Hà Nội đang triển khai xây dựng hai cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Deawoo, đồng nghĩa phải phá dỡ hai cầu dành cho người đi bộ gần các nút giao này.
[links()]
Mỗi cầu dành cho người đi bộ này trị giá gần 10 tỷ đồng và mới được đưa vào sử dụng.
Tờ VNE dẫn lời ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, điều này cho thấy các công trình hạ tầng của Hà Nội không được đầu tư dài hạn mà chỉ được giải quyết một cách tình thế, chắp vá, công trình làm sao ảnh hưởng tới các công trình tồn tại trước đó.
Cầu vượt cho người đi bộ trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ phải phá dỡ để nhường chỗ cho cầu vượt thép qua nút giao thông Daewoo. Ảnh:VNE. |
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, cầu bộ hành gần nút giao Daewoo sẽ được di chuyển đến vị trí khác cách chỗ cũ 100m. Còn cầu bộ hành ở nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt sẽ được tháo và lắp đặt lại trên đường Giải Phóng. Phần lớn cầu bộ hành vẫn được sử dụng lại, chỉ mất phần móng trụ trị giá vài tỷ đồng.
“Cầu đi bộ không phải là công trình vĩnh cửu, được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người dân tại một khu vực, tại một thời điểm nhất định. Khi có các nhu cầu khác lớn hơn thì sẽ phải di chuyển, nên không thể gọi là lãng phí được”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng thừa nhận, do quy hoạch giao thông chưa đồng bộ nên khi triển khai bị điều chỉnh. Mặc dù cầu vượt tại nút giao không có quy hoạch trước song mục đích xây dựng là hợp lý, trong quá trình triển khai sẽ xung đột với công trình cũ. Biết là phải phá cầu đi bộ song phải chấp nhận.
Cách đây nửa tháng, dư luận cũng xôn xao, bức xúc với tầm nhìn giao thông Hà Nội, khi cầu vượt thép nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng vừa đưa vào sử dụng được một năm đã phải tính chuyện đầu tư thêm hơn 10 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, vì khi thiết kế, xây dựng cây cầu đã không tính tới việc phục vụ tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 của Hà Nội.
Điều đáng nói là quy hoạch tuyến xe buýt nhanh chạy qua nút giao thông Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng không phải có sau khi thiết kế và thi công cầu vượt ở đây. Tuyến xe buýt này đã được Sở Giao thông vận tải quy hoạch từ năm 2004, tức là trước khi thiết kế cầu vượt. Không biết vì “quên” hay vì lý do gì mà khi làm cầu vượt, Sở này lại không tính tới phục vụ tuyến xe buýt nên nay phải bỏ ra cả chục tỉ đồng để sửa chữa, gia cố.
Mới đây, TP. Hà Nội đã phải lên phương án bỏ 9.000 tỉ đồng để điều chỉnh, bổ sung với nhiều dự án giao thông đô thị mới được phê duyệt cách đây vài năm, thậm chí vừa hoàn thành.
- P.V (tổng hợp)