Benjamin Franklin đập đầu vào khung cửa
Ông tổ của nước Mỹ Benjamin Franklin khi còn trẻ đã từng đến thăm một bậc tiền bối đức cao vọng trọng. Khi đó, ông tràn trề nhiệt huyết của tuổi trẻ, chân sải bước rộng tiến về phía trước.
Vào đến cửa, đột nhiên đầu Franklin đập phải khung cửa, đau điếng. Ông vừa phải dùng tay xoa liên tục vào chỗ đau, vừa đưa mắt nhìn cái cửa còn thấp hơn chiều cao của mình.
Vị tiền bối ra cửa đón khách, nhìn thấy bộ dạng đó của Franklin liền cười nói: “Đau lắm hả, tuy nhiên đây chính là thu hoạch lớn nhất của cậu khi đến thăm tôi hôm nay đấy. Một người muốn bình an vô sự sống trên đời này, phải luôn luôn ghi nhớ trong đầu một điều: Lúc nào nên cúi đầu thì phải cúi đầu!”
Câu chuyện đơn giản nhưng hết sức chân thực này đã cho chúng ta biết một điều cần thiết và quan trọng: Nhất định phải học được cách nhận thức về bản thân, tuyệt đối đừng bao giờ tự cho mình là quá quan trọng! Trên thế giới này, mỗi người đều rất quan trọng nhưng bất cứ ai có rời đi, thậm chí là mất đi, trái đất vẫn cứ quay.
Trong cuốn sách “Lý Gia Thành – Ông chủ của những ông chủ” trong giới kinh doanh Hong Kong của tác giả Anthony B. Chan, có một đoạn trích dẫn lời của vị tỉ phú khi giải thích vì sao ông chọn cái tên Trường Giang để đặt tên cho công ty của mình như sau:
“Nếu bạn muốn thành công thì cho dù ở vị trí nào đi chăng nữa, bạn cần phải biết cách lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Tại sao Dương Tử (Trường Giang) lại trở thành một con sông lớn như vậy? Đó là bởi vì nó tiếp nhận dòng chảy từ những con sông nhỏ hơn, do đó trở nên rộng lớn.
Chàng trai thi trượt vì một tấm phiếu của vị giám khảo nghiêm khắc
Có một chàng thanh niên người Na Uy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào Học Viện Âm Nhạc Paris (Conservatoire de Paris) nổi tiếng thế giới.
Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được tuyển chọn.
Ban giám khảo đã cân nhắc nhiều mặt để vớt chàng thí sinh tài năng, nhưng lá phiếu quyết định của một vị giám khảo rất nghiêm khắc và khó chịu, cố tình vạch lá tìm sâu, để rồi cuối cùng vẫn đánh rớt chàng trai trẻ.
Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đành buồn bã lang thang trên các con phố của Paris. Thế rồi anh dừng lại ở khoảng lề đường không xa Học Viện Âm Nhạc, anh đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm bắt đầu vang lên theo nhịp kéo của anh. Anh ta chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe.
Chàng thanh niên đói khát và trắng tay cuối cùng nâng hộp đựng đàn của mình lên, mọi người xúm lại ân cần bỏ tiền vào thay cho lời tán dương dành cho tài năng trẻ.
Bất ngờ có một khách bộ hành khá lớn tuổi, dáng vẻ ngạo mạn khinh thường, có lẽ cũng có mặt từ lâu, rẽ đám đông bước tới, ném mấy đồng cắc xuống dưới chân của chàng thanh niên.
Anh ngước mắt nhìn ông ta, không biết ông ta là ai, sau đó lặng lẽ cúi xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, bước tới đưa cho người đó và nói: “Thưa ngài, tiền của ngài rơi xuống đất đây này”.
Ông kia cầm lấy mớ tiền cắc rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của anh và nói: “Tiền này ta đã cho ngươi, nó là của ngươi rồi, ngươi phải nhận lấy”.
Chàng thanh niên một lần nữa ngẩng lên nhìn ông ta, rồi cúi người thật sâu xuống cám ơn mà nói: “Thưa ngài, xin cảm ơn sự giúp đỡ của ngài. Vừa rồi tiền của ngài rơi xuống mặt đất, tôi đã cúi người xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ngài cũng nhặt lên giúp tôi”.
Người đàn ông thật sự kinh ngạc trước nhân cách rất kiên quyết nhưng cũng lại rất nhã nhặn khiêm tốn của chàng nhạc sĩ đường phố. Cuối cùng ông cũng cúi xuống nhặt những mấy đồng xu do chính tay mình vừa ném xuống lề đường, đến bỏ vào hộp đàn của chàng trai trẻ, rồi lầm lũi bỏ đi.
Sau đó, chàng thanh niên trẻ bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển vào Học Viện Âm Nhạc Paris. Ngày nhập học, anh ngỡ ngàng nhận ra một trong các vị thầy dạy của anh tại đây chính là người đàn ông đứng tuổi đã ném những đồng xu xuống đất hôm trước và hóa ra ông cũng chính là vị giám khảo nghiêm khắc đã đánh rớt anh trong cuộc thi tuyển.
Cảm ngộ:
Cuộc đời nhắc nhở chúng ta rằng: Rất nhiều người cả đời ngẩng đầu nỗ lực, cuối cùng nhìn lại mới nhận ra, thứ mà mình giành được rốt cuộc cũng chỉ là phù du, mây khói, là vật ngoài thân mà thôi. Những người có sự nghiệp thuận lợi nhất, tiến bộ nhanh nhất thông thường đều là những người hiểu được rằng làm người phải biết “cúi đầu”.
Một người có thể tự tin nhưng không nên tự đại, có thể phóng đãng nhưng không thể kiêu căng ngạo mạn, có thể sống khỏe mạnh trường thọ nhưng không thể bất tử, có thể dùng sức mạnh để cứu vãn một thế cục bất ổn nhưng không thể thay đổi càn khôn!
Sở dĩ trăm sông đổ ra biển là do biển nằm ở vị trí thấp hơn các con sông. Con người cũng vậy, khi hạ thấp cái tôi cá nhân, người đó sẽ tiếp nhận được những tinh hoa từ người khác để hoàn thiện mình.