Nỗi nhớ mùa Ngâu của nữ nhà báo gửi người chồng yêu

06:17, Chủ nhật 22/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ năm nay, chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện tình yêu cảm động của bà Lan Anh và liệt sỹ Nguyễn Anh Bảo, như một lời tri ân tới những anh hùng liệt sỹ hy sinh vì đất nước.

“Ngày ấy thế hệ chúng tôi khi tham gia cách mạng thì ai cũng nghĩ rằng đã tham gia hoạt động thì hễ Trung ương giao cho nhiệm vụ gì thì làm, phân công đi đâu thì đi đấy, không có gì phải nghĩ, cũng không có ý kiến gì hết. Vì thế khi Trung ương có quyết định đón tôi lên Bến Then để tổ chức đám cưới nhân tiện Hội nghị khu ủy Khu X đang diễn ra ở đây. Vậy là tôi đi thôi!” - Đó là những tâm sự của bà Trần Thị Lan Anh nguyên Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam về đám cưới của mình với người cán bộ cao cấp - liệt sỹ Nguyễn Anh Bảo.
[links()]
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ năm nay, chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện tình yêu cảm động của bà Lan Anh và liệt sỹ Nguyễn Anh Bảo, như một lời tri ân tới những anh hùng liệt sỹ và sẻ chia nỗi đau mất mát với bao gia đình có người thân yêu vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.

Những năm tháng không thể nào quên

Bà Trần Thị Lan Anh vốn là Hoa khôi thành Nam một thời, cô nữ sinh trường Thành Chung, Nam Định đã để lại nhiều dấu ấn cho những ai đã từng gặp và nói chuyện. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), bà được điều động về công tác ở Ban Tài chính của Tổng Bộ Việt Minh.

Khi chiến tranh sắp nổ ra, tháng 11 năm 1946 bà được cử về Liên khu 2 Hà Nội làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc khu vực Bạch Mai.

Vợ chồng bà Lan Anh và Nguyễn Anh Bảo
Vợ chồng bà Lan Anh và Nguyễn Anh Bảo

Lúc này không khí trong thành đã trở nên hết sức căng thẳng, bởi những hành vi khiêu khích của thực dân Pháp ngày một trắng trợn. Cùng với bộ đội và các đơn vị tự vệ, hội phụ nữ cứu quốc cũng đã bắt tay vào nhiệm vụ phục vụ chiến đấu bảo vệ thành.

Liên Khu 2 là đơn vị có vị trí trọng yếu đặc biệt là mặt trận Ô Cầu Dền, vì nó là cửa ngõ chính ngăn chặn giặc tiến xuống phía Nam và phố Bạch Mai sẽ là đại bản doanh của các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy và hậu cần của toàn Liên Khu.

Hội phụ nữ cứu quốc khu vực Bạch Mai khi ấy được phân công hai nhiệm vụ quan trọng là tiếp tế và cứu thương. Số lượng thương binh nhiều không kể xiết, máu và mồ hôi thấm đẫm áo chị em cứu thương, thế nhưng chẳng ai để ý, ai cũng quên đi để làm việc, để cố gắng làm sao cứu sống được các anh em tự vệ thành”.

Trong số những người chiến sĩ tự vệ thành bà quen và hết sức khâm phục anh lính trẻ người gốc Hà Nội, là Hướng đạo sinh từ những ngày tiền khởi nghĩa. Ông là Nguyễn Anh Bảo, khi ấy ông phụ trách Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu và phụ trách mặt trận Liên khu 2.

Vì thế ông bà thường hay gặp nhau vì bà là bí thư phụ nữ nên các ông tự vệ phải gặp bà để hỏi chuẩn bị kháng chiến thì tổ chức cứu thương như thế nào, bộ đội sẽ đến đâu, tiếp tế lấy ở đâu?...

Bà còn nhớ rất rõ kỷ niệm khi Pháp đánh gọng kìm, liên khu 2 bị bao vây. Khi đó bà đang phụ trách thương binh ở trạm chùa Séc, trạm thương binh nặng cuối cùng của liên khu, từ đây thương binh sẽ được đưa ra vùng Việt Bắc. Trong lúc đang chăm sóc cho thương binh, ông chạy xuống vẻ gấp gáp:

“Lan ơi! Lan phải nhanh chóng đưa thương binh ra khỏi đây ngay, chỉ năm phút nữa thôi bọn Tây mũi đỏ sẽ đánh đến đây rồi”! Bà còn nhớ mãi câu nói ấy, chính ông đã đến báo tin cho bà vì cả hai người cùng ở Ủy ban kháng chiến liên khu 2, hơn nữa hàng ngày bà toàn rang cơm cho các ông ấy ăn, rồi cùng chị em đi lấy rau cho các ông ấy nên mọi người thân thiết lắm.

Tình yêu của ông bà cũng được nảy nở từ “60 ngày đêm” ấy. Cả hai đều quan tâm đến nhau, dành tình cảm cho nhau nhưng tình cảm riêng ấy chưa lần nào được đặt lên trước nhiệm vụ chung mà cả hai người đang gánh vác.

Chỉ đến khi chiến dịch kết thúc, trước khi vào bộ đội ông mới đến gặp riêng bà tại chùa Séc – Hà Nội để dặn dò: Anh vào bộ đội chính quy và theo tổ chức lên Việt Bắc, Lan ở dưới đây cứ theo điều động của Đảng, thể nào sau này cán bộ cũng sẽ được điều lên Việt Bắc, khi ấy chúng ta sẽ gặp nhau!

Vợ chồng bà Lan Anh hạnh phúc bên nhau.
Vợ chồng bà Lan Anh hạnh phúc bên nhau.

Tình yêu của ông bà những ngày đầu là như vậy, nhẹ nhàng và trong sáng như bao cặp đôi khác nên duyên vợ chồng trong những ngày bảo vệ Thành. Thế nhưng những kỷ niệm ấy lại chính là sức mạnh giúp bà có thể vượt qua được bao khó khăn, sóng gió của cuộc đời khi ông không còn nữa.

Điều động hợp lý

Bà Lan Anh cười hóm hỉnh khi nhớ về những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, bà nói: Ngày ấy chúng tôi phải biết ơn ông Lê Đức Thọ lắm, vì ông ấy rất hiểu tâm lý của anh chị em bộ đội, chính ông là chủ hôn của bao nhiêu cặp đôi nơi chiến trường. Và cũng nhờ có sự “điều động hợp lý” của ông ấy mà quân đội ta mới vững tâm đánh giặc được.

Cuối năm 1946, sau khi số thương binh của 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội được di chuyển hết ra vùng địch hậu để chăm sóc, bà Lan Anh được điều động lên chiến khu Việt Bắc, phụ trách phụ nữ liên huyện Hạt Trì- Việt Trì, rồi làm Phó Bí thư phụ nữ tỉnh Phú Thọ, đó cũng là cách điều động hợp lý mà cấp trên đã biết trước để bà có điều kiện được ở gần ông.

Ngày ấy, yêu nhau thì yêu thật đấy nhưng vì tình hình chiến đấu còn phức tạp nên cũng chỉ dám báo cáo để được đi lại tìm hiểu chứ chưa dám nghĩ đến chuyện cưới.

Thế nhưng, trước khi chiến dịch Việt Bắc nổ ra, ban tổ chức của Trung ương Đảng cũng hiểu rõ cần phải ổn định tinh thần chiến sĩ và cũng là để tiếp thêm sức mạnh cho các anh.

Vì thế, những “cặp đôi” đã được Trung ương “phát hiện” trong khi chiến đấu bảo vệ thành đều được tán thành trước khi vào trận chiến mới. Trong đó có lẽ những ai có mặt trong buổi hội nghị hôm ấy đều không thể quên được đám cưới của một cán bộ phụ nữ và cán bộ của khu ủy khu 10.

Nhớ lại không khí rộn rã của ngày vui và hạnh phúc nhất cuộc đời mình, bà Lan Anh vui vẻ nói: Đó là năm 1947, khi đó bà đang là cán bộ phụ nữ ở Phú Thọ, đơn vị ông công tác thì lại ở Vĩnh Yên, hai người tiếng là ở gần nhưng cũng cách nhau mấy chục cây số.

Khi Hội nghị khu ủy khu 10 sắp diễn ra, bà được cậu em trai ruột (khi ấy cũng là bộ đội, sau này cậu cũng hy sinh trong chiến trường) về báo tin: “Trung ương có chủ trương để em về đón chị về Vĩnh Yên để tổ chức đám cưới cho anh chị luôn nhân dịp Hội nghị khu ủy anh được về và mọi người đều có mặt đông đủ cả”.

Nghe thấy thế, mặc dù rất yêu ông nhưng bà nghĩ cuộc chiến đấu sắp tới còn diễn ra ác liệt chiến tranh chưa biết khi nào mới chấm dứt, còn bao nhiêu việc phải làm, lấy nhau lúc này cũng chưa phải là hay.

Thế nhưng những người đã đi theo Đảng, theo cách mạng, đặc biệt là cán bộ, đều tin tưởng và trung thành với những quyết định của Đảng. Vì thế khi Trung ương bảo cưới thì cưới thôi, nghiêm chỉnh chấp hành như đi nhận nhiệm vụ vậy. Thế là hôm sau hai chị em lại đi bộ rồi ngồi đò về Vĩnh Yên để tổ chức đám cưới.

Có thể nói đó là đám cưới thịnh soạn nhất trong những ngày kháng chiến. Vì là Hội nghị khu ủy nên có rất đông người. Bao nhiêu hoa, bánh kẹo và đồ ăn của những người dân nơi đây ủng hộ khu ủy đều được mọi người dồn hết vào đám cưới.

Nhất là món thịt thỏ rừng và những bông hoa chuối rừng đỏ tươi mãi mãi hiện lên trong tâm trí bà khi nhớ lại ngày vui trọng đại ấy.

Đối với bà và những người có may mắn được cấp trên tác thành hôn lễ đều cảm thấy vui sướng và tự hào. Họ càng cảm thấy biết ơn Đảng và ngày càng tin tưởng vào những quyết định của cấp trên.

Bởi chính từ việc nhỏ của sự “điều động hợp lý” mà ông bà cũng như bao người khác mới có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Bởi lẽ, chiến tranh ác liệt, người đi kẻ ở chỉ trong gang tấc, nếu không có quyết định đúng đắn và kịp thời thì sẽ để lại không biết bao nhiêu yêu thương, tiếc nuối.

Nỗi nhớ mùa mưa ngâu

Những ngày đầu tháng bảy, tiếng mưa rơi rả rích khắp phố phường Hà Nội. Trong ngôi nhà mà trước đây người ta vẫn hay gọi là “lầu công chúa” nay là khu tập thể 38A Trần Phú, hòa lẫn giữa tiếng mưa rơi và những lời kể nghẹn ngào của người phụ nữ đã hơn 40 năm nay vẫn âm thầm lặng lẽ cống hiến hết sức mình cho xã hội để quên đi nỗi đau của sự mất mát nhớ thương.

Bà sẽ không bao giờ quên được một ngày trong  mùa mưa ngâu tháng 7 năm 1965, ngày mà tin dữ dội về căn nhà bé nhỏ chỉ có người phụ nữ nhỏ bé và 3 đứa con hãy còn thơ dại.

Ngày ấy, bà vừa mới vào chiến trường Nghệ An để viết bài, trước khi đi ông còn dặn dò bà cẩn thận, rồi ít lâu sau ông cũng lên đường vào Nam.

Năm đó ông là Cục trưởng Cục Thông tin, đi làm nhiệm vụ cùng với mấy đồng chí cán bộ của Cục Công binh và Cục Tác chiến vào nghiên cứu mở đường đưa quân đội vào Nam chuẩn bị cho cuộc chiến đấu Trường kỳ sắp tới.

Trước khi đi, ông còn viết thư định gửi cho bà khi sắp vào đến nơi, nhưng khi đến Hà Tĩnh đoàn xe của ông gặp máy bay Mỹ ném bom. Giữa đường không tránh được làn bom đạn Mỹ ông đã hy sinh trên đường đi vào Nghệ An.

Lúc đó bà đã quay ra Hà Nội và lá thư mà ông viết lần cuối cùng ấy sau này bà mới được các đồng nghiệp của mình đưa lại, lúc đó bà đã ngất đi vì sự đau đớn tột cùng. Đã hơn 40 năm, nhưng hình ảnh về người chiến sỹ tự vệ thành dũng cảm kiên trung ngày nào vẫn hiện hữu trước mắt bà.

Từ ngày cưới đến khi ông hy sinh, vợ chồng bà sống với nhau chưa đầy hai mươi năm, nhưng nếu tính thời gian được ở gần nhau thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thế nhưng những gì mà ông dành cho bà trong thời gian ngắn ngủi ấy cũng ít người có được.

Nhìn ngoài trời mưa rả rích, bà lại nhớ đến những ngày bà về công tác ở báo phụ nữ, những hôm thế này ông lại lặn lội mang áo mưa đến tận nơi cho vợ, rồi khi bà về đến nhà là ông lại ra đón để nhấc xe giúp bà lên khỏi bậc thang…

Bà cũng không thể quên những lá thư chứa đựng tình yêu thương vô bờ mà ông đã gửi những ngày đi kháng chiến hay khi ông đi học xa. Nhờ có nó mà sau này khi thiếu ông bà cũng chỉ xem như ông đang đi công tác, hay đi học.

Đó là sức mạnh của tình yêu đích thực giúp bà vượt qua sóng gió của cuộc đời…

  • Nguyễn Thị Hải
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc