Bà ngồi lặng lẽ trên ghế đá trong khuôn viên của Viện dưỡng lão nghệ sỹ (quận 8, TP.HCM), đôi mắt xa xăm nhìn vào khoảng không vô định.
[links()]
Ánh hào quang cuộc đời
Nghệ sĩ Thiên Kim (SN 1934) sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Nói cho đúng, thì ông cụ thân sinh của bà cũng từng làm kẻ "thử dạo" bước vào con đường này cho thoả ước mong một lần đứng trên sân khấu.
Nhưng rồi sau đó, ông cũng nhanh chóng từ bỏ "ánh hào quang" bởi quan niệm nó quá phù phiếm, và cuộc đời thì cần nhiều điều thực tế hơn để sống. Rồi người cha ấy cũng bỏ gia đình ra đi, khi đó cô bé Thiên Kim vừa tròn một tuổi.
Bà chưa đủ lớn để biết rằng từ đó bà sẽ mất đi chỗ dựa vững chãi nhất, cũng chưa đủ để cảm nhận được sự mất mát lớn lao trong đời người khi không có người cha bên cạnh. Mẹ bà, người phụ nữ vĩ đại nhất mà bà từng biết đã một mình nuôi ba đứa con khôn lớn. Chưa một lần, bà thấy mẹ khóc. Cũng chưa một lần, bà thấy mẹ kêu than, dù cuộc sống của một phụ nữ nghèo khó với một nách ba đứa con.
Nghệ sĩ Thiên Kim với người hâm mộ. |
Nghệ sĩ Thiên Kim chia sẻ: "Thời đó, chiến tranh loạn lạc, đất nước ngập chìm trong mưa bom bão đạn, mẹ của tôi phải làm đủ thứ nghề để có tiền đong gạo. Tôi là con gái út, nên phần nào được mẹ và các anh chị ưu ái, nhưng không vì thế mà tôi đỡ vất vả hơn.
Chưa đầy 5 tuổi, tôi phải ở nhà một mình cho mẹ đi chợ, anh chị đi làm thuê. Lớn lên một chút, tôi lân la đến các rạp hát gần nhà xem người ta tập kịch, rồi dần dần những câu hát cải lương, những vai diễn ngấm vào máu thịt tôi lúc nào không hay.
Năm tròn 8 tuổi, tôi một mực đòi mẹ cho theo đoàn Năm Châu học hát. Mẹ tôi ban đầu nhất quyết chối từ, bởi nỗi ám ảnh về cái nghiệp "xướng ca vô loài, bởi những gian truân cuộc đời và nỗi ám ảnh về người chồng có máu nghệ sỹ nửa vời đã khắc sâu vào tâm khảm bà".
Nghệ sĩ Thiên Kim tâm sự rất thật rằng: "Lúc ấy, chỉ bằng niềm đam mê cháy bỏng, tôi mới thuyết phục được mẹ cho theo đuổi con đường nghệ thuật". Từ đó, bà đi theo đoàn hát. Những ngày đầu bà là đào con, thường đóng vai trẻ con hoặc sẽ đóng vai lính hay con hầu.
Suốt thời gian dài, bà đi theo đoàn hát chỉ được nuôi ăn hai bữa cơm và chút tiền phụ cấp ít ỏi, bởi những gánh hát ngày xưa kinh tế chật vật, người ta đi hát vì đam mê, vì cái nghiệp đã vận vào thân chứ không phải làm nghệ thuật vì tiền. Nhưng không vì thế mà bà nản chí.
Mỗi đêm sau khi cánh màn nhung khép lại, cả đoàn ai nấy đều đi ngủ sau một ngày làm việc vất vả, bà vẫn một mình miệt mài tập trong bóng tối, để mong một ngày nào đó mình được đóng một vai, dù là vai phụ thôi cũng được, ít ra cũng được ca vài câu ngắn, chứ không phải chỉ dạ vâng như mấy vai tên lính và con hầu.
Trời cũng không phụ lòng bà. Năm 22 tuổi, bà được làm đào chính. Bà còn nhớ như in vai chính đầu tiên bà được đóng, đó là vai Điêu Thuyền trong vở cải lương Lữä Bố - Điêu Thuyền. Khi đêm diễn đầu tiên kết thúc, được nghe tiếng vỗ tay rầm trời của khán giả, bà đã muốn trào nước mắt, nhưng bà cố kìm nén lại để diễn tròn vai.
Sau khi diễn xong, bà chạy vội ra ngoài và khóc như chưa từng khóc. Với bà, niềm hạnh phúc vô bờ bến ấy không cảm xúc nào có thể diễn tả nổi. Vai Điêu Thuyền từ đó trở thành vai diễn làm nên danh tiếng của bà.
Ngày đó, đi bất cứ nơi đâu, người dân miền Tây Nam bộ đều nhắc tên bà như một thần tượng, bởi bà nhập vai Điêu Thuyền quá ngọt. Bà lâng lâng trong cảm xúc, nhưng không vì thế mà bà ngủ quên trên chiến thắng. Sau đó được giao nhiều vai chính nữa, nhưng vai Điêu Thuyền vẫn là vai bà nhớ nhất.
Có lẽ, bà sẽ mãi mãi chỉ là một cô đào cải lương trên sân khấu, nếu như không có một ngày một người bạn nói nhỏ vào tai bà mời đi thử vai để đóng phim. Ngày đó, bà còn chưa biết cái máy quay phim ngang dọc như thế nào, nhưng cứ nghe được đóng phim là sướng rơn nên đi thử xem sao. Dù lúc đó, hơn chục năm đứng trên sân khấu, nhưng bà vẫn cảm thấy ngại ngần khi đi thử vai.
Bà còn nhớ bà cứ thập thò ngoài cửa mãi, tận tới khi người ta lần lượt ra về hết bà mới mon men lại gần đạo diễn xin được thử vai. Đạo diễn nhìn bà từ đầu xuống chân. Có vẻ như, ông đã nhìn ra thần thái để trở thành diễn viên trên màn ảnh của cô đào Thiên Kim.
Nhưng bằng sự chuyên nghiệp của một đạo diễn, ông vẫn muốn bà thử vai. Sau đó, bà được cái gật đầu đầy mãn nguyện của đạo diễn, và vai đầu tiên bà được xuất hiện trên màn ảnh là vai chính trong phim Huyền Trân Công Chúa.
Nghệ sĩ Thiên Kim tâm sự: "Ngày đó, đóng phim không được như bây giờ, máy móc thiết bị hỗ trợ diễn xuất không có, mọi thứ phải thật, tôi cũng không được học hỏi diễn xuất. Khi đọc kịch bản, được đạo diễn hướng dẫn cho một chút, người diễn viên phải tưởng tượng ra nhân vật đó sẽ như thế nào và diễn.
Nhưng tôi hoàn thành xuất sắc vai diễn chỉ trong một thời gian ngắn, bởi thật ra thời của tôi, tự trau dồi nghề nghiệp là chính chứ cũng chưa có ai được học qua trường lớp mà học hỏi lẫn nhau. Lâu lâu đi xem phim rồi học người ta, cái nào hay thì tiếp thu, cái nào dở thì bỏ qua".
Cứ vậy mà bà thành danh, cả trên sân khấu lẫn truyền hình. "Ngay cả hiện nay, ở tuổi 78, tôi vẫn bận rộn với những vai diễn trên sân khấu và lời mời đóng phim", bà tâm sự.
Nghệ sĩ Thiên Kim trong một vai diễn. |
Tình nghệ sỹ như bến đậu phù du?
Khi nói về nghệ thuật, chúng tôi có cảm giác như bà nói không muốn ngừng, cái dòng cảm xúc ấy như mạch nước lớn mạnh và bất tận đang trào dâng trong con người nghệ sỹ đáng kính ấy. Nhưng khi nói về hạnh phúc và tình yêu, bà dường như chùng lại. Đôi mắt bà mênh mang một nỗi niềm không thể gọi thành tên.
Bà nói cuộc đời bà cũng như dòng sông vậy, lúc hiền hòa, khi cuộn sóng. Nhưng theo bà nghĩ, thì cuộc đời của nghệ sỹ đa số hạnh phúc chỉ là phù hoa, bởi ông trời không cho ai được toàn vẹn, họ có tình yêu vô bờ bến của những khán giả yêu mến mình, thì trong cuộc đời tư, hạnh phúc cũng ít khi trọn vẹn.
Theo nghệ sĩ Thiên Kim, ngày nhỏ bà xác định sẽ chỉ có duy nhất một người đàn ông, và cũng mong mãi mãi sẽ giữ vững cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Hơn ai hết, bà sợ sự đổ vỡ, sợ con cái mình sẽ tổn thương. Nhưng hạnh phúc không như bà mong muốn, người chồng đầu tiên của bà không may qua đời khi đứa con mới chào đời được 3 tháng.
Một mình nuôi con, phải tha con theo những đêm diễn triền miên khắp mọi miền đất nước. Có những lúc, bà nghĩ hay mình bỏ nghề đi, nhưng máu nghệ sỹ trong bà lại trỗi dậy, và cổ vũ bà tiếp tục những cuộc hành trình rong ruổi với con đường nghệ thuật đầy chông gai của mình.
Sau đó, có người đàn ông thương bà, thương phận cô đào hồng nhan đa truân, chuyên diễn những vai công chúa hoàng hậu trên phim, nhưng ngoài đời biết bao gian nan cực khổ, nên đã về gánh chung vất vả cùng bà. Nhưng buồn thay, hạnh phúc này rồi cũng bỏ bà ra đi. Con cái giờ đã trưởng thành, có gia đình riêng, nhưng đứa nào cũng nghèo.
Quay đi ngoảnh lại, bà mới nhận ra bà chẳng có nổi một mái nhà để nương thân. Rồi bà xin được về nương náu nơi viện dưỡng lão nghệ sỹ này, ngày ngày thảnh thơi ngồi nhìn dòng người qua lại trên con hẻm nhỏ, lâu lâu con cái đến thăm, mua cho mẹ chút quà rồi hối hả ra đi trên hành trình mưu sinh nhọc nhằn.
- Theo Người đưa tin