Đời sống) - Ngày 23/2, một cán bộ tổ điều hành giá xăng dầu cho biết đã đề xuất một số phương án điều hành giá xăng dầu lên lãnh đạo Bộ Tài chính từ ngày 20/2.
[links()]
Theo đó, phương án có tính đến giảm thuế nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn và cả tăng giá xăng dầu. Dù phương án nào thì cũng khó trong lúc này vì nếu tăng giá sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường do xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế.
Hàng loạt ông lớn xăng dầu đòi tăng giá. Ảnh: TTO |
Còn nếu giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là trong năm nay ngân sách rất eo hẹp.
Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang theo dõi rất chặt chẽ diễn biến giá xăng dầu trong nước cũng như nhập khẩu và tính toán để sớm có phương án điều hành giá xăng dầu tối ưu nhất. Khi nào có thông tin chính thức, liên bộ sẽ công bố.
Từ giữa cuối tháng 1 đến tuần đầu của tháng 2, liên bộ Tài chính - Công Thương đã 3 lần kìm giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào các ngày 15/1, 28/1 và 8/2.
Theo công văn Bộ Tài chính phát đi ngày 8/2, giá cơ sở bình quân 30 ngày (từ 8/1 đến 6/2) các mặt hàng xăng dầu cao hơn giá bán hiện hành từ 260 đồng đến 475 đồng/đơn vị, do đó liên bộ cho phép các DN tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá để bù lỗ.
Tính toán mới nhất của các chuyên gia kinh tế cũng cho thấy hiện nay, giá cơ sở xăng Mogas 92 cao hơn 985 đồng/lít so với giá bán lẻ 23.150 đồng/lít (đã bao gồm 1.000 đồng trích từ quỹ bình ổn). Sau 3 lần xả quỹ bình ổn giá thì quỹ này không còn đáng là bao. Chưa kể đến mức trích quỹ 1.000 đồng chưa thấm vào đâu trong khi DN lỗ tới 800 đồng/lít xăng.
Một số doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PVOil khẳng định doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ từ 1.000 đến 1.800 đồng nhưng chưa dám đề xuất do "nhạy cảm và phải bình ổn giá".
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, hiện doanh nghiệp chịu lỗ phổ biến khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít xăng dầu bán ra. Cá biệt, ở một số đơn vị nhập nhiều trong thời gian gần đây, chênh lệch có thể lên tới 3.000 đồng mỗi lít.
"Hiện Petrolimex chưa đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu vì trong bối cảnh đầu năm, lạm phát còn biến động. Quyền quyết định tăng giá xăng dầu thuộc về liên Bộ Tài chính - Công Thương", ông Năm khẳng định.
Theo ông Năm, với mức lỗ như hiện nay mà diễn biến giá xăng dầu thị trường tiếp tục cao thì các DN khó lòng chịu đựng nổi. Theo ông Năm, tuy Petrolimex chưa nắm được con số chính xác tình hình quỹ bình ổn tại các DN đầu mối khác nhưng theo thông tin được biết, hiện nay nguồn quỹ này ở một số nơi đã âm hoặc đang trong tình trạng khó khăn.
Ông Năm cho biết phải trích lập quỹ trong 3-4 tháng mới đủ để xả quỹ chỉ trong 1 tháng nên nếu tiếp tục trích quỹ với mức 1.000 đồng/lít xăng như hiện nay, chắc chắn quỹ bình ổn sẽ không còn.
Trước việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ khoảng 1.000 đồng/lít và Bộ Tài chính đang cân nhắc phương án điều chỉnh giá, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ cho biết, nếu giá xăng tăng thêm 600-800 đồng/lít thì cước taxi sẽ tăng ngay khoảng 200-500 đồng/km vì đối với giá thành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm 30-35%.
Do vậy, dù xăng dầu tăng chỉ vài trăm đồng một lít cũng tác động không nhỏ tới giá vận tải nói chung và giá cước taxi nói riêng. Cộng thêm với việc từ đầu năm tới nay, khi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải nộp phí bảo trì đường bộ.
Cũng trên báo này, ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM nhận định, thời gian qua, Hiệp hội Taxi TP cố gắng không điều chỉnh tăng giá cước dù có những đợt tăng giá xăng dầu. Đồng thời, bắt đầu vào năm 2013, hoạt động taxi phải chịu thêm phí bảo trì đường bộ mà hầu hết các hãng taxi đã không tăng giá.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp taxi đang chịu đựng vì hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nếu sắp tới tiếp tục tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp taxi sẽ xem xét lại, nếu bị lỗ thì buộc phải tăng giá.
- Khánh Trung (Tổng hợp)