Nữ ảo thuật gia “hô biến” vịt thành thiên nga (II)

( PHUNUTODAY ) - Chị bảo, trong nghề, đam mê ngấm vào máu. Mê thành say, thành thử đưa quân đi thi là ấp ủ có giải, có ngôi vị trứ danh, còn trong gia đình, trong phương pháp dạy con, chị không hề thích sự cạnh tranh.

“Nhìn tôi, không ít người nghĩ rằng tôi có bồ bịch lăng nhăng, phần bởi làm huấn luyện viên đào tạo các chân dài, người đẹp, phần nữa bởi tôi là người phụ nữ mang trong người máu nghệ sĩ, mà người ta vẫn bảo nghệ sĩ đa tình… nhưng, từ trước tới nay, chưa một người đàn ông nào khiến tôi mảy may rung động, ngoài một người đàn ông biết sẻ chia, yêu thương vợ là chồng tôi.

[links()]
Những buồn, vui của nghề

Bước lên đỉnh vinh quang, đồng nghĩa rằng những người đẹp, hoa hậu đã trở thành người nổi tiếng, người của công chúng. Song hành với ánh sáng hào quang họ sở hữu là những điều tiếng, thị phi của một thế giới tọc mạch, thích bới móc với cơ số nghi ngờ trái khoáy nhằm vào người mới nổi.

Con đường của họ là con đường hoa hồng, đẹp đẽ, lấp lánh, ngào ngạt song cũng vô vàn gai nhọn, sẵn sang đâm chảy máu những đôi chân yếu ớt và những tâm hồn run rẩy nỗi sợ hãi.

Ý thức được điều này, bên cạnh việc rèn giũa những “người tiềm năng” trở thành người đẹp về hình thể, huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn còn “huấn luyện” cho họ cách đối diện với thị phi, dạy cho họ cách sống kiên cường trước những cám dỗ thấp hèn của cuộc sống lấp lánh đầy cạm bẫy phía trước.

Từ những việc rất nhỏ nhặt như tạo dựng một môi trường rèn luyện sạch sẽ, văn minh, tuyệt đối không văng tục, chửi bậy trong lớp, cho tới khuyên nhủ những học trò của mình không nên tới vũ trường – địa điểm khá nhạy cảm nếu như các bạn thực sự muốn giữ gìn và xây dựng hình ảnh của mình trong mắt công chúng cho thấy sự quan tâm bao quát toàn diện của chị.

Huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn đang hướng dẫn học trò tập luyện
Huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn đang hướng dẫn học trò tập luyện

Ý thức rất rõ nắm trong tay rất nhiều chân dài, người đẹp là những cô học trò xinh xắn, đáng yêu của mình, đồng thời hiểu rất rõ mảnh đất quê hương với nhịp độ phát triển nhanh chóng, náo nhiệt với sự xuất hiện một loạt những vị đại gia đình đám.

Một mặc định mới được ghép vần như một tất yếu: chân dài – đại gia. Chị hoàn toàn có thể dùng những học trò của mình để “chiêu mộ” những vị đại gia chống lưng, “đầu tư” cho lớp học của chị. Song Đinh Hồng Sơn không làm cái công việc “hèn kém” như cách nói của chị.

Chị tự hào một điều: “tất cả tâm huyết và hiểu biết về nghề tôi đều truyền dạy tận tình, chu đáo cho các học trò. Tôi sống bằng nghề của mình và tự đứng bằng đôi chân của mình. Tôi hướng các học trò của tôi sống đúng với con người mình, đúng với năng lực và sức lao động mình có được.

Đó mới là cái được vĩnh cửu mà không một sự cố, thế lực hay sức mạnh ma mị nào có thể làm sụp đổ”.  Trong rất nhiều học trò của chị trở thành người nổi tiếng, họ vẫn giữ được sự thanh sạch về hình ảnh cũng như giá trị bản thân. Đó thực sự là điều chị tự hào và mãn nguyện.

Tuy nhiên, giống như hai mặt của tờ giấy, bên cạnh niềm vui còn có những nỗi buồn đằm sâu trong đáy mắt. Gần 30 năm trong nghề, sau những giọt mồ hôi, sau những ngày tháng tận tuỵ cùng học trò “ở lỳ” trên phòng tập, những thế hệ học trò của chị trưởng thành, có được những danh hiệu khác nhau trong làng giải trí, và cũng có những người “quên” mình đã có một người thầy như thế.

Chúng giống như cánh bồ công anh, mải mê bay theo làn gió mới, tới những miền đất mới và quên không ngoái đầu nhìn lại người âm thầm lái đò đưa chúng tới bến vinh quang.

Chị tự hỏi, không biết có phải những học trò ấy nghĩ rằng cứ dạy chữ cái, dạy đọc, dạy viết, dạy cách tính toán, chúng mới gọi đó là “thầy cô”, còn những người làm nghề như chị, lũ học trò chỉ coi là “người qua đường”.

Qua cầu rồi và vứt bỏ ván luôn? Ví như trường hợp của siêu mẫu M, sau cuộc thi siêu mẫu toàn quốc do chính chị dẫn đi và giành được giải phong cách, anh ta nổi như cồn, trở thành một trong những người mẫu nam sáng giá nhất trong làng người mẫu Việt.

Có cơ hội lấn sân sang điện ảnh, truyền hình cũng là lúc cánh báo chí tìm đến và “bủa vây” tới M, dồn dập hỏi M về người “chủ công” để M có được thành công ngày hôm nay.

M thủng thẳng vinh danh một người đàn ông nào đó M gọi là “thầy” và tiệt không nhắc tới người thầy tận tuỵ, bé nhỏ của mình nơi góc Cung văn hoá Việt Tiệp, người mà cùng đổ mồ hôi luyện tập, hướng dẫn M mỗi buổi chiều đều như vắt chanh.

Sự việc ấy đến tai bạn bè chị, những người đồng nghiệp của chị, ai cũng bất bình thay cho chị. Đinh Hồng Sơn buồn lắm chứ. Nhưng biết làm sao, chị chỉ biết se sẽ “đúng là trò đời”.

Bởi thứ chị cần không phải là vài ba lời vinh danh tán tụng của học trò trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà điều khiến chị băn khoăn là công sức và nỗ lực của mình trong suốt thời gian qua bị chính miệng người học trò ấy phủ nhận sạch trơn và tuyệt đối theo nghĩa đầy cay đắng.

Đó không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất “qua cầu rút ván”, còn khá nhiều học trò sau khi thành danh, sau khi bước lên bục vinh quang quên mất một lời cảm ơn, tri ân đối với người thầy đặc biệt này.

Nhưng qua thời gian, với sức nặng chiều sâu suy tưởng và độ chín trong suy nghĩ và tuổi tác của những học trò ấy, họ tìm lại chị, nói lời tri ân với chị. Như á hậu Ngọc Oanh từng chia sẻ xúc động với cô giáo:

“Nếu không có cô chắc hẳn chúng em không có được như ngày hôm nay. Những lời cô dạy bảo, cho đến hôm nay em mới thấm thía”. Với những học trò như vậy, Đinh Hồng Sơn biết công việc của mình không bao giờ là vô nghĩa.

Không chỉ tô điểm cho những cuộc thi lớn…

Nhiều năm liền “đem chuông đi đánh xứ người”, dẫn đoàn tham dự các đấu trường nhan sắc mang tầm vóc quốc gia, huấn luyện viên tài danh này còn liên tục tổ chức, đạo diễn các “đấu trường” sắc đẹp có quy mô nhỏ, song toát lên sự chuyên nghiệp, nghệ thuật, thẩm mỹ.

Ngay từ năm 1989, lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hải Phòng, Đinh Hồng Sơn với vai trò là người dẫn đoàn xí nghiệp giày da tham dự đã dẫn theo 6 “chủ công” tài sắc đi “giao lưu”. Kết quả cả 6 người đẹp của chị đều lọt vào top 10 và ai cũng giành được những giải thưởng phụ danh giá.

Cho tới hiện nay, trong vai trò là đạo diễn, biên kịch các chương trình thi nhan sắc của các công ty, xí nghiệp, ngân hàng…

Đinh Hồng Sơn đã thổi một luồng không khí tươi trẻ vào những người công nhân vốn quen với vất vả, bụi bặm trở thành những người đẹp thực sự, đến mức những ông chủ người nước ngoài của họ phải thốt lên “không thể tin công nhân của mình lại xinh đẹp và tài năng đến thế”.

Trong câu chuyện chị không biết nên gọi là vui hay buồn, nhớ lại, khi cuộc thi hoa khôi của một công ty chế biến hải sản do chị là người đạo diễn, tổ chức kết thúc và người đẹp nhất được xướng danh trong tiếng vỗ tay râm ran của cả hội trường.

Người ta thấy một người đàn ông dáng vẻ khắc khổ tay cầm bó hoa rảo bước nhanh về phía sân khấu. Ông chính là cha của cô hoa khôi đạt giải vừa được vinh danh ấy. Ông đứng sững người trước dàn người đẹp trên đó.

Ông loay hoay phần bởi rợn ngợp, và phần nhiều bởi sự lúng túng, ngượng nghịu, ông không nhận ra con gái mình. Bởi cô quá đẹp. Chưa bao giờ ông thấy con gái mình đẹp đến thế. Và từ khoé mắt người đàn ông khắc khổ ấy, nước mắt đua nhau chảy ra.

Cảnh tượng ấy đọng lại trong tâm trí huấn luyện viên Đinh Hồng Sơn và trở thành một cảnh tượng tuyệt đẹp, khắc sâu trong cuộc đời làm nghề của chị. Có lẽ, khi chạm tới chân – thiện – mỹ, những cảm xúc và ấn tượng hoá thành bất tử.

Người đàn bà quen với vị trí “về nhì” trong gia đình

Được mệnh danh là “bà trùm” trong giới đào tạo sắc đẹp, nhiều lần “dẫn quân” chinh chiến khắp các đấu trường nhan sắc, thu về nhiều chiến thắng vang dội với bảng dài thành tích, nhưng ít ai có thể ngờ, trong gia đình, người phụ nữ ấy không hề “hiếu chiến” như làm nghề.

Bí quyết giữ lửa cho tổ ấm của mình là: hãy về nhì và làm tròn vai trò của một người vợ, một người mẹ. Đàn ông thử đàn bà, đàn bà thử vàng. “Nếu trong gia đình, chồng tôi là số 1 thì tôi chỉ là con số 0. Tôi đứng trước chồng tôi – 01 – đồng nghĩa với việc chồng tôi vẫn là số 1.

Tôi đứng sau chồng tôi – 10 – đồng nghĩa rằng anh ấy đứng trước và che chở cho tôi, sức mạnh của anh ấy tăng gấp 10 lần hoặc hơn thế nữa”.

Xuất thân từ một vận động viên bộ môn thể dục nghệ thuật của trường Đại học Thể dục thể thao, sớm bộc lộ là người đam mê và có năng khiếu nghệ thuật, cộng với việc tham gia năng nổ các hoạt động văn nghệ của trường, tham gia biểu diễn ở các nơi, có cơ hội tiếp xúc nhiều đạo diễn, biên đạo múa, vốn kiến thức về cái đẹp, thẩm mỹ, dàn dựng, hình thể…

Đinh Hồng Sơn tỏ ra là một học trò triển vọng, có tư duy nhạy bén trong lứa học trò năm đó.

Tốt nghiệp Đại học, chị được biệt phái về công ty giày da, làm bên công đoàn chuyên trách mảng tổ chức các phong trào quần chúng trong công ty và tham dự các chương trình giao lưu văn nghệ với các đoàn thể khác.

10 năm gắn bó, vừa phụ trách công tác công đoàn, vừa trực tiếp tham gia các phong trào văn nghệ bồi dưỡng cho chị độ chín về nghề, quan niệm về cái đẹp, nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật làm đẹp…

Đó cũng là những năm tháng chị gặp anh Nguyễn Tiến Dũng – người hoạ sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và sau này là chồng của chị.

Hai vợ chồng chị theo đuổi hai mảng nghệ thuật khác nhau, song đều có chung sự tận tuỵ và những quan điểm khá tương đồng về cái đẹp.

Cùng chia sẻ những vất vả của nhau, cùng chung quan điểm nuôi dạy con cái, chẳng vậy gần 30 năm vợ chồng, chưa bao giờ anh chị to tiếng với nhau nửa lời. Hai người con của chị đều là thủ khoa của hai trường Đại học, là niềm tự hào của vợ chồng chị.

Niềm vui sáng bừng trong đôi mắt chị khi nhắc tới những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt của mình. Chị bảo, trong nghề, đam mê ngấm vào máu. Mê thành say, thành thử đưa quân đi thi là ấp ủ có giải, có ngôi vị trứ danh, còn trong gia đình, trong phương pháp dạy con, chị không hề thích sự cạnh tranh.

Chính vì thế vợ chồng chị hướng cho con cái theo học ngành Kiến trúc, mang hơi hướng nghệ thuật thay bằng việc học tới các ngành kinh tế, dễ dính dáng, động chạm tới đồng tiền.

Chồng chị nhiều năm liền làm ở Sở Văn hoá, sau vì mê nghề, anh chuyển sang luyện thi Đại học, dạy vẽ cho các học trò đam mê mỹ thuật. Bản thân chồng chị cũng có rất nhiều học trò đỗ thủ khoa các trường Đại học, tranh được tham dự nhiều triển lãm có tiếng tăm.

Chị nói vui: “Nhìn tôi, không ít người nghĩ rằng tôi có bồ bịch lăng nhăng, phần bởi làm huấn luyện viên đào tạo các chân dài, người đẹp, phần nữa bởi tôi là người phụ nữ mang trong người máu nghệ sĩ, mà người ta vẫn bảo nghệ sĩ đa tình… nhưng, từ trước tới nay, chưa một người đàn ông nào khiến tôi mảy may rung động, ngoài một người đàn ông biết sẻ chia, yêu thương vợ là chồng tôi.

Anh ấy sẵn sàng lụi cụi vào bếp nấu cơm nếu như tôi bận đứng lớp, sẵn sàng làm việc nhà nếu như tôi kêu mệt. Và bù lại, tôi luôn có ý thức học hỏi và tự tay chế biến những món ăn anh và các con yêu thích để bữa cơm trở thành cầu nối giữa các thành viên trong gia đình.

Tôi dạy con và các học trò của tôi một điều: đừng bao giờ quy luỵ ai, tuyệt đối không bao giờ đi bằng đầu gối. Sống phải biết tự trọng và giữ lòng tự trọng.

Tay mình làm, chân mình đi, đó mới thực sự làm chủ cuộc sống và vận mệnh của mình. Tôi tự hào vì có tài sản lớn nhất là một gia đình hạnh phúc, một “sự nghiệp” nhỏ ý nghĩa và nhiều niềm vui, cùng với nhiều thế hệ học trò trưởng thành và trở thành những người có ích”.

Trong khi trò chuyện cùng tôi, điện thoại chị liên tục đổ chuông, khi thì chồng chị gọi về ăn cơm, lúc là chương trình bên ngân hàng do chị đảm nhiệm đang chờ tổng duyệt, người phụ nữ nhỏ bé ấy mỉm cười hạnh phúc, vì cuộc sống của chị luôn bận rộn, ý nghĩa và có người bạn đồng hành sẻ chia, thấu hiểu.

Hạnh phúc bắt nguồn từ những điều bình dị nhất, là thế.

Nữ ảo thuật gia “hô biến” vịt thành thiên nga )

  • Du Mục
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn