'Phá độc quyền xuất khẩu gạo thì TQ không làm gì được'

07:04, Thứ ba 03/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vấn đề xuất khẩu gạo tôi không nắm vững lắm nhưng khi nhìn tổng thế thấy đây không phải là chuyện bình thường trên thị trường. Cần xem xét thật kỹ lại báo cáo này.

Chính phủ càng ra sức trợ giúp bằng bung tiền tạm trữ, nông dân càng không mặn mà với cấy ruộng. Vì sao lại có chuyện nghịch lý như thế, phóng viên Phunutoday có cuộc trò chuyện TS Alan Phan - chuyên gia kinh tế, người đã có 47 năm kinh nghiệm ở các thị trường phát triển như Mỹ và Trung Quốc. Ông lý giải cặn kẽ cơ chế ảnh hưởng đến đời sống người nông dân.

TS Alan Phan: Cần để trăm hoa đua nở trong xuất khẩu gạo

Giá lúa gạo giảm do có sự thao túng

PV: Thưa ông, trong khi giá lúa gạo thu mua của người nông dân đang rất rẻ, đến mức 3 kg thóc không bằng 1kg ốc bươu vàng thì Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) thông báo như trên khiến nhiều người lo ngại, người nông dân khó lại càng khó. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng "việc nào khó có nông dân", lỗ đâu nông dân chịu đang xảy ra hiện nay?

TS Alan Phan: Theo tôi thấy, trên thị trường trên thế giới không có biến động nhiều nên không có chuyện xuất khẩu giảm 50% thành ra có sự tìm cách thao túng thị trường ở một phân khúc nào đó.  Có thể là thương lái, có thể từ cơ quan VFA là người được độc quyền xuất khẩu gạo thành ra mọi yếu tố này nằm ngoài thị trường. Điều này do sự bóp méo, sự nhào nặn của một số người thuộc lợi kim tiền. Vấn đề xuất khẩu gạo tôi không nắm vững lắm nhưng khi nhìn tổng thế thấy đây không phải là chuyện bình thường trên thị trường. Cần xem xét thật kỹ lại báo cáo này.

PV: Vai trò kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc VFA ở đây phải được hiểu như thế nào khi luôn duy trì giá lúa gạo xuất khẩu ở mức thấp,  có thể bị nhào nặn thị trường. Thực tế, hàng trăm tỷ đồng từ nhà nước đã rót xuống "cứu" nông dân nhưng nông dân vẫn nghèo đi. Tiền đó đi vào túi của thương lái, của doanh nghiệp, theo ông nên giải quyết triệt để vấn đề này như thế nào?

TS Alan Phan: Cái vấn đề chính là vì thế độc quyền xuất khẩu gạo của VFA thành ra thị trường bị bóp méo. Theo tôi, vấn đề đơn giản cứ để thị trường quyết định tức là xã hội hóa xuất nhập khẩu, ai muốn mua, ai muốn bán thì cứ bán. Nếu theo cơ chế thị trường đương nhiên sẽ có giá trồi, sụt nhưng nó sẽ ổn định hơn vì có nhà cạnh tranh nhau. Lúc đó, cả giá mua và giá bán đề phù hợp với giá thị trường. Còn nếu mình vẫn giữ độc quyền họ vẫn có quyền đẩy giá lên, giá xuống, hay là làm giá. Đó là vấn đề hợp lý nếu muốn điều tiết thị trường. Còn vấn đề mua dự trữ thì cũng không nên quan tâm đến vấn đề quả thực quốc gia cần dự trữ thì cứ lập cái kho rồi mua cùng với giá theo người khác. Tất cả đều không được độc quyền, để mọi người có quyền mua bán tự do thì thị trường ổn định theo thị trường quốc tế.

Với thế độc quyền hiện nay chỉ nông dân là khổ

PV: Thưa ông, với mấy chục năm kinh nghiệm trên thương trường của Trung Quốc, ông có nhận xét gì về câu chuyện các doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị ép giá và phải hủy hợp đồng vì quá rẻ không bán được. Nhưng vấn đề lạ ở đây là các doanh nghiệp Việt hủy hợp đồng phải bồi thường, còn đối tác hủy hợp đồng ta chịu thua, không kiện được họ?

TS Alan Phan: Lỗ hổng này ai cũng có thể thấy được. Có lỗ hổng là có sự mua bán ngầm nào đó  thành ra việc này không chấp nhận được, nên điều tra đến nơi, đến trốn. Tại sao lại có kẽ hở lớn như thế. Ai đọc qua hợp đồng cũng đều thấy nhưng vẫn không làm. Ngay cả người mới mua bán họ cũng đều biết bất cứ quyền lợi nào một bên được thì bên kia cũng phải được.

Phải phá thế độc quyền của VFA

PV: Ông có đánh giá gì về chính sách tạm trữ lúa gạo hiện nay khi VFA được quyền sinh, quyền sát. Nhiều ý kiến cho rằng việc tạm trữ lúa gạo chỉ làm lời cho doanh nghiệp trong VFA thể hiện nhóm lợi ích trong việc này? Xin ông phân tích cụ thể lợi ích nhóm ở đây cho độc giả hiểu hơn không?

TS Alan Phan: Tôi không biết rõ về lối tổ chức và cách thức làm việc của VFA và các doanh nghiệp của VFA. Nhưng theo tôi muốn làm gì để thị trường tốt hơn thì điều cần làm vẫn là phá thế độc quyền của VFA, để trăm hoa đua nở. Lúc đó, VFA muốn cạnh tranh họ cũng phải đưa ra chính sách mua và bán hợp lý không có chuyện bị lỗ. 

Vấn đề lợi ích nhóm nằm ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Khi họ có chút quyền thì họ cố gắng tạo khe hở để thau tóm quyền lực, lợi ích cho nhóm của mình. Họ bắt tay nhau làm, tất cả những việc này rất bình thường trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam pháp luật còn lỏng lẻo, vấn đề thực thi pháp luật còn lỏng lẻo hơn. Chỉ cần ra đường nhìn thấy vi phạm giao thông đã thấy rồi. Đó là cách rất Việt Nam nên thành ra khi có sự lỏng lẻo người ta càng lợi dụng dễ hơn. Nếu ở các nước khác vấn đề này khó khăn thì ở Việt Nam lại dễ hơn nhiều.

Ở Việt Nam việc thành lập các nhóm, hội này hội kia thì chẳng sao cả nhưng tuyệt đối không giao cho ai được thế độc quyền. Khi được độc quyền họ muốn làm gì thì làm, nhưng khi có đối thủ, có cạnh tranh họ sẽ không thể nào làm gì thì làm như bây giờ. 

Vấn đề muốn dẹp bỏ nhóm lợi ích thì cần cởi mở nền kinh tế thị trường đích thực. Nếu chúng ta cứ làm kiểu như thế này thì tạo ra nhiều vấn đề. Nếu mọi cùng nhau cạnh tranh thì đương nhiên nhóm lợi ích sẽ bớt quyền đi.

PV: Mọi chính sách "cứu" nông dân dường như đang làm khổ thêm cho họ. Vậy theo ông khuyến nghị để "cứu" người nông dân thoát khỏi cảnh bỏ ruộng như hiện nay? 

TS Alan Phan: Muốn tiếp sức cho người nông dân thì cần hỗ trợ họ về kỹ thuật, sử dụng công nghệ cao và thông tin thị trường để họ tính. Nếu như thế, họ sẽ không phải qua thương lái. 

Cái thứ hai, bây giờ phần lớn người nông dân bán lúa trước thời hạn, bán lúa non vì không có tiền nên họ phụ thuộc vào thương lái. Đa số các thương lái cung cấp phân bón cho người nông dân nên người nông dân không có lựa chọn khác là phải bán hàng cho thương lái. Để chấm dứt tình trạng này, Ngân hàng phát triển nông thôn phải tích cực hơn nữa đi đúng mục tiêu phát triển nông thông họ đã đặt ra, cho nông dân vay vốn thay vì người nông dân quay vòng vốn từ thương lái mua thóc gạo.

PV: Trong trường hợp này, các doanh  nghiệp hủy hợp đồng gạo của Việt Nam đều là doanh nghiệp Trung Quốc. Theo dự báo, Trung Quốc sẽ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nếu cứ theo cách làm như hiện nay, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải gặp những vấn đề gì? Người ta lo lắng rằng, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này? Quan điểm của ông như thế nào?

TS Alan Phan: Với vấn đề như tôi nói ở trên nếu chúng ta làm đúng việc phá vỡ thế độc quyền thì Trung Quốc cũng không thể làm gì chúng ta được. Họ sẽ phải chấp nhận mua với giá thị trường như giá mua ở các nước Thái Lan, Ấn Độ...Nếu theo thị trường tự do thì giá thị trường là tất cả. Theo tôi, còn thế độc quyền thì còn đáng lo cho người nông dân

PV: Xin cảm ơn ông!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc