Sẽ có nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú?

10:51, Thứ sáu 22/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: Nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, và đặc biệt, danh hiệu “danh nhân”.

Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/3, đã bổ sung hàng loạt các danh hiệu mới: Nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú, và đặc biệt, danh hiệu “danh nhân”.
[links()]
Theo Ban soạn thảo, danh hiệu “danh nhân” nhằm tôn vinh những người có đóng góp đặc biệt cho đất nước (Quốc tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc…).

Ngoài ra, việc xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” sẽ tiến hành định kỳ 5 năm một lần thay cho xét hằng năm như hiện nay, nhằm khắc phục tình trạng khen tràn lan.

uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-Phunutoday.vn
Quốc hội đang bàn sẽ có hay không danh hiệu nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú.

GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không nên có danh hiệu “nhà khoa học nhân dân”. Theo ông Thi, danh hiệu kèm theo hai chữ “nhân dân” chỉ nên gắn với những “nhà” phục vụ nhân dân, cống hiến cho xã hội, những người của công chúng như nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ.

Nhà khoa học cơ bản là vinh danh thành tựu sáng tạo của họ bằng giải thưởng. “Có lẽ chả có nước nào có danh hiệu nhà khoa học nhân dân, bởi như thế có khi lại tầm thường hóa giải thưởng của họ”, ông Thi nói.

Vị giáo sư từng là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng “Danh nhân không phải là danh hiệu. Danh nhân là sự vinh danh. Chúng ta đi khen danh hiệu danh nhân là không phải”. Ông đòi hỏi một “sự công nhận nhưng theo một trình tự khác, một thẩm quyền khác và phải được toàn xã hội thừa nhận”.

Tiếp lời ông Thi, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bình luận, đây là những ý kiến rất sâu sắc. Lấy ngay trường hợp GS. Đào Trọng Thi được Tổng thống Nga trao tặng danh hiệu, đó là “rất cụ thể chứ không “sáng tạo” như ở Việt Nam”.

Bà Thu Hà, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát biểu: “Vừa qua 90% là khen cán bộ công chức, cán bộ quản lý”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 108/2012/NĐ-CP đổ tên Viện Khoa học công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ từ ngày 19/2, trực thuộc Chính phủ,

Tương tự, theo Nghị định 109/2012/NĐ-CP, Thủ tướng quyết định đổi tên Viện Khoa học xã hội Việt Nam thành Viện hàn lâm khoa học xã hội VN từ ngày 22/2.

Mỗi Viện Hàn lâm trên có Chủ tịch và không quá 4 Phó Chủ tịch, đều do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Đầu tháng 3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký một số quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cho hai Viện Hàn lâm này. Theo đó, tất cả chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch Viện Hàn lâm đều nguyên là Chủ tịch và Phó chủ tịch của hai Viện trước khi đổi tên.

  • P.V (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc