Hạnh phúc vỡ tan
Cuộc gặp gỡ với mỗi người già tại mỗi trung tâm đều để lại trong chúng tôi nhiều trăn trở về một đời sống thiếu thốn tình cảm ruột thịt mà rất nhiều người già đang hàng ngày, hàng giờ phải trải qua nó. Ở tuổi mà chỉ mong mỏi được sum vầy, quây quần bên con cháu, sống những tháng ngày tuổi già vui vẻ mà đầm ấm yêu thương. Nhưng xã hội hiện đại, ma lực của đồng tiền, cùng với sức hấp dẫn của những tệ nạn khiến biết bao người con sa đọa. Và còn nạn nhân đáng thương hơn của những thói hư ấy, đó là những người cha, người mẹ phải vất vưởng sống với nỗi cô độc lúc tuổi già.
Chúng tôi nặng trĩu những nghĩ suy ấy khi tiếp xúc với bà Đỗ Thị Bức tại trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc (đường Lai Sơn, phường Đồng Tâm, tỉnh Vĩnh Phúc). Nỗi bàng hoàng của bà trước sự sa ngã của hai đứa con trai vẫn chưa dứt, dường như nó chỉ mơi xảy ra ngày hôm qua vậy. Gặp bà trong căn phòng nhỏ dành cho bốn người, ba người kia đã sang hàng xóm, chỉ có mình bà đang tha thẩn lục lọi lại đống ảnh cũ. Chưa kịp hỏi han gì nhiều mà đã thấy đôi mắt bà Bức hoen hoen đỏ.
Bà chỉ vào tấm ảnh đã mờ của cả gia đình chụp cách đây hơn chục năm và bảo: “Đây là bức ảnh duy nhất chụp cả nhà được ngót chục năm, khi ông nhà tôi vẫn còn khỏe mạnh và cùng tôi nuôi dạy ba thằng con trai. Ba đứa kháu khỉnh thế, không ngờ giờ chúng lại đổ đốn ra vậy. Trước đây, ai cũng bảo đời tôi sung sướng, thế mà giờ là thế này đấy cô ạ”.
Có lẽ đã lâu lắm rồi mới có được người từ xa vào thăm nên bà Bức cũng muốn trút tâm sự trong lòng mình, mà thường ngày còn dè dặt, chưa muốn chia sẻ cùng ai. Vẻ mặt đượm buồn, làm cho những vết nhăn thêm nhún sâu, càng khiến người mẹ đáng thương ấy già hơn nhiều so với tuổi sáu mươi. Bà bắt đầu những lời giãi bày về những tai ương ập đến trong cuộc đời bà như một cơn ác mộng, bà cay đắng ví von: “Tất cả mọi chuyện cứ dồn đến, đến nỗi tôi cứ tưởng rằng mình vừa nằm mơ dữ. Hạnh phúc, bình yên thật khó để giữ gìn như người ta vẫn nghĩ về gia đình tôi”.
“Trước tôi và ông nhà có làm công nhân ở nhà máy xây dựng dưới Phúc Yên (Vĩnh Phúc), rồi về hưu, chuyển lên trên Yên Lạc ở, vì quê của ông nhà ở trên ấy, cũng muốn về nơi gốc gác để hương khói cho các cụ, rồi trông nom bảo ban ba con trai học hành. Hai vợ chồng sống bằng lương hưu, làm mấy sào ruộng của ông bà để lại với buôn bán thêm ít hàng xáo cũng đủ sống. Nếu ông nhà tôi không ham làm giàu mà cứ sống yên bề như thế thì chẳng có tai biến như bây giờ” – Bà chậm rãi kể, khiến chúng tôi càng nôn nóng muốn biết rõ hơn về những “tai biến” ấy của gia đình bà.
Sự mệt mỏi của tuổi già và cả những biến cố khiến bà Bức cũng chẳng nhớ rõ được năm tháng: “Làng tôi có tiếng gần xa là nhiều người giàu lên từ buôn bán sắt vụn. Trước thì người ta đi mua tóc rối, đổi kẹo, buôn bán lông vịt, lông ngan rồi mang về tận Hải Phòng và những nơi có nhà máy để đổi thóc, củ sắn, củ khoai. Dần dần, bà con đua nhau đi tìm mua sắt vụn đem bán lấy tiền. Ông nhà tôi thấy người làng làm ăn cũng được, buôn từ cái nhỏ đến cái lớn như công nông, ô tô hay máy ủi. Mua lại đồ cũ rồi tự trùng tu sẽ được con xe mới ngon liền. Ông ấy có bàn với tôi là sẽ chuyển sang nghề buôn này xem thế nào, đàng nào cũng ở nhà, không có việc gì làm” - Bà Bức nhớ lại cái thời mà bà cùng với chồng đi lên từ những đống phế liệu.
“Làm cái nghề này chẳng mong giàu được nhanh đâu cô, mà phải gặp thời. Có nhiều tháng trời không bán được đồng nào, nhưng cũng có khi chỉ trong một ngày nếu gặp khách sộp có thể thu về cả trăm triệu. Được cái ông nhà tôi cũng có đầu óc và chịu khó quan sát, đi học hỏi những người đã làm trong làng. Ban đầu cũng bán giá vừa phải thôi, chủ yếu là lấy mối làm ăn.
Cũng mất mấy năm đầu chật vật lắm, nhưng ông ấy không nản, được một số anh em trong nhà máy cũ giới thiệu cho một số mối làm ăn nên cũng từ ấy mà khá lên” – Những ngày tươi sáng của gia đình bỗng chốc cứ hiện về trong tâm trí bà. Nhưng hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu, kể đến đây giọng bà Bức như lặng hẳn đi. Bà nói: “Đúng là ông trời chẳng thương, năm ấy trên đường đi về Phúc Yên vì một số nhầm lẫn trong làm ăn, ông nhà tôi bị tai nạn, bị chấn thương sọ não, lại mất quá nhiều máu nên không qua khỏi trên đường đi cấp cứu. Lúc hay tin, tôi như bị sét đánh ngang tai, nằm liệt giường suốt hơn một tuần liền. Mọi chuyện hậu sự của ông ấy đều phải nhờ cả vào anh em, hàng xóm, chứ hai thằng con cũng chẳng lo nổi”.
Ảnh minh họa |
Dòng kí ức của bà Bức càng buồn thêm về những đứa con, chẳng thương mẹ khi bố đã mất, mà còn dở nhiều thói hư, tật xấu: “Ba thằng nhà tôi sợ bố một phép, giờ ông ấy mất rồi, tôi nói chúng không được. Cả ba đứa đều đi học nghề lái xe ở trường Cao đẳng dạy nghề Việt Xô (phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc – PV). Từ đấy cũng chẳng tu chí học hành nữa, bị bạn bè rủ rê thế nào, bỏ cả học rồi đứa thì dính vào nghiện ngập, đứa thì cờ bạc”. Gương mặt của người mẹ mới 60 tuổi, hốc hác và chai sạn đi nhiều vì nỗi lo lắng về những đứa con mải mê, dính vào ăn chơi sa đọa. Hạnh phúc với bà thật quá mong manh!
Của nhà đi theo những đứa con nghiện
Giờ đây, cuộc sống cô quạnh tại trung tâm càng khiến bà Bức không thể tin nổi với những tai họa đã ập đến gia đình mình. Mọi của cải mà bà cùng chồng vất vả gây dựng nên bỗng chốc “đội nón ra đi” theo những vết trượt dài trên con đường nghiện ngập của hai đứa con trai.
“Bố mất, chúng đâm sinh hư, vì khi ông nhà còn sống chúng sợ ông ấy lắm. Tôi thì có quát mắng cũng chẳng bảo được, giờ có một mình nuôi con, không kham nổi. Anh em họ hàng cũng chỉ toàn người làm ruộng, nào ai có dư dả gì, có mình gia đình tôi là khá khẩm nhất mà giờ cũng đâm ra thế này. Sau khi bố mất, tôi cứ tưởng hai thằng con thương mẹ nên càng tu chí học hành, nên hàng tháng chúng về nhà vẫn cho chúng tiền ăn học đều đặn. Rồi một thời gian, lâu lâu không thấy chúng về nữa mà chỉ gọi điện về bảo mẹ gửi tiền lên cho, dạo này học hành vất vả, không về được. Thương các con nên tôi gửi nhiều hơn trước kia. Tôi cũng chẳng ngờ được rằng chúng lại đang lừa cả mẹ nó” – Bà Bức nén lòng kể tiếp cho chúng tôi nghe về hai đứa con “nghịch tử” mà bà đã đặt nhiều hi vọng, rằng sau này về chúng cũng có cái nghề để mẹ có thể nương tựa tuổi già.
Bà như chết lặng người đi khi được một người bạn học của con về báo tin ba đứa con trai của bà ở trên trường đã bỏ học cả 3 tháng nay vì mải nghiện ngập, cờ bạc, và còn đang nợ rất nhiều tiền. Bà Bức một mực không tin đó là sự thật. Nhưng rồi bà cũng không thể trốn tránh được điều oan nghiệt ấy, bà cho hay: “Ít ngày sau khi tôi hay tin ấy, thì thấy chúng mò về nhà. Nhìn thấy con chẳng ra hồn người, đứa nào cũng gầy rộc hẳn đi, trông nhếch nha, nhếch nhác, hai mắt trũng sâu vì nhiều hôm thâu đêm. Thấy vừa thương mà lại vừa giận. Tôi cũng có gọi các con ra nói chuyện, nhưng được câu trước câu sau là chúng đã nổi khùng lên, nói những lời hỗn láo, đòi tôi đưa tiền cho chúng. Không đưa chúng sẽ mang nhà đi cắm. Tôi bảo giờ buôn bán khó khăn, được đồng nào đều dành cho chúng nó ăn học hết, làm gì có tiền dư. Nói rồi, thằng bé thì giữ tôi lại, thằng lớn chạy xộc vào tủ mở khóa, lấy sổ đỏ”.
Không còn nỗi đau đớn nào lớn hơn với bà Bức vào lúc ấy. Điều mà bà đã không tin là sự thật, thì bà đã thực sự được tận mắt chứng kiến hành động hung bạo để lấy bằng được tiền, của ba cậu con trai mà bà đã vất vả sinh thành, nuôi nấng.
Số tiền hai đứa con thua bạc và nợ mua thuốc lên đến bạc triệu, bà cũng đành bất lực, nhìn căn nhà mà người chồng đã mất vất vả gây dựng nên, dễ dàng vào tay chủ nợ: “Tất cả xe máy mua cho chúng đi học, các giấy tờ đều đem cầm cố hết, giờ đến căn nhà của tôi chúng cũng không tha. Cứ nghĩ đến cái ngày người ta đến chiếm nhà thu nợ mà thấy nhục nhã với họ hàng, làng xóm. Cũng từ ngày ấy, ba thằng bỏ nhà đi biệt tăm biệt tích, chẳng biết giờ sống chết ra sao”.
Lòng người mẹ bất hạnh ấy như đã vỡ vụn ra thành trăm mảnh. Mất nhà, con bỏ đi, bà Bức chẳng biết bấu víu nương tựa vào đâu ngoài nhà của anh em, họ hàng. “Anh em nhà tôi, ai cũng còn khó khăn cả, chỉ ở đó được ngày một ngày hai thôi chứ ở mãi sao được. Cũng mấy lần nghĩ quẩn, không muốn sống làm gì nữa, nhưng nghĩ nếu có ra đi cũng vẫn phiền người khác, nên tôi cứ nín lặng vậy. Rồi nhờ mấy anh trong xã làm thủ tục giúp vào trung tâm, sống nốt tuổi già. Sức yếu cũng chẳng làm nổi gì, vào ăn đợ nhà nước vậy, cũng được thứ qua ngày với có bạn già, mong sẽ được khuây khỏa” – Bà Bức giãi bày trong buồn tủi.
Dù có an phận tại trung tâm, nhưng những sóng gió, biến cố của gia đình vẫn cứ vẹn nguyên trong lòng bà, nhất là hai đứa con trai giờ không biết lưu lạc phương trời nào, liệu có phải sống cảnh tù tội không. Mỗi lần thấy những người bạn già xung quanh mình có con cái vào thăm là bà Bức lại thấy tủi cho phận mình, có đợi cả năm may ra mới có được một người họ hàng lên thăm.
“Sống đến tuổi này mà chưa một ngày được hưởng phúc gì từ các con, người ta thì con bồng cháu bế cả rồi, vậy mà mình thì lại chẳng ra sao thế này” – Câu nói đầy xót xa ấy của bà Bức làm chúng tôi chợt nghĩ đến có biết bao nhiêu người cha, người mẹ, khi đã đi gần hết cả một đời người mà vẫn cứ phải còm cõi một mình. Sự cảm thông dù lớn và sâu sắc đến đâu cũng khó có thể lấp đầy những trống trải trong sâu thẳm bao tâm hồn ấy, vì “một giọt máu đào” bao giờ cũng hơn “ao nước lã”.
Vân Anh