngày nay). Song Caesar là một người giàu lòng kiêu hãnh. Vị tướng tài ba cảm thấy số tiền quá thấp so với giá trị con người ông và yêu cầu bọn cướp tăng tiền chuộc lên 50 talent vàng (hơn 25 triệu USD). 38 ngày sau, bọn bắt cóc chấp nhận đề nghị đó.
Vị tướng La Mã tài ba Julius Caesar yêu cầu bọn bắt cóc tăng tiền chuộc. |
Trong thời gian trên tàu hải tặc, Caesar sẵn sàng chửi rủa nếu bọn cướp khiến ông bực mình. Thậm chí Caesar tuyên bố rằng sau khi bọn cướp biển thả ông, chúng sẽ phải đền tội. Những kẻ bắt cóc nghĩ đó chỉ là lời nói đùa nhưng chúng đã lầm.
Theo một số tài liệu, ngay khi gia đình trả tiền chuộc, tập hợp một hạm đội, tấn công và bắt nhóm hải tặc. Caesar đề nghị Marcus Junius, một tướng dưới quyền, xử tội chúng theo pháp luật nhưng Marcus lại chần chừ. Cuối cùng, Caesar tự xét xử và ra lệnh cho quân lính đóng đinh tất cả bọn chúng.
Lấy cắp hài cốt vua hài Charlie Chaplin để đòi tiền
Trong những năm 60, vua hài Charlie Chaplin trải qua nhiều lần đột quỵ. Năm 1977, ông qua đời. Gia đình Chaplin chôn ông ở nghĩa trang thị trấn Corsier-sur-Vevey, Thụy Sĩ.
Bọn trộm mộ đánh cắp thi hài Vua hề Charles Chaplin để đòi tiền chuộc. |
Ngày 1/3/1978, hai tên trộm mộ - Gantcho Ganev (người Bulgaria) và Roman Warda (người Ba Lan) – đào trộm thi hài Charlie và yêu cầu góa phụ Oona Chaplin trả 400.000 USD. Sau khi Oona từ chối, chúng đe dọa rằng chúng sẽ giết những đứa con của bà.
Tuy nhiên, Gantcho và Roman rõ ràng là những tên tội phạm thiếu đầu óc. Cảnh sát dễ dàng bắt chúng khi theo dõi những trạm điện thoại công cộng quanh gia đình Charles. Hai kẻ trộm mộ buộc phải nhận tội và khai ra địa điểm giấu xác vua hài ở một cánh đồng gần đó. Sau đó gia đình Charles đưa thi hài ông trở lại nghĩa trang Corsier-sur-Vevey và gia cố ngôi mộ bằng bê tông.
Tống tiền bằng virus máy tính
Ransomware là một trong những loại virus nguy hiểm nhất đối với máy tính. Chúng kiểm soát máy tính, ngăn cản việc truy cập các chương trình và hướng dẫn người sử dụng trả khoảng vài trăm USD để máy hoạt động trở lại.
Ransomware FBI khiến một thanh niên Mỹ tự thú. |
Nghiêm trọng hơn, virus khai thác các hành vi phạm pháp của người dùng, từ việc vi phạm bản quyền phần mềm đến việc lưu trữ những thứ có nội dung khiêu dâm trẻ em và động vật. Những kẻ phát tán virus thậm chí còn tuyên bố chúng đã ghi lại một số hình ảnh từ webcam của chủ nhân của máy. Vì thế nhiều người nghĩ Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã phát tán virus để lừa những kẻ phạm tội.
Đa số nạn nhân lo sợ và nhanh chóng trả tiền, trừ một trường hợp duy nhất. Tháng 7/2003, máy tính của Matthew Riley, 21 tuổi, ở bang Virginia, Mỹ, nhiễm virus. Gã đến đồn cảnh sát để tự thú cùng với máy chứa hình khỏa thân của một bé gái 13 tuổi và những tin nhắn trao đổi giữa hai người.
Giá chuộc khủng cho Hoàng đế Inca
Năm 1532, Atahualpa, Hoàng đế của đế chế Inca, giành chiến thắng trong cuộc nội chiến với anh trai, Huascar. Quân đội của ông gồm hàng nghìn binh lính thiện chiến. Vì thế, khi tướng Francisco Pizarro dẫn 160 lính Tây Ban Nha tiến vào lãnh thổ Inca, Atahualpa không hề lo lắng. Tuy nhiên, các chiến binh Inca không thể địch lại đội quân ít ỏi nhưng mang theo vũ khí hiện đại và đầy đủ. Quân Tây Ban Nha bắt Atahualpa và tiêu diệt 5.000 binh sĩ Inca chỉ trong một giờ.
Hoàng đế Atahualpa trả số tiền chuộc khủng nhưng vẫn bị sát hại. |
Để bảo vệ mạng sống, nhà vua đề nghị cung cấp cho Pizarro tài sản khổng lồ - một lượng vàng, bạc lấp đầy căn phòng rộng có chiều cao 240 cm. Atahualpa truyền tin khắp đế quốc và nhận vô số vàng từ người dân. Sau khi nung chảy chúng, ông thu được 6.000 kg vàng (tương đương 250 triệu USD) và 12.000 kg bạc.
Tuy nhiên, chừng ấy vàng, bạc không thể lay chuyển ý định của Pizarro và quân Tây Ban Nha. Họ xử tử hoàng đế Inca vào ngày 26/7/1533.