Olympic Việt Nam đối đầu Hàn Quốc: Số phận Son Heung Min nằm cả trong tay thầy Park!

11:55, Thứ tư 29/08/2018

( PHUNUTODAY ) - Không phải tự nhiên mà tiền vệ của Tottenham – Son Heung Min – đang phải dốc sức ở Asiad 2018 cùng đội Olympic Hàn Quốc. Tiền đạo của Hàn Quốc đang đứng trước bước ngoặt của sự nghiệp khi anh sắp phải thi hành nghĩa vụ quân sự, trừ khi có thể cùng đội tuyển quốc gia vượt qua vòng bảng World Cup 2018.

Ngày 27/6, dù cùng các đồng đội đánh bại tuyển Đức, vốn là đương kim vô địch thế giới ở thời điểm đó, với tỷ số 2-0 trong trận đấu cuối cùng vòng bảng tại World Cup 2018 (Son là người ghi bàn thắng ấn định kết quả ở phút thứ 90+6), Son vẫn khóc hết nước mắt khi biết tuyển Hàn Quốc đã bị loại. Anh chỉ đau một phần vì kết quả không tốt của đội nhà, một phần khác, anh biết mình sẽ chưa được miễn trừ nghĩa vụ quân sự vì không thể giúp đội nhà đạt thành tích tốt ở World Cup trên đất Nga.

Với Son, Asian Games trên đất Indonesia chính là cơ hội cuối cùng để anh “không phải làm một binh nhì nhỏ bé, buộc phải tuân thủ mệnh lệnh quân đội”. Nhưng để được miễn trừ 21 tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự, Son buộc phải giành HCV ở Asiad 2018, mọi kết quả khác, như giành quyền lọt vào vòng knock-out, vào tứ kết, bán kết hay vào tranh HCĐ, thậm chí giành HCB đều là vô nghĩa. Rõ ràng, Son đã đến với ASIAD 2018 với áp lực tâm lý rất nặng nề.

Son đến Asiad với áp lực tâm lý nặng nề

Son đến Asiad với áp lực tâm lý nặng nề

Thời khắc Olympic Hàn Quốc vượt qua Olympic Uzbekistan bằng quả luân lưu của Hwang Hee-chan ở những phút bù giờ cuối cùng, máy quay bắt gặp khoảnh khắc Son Heung-min ôm mặt và quay lưng, không dám theo dõi quả đá của đồng đội. Rõ ràng Son đang phải chịu một sức ép tâm lý rất lớn trong những trận cầu quyết định như thế này.

Hàn Quốc từ lâu luôn nổi tiếng với chế độ quân dịch hà khắc. Theo luật Hàn Quốc, mọi nam giới đều phải hoàn thành đủ 21 tháng nghĩa vụ quân sự trước ngày sinh nhật lần thứ 28 của mình. Không có bất kì ngoại lệ nào cho tất cả mọi công dân, thậm chí kể cả những "niềm tự hào dân tộc" như Son Heung-min, trừ những vận động viên giành được huy chương ở các kì World Cup 2018 hoặc về nhất tại Asian Games.

Bởi thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Son Heung-min lại bỏ cả giai đoạn mở màn của Ngoại hạng Anh 2017/18 để xin phép CLB chủ quản Tottenham cho về phục vụ đội tuyển Olympic nam Hàn Quốc tại ASIAD 2018. Hãy khoan nói về những thứ to tát như màu cờ sắc áo hay tinh thần dân tộc, Son thực sự rất cần cơ hội để tiếp tục duy trì sự nghiệp đỉnh cao tại châu Âu - điều mà bất kỳ cầu thủ chuyên nghiệp nào tại đất nước xứ sở kim chi đều khao khát.

Son không dám nhìn đồng đội đá phạt đền

Son không dám nhìn đồng đội đá phạt đền

Trước đó, tiền đạo sinh năm 1992 đã từ chối cơ hội gia nhập Borussia Dortmund vì cho rằng tại đội chủ sân Signal Iduna Park, anh sẽ không có cơ hội cạnh tranh với những Shinji Kagawa, Robert Lewandowski hay Marco Reus và quan trọng, là không có cơ hội tham dự… ASIAD.

Thay vì gật đầu với Dortmund, Son gia nhập Bayer Leverkusen. Người tính không bằng trời tính, đội chủ sân Bay Arena từ chối nhả anh cho đội Olympic Hàn Quốc để tham dự ASIAD.

Son Heung-min luôn kiệm lời khi nói về trách nhiệm này với quốc gia. Với văn hóa của người Hàn Quốc cùng vị thế ngôi sao lớn nhất nền bóng đá xứ sở kim chi sau Park Ji-sung, Son hiểu trách nhiệm của mình trong những phát ngôn.

Không ai muốn đánh mất gần hai năm đỉnh cao trong sự nghiệp để đổi lại những ngày rèn luyện trong quân ngũ, dù rằng ở Hàn Quốc, đi nghĩa vụ “sướng” hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Son cũng vậy, song chỉ có một cách duy nhất để ngôi sao sinh năm 1992 đẩy lùi bóng ma này ra khỏi sự nghiệp, ấy là chiếc huy chương vàng ASIAD, và Son đang nỗ lực tột bậc để có được điều đó.

"Binh nhì" hay sự nghiệp? Tất cả đều nằm trong tay thầy Park

Son đang là biểu tượng lớn nhất của bóng đá Hàn Quốc, là niềm tự hào của các châu Á khi anh vụt sáng ở trời Âu. Và tất nhiên, Son sẽ làm mọi cách để duy trì thứ hào quang chói sáng đó.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Olympic Hàn Quốc của Son sẽ phải vượt qua chướng ngại mang tên Olympic Việt Nam, đội tuyển mà người đồng hương Park Hang-seo đang dẫn dắt. Trong số 4 đội bóng lọt vào đến bán kết ở ASIAD 2018 lần này, chỉ duy nhất Olympic Việt Nam chưa bị thủng lưới. Ngay cả Olympic Nhật Bản cũng đã là bại tướng của thầy trò HLV Park Hang-seo. Chính vì thế, Son hiểu rõ, đánh bại Việt Nam sẽ khó hơn đối đầu với Nhật Bản, hay UAE trong trận chung kết.

Tương lai chưa rõ thế nào, nhưng người hâm mộ chắc chắn sẽ được chứng kiến một Son Heung-min bùng nổ và năng lượng nhất trong trận tử chiến với Olympic Việt Nam vào 16h ngày hôm nay 29/8.

- Luật nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc quy định, đàn ông phải đến 35 tuổi mới hết tuổi được gọi nghĩa vụ quân sự. Năm nay, Son mới 26 tuổi.

- Mọi công dân Hàn Quốc đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp anh là một VĐV, thì Quân đội Hàn Quốc có một Đơn vị tên là Sangmu, vốn là Lực lượng vũ trang – thể thao ở cấp Quân đoàn, để anh lựa chọn tham gia. Trong đơn vị này có đội bóng đá mang tên Sangju Sagmu (đang thi đấu ở K-League 1), là nơi Son có thể “gửi mình”. Vấn đề là, những quân nhân của đội bóng chỉ có thể được rời khỏi Hàn Quốc khi phải thực hiện nghĩa vụ cho đất nước, và nếu tham gia Sangju Sagmu, cơ hội tiếp tục chơi bóng ở Anh của Son sẽ tiêu tan.

- Cũng vì vậy, Son chỉ có thể lựa chọn quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự. Luật nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc cũng quy định, các VĐV có thể được miễn trừ trong trường hợp họ đạt được những thành tích xuất sắc trong các môn thi đấu mà mình theo đuổi, như là huy chương Olympic (huy chương bất kỳ), HCV Asian Games, thành tích ấn tượng khác ở World Cup…

- Trong quá khứ, đã có 3 đội bóng được quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự (tất cả các thành viên đều được), đó là tuyển Hàn quốc giành Hạng 4 ở World Cup 2002, Olympic Hàn Quốc giành HCĐ Olympic London 2012 và tuyển Hàn Quốc đăng quang Asian Games 2014 tại quê nhà.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc