Sự thật về cái chết của huyền thoại võ thuật hiện đại Trung Quốc Hoắc Nguyên Giáp

09:15, Thứ năm 10/11/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; Người Trung Quốc tin rằng, người Nhật căm giận vì thất bại trong cuộc tỉ thí với cao thủ họ Hoắc nên đã ngấm ngầm sai người bỏ thuốc độc vào thức ăn của ông.

 



Tháng 6 năm 1910, sau khi đánh bại hai lực sỹ đến từ Nga và Anh, tên tuổi lan khắp Thượng Hải và Trung Quốc, Hoắc Nguyên Giáp quyết định cùng với Nông Kình Tôn và một số bạn bè của mình thành lập “Hội Thể thao Tinh võ Trung Quốc” gọi tắt là Tinh Võ môn. Lãnh tụ cách mạng Trung Quốc lúc bấy giờ là Tôn Trung Sơn rất ủng hộ Hoắc Nguyên Giáp, tự tay viết bốn chữ lớn “Thượng võ tinh thần” tặng cho Tinh Võ môn.

 Lúc đó, phố Bồng Lai, Thượng Hải là khu vực cư trú của rất nhiều Nhật kiều. Hội nhu đạo của người Nhật sau khi biết tin Hoắc Nguyên Giáp đánh bại hai võ sỹ của Nga và Anh đã quyết định tuyển chọn hơn chục cao thủ võ thuật trong nước, phái tới Thượng Hải thách đấu với Hoắc Nguyên Giáp.

Khi cuộc thi đấu bắt đầu, Hoắc Nguyên Giáp cử đại đệ tử của mình là Lưu Chấn Thanh xuất trận. Lưu Chấn Thanh bước lên sàn đấu, thủ thế vững như bàn thạch. Các cao thủ Nhật Bản dùng đủ mọi chiêu vẫn không đánh ngã được Lưu. Người Nhật cử võ sỹ vạm vỡ và khỏe mạnh nhất của mình lên đài song cũng bị Lưu đánh ngã, không thể động đậy được. Sự bình tĩnh đã giúp Lưu Chấn Thanh liên tục thắng được 5 người phía Nhật Bản. Người dẫn đầu nhóm võ sỹ Nhật Bản - hội trưởng hội Nhu đạo - thấy tình thế bất lợi bèn bước lên đài đòi trực tiếp tỉ thí với Hoắc Nguyên Giáp.

Giao đấu mới chỉ vài hiệp, đội trưởng phía Nhật Bản đã lĩnh giáo sự lợi hại của Hoắc Nguyên Giáp, vì vậy giở trò gian dối nhằm sát thương đối thủ. Không ngờ Hoắc Nguyên Giáp đã nhìn rõ ý định của đối phương, không chỉ tránh được đòn đánh lén mà còn dùng khuỷu tay đánh gãy tay của đối phương. Các võ sỹ phía Nhật Bản thấy vậy bèn xông lên, song bị những người làm chứng trong buổi tỉ thí ngăn lại.
Hoắc Nguyên Giáp trên phim
Hoắc Nguyên Giáp trên phim

Sau trận tỉ thí, người Nhật tổ chức một bữa tiệc mời Hoắc Nguyên Giáp tới dự. Trên bàn tiệc, người Nhật thấy Hoắc Nguyên Giáp ho dữ dội đồng thời phát hiện ông bị thương trong trận tỉ thí, vì vậy đã giới thiệu Hoắc Nguyên Giáp với một bác sỹ người Nhật tên là Akino để giúp ông trị bệnh. Hoắc Nguyên Giáp không hề nghi ngờ gì, chấp nhận lời đề nghị của người Nhật và nằm lại bệnh viện của Akino để chữa bệnh.

Tuy nhiên, kể từ khi vào viện, bệnh tình của cao thủ họ Hoắc ngày một xấu thêm. Những người trong Tinh Võ môn quyết định đưa Hoắc Nguyên Giáp ra khỏi viện về Tinh Võ môn chữa trị bằng Trung y. Tuy nhiên, khi đưa được Hoắc Nguyên Giáp trở về thì thầy thuốc Trung Quốc nói rằng, bệnh của Hoắc Nguyên Giáp đã quá nặng, không thể chữa khỏi được nữa. Ngày 14/9/1910, chưa đầy ba tháng sau trận tỉ thí cuối cùng, cao thủ võ thuật nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc thế kỷ 20 Hoắc Nguyên Giáp qua đời tại Tinh Võ môn. Năm đó, ông mới chỉ 42 tuổi.

Việc trước khi chết, Hoắc Nguyên Giáp được điều trị trong bệnh viện của một bác sĩ người Nhật khiến dấy lên nhiều nghi vấn và tranh cãi. Người Trung Quốc cho rằng, người Nhật căm giận vì thất bại trong cuộc tỉ thí võ thuật nên ngấm ngầm hại chết Hoắc Nguyên Giáp trong suốt thời gian ông trị bệnh trong bệnh viện của Akino. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, giả thuyết Hoắc Nguyên Giáp bị người Nhật hại chết chỉ là hư cấu, thực tế là Hoắc Nguyên Giáp chết vì căn bệnh mà ông mắc phải do luyện công quá sức từ khi còn trẻ.


Ngày nay, giả thuyết Hoắc Nguyên Giáp bị người Nhật hạ độc chết được lưu truyền rất rộng rãi và được đa số người Trung Quốc tin là sự thật. Theo giả thuyết này thì sau khi Hoắc Nguyên Giáp qua đời, các đệ tử và bạn bè của ông trong Tinh Võ môn đã đem những thứ thuốc mà các bác sỹ Nhật Bản đưa cho ông đi xét nghiệm và đã phát hiện một loại thuốc độc hại phổi. Loại độc dược này không phát tác ngay khi uống vào mà tích theo từng ngày rồi phá hoại lá phổi của người uống thuốc. Sau khi phát hiện ra điều này, bạn bè và đệ tử của cao thủ họ Hoắc biết rằng Hoắc Nguyên Giáp không phải chết vì bệnh mà là chết vì bị người Nhật hạ độc. 

Trên thực tế thì chính những bộ tiểu thuyết võ hiệp đã giúp cho giả thuyết này được lưu truyền và có ảnh hưởng rộng rãi đối với người Trung Quốc. Trong số đó, đóng vai trò quan trọng nhất chính là những sáng tác của tiểu thuyết gia Hướng Khải Nhiên với bút danh Bình Giang Bất Tiêu Sinh. Từ năm 1912, Hướng Khải Nhiên đã liên tiếp cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết mang tên “Quyền thuật” và “Truyện anh hùng hiệp nghĩa thời cận đại” miêu tả rất chi tiết việc Hoắc Nguyên Giáp bị người Nhật hạ độc chết ra sao.

Trong tiểu thuyết của mình, Hướng Khải Nhiên đã viết rằng, vào cuối năm 1909, đầu năm 1910, sau khi đánh bại lực sỹ người Anh Hercules O’Brien, bệnh phổi của Hoắc Nguyên Giáp ngày càng trầm trọng đành phải đến bệnh viện của bác sỹ người Nhật Akino để chữa trị. Akino nói: “Hoắc tiên sinh không chịu nghe theo khuyến cáo của tôi. Giờ đây bệnh đã nặng, khó lòng có thể chữa khỏi”. Akino đề nghị Hoắc Nguyên Giáp phải nằm viện để điều trị và nói: “Nếu muốn trị khỏi hoàn toàn thì ít nhất phải nằm dưỡng bệnh hai tháng”.

Akino chăm sóc Hoắc Nguyên Giáp rất cẩn thận, thường xuyên ở bên cạnh giường bệnh của ông. Sau hơn một tuần, bệnh của Hoắc Nguyên Giáp đã có những chuyển biến tốt, dự tính một vài tuần nữa là có thể xuất viện. Nào ngờ, đúng lúc ấy thì Hội nhu đạo của Nhật Bản tìm tới mời Hoắc Nguyên Giáp tỉ thí. Akino đành phải đi theo Hoắc Nguyên Giáp tới Tỉnh Đạo Quán.

Khi cuộc tỉ thí bắt đầu, các võ sĩ của Nhật giao đấu với Lưu Chấn Thanh nhưng đều thất bại. Bất chợt lúc đó có một võ sĩ nhật Bản cởi phăng áo, lộ rõ cơ thể cuồn cuộn xông thẳng về phía Hoắc Nguyên Giáp. Hoắc Nguyên Giáp không muốn đánh nhưng cũng không muốn tránh nên đành dùng tay khóa chặt hai cánh tay của đối thủ khiến võ sĩ người Nhật không thể động đậy được rồi quay lại nói với bác sĩ Akino hãy khuyên giải họ.

 Không ngờ, võ sĩ người Nhật bị khóa chặt tay đau quá mới vùng vẫy tìm cách thoát ra nhưng càng dùng lực mạnh thì càng bị siết chặt hơn. Một lúc sau, máu trên cánh tay của võ sĩ Nhật chảy ra. Tới lúc đó, Hoắc Nguyên Giáp mới bỏ tay ra, võ sĩ người Nhật đau quằn quại, lăn lộn rên la. Những võ sĩ khác không còn ai dám xông lên nữa.

Hoắc Nguyên Giáp nhờ bác sĩ Akino giải thích nhưng Akino nói rằng không quan trong, đề nghị Hoắc Nguyên Giáp nhanh chóng trở về bệnh viện. Khi về tới bệnh viện đã 8 giờ tối, Akino theo thường lệ khám bệnh cho Hoắc Nguyên Giáp chợt thất thần nói: “Tại sao bệnh đột nhiên lại nặng lên thế này?”. Hoắc Nguyên Giáp nói: “Tôi cảm thấy cơ thể vẫn khỏe, chắc không có chuyện gì đâu”.

Không hiểu có chuyện gì, Akino đành tiêm hai mũi thuốc cho Hoắc Nguyên Giáp rồi kéo Lưu Chấn Thanh ra khỏi phòng nói nhỏ: “Tôi thật sự cảm thấy hối hận. Đáng lẽ ra, tôi không nên đồng ý để Hoắc tiên sinh đến Tỉnh Đạo Quán. Giờ bệnh của Hoắc tiên sinh đã thay đổi, nặng hơn rất nhiều, ông bảo phải làm sao?”. Lưu Chấn Thanh chưa hiểu có chuyện gì, Akino nói tiếp: “Hoắc tiên sinh dùng lực quá sức làm tổn thương bên trong. Đây là việc ngoài ý muốn của tôi. Giờ tôi thực sự không thể chữa khỏi được. Tôi nghĩ cậu nên khuyên thầy mình xuất viện, trong đêm hôm nay quay trở về Thiên Tân may ra còn kịp về tới nhà”.

 Lưu Chấn Thanh chưa kịp trả lời thì nghe bên trong phòng có một tiếng ho lớn. Nghe tiếng ho dị thường, Lưu Chấn Thanh và Akino chạy vào bên trong thì thấy Hoắc Nguyên Giáp đang lăn lộn dưới đất, miệng hộc ra máu tươi, không còn nói được lời nào nữa. Akino vội vàng tiêm một liều thuốc thì máu ở miệng Hoắc Nguyên Giáp không chảy nữa, cũng không còn lăn lộn nữa nhưng ông không còn nhận biết được chuyện gì.

Hoắc Nguyên Giáp mất đi hoàn toàn tri giác, Lưu Chấn Thanh đành trở về Tinh Võ môn gặp Nông Kình Tôn để bàn bạc. Khác với Lưu Chấn Thanh, Nông Kình Tôn nhìn mọi việc kỹ càng hơn. Nông Kình Tôn cho rằng, bệnh của Hoắc Nguyên Giáp đột nhiên biến chứng như vậy thì Akino là người đáng nghi nhất. Tuy nhiên, do không có bất cứ chứng cứ nào nên không thể tùy tiện nói ra. Hôn mê tới đêm ngày thứ hai, tức ngày 14/9/1910, huyền thoại võ thuật của Trung Quốc đã trút hơi thở cuối cùng khi mới 42 tuổi.

Sau đó, các đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp mới đem thuốc mà Akino kê cho Hoắc Nguyên Giáp đi xét nghiệm, kết quả phát hiện ra rằng đây là loại thuốc độc làm hại phổi mãn tính. Chính Akino trong suốt thời gian điều trị bệnh cho Hoắc Nguyên Giáp đã tiêm loại thuốc này cho ông, khiến bệnh tình của Hoắc Nguyên Giáp không những không được chữa khỏi mà ngày càng nguy kịch hơn và cuối cùng đã giết chết huyền thoại võ thuật này.


Kể từ sau khi hai tác phẩm của Hướng Khải Nhiên ra đời, rất nhiều người ủng hộ giả thuyết người Nhật hạ độc Hoắc Nguyên Giáp, đặc biệt là các bộ sử liệu của Tinh Võ môn. Bộ sách có tên “Tinh Võ bản kỷ” một cuốn sách lịch sử về Tinh Võ môn xuất bản năm 1919 đã ghi chép về cái chết của Hoắc Nguyên Giáp giống hệt với những tình tiết đã được miêu tả trong các tiểu thuyết của Hướng Khải Nhiên. Cũng kể từ đó, “Tinh Võ bản kỷ” trở thành một chứng cứ chắc chắn nhất cho giả thuyết rằng người Nhật đã dùng độc hạ sát Hoắc Nguyên Giáp.

Từ giả thuyết này, nhiều người còn tưởng tượng, hư cấu bổ sung rất nhiều tình tiết khác nhau khiến ngày càng xuất hiện nhiều dị bản so với “bản gốc” ban đầu. Thậm chí có dị bản còn nói rằng, người hạ độc giết chết Hoắc Nguyên Giáp không phải là viên bác sĩ Akino mà người Nhật đã dùng thủ đoạn đê hèn để mua chuộc đầu bếp của Tinh Võ môn bỏ thuốc độc vào thức ăn hằng ngày của Hoắc Nguyên Giáp.

 Đây là loại thuốc độc ngấm dần từng ngày cho nên Hoắc Nguyên Giáp không hề phát hiện ra. Cho tới cuộc giao đấu với các võ sĩ người Nhật, thuốc độc này mới phát tác khiến Hoắc Nguyên Giáp qua đời. Cái chết của Hoắc Nguyên Giáp diễn ra ngay sau trận đấu khiến mọi người đều nghĩ rằng ông chết là do bị võ sĩ Nhật đánh trọng thương.

 Tuy nhiên, sau đó, các đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp đã điều tra ra sự thực và Trần Chân - một trong những đệ tử xuất sắc nhất của Hoắc Nguyên Giáp - đã giúp ông báo thù. Đây là cốt truyện hiện phổ biến trong các bộ phim xây dựng về Tinh Võ môn hoặc nhân vật Hoắc Nguyên Giáp. Sức mạnh của môn nghệ thuật thứ 7 trong thời hiện đại khiến giả thuyết “hạ độc” được truyền bá rộng rãi hơn và cho tới nay thì gần như tất cả mọi người dân Trung Quốc đều tin rằng chính người Nhật đã ngấm ngầm hạ độc để giết chết Hoắc Nguyên Giáp.

Và tranh cãi

Mặc dù giả thuyết “hạ độc” được nhiều người tin là sự thực, song cũng có nhiều người nghi ngờ về tính chân thực của giả thuyết này. Những người này cho rằng, “hạ độc” vốn chỉ là một cách sắp đặt phổ biến đối với cái chết của các nhân vật chính trong các bộ phim hay tiểu thuyết võ hiệp. Một người có võ công cao cường, trí tuệ hơn hẳn người thường, lại là người đạo đức cao thượng, một hiệp khách, một bậc anh hùng nếu như phải chết thì cái chết của anh ta chắc chắn phải là kết quả của một âm mưu ám toán cực kỳ đê tiện của đối thủ. Vì vậy, việc Hoắc Nguyên Giáp, một cao thủ võ lâm, một anh hùng dân tộc chết vì tay người Nhật là một cách xử lý tương đối tinh tế và hợp lý.

Thứ nhất là vì cách sắp xếp các tình tiết như vậy khá đơn giản và dễ dàng. Thứ nữa là nếu như sắp xếp cái chết của Hoắc Nguyên Giáp như vậy sẽ càng làm rõ sự “hy sinh” của huyền thoại võ học này. Những người anh hùng luôn là những người hy sinh vì điều nghĩa, Hoắc Nguyên Giáp kết thù với người Nhật không phải là vì việc riêng mà là vì quốc gia và dân tộc, và ông đã hy sinh vì điều đó. Chính vì vậy, “hạ độc” chính là cách hợp lý nhất để biến Hoắc Nguyên Giáp trở thành một anh hùng vĩ đại và cũng là cái cớ để khích động lòng yêu nước cũng như căm thù kẻ địch của người dân.

Rõ ràng là trong cách lập luận này thì giả thuyết Hoắc Nguyên Giáp bị hạ độc chỉ là một sự bịa đặt của các tác giả tiểu thuyết không hơn không kém. Không chỉ vậy, họ cũng cho rằng giả thuyết hạ độc cũng thiếu đi những căn cứ về mặt lịch sử. Tất cả giả thuyết Hoắc Nguyên Giáp bị hạ độc đều dựa trên câu chuyện hư cấu mà Hướng Khải Nhiên viết trong hai tác phẩm của mình xuất bản năm 1912.

 Ngay cả những gì ghi chép trong bộ “chính sử” “Tinh Võ bản kỷ” cũng chỉ là những tình tiết dựa trên hai cuốn tiểu thuyết của Hướng Khải Nguyên. Từ cách lập luận này, những người phản đối giả thuyết “hạ độc” cũng đưa ra một cách giải thích mới về cái chết của vị võ lâm cao thủ Hoắc Nguyên Giáp. Theo họ, Hoắc Nguyên Giáp hoàn toàn không chết vì người Nhật đầu độc mà chết vì bệnh tật.

Căn cứ quan trọng nhất của lập luận này chính là những tài liệu được cho là đáng tin cậy nhất về Hoắc Nguyên Giáp từ lúc ông mắc bệnh tới khi chết. Trần Công Triết - một trong số những người cùng Hoắc Nguyên Giáp sáng lập nên Tinh Võ môn - đã viết trong một cuốn sách có tên “50 năm Tinh Võ môn” rằng: “Hoắc tiên sinh (Hoắc Nguyên Giáp) mắc bệnh thổ huyết, rất thường xuyên phát tác. Khi đó có một người Nhật Bản bán thuốc cho Hoắc Nguyên Giáp, nói rằng có thể trị khỏi được thổ huyết, trị khỏi bệnh phổi. Hoắc Nguyên Giáp tin lời mua thuốc uống.

Tuy nhiên, sau khi uống thuốc này thì bệnh tình càng ngày càng nặng. Bệnh tình của Hoắc tiên sinh là do khi còn trẻ, luyện công quá sức khiến tổn hại tới phổi vì thế mà thổ huyết, sắc mặt nhợt nhạt. Kể từ khi chuyển tới nhà Chi vương gia thì bệnh tình càng ngày càng nguy kịch. Sau khi được đưa tới bệnh viện của Hội chữ thập đỏ Trung Quốc điều trị hai tuần thì qua đời…”.

Theo như ghi chép của Trần Công Triết thì mặc dù ông khẳng định rằng Hoắc Nguyên Giáp vì uống thuốc của người Nhật mà bệnh tình ngày càng nặng, tuy nhiên, ông không hề nói rằng người Nhật hạ độc mà cho rằng, bệnh tình của Hoắc Nguyên Giáp nặng hơn là do uống nhầm thuốc. Trần Công Triết cũng nói rất rõ nguyên nhân căn bệnh của Hoắc Nguyên Giáp chính là do khi còn trẻ luyện khí công quá sức khiến tổn hại tới phổi, từ đó sinh ra thổ huyết. Và chính căn bệnh này đã giết chết huyền thoại võ thuật của Trung Quốc. Những người phản đối thuyết “hạ độc” cho rằng Hoắc Nguyên Giáp chết là vì luyện công không đúng cách nên đã mắc phải căn bệnh nan y từ khi còn trẻ chứ hoàn toàn không hề liên quan gì tới người Nhật cả.
1
 

Kết luận cuối cùng mà họ đưa ra là: “Trần Công Triết là một trong số những người đã mời Hoắc Nguyên Giáp tới Thượng Hải, đồng thời cũng là người làm công tác phiên dịch cho Hoắc Nguyên Giáp trong cuộc đấu với võ sĩ người Anh Hercules O’Brien cho tới tận khi ông chết. Do vậy có thể thấy mối quan hệ giữa Trần Công Triết và Hoắc Nguyên Giáp cực kỳ thân mật.

Từ đó, có thể khẳng định rằng, những gì Trần Công Triết ghi chép về nguyên nhân cái chết của Hoắc Nguyên Giáp hoàn toàn đáng tin cậy. Như vậy, Hoắc Nguyên Giáp không phải chết vì bị người Nhật hạ độc mà chết vì bệnh tình trở nên nguy kịch, đưa tới bệnh viện cứu chữa nhưng không kịp”.

Nếu như gọi giả thuyết “hạ độc” là nguyên nhân từ bên ngoài thì giả thuyết Hoắc Nguyên Giáp chết vì bệnh được gọi là nguyên nhân bên trong. Song, nếu như giả thuyết “hạ độc” được coi là một cách xử lý hợp lý và đơn giản cho cái chết của nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết võ hiệp thì giả thuyết chết vì bệnh cũng khiến người ta liên tưởng tới những bậc cao thủ võ lâm luyện khí công tới mức “tẩu hỏa nhập ma” và vì vậy mà mắc bệnh cũng đầy rẫy trong các tiểu thuyết võ hiệp. Tuy nhiên, việc họ dựa trên những ghi chép của một người vô cùng thân thiết với Hoắc Nguyên Giáp là Trần Công Triết khiến những lập luận của họ trở nên vững chãi và không thể coi là vô căn cứ được.

Ngày 6/8/2000, trên các trang báo chính thống của Trung Quốc có phát đi một thông báo, bác bỏ giả thuyết Hoắc Nguyên Giáp chết vì bệnh và một lần nữa khẳng định Hoắc Nguyên Giáp chết do người Nhật hạ độc. Bản thông báo viết: “Cháu trai của Hoắc Nguyên Giáp là Hoắc Văn Đình sau khi cùng với cán bộ văn hóa của khu Tây Thanh thành phố Thiên Tân điều tra kỹ lưỡng, đã tiến thêm một bước chứng thực rằng người Nhật Bản chính là hung thủ sát hại Hoắc Nguyên Giáp.

Những năm gần đây, trong xã hội, có người đưa ra quan niệm cho rằng “người Nhật Bản là bạn tốt của Hoắc Nguyên Giáp, từng giúp ông trị bệnh. Cái chết của Hoắc Nguyên Giáp là do ông bị bệnh chứ không phải do người Nhật hạ độc”. Con cháu của gia tộc học Hoắc từ trước tới nay đều biết rằng, ông cha họ bị giết bởi bàn tay của người Nhật Bản.

 Vào thập niên 80, con cháu họ Hoắc khi tiến hành cải mộ cho Hoắc Nguyên Giáp đã phát hiện toàn bộ xương cốt của ông đều biến thành màu đen, chứng minh rằng ông chết vì chất độc.

Vì vậy, họ không thể chấp nhận cách lý giải rằng Hoắc Nguyên Giáp chết vì bệnh tật và người Nhật hoàn toàn không có liên quan gì. Từ năm ngoái (1999), cháu trai của Hoắc Nguyên Giáp là Hoắc Văn Đình đã cùng với các cán bộ văn hóa nhiều lần tới các hội quán mà Hoắc Nguyên Giáp từng hoạt động tại Thượng Hải, Quảng Đông, Chiết Giang để tiến hành sưu tầm tài liệu và chứng cứ chứng minh rằng người Nhật Bản đã hạ độc giết chết Hoắc Nguyên Giáp.

Họ lấy danh nghĩa giúp Hoắc Nguyên Giáp trị bệnh nhưng thực tế là bỏ thuốc độc vào trong thuốc uống khiến căn bệnh của Hoắc Nguyên Giáp vốn có thể trị được thì lại trở nên nguy kịch hơn và khiến ông tử vong”.

Bản thông báo chính thống này một lần nữa đã khẳng định giả thuyết vốn đã tồn tại từ lâu trong sách vở cũng như niềm tin của người Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những ý kiến ngược lại không hề tồn tại. Cho tới tận ngày nay, cuộc tranh cãi giữa các giả thuyết về cái chết của huyền thoại võ thuật thời hiện đại của Trung Quốc Hoắc Nguyên Giáp vẫn chưa kết thúc và vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Cổ Tỉnh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc