Quota nhập vàng nguyên liệu có chặn được buôn lậu vàng?

14:57, Thứ bảy 14/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong khi các cơ quan quản lý chỉ mải mê với vàng "chính chủ" thì thị trường vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất nữ trang, mỹ nghệ bị bỏ trống.

Báo Thanh niên đăng một bài viết phân tích về các vụ việc vàng trang sức bị nhập lậu về gia công rồi lại xuất lậu sang Campuchia. Bài báo viết một hiện tượng lạ là giá vàng trong nước cao hơn thế giới suốt hơn 1 năm trở lại đây nhưng vẫn phát hiện xuất lậu vàng. Vào cuối tháng 8 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình phát hiện 2 người mang quốc tịch Campuchia không làm thủ tục khai báo hải quan về 4,5 kg vàng nữ trang 18K. Theo lời khai của hai người này, toàn bộ số trang sức này là họ mua, trao đổi tại các tiệm vàng ở Châu Đốc, An Giang. 

Trước đó vào tháng 3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài cũng phát hiện hành khách xuất cảnh đi Campuchia mang theo 6,4 kg vàng trang sức mà không khai báo hải quan. Nữ trang thu được gồm nhẫn, mặt dây chuyền, bông tai, vòng đeo tai, lắc tay, lắc chân, dây chuyền các loại. 

Lý giải về hiện tượng xuất lậu vàng, một nhân viên lâu năm về nữ trang vàng cho rằng mẫu mã nữ trang VN đa dạng và phong phú hơn thị trường Campuchia nên những người kinh doanh nữ trang vàng Campuchia qua VN thực hiện “vàng đổi vàng và bù tiền gia công” (các điểm gia công nhận vàng nguyên liệu và đổi thành phẩm nữ trang - PV). Nhưng lý giải này chưa đủ thuyết phục. 

 

Đặt vấn đề này lên bàn một số chuyên gia vàng, nhận định chung là khả năng đã có việc nhập lậu nguồn vàng nguyên liệu vào VN trước đó, gia công thành vàng nữ trang rồi tiếp tục xuất lậu ra ngoài biên giới thu lợi. Với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay cộng với giá gia công nữ trang của VN rẻ hơn rất nhiều so với Campuchia, giới buôn vàng lậu trúng đậm nhờ "lậu cả 2 đầu".

Thực tế không loại trừ khả năng này bởi thời gian gần đây cơ quan hải quan, công an, biên phòng phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép vàng từ nước ngoài vào VN. Cụ thể, vào đầu tháng 7, Cục Hải quan Quảng Bình, Trạm kiểm soát Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã phát hiện bà N.T.H mang 4 kg vàng có giá trị 3,5 tỉ đồng vào VN không khai báo hải quan.

Trước đó vào tháng 5, Công an Quảng Ninh phát hiện vụ vận chuyển 10 kg vàng 9999. Tháng 4, Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển 15 thỏi kim loại màu vàng với tổng trọng lượng 15 kg. 2 đối tượng này khai đã mua số vàng này từ Lào với giá 16,6 tỉ đồng mang về VN tiêu thụ.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp quota cho hai doanh nghiệp là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp (VJC) được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất. Theo dự kiến, khi được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ được nhập mỗi lần tối đa không quá 100 kg.

Theo yêu cầu của NHNH, sau mỗi lô vàng đưa vào sản xuất, các doanh nghiệp phải chuyển hóa đơn chứng từ cho cơ quan này kiểm tra. Qua đó, NHNN nắm rõ được số vàng mà doanh nghiệp nhập được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không. Nếu đúng mục đích, NHNN mới tiếp tục cấp phép nhập thêm.

Cũng theo thông tin từ đại diện NHNN, để được cấp phép nhập khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức. Đặc biệt, doanh nghiệp phải lập được kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, giải trình năng lực sản xuất thực tế để NHNN làm căn cứ xem xét cấp lượng vàng nguyên liệu được phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, điều mà giới kinh doanh vàng băn khoăn là NHNN chỉ cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với DN đủ điều kiện (thường là DN lớn). Sau khi nhập khẩu, các DN này không được phép bán lại vàng nguyên liệu cho DN khác. Như thế, các DN còn lại không biết sẽ mua vàng nguyên liệu từ đâu?

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Việt Nam, nhiều năm qua, thị trường Việt Nam thường cần hơn 10 tấn vàng nguyên liệu/năm để sản xuất vàng nữ trang - một con số không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, cho biết tại TP HCM, có đến 90% DN nhỏ chuyên kinh doanh - sản xuất vàng nữ trang. Để có được nguyên liệu sản xuất, các DN này phải thu mua vàng không rõ nguồn gốc, có thể kích thích đối tượng nhập lậu vàng hoạt động, làm cho thị trường thêm phức tạp.

Có lẽ, chính vì những bất cập như trên nên thị trường vàng trang sức vẫn là miếng mồi ngon cho giới buôn lậu nhòm ngó.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc