Phan Huyền Thư: Tổ ấm là "cơn bão dừng sau cánh cửa"

17:08, Thứ bảy 17/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Tình yêu là cái bóng của chính mình. Bạn đuổi theo nó, nó sẽ chạy. Bạn chạy trốn nó, nó sẽ đuổi theo bạn. Bạn ngồi lại bên nó thủ thỉ ve vuốt, nó sẽ ở bên cạnh bạn mãi mãi.

Tôi nghĩ, chỉ có chồng con mới hiểu chính xác về tôi trong vai trò là người phụ nữ của gia đình. Khi còn trẻ, mình chỉ ước ao có một người đàn ông đủ lớn để làm bầu trời cho mình bay lượn, khi có con rồi lại thấy mình phải đủ lớn để làm bầu trời cho chúng tập bay.

[links()]

Phan Huyền Thư là một cá tính mạnh trong làng thơ trẻ. Bẵng đi một vài năm không làm thơ, cái tên Phan Huyền Thư lại được biết đến với tư cách một nhà báo, một đạo diễn phim tài liệu với không ít những tác phẩm gây được tiếng vang.

Gặp chị tại Hãng phim tài liệu nới chị đang làm việc, người ta thấy một Phan Huyền Thư mặn mà, dịu dàng, điềm đạm, một vẻ đẹp toát ra từ một người phụ nữ đã đến độ chín trong tình yêu và trong sự nghiệp, đã có đủ thời gian để chiêm nghiệm về cuộc đời sau những bão giông.

Có lẽ, chị đã đi qua một con dường rất dài để đi đến với hạnh phúc hiện tại. Rồi lại bẵng đi một thời gian, lại nghe thấy chị có tin vui mới, gia đình chuẩn bị đón thêm một thành viên. Hẹn gặp thì nghe bảo chị đang nằm viện theo dõi. Thể hiện sự lo lắng thì chị chỉ cười: “Làm mẹ mà, có gì đâu”.

Phóng viên (PV): Được biết đến với tư cách một nhà thơ, một nhà báo, một nhà làm phim tài liệu, ở lĩnh vực nào chị cũng gặt hái được những thành công nhất định. Đằng sau những thành công đó, một Phan Huyền Thư của gia đình là người như thế nào?

Phan Huyền Thư (PHT): Tôi vẫn chợ búa, cơm nước, giặt giũ, khâu vá cho chồng con như một người vợ, người mẹ hết sức bình thường (Cười). Trong gia đình, không có một nhà thơ hay đạo diễn Phan Huyền Thư nào “to đùng” tồn tại cả.

Từng có lần, khi dọn dẹp sách vở cho con, vô tình tôi đọc được bài tập làm văn của con trai viết về mình, tôi đã trốn vào một chỗ khuất để khóc vì quá hạnh phúc. Tự đánh giá là mình là người chưa phải tuyệt vời như con trai ca ngợi nhưng những gì các con tôi nghĩ về mẹ khiến tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc.

Tôi nghĩ, chỉ có chồng con mới hiểu chính xác về tôi trong vai trò là người phụ nữ của gia đình. Khi còn trẻ, mình chỉ ước ao có một người đàn ông đủ lớn để làm bầu trời cho mình bay lượn, khi có con rồi lại thấy mình phải đủ lớn để làm bầu trời cho chúng tập bay.

PV: Chị cảm thấy thế nào khi người khác khen chị không những đẹp, thông minh, sắc sảo mà còn “khéo” ?

PHT: Làm gì có ai hoàn hảo thế. Nếu cho phép tôi tự đánh giá mình, tôi sẽ thấy mình chân thành, thẳng thắn, quyết liệt, đôi khi hơi bất cần nhưng luôn cố gắng sống một cách đàng hoàng, sang trọng.

PV: Là một người của công chúng, chị có ngại bị theo dõi chuyện đời tư của mình?

PHT: Tôi nghĩ, thời buổi này, trước khi ăn vụng thì người ta đã lão luyện trong việc chùi mép rồi.  Chỉ có một trong hai trường hợp, một là thích được thiên hạ nhìn vào nên hớ hênh một cách chủ ý rồi đấm ngực kêu khóc.

Hai là hiến thân cho báo chí đánh quả rồi lại quay ra bênh vực xót xa. Tôi thấy chẳng có ai lại muốn khoe chuyện  riêng của mình trước bàn dân thiên hạ cả. Mọi chuyện nên có giới hạn, nói một cách hình ảnh thì mỗi ngôi nhà đều cần “cơn bão dừng sau cánh cửa”.  

PV: Một gia đình hạnh phúc, một người chồng yêu vợ và những đứa con ngoan, bản thân thì đang khá thành công trong sự nghiệp của riêng mình. Chị có sợ cái gọi là “sự hoàn hảo” không?

PHT: Có, Tôi rất sợ “Sự hoàn hảo” như bạn nói. Vì như vậy là tôi không còn được làm người bình thường nữa. “Chỉ có hai kẻ luôn hoàn hảo: một là Chúa trời, hai là kẻ điên”. Đôi khi tôi thấy nghi ngờ sự thành công khá dễ dàng.

Và quả thực là bài học cuộc sống đã cho tôi thấy sự sòng phẳng, công bằng mà không có một lý lẽ, một đạo luật hay một quy ước nào có thể diễn đạt được. Tôi thích chiêm nghiệm và sống theo “luật đời” một cách tự nhiên hơn là thói lên gân đạo đức giả bằng mấy thứ luân lý sáo rỗng cửa miệng.

PV: Con đường kiếm tìm và nuôi dưỡng hạnh phúc của chị có quá nhiều chông gai?

PHT: Đúng ra là tôi là người rất biết tìm ra cái sai để nhận thấy cái đúng, rất biết thất bại để mon men tới chầu rìa thành công. Tôi tự thấy là mình khá may mắn khi chạy theo niềm đam mê của mình mà không bị ngã ngựa hay bị chính niềm đam mê của mình cho “knock out”.

Để được như vậy, tôi nghĩ, tốt nhất là nên tự biết mình, không nên ngộ nhận hay vĩ cuồng, tham vọng. Con đường của hạnh phúc hay thành công trong cuộc sống là một dòng chảy lớn, bạn và tôi chỉ có thể tham gia vào đó theo cách của riêng mình như một người “tham gia giao thông” không phạm luật chứ không thể nhảy lên làm ông “Đinh  La Thăng”  để mà điều chỉnh này nọ được.

Tình yêu là cái bóng của chính mình. Bạn đuổi theo nó, nó sẽ chạy. Bạn chạy trốn nó, nó sẽ đuổi theo bạn. Bạn ngồi lại bên nó thủ thỉ ve vuốt, nó sẽ ở bên cạnh bạn mãi mãi.
Tình yêu là cái bóng của chính mình. Bạn đuổi theo nó, nó sẽ chạy. Bạn chạy trốn nó, nó sẽ đuổi theo bạn. Bạn ngồi lại bên nó thủ thỉ ve vuốt, nó sẽ ở bên cạnh bạn mãi mãi.

PV: Một Phan Huyền Thư thuở còn con gái và một Phan Huyền Thư của gia đình hiện tại, chị thấy điều khác biệt lớn là gì?

PHT: Khi còn trẻ, tôi luôn thấy cô đơn, thấy cần mọi người, thấy cần chỗ dựa và sự che chở. Bây giờ lại thấy thèm sự cô đơn, muốn được độc lập, bớt hệ lụy đi, muốn được tháo bỏ, vứt bớt những gì cồng kềnh, vô nghĩa để được đi nhanh hơn, xa hơn, sống thanh thản và đón nhận những gì sẽ đến một cách thỏa hiệp.

PV: Cùng một lúc đảm nhận nhiều công việc như đã kể trên, ngoài ra thì chị còn tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội, vậy thì chị sắp xếp thời gian như thế nào cho gia đình?

PHT: Tôi thích làm từ thiện. Tôi rất mãn nguyện vì cả gia đình tôi đều đồng thuận trong việc này. Chồng và các con tôi lúc đầu chưa hiểu được nhiều lắm về những công việc xã hội và từ thiện mà tôi làm nhưng sau khi tham gia cùng nhau vài lần thì cả gia đình đều cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa của việc cho và nhận trong cuộc đời này.

Gia đình tôi đều sống tự lập, tôn trọng cá tính và chính kiến của nhau nên cuộc sống khá hài hòa, niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Chính vì vậy, gia đình tôi không có đòi hỏi gì quá để tôi phải dành nhiều sức lực và thời gian cho gia đình.

PV: Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, bản thân cũng có những thành công nhất định và được nhiều người biết đến, chị nghĩ điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với các con mình?

PHT: Là người nổi tiếng hoặc sống trong một gia đình nổi tiếng là một gánh nặng. Chắc các bạn không thể hình dung được hết điều này đâu.

Vậy nên điều tôi cố gắng là giữ cho các con tôi một cuộc sống bình thường nhất, giản dị và chân tình nhất có thể. Cho dù tôi có là ai, muốn làm “ông hoàng bà chúa” gì thì trước tiên tôi vẫn phải là một người đàn bà, một người vợ, người mẹ, người con dâu, người chị, người bác trong gia đình riêng của mình.

Tôi hệ lụy đến chồng tôi bằng sự yếu đuối, bé nhỏ và âu yếm. Ảnh hưởng đến các con tôi bằng sự bao dung, ân cần và tôn trọng. Chỉ có như vậy thì sự thành công của mình trong sự nghiệp mới thực sự có giá trị.

PV: Chị có thể nói đôi điều về người đàn ông của mình? Anh có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống riêng và sự nghiệp của chị ?

PHT: Tôi đã từng ngoa ngôn rằng: “Đối với tôi, đàn ông trên thế gian này được chia làm hai nửa, một nửa là người đàn ông tôi yêu và nửa kia là tất cả những người đàn ông còn lại...”.

Tuy nhiên, mọi sự trên đời đều tương đối và có giới hạn riêng của nó. Cuộc sống lứa đôi của chúng tôi khá bình ổn, nếu như không nuốn nói là giản dị, thậm chí còn bị coi là tẻ nhạt so với quan niệm “đũa phải có lúc lệch, bát phải có lúc xô...” của đại đa số những người đã có gia đình.

Đối vối tôi, chồng là gì? Là người hôn lên má mình mỗi sáng khi đi làm và cầm điều khiển tắt tivi sau khi cùng nhau xem chung một cuốn phim, nghe chung một bản nhạc, là người cùng tôi ngồi chờ con ở bên ngoài phòng khám răng, người chạy ra hiệu thuốc khi tôi đau ốm.

PV: Và “sai lầm” thì sao? Chị sẽ lựa chọn cách ứng xử như thế nào?

PHT: Sai lầm là một người bạn xấu của hôn nhân nhưng không bao giờ vắng mặt, ngay cả những lúc bạn đang hạnh phúc. Cách ứng xử của tôi đối với sai lầm của mình là nhận ra nó, càng nhanh càng tốt, càng rõ càng tốt.

Còn đối với sai lầm của người khác, cách tốt hơn là làm cho nó có vẻ bớt sai lầm đi, không làm tăng các chiều kích phóng đại nó lên mà thu nhỏ nó lại cho nó trở nên càng nhỏ càng tốt. Bao dung là một liều biệt dược đối với hạnh phúc gia đình.

Rồi đến một ngày, thời gian trôi đi và chúng ta chỉ có thể sống với nhau bằng sự độ lượng, nói một cách sáo rỗng khẩu hiệu thì là  “hết tình còn nghĩa”.

PV: Điều gì mà chị hướng tới cho các con?

PHT: Biết cách cho để được nhận.

PV: Bản thân có một tuổi thơ không thực sự êm đẹp, điều chị sợ nhất sẽ ảnh hưởng tới con cái là gì?

PHT: Tôi không thể nói chính xác tất cả những gì tôi mong muốn cho các con mình trong một lúc vì nó quá nhiều.

Tôi chỉ có thể diễn đạt một cách giản dị nhất là tất cả những gì đối với tôi là khủng khiếp (mà tôi đã phải trải qua khi tôi là một đứa trẻ) thì tôi đều tìm cách ngăn không cho chúng mon men đến gần cuộc sống của các con tôi.  

PV: Chị nghĩ mình có gì đặc biệt so với những bà mẹ khác trong cách dạy dỗ con cái?

PHT: Con trai tôi đã viết: “Mẹ em là người hài hước, dịu dàng và là người bạn thân nhất của em” như vậy là tôi vui lắm rồi.

PV: Xem phim của chị, đọc những gì chị viết, có thể thấy rõ những ngổn ngang tâm sự của chị với cuộc đời. Sau những “Người tôi cưu mang”, “Cha mẹ xin lỗi con”, “Mẹ, con đã về” và “Một phút trong sự thật” luôn khiến người xem, người đọc phải giật mình.

Chị có sợ mình là một người phụ nữ quá phức tạp hay chăng?

PHT: Đúng vậy, tôi biết là mọi người thấy tôi là một phụ nữ phức tạp. Về tư duy và cảm xúc, thế giới của tôi khó mà giải mã một cách thông thường. Chính vì vậy, tôi nương vào tác phẩm, nương vào sáng tác để bộc lộ bản thân.

Ngược lại, trong đời thường tôi cố gắng giản dị và gần gũi với cuộc đời, với con người và thiên nhiên để dành những thứ phức tạp cho thế giới sáng tạo của riêng mình  thôi.

PV: Một kỉ niệm mà chị thấy hạnh phúc nhất trong tình yêu?

PHT: Sinh nhật năm tôi 17 tuổi. Trời mưa rất to và mất điện. Một cậu bạn học cùng lớp hồi cấp III( sau này là chồng tôi) đến tặng cho tôi ba bông hoa hồng được gói trong một túm lá dong  riềng có buộc lạt (một kiểu gói hoa cúng thời bao cấp ngày xưa hay gói).

Bây giờ nghĩ lại, hai vợ chồng vẫn thấy buồn cười.

PV: Chị có hài lòng với cuộc sống hiện tại?

PHT: Nếu không biết cách tự hài lòng với hiện tại thì tôi sẽ còn đay nghiến mãi với quá khứ  và hậm hực với tương lai cho đến già mất.

PV: Đôi điều nhắn nhủ của chị tới những người đã, đang và sẽ yêu?

PHT: Tình yêu là cái bóng của chính mình. Bạn đuổi theo nó, nó sẽ chạy. Bạn chạy trốn nó, nó sẽ đuổi theo bạn. Bạn ngồi lại bên nó thủ thỉ ve vuốt, nó sẽ ở bên cạnh bạn mãi mãi.

PV: Cám ơn chị!

  • Đỗ Huệ (thực hiện)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc