Rốt cuộc, ai là người sung sướng nhất trong cuộc đời này?

( PHUNUTODAY ) - Hãy đọc hết câu chuyện này, chắc chắn bạn sẽ ngộ ra được rất nhiều điều.

Chuyện kể rằng, ở một nhà nọ có nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được nằm trong nhà còn trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu đều phải ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới được về, còn chó chỉ việc nằm ở trước cổng, canh chừng nhà cửa.

Một hôm, đi làm về, trâu mệt quá, nằm lăn ra đất thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn phe phẩy cái đuôi, dừng lại hỏi han. Trâu đang lúc mệt nhoài, thấy vậy liền nói mát: “Không có ai sung sướng bằng anh, chỉ ăn rồi nằm.”

Chó nghe trâu nói vậy liền tiu nghỉu, có chút không vui: “Anh tuy phải làm lụng vất vả nhưng lại có giờ giấc. Sáng đi, chiều về, tối còn được nghỉ ngơi, tắm mát, rồi cứ thế lăn ra mà ngủ. Tôi tuy có vẻ nhàn hạ nhưng nào có được yên giấc. Nằm lim dim mà trong lòng không yên, tai phải luôn ngếch lên nghe ngóng canh chừng, không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được. Anh thấy tôi có sướng không?”

Trâu nghe nói mới hiểu tình cảnh của chó, nghĩ mà thương nên an ủi:

cuoc-song-1

“Đúng là anh cũng không sung sướng gì. Nghe anh nói tôi mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả. Chắc chỉ có lũ chim trời, cá nước là sướng nhất, tự do tự tại, thích đi đâu thì đi, không thích đi kiếm mồi thì đi chơi, không phải chịu kiếp tôi tớ.”

Chim chích đang rỉa lông trên cành sấu, nghe thấy vậy liền ngẩng đầu lên phân trần:

“Anh trâu ơi, anh không biết đấy thôi, chúng tôi cũng có nỗi khổ riêng của mình đấy. Tuy chúng tôi được tự do tự tại nhưng cũng phải tất bật đi kiếm mồi thì mới có cái ăn, luôn bị nguy hiểm rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Các anh tuy tù túng một chút nhưng không phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất, không phải lo cái ăn, cái mặc. Các anh mới thật là sung sướng”.

Trâu và chó nghe xong liền thở dài: “Đúng là ai cũng có nỗi khổ của mình. Chẳng ai sướng hơn ai.”

Con người ta thường có thói quen ngưỡng mộ, ham thích hạnh phúc của người khác nhưng nếu có lúc quay đầu nhìn lại sẽ phát hiện cuộc sống của chính mình đang được người khác ngưỡng mộ. Kỳ thực mỗi một người đều đang hạnh phúc, chỉ là hạnh phúc của bạn thường đang ở trong mắt người khác.

Vậy nên, trong cuộc đời này, muốn tạo cho mình một đời sống vui vẻ, thật ra rất đơn giản, bạn chỉ cần hai loại nguyên liệu: một cách thức sống đơn giản và một trái tim tràn đầy sự biết ơn. Sống một cuộc sống rất đơn giản, làm một người thành thật, bí quyết của niềm vui chẳng qua chỉ là như vậy mà thôi. Thay vì phải canh canh trong lòng với dục vọng không thể làm được, chi bằng cảm thấy biết ơn và thỏa mãn với những gì bạn đang có.

Một câu chuyện khác

ai-sung-suong0nhat

Cuộc sống luôn biến động, mọi thứ thoắt ẩn thoắt hiện, có đó rồi không đó. Không ít người đã tự chiêm nghiệm và tìm cho mình con đường sống hạnh phúc, vui sướng đích thực. Họ chợt nhận ra rằng, “không còn sầu lo” là người sung sướng nhất trên đời.

“Một thời, Tôn giả Na-già-bà-la ở trong thành Lộc Dã. Khi ấy có một Phạm chí già lụ khụ, xưa có quen biết chút ít với Tôn giả Na-già-bà-la, đến chỗ Na-già-bà-la thăm hỏi rồi ngồi một bên.

Bấy giờ Phạm chí bảo Na-già-bà-la:

- Trong các sự vui, nay ông thật là sung sướng nhất.

Na-già-bà-la nói:

- Ông xem những nghĩa gì mà nói trong các sự vui, tôi sung sướng nhất?

Bà-la-môn đáp:

- Trong bảy ngày vừa qua, tôi có bảy đứa con trai chết, những đứa này đều dũng mãnh, tài cao, trí tuệ ít người bì kịp, rồi trong sáu ngày gần đây, mười hai người làm cũng bị vô thường, họ rất siêng năng không có lười biếng. Kế đó năm ngày, bốn anh em của tôi chết, họ biết nhiều kỹ thuật, việc gì cũng làm được. Rồi cách bốn ngày, cha mẹ tôi mạng chung, tuổi vừa trăm tuổi bỏ tôi mà qua đời. Cách đây ba ngày, hai vợ tôi lại chết, họ dung mạo đoan chánh, thế gian ít có. Trong nhà tôi lại có tám hầm trân bảo, hôm qua đi tìm mà không biết chỗ. Ngày nay, như tôi gặp chuyện khổ não này không thể tính kể; mà Tôn giả thì hôm nay xa lìa hẳn hoạn nạn đó, không còn sầu lo, chỉ lấy đạo pháp làm vui thú. Tôi quán nghĩa này rồi mới nói: “Trong các sự vui, ông là sung sướng nhất”.

Khi ấy Tôn giả Na-già-bà-la bảo Phạm chí kia rằng:

- Tại sao ông không tìm cách khiến cho bao nhiêu người ấy đừng chết?

Phạm chí đáp:

- Tôi cũng làm nhiều cách để mong không chết và không mất của tiền, tôi cũng tùy thời bố thí tạo công đức, cầu khẩn chư thiên, cúng dường các trưởng lão Phạm chí, ủng hộ chư thần, tụng các chú thuật, cũng hay xem tinh tú, rồi cũng trộn cỏ thuốc, cũng đem thức ăn uống ngon ngọt cho họ lúc nguy ngập. So như thế mà chẳng thể xứng hợp, chẳng thể cứu được mạng họ.

Khi ấy Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ: Có thuốc, các chú thuật/ Đồ y phục, uống ăn/ Tuy thí mà vô ích/ Còn ôm thân khổ hạnh. Cho dù tế miếu thần/ Hương hoa và tắm rửa/ So sánh nguồn gốc này/ Không thể trị liệu được. Giả sử cho các vật/ Tinh tấn trì Phạm hạnh/ So sánh nguồn gốc này/ Không thể trị liệu được.

Phạm chí bèn hỏi:

- Nên thi hành pháp gì để không bị khổ não này?

Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ: Gốc ân ái vô minh/Nổi các hoạn khổ não/Điều ấy diệt không sót/Mới không có khổ nữa”.

Thì ra, tham ái và vô minh chính là cội nguồn của mọi lo sầu, khổ não. Khổ đau có mặt trong tất cả mọi người, không chừa một ai. Người đời, hàng Phật tử tại gia hoặc xuất gia đều không ngoại lệ. Ai thực hành Bát Thánh đạo, thắp sáng đèn tâm, diệt tận tham ái thì người ấy thoát khổ, không còn sầu lo, là người sung sướng nhất.

Chỉ cần ít ham muốn thì chúng ta sẽ cảm thấy đủ. Giống như bài thơ “Thế nào là được”:

“Sống một kiếp người, bình an là được

2 bánh 4 bánh, đi được là được

Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được.

Người xấu người đẹp, dễ coi là được.

Người già người trẻ, miễn khỏe là được

Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được.

Ông xã về trễ, miễn về là được.

Bà xã càu nhàu, thương mình là được.

Con ngoan con quấy, biết nghe là được.

An lành bệnh tật, miễn lớn là được.

Tiến sỹ cũng được, bán rau cũng được.

Sau khi trưởng thành, sống được là được.

Nhà to nhà bé, ở được là được

Hàng hiệu hay không, mặc được là được.

Tất cả phiền não, biết xả là được

Bảo thủ cố chấp, biết quên là được.

Không phải có tiền muốn gì cũng được

Tâm tốt, việc tốt, số mệnh đổi được

Ai đúng ai sai, trời biết là được

Tích đức tu thân, kiếp sau cũng được.

Thiên địa vạn vật, tùy duyên là được

Có rất nhiều việc, nhìn xa sẽ được

Nói nhiều như vậy, hiểu được là được

Vẫn còn chưa hiểu, xem lại là được.”

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn