Nữ văn công ’dứt tình’ với thuốc phiện sau 15năm mê đắm

13:18, Thứ sáu 28/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Mỗi ngày, vợ chồng bà phải hút đủ 2, 3 lần. Thậm chí vì kém hiểu biết mà bà Nguyệt còn cho cậu con trai mới đẻ, thậm chí là cả hai cô con gái nằm bên cạnh hít khói thuốc phiện khi mới lọt lòng.

"Đã có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả, nhưng thấy 3 đứa con nheo nhóc bị bạn bè khinh rẻ là con của kẻ nghiện, tôi lại quyết tâm cai thuốc phiện cho bằng được để nuôi con". Đó là câu chuyện của bà Vũ Thị Nguyệt, một cán bộ tư vấn việc làm của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức - người phụ nữ nghị lực đã cùng giúp chồng đã từ bỏ được ma túy sau hàng chục năm nghiện hút.


Từ nữ văn công trở thành đối tượng nghiện hút

Bà Vũ Thị Nguyệt sinh năm 1957 ở Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình. Năm 16 tuổi, cha mẹ bà ép gả cho một người thanh niên cùng làng. Khi ấy, bà chỉ là cô gái quê ngây thơ và chưa biết gì tới chuyện yêu đương. Nhưng trước sức ép của gia đình, bà đành nhắm mắt đưa chân đi lấy người mà bà không yêu.

Một nửa tháng trời, bà không dám ngủ chung giường với chồng, sau đó vài ngày, bà Nguyệt quyết định về nhà mẹ đẻ, mặc cho người chồng 5 lần 7 lượt tới xin về. Tới năm 1977, bà Nguyệt lên đường nhập ngũ vào đường 9 - Nam Lào, trở thành cô văn công của sư đoàn 473.

Sau 2 năm tươi đẹp ấy, bà xuất ngũ về địa phương, rồi lên làm công nhân lâm trường Ngòi Lao của huyện Yên Lập, Phú Thọ. Tại đây, cô con gái đất chèo với giọng hát mượt mà, lại thêm tài ăn nói, nhanh nhẹn khiến nhiều chàng trai say mê.

Nhưng cuối cùng, nhờ bạn bè gán ghép, bà Nguyệt đã nảy sinh tình cảm với anh công nhân Nguyễn Thành Dung, hơn bà 19 tuổi.

Bà Nguyệt bên bàn làm việc tại Trung tâm Hồng Đức
Bà Nguyệt bên bàn làm việc tại Trung tâm Hồng Đức

Ông Dung vốn quê ở một vùng ngoại thành Hà Nội nhưng cha mẹ đã qua đời từ lâu, ông lên làm lâm trường được hơn 10 năm, nhà cửa không có, phải ở nhờ nhà dân. Biết rõ hoàn cảnh của ông Dung, bà Nguyệt vẫn quyết tâm cùng ông Dung chung tay xây dựng kinh tế gia đình tại xã Mỹ Lung, Yên Lập, Phú Thọ.

Khi vừa lấy nhau, bà Nguyệt phát hiện chồng mình nghiện thuốc phiện. Tuy nhiên, do không thực sự biết những tác hại của thuốc phiện nên bà Nguyệt đã bị lây nghiện từ chồng mình chỉ vì tin rằng hút loại thuốc này sẽ tăng cường sức khỏe mà lại không bị "hậu sản" cho phụ nữ sau khi sinh.

Lần nào ông Dung cũng gọi vợ vào hút cùng, mỗi ngày, vợ chồng bà phải hút đủ 2, 3 cữ một ngày thì trong người mới thấy khỏe khoắn, có thể làm quần quật mà khỏi cần ăn cơm.

Thậm chí vì kém hiểu biết mà bà Nguyệt còn cho cậu con trai mới đẻ, thậm chí là cả hai cô con gái sau này cũng nằm bên cạnh hít khói thuốc phiện khi mới lọt lòng.

Nhớ lại thời gian hai vợ chồng nghiện hút, cảnh nhà ngày càng túng quẫn, vợ chồng bà Nguyệt quyết đã lên Yên Bái đào vàng để đổi đời, cũng là để kiếm tiền hút thuốc phiện. Trong suốt 5 năm đào vàng, kiếm được bao nhiêu, vợ chồng bà chỉ ưng đổi thuốc phiện.

Tới năm 1985, bà Nguyệt có thai người con thứ 2, cả hai vợ chồng đành về Yên Lập để sinh con với hai bàn tay trắng. Về nhà, vợ chồng bà Nguyệt dựng tạm cái lều để che mưa che nắng.

Dù sắp tới ngày sinh, nhưng bà Nguyệt vẫn phải vác bụng chửa vượt mặt đi chặt cây, chặt củi bán lấy tiền mua thuốc phiện hút. Cứ như thế đứa con thứ hai, thứ ba ra đời trong căn nhà dột nát. Để có sức đi lên rừng đi làm thuê, sáng nào ông bà cũng phải thỏa cơn đói thuốc.  

Dù nhiều lần lên đói thuốc vì không có đủ tiền nhưng vợ chồng bà Nguyệt vẫn “không ăn cắp hay tơ hào của ai lấy một đồng, cũng không tiêm nhiễm buôn bán cho người khác".

Vì thuốc phiện, những đứa con của vợ chồng bà đều phải nghỉ học dở chừng khi mới đang học cấp hai vì nhà nghèo và vì bạn bè, hàng xóm dè bỉu, coi thường.

Có lần nhà không còn gạo, còn sắn, cậu con trai đầu của đói quá, không đi thi được. Bà Nguyệt chạy vạy khắp nơi vay được bơ gạo, về nấu cho con ăn nhưng vì đói quá, cậu bé ăn xong bị đau bụng.

Bà Nguyệt lại phải tất tả cõng con 5km bộ đường rừng để con tới trường. Tới nơi, các bạn đã thi xong nửa giờ, bà Nguyệt chỉ còn biết ngồi khóc tu tu như một đứa trẻ.

Quyết tâm làm lại cuộc đời vì con

Cho tới một ngày hè năm 1997, khi công an địa phương đến nhà khuyên vợ chồng bà đi cai nghiện đúng lúc cả hai vợ chồng bà Nguyệt đang "phê" thuốc. Sau khi nghe cán bộ khuyên giải, rồi đến lượt các con động viên, bà Nguyệt quỳ sụp xuống van xin công an:

"Các anh cứu em, cho em đi cai nghiện để em còn nuôi các con em". Phải mất 1 tháng trời để bà cắt cơn nghiện thay vì 2 tuần như nhiều bạn cai cùng phòng khác. Mỗi ngày, mỗi giờ, bà Nguyệt phải chịu cảnh đau đớn của cơn đói thuốc tưởng như có hàng nghìn con bọ nhung nhúc trong xương tủy.

Những lúc ấy, bà Nguyệt la hét ầm ĩ đòi thuốc, đòi chết nhưng khi có người bạn cùng phòng giấu ma túy cho thì bà lại xua đuổi, vứt thuốc đi. Sau một tháng cắt được cơn nghiện, bà được đi ra ngoài và lao động cùng anh em.

Trong thời gian bà Nguyệt đi trại cai nghiện, 3 đứa con của bà không người chăm sóc, lại đói ăn nên còm nhom rách rưới, riêng cô con gái thứ hai cũng phải bỏ học khi mới học tới lớp 7.

Trong 6 tháng ở trại, bà đã 2 lần trốn về thăm con vì nhớ con quá nhưng rồi cán bộ khuyên nhủ nhiều, bà lại phải cố gắng kìm nỗi nhớ con cố gắng cai nghiện cho tốt.

Thấy hoàn cảnh gia đình bà đáng thương, có người hàng xóm giới thiệu một người họ hàng muốn tìm người trông trẻ. Vì tinh thần không tỉnh táo, lại nghe lời dỗ ngọt của 2 chàng trai, ông Dung đồng ý và cho con đi nhưng với điều kiện phải đưa con gái lên trại để chơi với mẹ một hôm.

Tuy nhiên khi bà Nguyệt gặp và nói chuyện, bà đã tỏ ra nghi ngờ mục đích của 2 chàng trai này khi muốn đưa con gái bà lên thành phố đi làm. Ngay lúc đó, bà Nguyệt đã chạy lên ban giám đốc cầu xin giữ con gái lại nếu không bà sẽ "đập đầu vào tường mà chết".

Bởi: "Nếu không liều mình làm khó các cán bộ như vậy thì con gái tôi có thể bị bán sang Trung Quốc, hoặc là nuôi lớn để bán vào động mại dâm". Sau chuyện này, các cán bộ trại giam thương tình để cho con bà ở lại chăm nom mẹ.

Tuy nhiên sống trong môi trường không mấy lành mạnh, bà Nguyệt lo sợ con gái bị nhiễm thói hư tật xấu, bà lại xin một người quen cho con gái mình sang rửa bát đĩa ở một hàng ăn gần đó, khi nào ra trại sẽ đón con về.

Sau giai đoạn cai nghiện ở trại, bà Nguyệt về nhà nhưng sống cạnh người chồng nghiện nặng gần 40 năm, bà hiểu rằng sớm muộn mình cũng bị nghiện lại vì vậy phải vận động cho chồng cai nghiện.

Dưới sức ép của công an và của vợ, ông Dung chấp nhận tự cai nghiện ở nhà thay vì đi trại. Ròng rã gần 1 năm trời, bà Nguyệt là trụ cột chính cho gia đình, bà vừa phải đi rừng, chặt củi, làm thuê để mua thuốc điều trị cho chồng, vừa nuôi 3 đứa con tuổi ăn tuổi lớn.

Có nhiều lần, ông Dung lại giấu bà mua thuốc hút khi bà đi làm. Những lúc phát hiện được điều đó, bà Nguyệt chán nản muốn buông xuôi nhưng rồi chính 3 đứa con ngoan ngoãn lại buộc bà phải gồng mình tiếp tục con đường cai nghiện cho chồng, gánh vác nuôi 5 miệng ăn.

Trong thời gian cai nghiện cho chồng, mỗi khi có mấy kẻ nghiện hút lảng vảng tới nhà dụ dỗ bán thuốc, bà Nguyệt lại cầm gậy ra đánh đuổi đi. "Nhiều người nghĩ tôi đanh đá, ghê gớm, nhưng có lẽ nếu không như vậy vợ chồng tôi lại tái nghiện mất", bà Nguyệt nói.

Tới đầu năm 1998, bà Nguyệt được Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Linh Quang (Hà Nội) tạo điều kiện về việc làm để có thể kiếm tiền nuôi con.

Thế nhưng, tính bà chất phác, ngay thẳng nên tới nhà ai bà cũng thật lòng kể về cuộc đời mình. Các chủ nhà lo sợ, e ngại nên đều không đồng ý. Thầy Trần Duyên Hải, Giám đốc trung tâm, thấy bà nhanh nhẹn, nói năng lưu loát, lại hát hay nên cho bà về làm công tác tư vấn việc làm tại trung tâm.

Công việc của bà là phải xuống địa phương tìm những người có hoàn cảnh khó khăn, từng lầm lỡ như nghiện ma túy, mại dâm… cho họ công việc tốt để tái hòa nhập cộng đồng.

Hơn một chục năm tham gia công tác xã hội, bà Nguyệt đã đưa hàng trăm người xuống Hà Nội tìm việc có công việc ổn định. 10 năm chăm chỉ làm lụng, tích cóp, bà Nguyệt và các con đã xây được cho mình một ngôi nhà khang trang ở Yên Lập, Phú Thọ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, không ít lần bà Nguyệt đã phải tránh mặt lau những giọt nước mắt vì ân hận những gì bà đã làm trong quá khứ. May mắn lớn nhất của một kẻ nghiện ngập như bà Nguyệt là 3 đứa con của ông bà dù không được ăn học tử tế nhưng đều ngoan ngoãn và thương bố mẹ.

Trong 15 nghiện ngập, thấm mọi tủi nhục, bà Nguyệt luôn dặn các con không bao giờ được đi vào con đường của bố mẹ. Sau này, 2 cô con gái của bà ra Hà Nội đi làm đều có sự kèm cặp trông nom của mẹ. Bà Nguyệt sợ con gái mình không đủ trải đời và hiểu biết ở nơi phồn hoa sẽ sa ngã như chính bà ngày xưa.

Với mỗi cô con gái, bà đều nghiêm khắc dạy bảo. Mới năm vừa rồi đây thôi, chồng bà vừa mất, các con có ý muốn về quê chăm sóc nhưng bà vẫn khăng khăng muốn ở lại trung tâm làm việc.

Giờ đây, ở cái tuổi bên kia cuộc đời, mong muốn lớn nhất của bà Nguyệt là được đóng góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình cho xã hội, giúp cho những người khó khăn từng lầm lỡ ở trung tâm có cơ hội làm lại từ đầu.

  • Lam Chi

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc