Nhìn người vợ mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe kiệt quệ vì căn bệnh AIDS mang trong người, anh Nguyễn Văn T (45 tuổi, Quy Nhơn) xót xa thắt lòng. Giá như anh biết giữ mình thì đã không lây nhiễm căn bệnh chết người ấy cho vợ. Vợ, con anh cũng không tới mức phải biệt xứ, tránh ánh mắt khinh rẻ của người đời như thế này. Không biết ngày vợ chồng anh rời khỏi cõi đời, liệu còn đủ sức đưa con về quê nhờ người chăm sóc. Liệu vợ chồng anh có được gửi lại thân xác nơi quê nhà…
Sai lầm từ một lần “trót dại”
Tôi gặp bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – Gia Lâm – Hà Nội đúng ngày ông vừa trở về từ chuyến công tác sáu tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong chương trình phòng chống HIV – AIDS của Bộ Y tế.
Trong chuyến công tác này, ông và các đồng nghiệp đã gặp rất nhiều mảnh đời bất hạnh của những người không may mắc bệnh AIDS. Trường hợp nào cũng thật thương tâm, trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là chuyện về vợ chồng anh Nguyễn Văn T (45 tuổi, Quy Nhơn).
Họ là đôi vợ chồng gốc Bắc, nhẽ ra đang sống yên ổn ở quê hương mình. Nhưng vì người chồng muốn “nếm vị đời” đã kéo tuột “cả gia đình xuống địa ngục tối tăm, mù mịt”, lời người chồng chua xót trong ân hận.
Bác sỹ Quyết chia sẻ: “Anh T đã không còn lực để lao động và đang phải dưỡng sức trên giường bệnh. Nhưng qua cách nói chuyện tôi hiểu đó từng là người đàn ông chân chính, một lòng vì gia đình… Nhưng anh ta đã đánh mất tất cả sau một phút sa đà.”
Anh T bắt đầu câu chuyện với bác sỹ Quyết với tiếng thở dài nuối tiếc: “Giá như em không gặp người khách ăn chơi đó, giá như em biết giữ mình trước lời mời mọc đầy cám dỗ của người khách ấy, em đã không khổ như thế này…”.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết: “Đó là người đàn ông một lòng vì gia đình nhưng đã đánh mất tất cả vì một phút sa đà…” |
Khi ấy, anh T là một lái xe tự do chở hàng đường dài. Còn chị Th, vợ anh làm kế toán cho hợp tác xã. Nhờ chăm chỉ làm ăn, biết cách thu vén, lại được gia đình hai bên ủng hộ nên chỉ trong một thời gian ngắn vợ chồng anh T đã có tiền làm nhà mái bằng, ra ở riêng trên nền đất nhà nội cho.
Những tưởng “an cư, lạc nghiệp”, nào ngờ chuyến xe chở hàng cho một ông chủ trẻ thuộc hàng dân “chơi” Hà Thành vào tháng 6/2000 đã khiến anh phải hối hận. Đó là khi chuyến xe hàng anh lái đi qua đèo Lăng Cô, một địa danh nổi tiếng với các dịch vụ “chân dài”.
Anh được người chủ hàng mời mọc, chiêu đãi nếm “mùi đời” miễn phí. Lần đầu tiên “nếm trải” anh T “vô tư” với ý nghĩ “chơi một lần cho biết, một lần chẳng thấm tháp vào đâu…” Nhưng không ngờ chỉ một lần đã khiến anh phải hối hận.
Chưa đầy nửa năm sau bỗng nhiên anh T bị sụt cân nghiêm trọng không rõ lý do, trên da xuất hiện từng đám vầng mẩn đỏ. Đó là những dấu hiệu khiến anh thực sự khủng hoảng, lo sợ khi nghĩ tới mầm bệnh chết người có thể mình đã nhiễm phải trong lần quan hệ tình dục không an toàn ấy. Và anh T đã không dám nói thật với vợ mà âm thầm tới một bệnh viện thật xa để làm xét nghiệm HIV.
Sự thật đắng cay
Dù đã được chuẩn bị trước tinh thần nhưng khi cầm tờ kết quả có xét nghiệm dương tính với HIV trên tay, anh T vẫn không khỏi choáng váng, hụt hẫng. Đôi mắt anh tối sầm lại, không còn cảm giác, trời đất như chao đảo.
Nhiều ngày sau anh vẫn sống trong sự giằng xé nội tâm. Anh không biết mình sẽ phải làm gì để lấy lại được cân bằng trong cuộc sống, để vớt vát được chút danh dự lúc cuối đời. Anh sợ người đời cười chê, hắt hủi cả gia đình nội tộc khi biết anh nhiễm HIV từ “gái mại dâm”. Anh càng không thể mở lời nói sự thật với người vợ thảo hiền, tần tảo sớm hôm vì gia đình…
Một tháng liền anh T mất ăn, mất ngủ, sống trong nỗi đau đớn, hối hận, xót xa vì mặc cảm tội lỗi. Đêm đêm, chờ vợ con ngủ say anh lại mò mẫm ngồi dậy ngắm vợ con trong bóng đêm với nỗi đau quặn thắt.
Những ý nghĩ, dự định trong đầu anh T hành hạ anh tới mức đảo điên. Anh T đau đớn dằn vặt: “Chính tôi đã tự phá vỡ hạnh phúc gia đình, là thủ phạm mang cái chết về gieo rắc trong ngôi nhà hạnh phúc của mình …”
Đã có lúc anh muốn trốn chạy cuộc sống hiện tại bằng cách bỏ đi thật xa hoặc trầm mình xuống dòng sông nào đó chết đi cho rồi. Anh chết đi như thế vợ con sẽ không phải nhìn thấy anh ra đi trong đau đớn, kiệt quệ sức khỏe, lở loét cơ thể vì căn bệnh AIDS.
Có lúc anh đã nghĩ “chỉ bằng cách âm thầm chết đi tôi mới gột rửa hết được tội lỗi của mình…”, lời anh T. Nhưng rồi anh lại nhận ra, cái chết sẽ không giúp anh “thoát” tội. Thậm chí, tội anh còn nặng hơn khi bỏ lại vợ con với những tai tiếng không thể gột rửa…
Ngày nào anh cũng âm thầm ôm ấp dự định bỏ nhà đi biệt xứ, giải thoát cho vợ con tránh điều tiếng, miệng lưỡi thế gian, nhưng tình yêu, nỗi nhớ vợ con đã níu anh lại, không cho anh thực hiện dự định của mình.
Biết chồng có chuyện buồn, khó chia sẻ, sau nhiều ngày âm thầm không tìm ra nguyên nhân, chị T đã quyết định nói chuyện thẳng thắn với chồng. Nhưng càng gặng hỏi, anh T càng giấu giếm không dám nói sự thật.
Vào một đêm, chị T ôm lưng chồng thì thầm: “Có chuyện gì anh cứ nói với em, cho dù nghiêm trọng mấy vợ chồng cùng chung sức nghĩ cách giải quyết. Nếu cần em sẵn sàng bán hết nhà cửa, ruộng vườn giải quyết mọi chuyện giúp anh. Chỉ cần vợ chồng mình chung sức không có gì là khó…”
Nghe tới câu nói ân tình ấy từ vợ, anh T như thể trút được gánh nặng trong lòng. Bao ân hận, nuối tiếc bỗng dưng vỡ òa. Anh khóc như chưa bao giờ được khóc… Cố gắng lấy hết can đảm, anh T thú nhận tất cả với vợ rồi tìm đủ lời xin vợ tha thứ…
Tuy nhiên, tình yêu của người vợ dù có lớn tới mấy cũng không đủ can đảm bình thản chấp nhận sự thật phũ phàng ấy. Chị Th nghe chồng nói mà hai tai ù đi, không dám tin những lời đó là sự thật. Chị cảm giác như mình bị rơi vô định xuống một cái hố thật sâu đen ngòm.
Chị không biết mình rơi vào trạng thái ấy bao nhiêu lâu, chỉ biết khi bừng tỉnh, thấy trời đã sáng. Và anh vẫn đang thức, nằm lặng yên bên chị. Hai vợ chồng anh đã ôm nhau khóc. Ngay sáng hôm đó chị Th đã theo chồng lên thành phố làm xét nghiệm.
Đẩy cả gia đình vào bế tắc
Đối mặt với bệnh AIDS, vợ chồng anh T hiểu mình không còn chỗ đứng ở quê. Nếu cố ở lại, thứ vợ chồng họ nhận được chỉ là sự xa lánh, ghẻ lạnh, kỳ thị. Và ngay cả đứa con trai bé bỏng của anh chị, một nạn nhân vô tội, không nhiễm bệnh cũng không có cơ hội tới trường, sẽ thất học, tương lai sẽ lại tối tăm không lối thoát.
Không còn con đường nào khác anh chị buộc phải bán đi tất cả tài sản mình có để rồi dắt díu nhau tha thương, tới một nơi nào đó, trên đất của những người lao động tứ xứ may ra vợ chồng chị mới có cơ ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ.
Nghĩ là làm, tháng 4/2001, vợ chồng anh T đã bán hết số tài sản mình có rồi đưa nhau vào vùng biển đầy cát, nắng, gió Quy Nhơn mua đất, dựng nhà sinh sống.
Ngày ngày chị mưu sinh bằng việc giúp nhà thuyền đưa cá ra chợ bán, còn anh chuyển nghề lái xe ôm. Dù rất khổ tâm nhưng anh chị luôn tìm cách sống khép mình, tự an ủi đó là cách duy nhất giữ bí mật cũng như tự bảo vệ mình, bảo vệ người khác.
Nhưng với đôi vợ chồng này chẳng có điều gì khổ tâm hơn là nỗi nhớ quê ngày ngày dày xéo tâm can họ. Dù trải qua cả ngày làm việc tới mệt lả người, tối đến trước mắt họ vẫn hiện lên hình ảnh thân thương của quê nhà, hình ảnh thân thiện của từng người dân trong xóm…
Thậm chí, đã có lúc chị bàn với chồng trở về quê, chấp nhận sống trong sự ghẻ lạnh của làng xóm mà được gần anh em, khi chết được chết trên đất mẹ còn hơn làm người bạt xứ. Nhưng nhìn sang đứa con lòng anh chị lại chùn.
Con anh chị sẽ bị cô độc, bị ruồng bỏ trên chính mảnh đất của mình chỉ vì bố mẹ nó mang bệnh AIDS. Vậy là cả hai đành dằn lòng tiếp tục sống ở nơi mình chẳng biết ai và cũng chẳng ai biết mình cho qua ngày đoạn tháng trong đau đớn, khổ sở.
Nhưng rồi nỗi khổ của anh chị T ngày càng được nhân lên khi họ nhận ra rằng: “phần đời còn lại của chúng tôi phải có thuốc kháng vi rút mới có thể kéo dài sự sống. Để nuôi nấng cậu con trai bé bỏng từng bước trưởng thành, vững vàng mới có thể ra đi…”
Vậy nên cả hai đã tìm tới một trung tâm y tế xa nơi ở mới, cố gắng giấu căn bệnh mình đang mang trong người.
Tuy nhiên, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, dù đã cố gắng giấu đến đâu chuyện “bí mật” của vợ chồng anh T cũng bị bại lộ. Như đã tiên liệu trước, không ai còn dám nhờ chị đưa cá ra chợ bán nữa. Mỗi ngày chị đều phải đi bộ xa thêm 10km để lấy hàng đem bán.
Sức khỏe chị cũng giảm sút nghiêm trọng, trên cơ thể chị vợ bắt đầu xuất hiện những mảng xuất huyết da. Nhìn người vợ hiền ngày ngày tần tảo buôn bán, vật lộn một cách vô vọng với cuộc sống trước mắt, anh T càng thêm đau đớn, ân hận với lỗi lầm trước đây của mình.
Nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Vì một phút không giữ mình anh đã đưa cả gia đình rơi vào cuộc sống tăm tối, địa ngục…
- Kim Hoa
[links()]