Những ngày này cuộc sống người dân thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên không thể yên bình như nó vốn có. Đằng sau cánh cổng làng văn hóa, sau cổng chùa làng yên ả là cả sự bức xúc lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ một điều không ai mong muốn: Sự lộng quyền, ngang nhiên của nhà sư trụ trì chùa làng.
Những thân gỗ vải cổ thụ bị đốn hạ bị giữ lại ngoài cổng chùa. |
Muốn làm lễ phải có tiền
Chùa Vĩnh Thái có niên đại gần 1.000 năm tuổi, được xây dựng vào vương triều nhà Lý (khoảng năm 1054). Các chuyên gia cũng đánh giá đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, có giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật vào loại bậc nhất tỉnh Hưng Yên, thuộc vào nhóm “Chung danh nam cổ tự”. Chùa có không gian rộng rãi với hơn 1ha. Trong chùa có nhiều cây vải, cây sấu lớn, có cây đường kính tới hơn 1m. Ngôi chùa là chốn tâm linh, nơi cố kết cộng đồng làng xã bao đời nay. Mỗi năm, nhà chùa và dân làng tổ chức 2 ngày lễ chính để cầu yên.
Trên địa bàn xã Trưng Trắc có 6 chùa lớn nhỏ nhưng đến nay chỉ duy nhất chùa Vĩnh Thái (thôn Ngọc Lịch) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 1999). Chùa làng yên bình, là điểm tựa tinh thần cho bao thế hệ dân làng từ xưa tới nay. Sự bức xúc chỉ bắt đầu từ năm 2003 khi sư thầy Thích Minh Quyết (tục danh là Vũ Ngọc Quý) về trụ trì ở chùa.
Khác với các sư trụ trì trước đó, sư thầy Thích Minh Quyết đã không xây dựng được mối quan hệ hài hòa, đồng cảm với nhân dân. “Thầy là người chăm lo tinh thần cho làng xã nhưng chuyện cha già mẹ héo, tang ma, thầy chẳng mấy quan tâm, ngay cả các vãi khi về với tổ tiên, thầy cũng không thăm hỏi hay làm lễ nếu như không có tiền mời thầy. Có nhà muốn đưa cha mẹ lên chùa phải mất gần chục triệu, có người phải 15 đến 20 triệu đồng hoặc hơn”, ông Nguyễn Đình Phúc (73 tuổi, thôn Ngọc Lịch) nói. Ông Nguyễn Văn Chấn – cán bộ Công an tỉnh Hưng Yên đã nghỉ hưu thẳng thắn: “Tôi thấy tư cách đạo đức của sư thầy quá kém! Chỉ những nhà là đối tác của thầy thì thầy mới đi. Sư thầy là sư thương mại, sư kinh doanh!”.
Tự ý chặt cây đem bán
10 năm qua, nhân dân thôn Ngọc Lịch vẫn không dám lên tiếng. Bức xúc chỉ bùng lên khi gần đây thầy tự ý cho chặt 4 cây vải cổ thụ trong chùa. Ngay khi phát hiện nhà chùa cho chặt cây vải cổ thụ đem ra ngoài, nhân dân báo, lãnh đạo xã đã xuống nhắc nhở, yêu cầu nhà chùa phải dừng ngay. Tuy nhiên, sư thầy vẫn tiếp tục cho chặt. Lãnh đạo thôn, xã đã phải lập biên bản niêm phong số gỗ đã chặt, yêu cầu để ngay tại chùa. “Chùa này là di tích quốc gia chứ có phải chùa của riêng thầy đâu, muốn thay đổi cảnh quan thì phải xin ý kiến ban quản lý, ý kiến nhân dân, ý kiến cho phép của các cấp quản lý. Thầy là người có học, thầy hiểu rõ hơn ai hết điều đó chứ”, ông Đỗ Thế Phả - Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc bức xúc. Theo ông Nguyễn Văn Hiền – trưởng thôn Ngọc Lịch thì BQL chùa có ông, sư thầy Thích Minh Quyết và đồng chí chủ tịch HĐND xã. Khi cho chặt các cây cổ thụ trong chùa, thầy đã không báo cho bất kỳ ai.
Tại hiện trường khi PV có mặt, đống gỗ vải có đường kính hơn 1m đang chất đống ngoài cổng chùa. Bên trong khuôn viên, những gốc vải mới được cưa nhẵn thín. Không có sư thầy Thích Minh Quyết ở nhà, bác giúp việc là Vũ Văn Thái lý giải: Do cây gần giếng mắt ngọc quá nên chặt đi. Người dân cự lại là có cây cổ thụ bên giếng là đẹp sao lại chặt đi, bác Thái lại bảo do cây bị sâu, sợ gãy nguy hiểm. Nhưng thực tế, thân cây vải bị cưa nhẵn thín, chắc nịch, không hề có dấu hiệu bị sâu, mục.
Cả chính quyền, nhân dân trong thôn, trong xã đều bức xúc về việc làm của sư Thích Minh Quyết. “Chúng tôi đã tổ chức họp thôn để sư thầy nhận lỗi trước dân”, ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiền cho biết. Theo ông Hiền, tại buổi họp thôn ngày 10.7, “người khen thì ít mà người chê thì nhiều”. Cũng theo ông Hiền, tại buổi họp, sư thầy đã nhận lỗi trước chính quyền, nhân dân toàn thôn vì đã tự ý chặt cây cổ thụ trong chùa và hứa sẽ không tái phạm việc tương tự. Tuy nhiên, khi nhân dân chất vấn nguyên nhân tại sao lại chặt cây thì thầy nói loanh quanh rồi khoát tay: “Ai có ý kiến thì ra chùa”. “Chùa chúng tôi có từ lâu đời, cây cối do cha ông để lại, vậy mà nhà sư tự ý chặt đi. Chùa là chùa của nhân dân. Sư làm sai, không bán trót lọt số cây cổ thụ trên rồi nhận lỗi là xong à? Dân còn có thể tin, còn có thể gửi gắm linh hồn, còn có thể soi mình vào nhà sư như thế để sửa mình được nữa hay không?”, ông Nguyễn Văn Chấn bức xúc.
Nhà ăn của chùa Vĩnh Thái đã biến thành nhà thi đấu cầu lông. |
Biến nhà ăn của chùa thành nơi thi đấu cầu lông
Điều làm nhân dân bức xúc không kém là việc sư Thích Thanh Quyết đã biến nhà ăn của chùa – công trình được hoàn thành bởi tiền công đức và sự đóng góp của nhân dân thành nhà thi đấu cầu lông. Theo nhiều người dân thì ai muốn chơi trong đó phải thuê. Tuy nhiên sư bác Vũ Văn Thái cho biết, chỉ thu tiền điện mỗi tháng gần 400.000 đồng. “Không thể chấp nhận được việc biến nhà ăn của chùa thành nhà thi đấu thể thao rồi cho thuê. Cái không thể chấp nhận hơn là sự thanh tịnh, chốn tôn nghiêm của chùa bị vi phạm nghiêm trọng”, ông Nguyễn Văn Giáp bày tỏ. “Thể thao là tốt nhưng thiếu gì nơi, đã thể thao là phải quần đùi áo phông, hò hét ầm ĩ. Tất cả điều đó diễn ra ở chùa – nơi thờ Phật tôn nghiêm thì không thể chấp nhận được”, ông Lê Thanh Hảo – Phó Chủ tịch kiêm trưởng ban quản lý di tích xã Trưng Trắc nói.
Theo ông Đỗ Thế Phả – Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc, trước kia, sư Thích Minh Quyết đã vận động một nhóm các vãi thuyết phục lãnh đạo xã cho một DN thuê mặt bằng trong chùa làm xưởng nhựa tái chế. “Tôi đã cương quyết không cho, khi sư Thích Minh Quyết vào nói giọng bề trên đòi tự ý mở xưởng tôi đã phải gọi thẳng tên tục của sư mà tuyên bố mới ngăn được việc làm trái khoáy ấy”, ông Phản nói.
Điều nhận thấy rõ nhất ở ngôi chùa di tích lịch sử cấp quốc gia này là sự bỏ bê chăm sóc. Cỏ mọc um tùm từ đầu cổng, nước đọng thành vũng trên đường vào. Giếng mắt ngọc hàng trăm năm đen ngòm, cỏ dại ken kín. Bếp nấu cáu bẩn, nhếch nhác, sân vườn bề bộn như chùa hoang. Sự tồn tại của nhà thi đấu cầu lông ngay trong chùa tạo nên sự tương phản đến nhói lòng.
Mong sư thầy chuyển tâm, tạo nghiệp
Là người sùng đạo Phật, kính tín tinh thần nhập thế với tính nhân văn cao cả của Phật giáo, chúng tôi kính trọng sự hy sinh âm thầm của các nhà sư cho sự nghiệp hành thiện, kêu gọi bản chất tốt đẹp của con người, tránh tham sân si để sống tốt hơn. Bởi vậy, chúng tôi đã rất buồn khi viết bài báo này. Đã có rất nhiều người dân thôn Ngọc Lịch thẳng thắn yêu cầu “trục xuất nhà sư ra khỏi chùa Vĩnh Thái”. Tuy nhiên, vẫn có người dù bức xúc vẫn mong mỏi sư thầy chuyển tâm, tạo nghiệp thiện cho chùa, cho dân làng. “Chúng tôi chỉ mong thầy sống có tâm hơn với nhà chùa, với dân làng. Chúng tôi không muốn bới lông tìm vết. Chùa là chốn linh thiêng của nhân dân, là nơi bình yên hàng trăm năm. Hãy để chùa được bình yên như thế”, ông Nguyễn Đình Phúc giãi bày.
Ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng thôn Ngọc Lịch cho biết: “Chúng tôi đã nghe nhà sư nhận khuyết điểm, hứa thay đổi và thân thiện hơn với người dân. Chúng tôi đang chờ sự chân thành đó của sư Thích Minh Quyết. Nếu sư không hồi tâm, thay đổi như đã hứa, chúng tôi sẽ kiên quyết báo cáo đề nghị cấp trên can thiệp. Sư thầy là người chăm sóc tinh thần cho cả làng, là người luôn được nhân dân nhìn vào, tin tưởng như một mẫu hình chuẩn mực về đạo đức, lòng tin và sự dấn thân vì hạnh phúc cộng đồng. Bởi thế, nhà chùa, thầy chùa phải có tâm, phải đủ tư cách mới làm sư thầy được”. Trao đổi vấn đề trên với Thượng tọa Thích Thanh Hiện - UV HĐTS T.Ư GHPGVN - Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên, ông cho hay chưa được báo cáo về sự việc. “Quan điểm của Giáo hội Phật giáo tỉnh là nếu có chuyện không phù hợp với giáo lý, không phù hợp với pháp luật thì phải nghiêm túc xử lý”, Thượng tọa Thích Thanh Hiện nói. Theo Thượng tọa, nếu nhân dân bất bình cao độ với sư thầy Thích Minh Quyết đến mức yêu cầu sư phải rời khỏi chùa thì phải làm đơn báo cáo rõ lý do và phải có ý kiến của lãnh đạo địa phương, sau đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ xem xét. |