Sự thực về nghi án giết con của ông vua sáng lập triều Thanh

09:24, Thứ bảy 26/11/2011

( PHUNUTODAY ) - coi là người kế thừa hoàn hảo của mình.

(Phunutoday) - Là con trai trưởng, được phong thái tử từ khi mới 20 tuổi và sau đó được giao quyền cai quản cả triều đình, Chử Anh từng được Nỗ Nhĩ Cáp Xích - vị Hoàng đế khai quốc triều Thanh - coi là người kế thừa hoàn hảo của mình. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau khi lên ngôi đại hãn, cũng chính Nỗ Nhĩ Cáp Xích là người ra lệnh xử tử đứa con trai mà ông hết mực thương yêu và dành không ít công sức để rèn giũa. Cái chết của thái tử Chử Anh, cho tới nay, vẫn còn là một nghi án chưa tìm được lời giải đáp…

1. Trên núi Dương Lỗ nằm ở ngoại ô Liêu Dương có một khu lăng mộ của hoàng gia. Người ta nói rằng, trước khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, do Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích định đô ở Đông Kinh (tên cũ của Liêu Dương), nên đã xây dựng lăng mộ của tổ tiên ở nơi đây, vì vậy khu lăng mộ này còn có tên là Lăng Đông Kinh.

Lăng Đông Kinh hiện tại có bốn lăng mộ, bao gồm lăng mộ của em trai Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Thư Nhĩ Cáp Tề, con trai cả là Chử Anh, em cùng cha khác mẹ là Mục Nhĩ Cáp Tề và con trai của ông ta là Đạt Nhĩ Sai. Trong đó, lăng mộ của Chử Anh được người đời sau gọi là “mộ thái tử”.

Tuy nhiên, lăng mộ của Chử Anh lại không hề có dáng vẻ của một ngôi mộ hoàng thất, không những diện tích chỉ bằng một nửa mộ của người chú ruột Thư Nhĩ Cáp Tề mà ở phía trước mộ cũng vắng vẻ hiu quanh, đến một tấm bia đá đề tên cũng không có. Ngay cả hai cây tùng cổ thụ được trồng trước ngôi mộ này cũng là do những người đời sau trồng cách đây mới vài chục năm. Vì sao lăng mộ của một “thái tử” - con một Hoàng đế khai quốc - lại phải chịu cảnh đìu hiu như vậy? Trên thực tế, Chử Anh từng là một mãnh tướng, một thái tử lập không ít công trạng cho bộ tộc Nữ Chân, tuy nhiên, chỉ vì những cuộc đấu đá chính trị mà bị chính cha đẻ của mình giam cầm rồi xử tội chết.

Ái Tân Giác La Chử Anh sinh năm 1580 tại huyện Tân Binh, là con trai của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Mẹ đẻ của Chử Anh là Đồng Giai thị vốn là vợ của Thanh Thái Tổ từ thuở còn nghèo khó, vì vậy, xét theo danh phận, Chử Anh là con trai trưởng và là người kế thừa sự nghiệp của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Năm Vạn Lịch thứ 11, Nỗ Nhĩ Cáp Xích khởi binh, bắt đầu cuộc chiến thống nhất tộc Nữ Chân kéo dài suốt nửa cuộc đời của ông.

 Năm đó, Chử Anh mới vừa tròn 3 tuổi. Khi mới bắt đầu khởi binh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thường xuyên gặp phải sự chống đối và những cuộc ám sát của các bộ tộc đối kháng. Mỗi khi có thích khách tới, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại đem con trai Chử Anh và Đại Thiện, con gái là Đông Quả giấu xuống dưới bàn. Sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống chiến tranh khốc liệt đã giúp Chử Anh trở thành một thanh niên mạng mẽ, dũng cảm.
d
Nỗ Nhĩ Cáp Xích

Tới tháng giêng năm Vạn Lịch thứ 26, Chử Anh nhận lệnh của cha, cùng người chú tên là Ba Nhã Lạt, đại thần Phí Anh Đông dẫn một ngàn quân tinh nhuệ thu phục tộc Nữ Chân ở Đông Hải. Đây là lần đầu tiên Chử Anh đảm nhiệm vị trí thống lĩnh một đoàn quân, vì vậy không hề lơ là. Chàng thanh niên đầy tham vọng không quản ngại nắng mưa gian khổ, liên tiếp đánh hạ hơn 20 doanh trại quân địch, thu phục được không ít dân chúng. Chiến thắng của Chử Anh khiến Nỗ Nhĩ Cáp Xích rất lấy làm vui mừng, ban cho Chử Anh danh hiệu “Anh dũng” đồng thời phong cho làm vương. Năm đó, Chử Anh mới 18 tuổi.

Năm Vạn Lịch thứ 35, Sách Mục Đặc Hắc - thành chủ của thành Phi Du - tới xin quy hàng Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đồng thời xin với Nỗ Nhĩ Cáp Xích về đón vợ con và dân chúng. Nỗ Nhĩ Cáp Xích liền lệnh cho em trai là Thư Nhĩ Cáp Xích cùng Chử Anh và con thứ là Đại Thiện dẫn 3.000 quân tới thành Phi Du.

Trên đường hành quân đã xảy ra một chuyện kỳ lạ. Đêm hôm đó, trời âm u, mây mù kéo đến đặc cả bầu trời. Bỗng nhiên, lá cờ lớn ở giữa doanh trại lóe lên một ánh sáng trắng, làm lóa mắt tất cả binh lính. Binh sỹ bèn hạ lá cờ xuống để xem thứ ánh sáng ấy là gì, tuy nhiên, khi lá cờ được hạ xuống thì lại tuyệt nhiên không thấy gì. Đến khi dựng lá cờ lên thì trên lá cờ lại xuất hiện thứ ánh sáng trắng kỳ lạ.

Thư Nhĩ Cáp Tề sợ hãi nói: “Ta từ nhỏ đã theo đại hãn (Nỗ Nhĩ Cáp Xích) chinh chiến khắp nơi, chứng kiến không ít chuyện lạ nhưng chưa bao giờ thấy chuyện kỳ quái như thế này. Đây hẳn không phải là điềm lành! Ta nên rút quân để tránh điềm báo không tốt này”. Tuy nhiên, ý kiến của Thư Nhĩ Cáp Tề bị Chử Anh và Đại Thiện phản đối dữ dội, hai người kiên quyết tiếp tục hành quân tiến về thành Phi Du.

Trên đường hộ tống 500 hộ dân từ Phi Du thành trở về, quân của Chử Anh đã gặp quân của bộ tộc Ô La chặn đường tại Ô Kiệt Nham. Thư Nhĩ Cáp Tề thấy quân địch quá đông nên sợ hãi, án binh bất động. Chử Anh và Đại Thiện thấy vậy bèn cổ vũ quân sỹ, nói: “Thủ lĩnh của bộ tộc Ô La từng là tù binh của quân ta, bởi vì y quy phục phụ vương nên phụ vương mới tha cho tội chết. Trước đây, chúng ta đã tha cho y, hôm nay cũng có thể làm như vậy.

Quân của y có thể mạnh hơn chúng ta nhưng chúng ta có ông trời phù hộ, có uy danh của phụ vương, chỉ cần dũng cảm chiến đấu thì quân địch không thể là đối thủ của chúng ta”. Quân sỹ được thống soái khích lệ, tinh thần phấn chấn hơn hẳn. Họ lập các doanh trại trên núi, phái binh lính bảo vệ 500 hộ dân. Tiếp đó, một nhánh 200 quân xông lên đánh giáp lá cà với quân tiên phong của Ô La để phân tán sự chú ý của quân địch.

Trong khi đó, Chử Anh và Đại Thiện dẫn 500 binh lính phân thành hai đường tấn công quân Ô La. Chử Anh dẫn quân xông thẳng vào trận địa quân địch, tiếng hét xung trận như sấm rền, không ai dám xông ra cản. Quân Ô La đại bại, giẫm đạp lên nhau bỏ chạy. Trận chiến này, quân của Chử Anh đã giết được hơn 3.000 quân Ô La, thu được 5.000 con ngựa và 3.000 bộ giáp, Đại Thiện còn lấy được đầu đại tướng của Ô La là Bác Khắc Đa.

Trận chiến tại Ô Kiệt Nham không chỉ làm tiêu hao lực lượng của quân Ô La mà còn giúp quân Kiến Châu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích thông được tuyến đường từ Kiến Châu tới lưu vực sông Ô Tô Lý và khu vực hạ du sông Hắc Long Giang. Chính vì vậy, khi được báo tin, Nỗ Nhĩ Cáp Xích rất lấy làm vui mừng, phong cho Chử Anh danh hiệu “túc trí đa mưu”. Sau đó, trong nhiều chiến dịch khác, Chử Anh đều lập những chiến công hiển hách, cống hiến rất lớn cho sự nghiệp thống nhất tộc Nữ Chân của cha mình là Nỗ Nhĩ Cáp Xích, có thể nói là bậc công thần số một trong sự nghiệp sáng lập nhà Hậu Kim.

2. Vào thời điểm Chử Anh không ngừng bộc lộ tài năng và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo tài năng, địa vị trong chính quyền Hậu Kim ngày một tăng lên thì bắt đầu từ năm Vạn Lịch thứ 41, tên của vị thái tử nhà Hậu Kim từng lập không ít công trạng này bỗng dưng biến mất trong sử sách nhà Thanh. Trong cuốn sách “Thanh Thái Tổ thực lục” (Ghi chép về Thanh Thái Tổ) - cuốn sách được coi là có được những sử liệu đầy đủ nhất về cuộc đời của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người ta không hề tìm thấy bất cứ ghi chép nào liên quan tới vị đại hoàng tử Chử Anh.

Chử Anh đảm nhiệm chức vụ gì, có công trạng gì, xuất thân và cuộc sống ra sao, kết cục thế nào, do bị bệnh mà chết hay chết trên chiến trường, hoặc giả là do phạm tội mà bị xử chết?... Tất cả đều không có một chút ghi chép nào còn được lưu lại.

Cho tới 35 năm sau đó, trong cuốn “Thanh Thế Tổ thực lục” quyển thứ 37, người ta mới thấy ghi chép đầu tiên về số phận của Chử Anh. Trong cuốn sách này có viết: “Con trai trưởng của Thái Tổ, cũng từng vì thế mà làm loạn, bị xử theo quốc pháp”.

Mãi tới 60 năm sau đó, dưới thời Khang Hy, ông vua nổi tiếng này mới đề cập tới chuyện này một lần nữa: “Thời Thái Tổ Cao Hoàng đế, Chử vương bị đại thần tố cáo, đã bị xử theo pháp luật”. Tiếp đó, trong “Thanh sử liệt truyện” quyển thứ ba có tên “Chử Anh truyện” viết về Chử Anh như sau: “Tháng 8 năm 1615, Chử Anh mắc tội bị xử chết, tước bỏ mọi tước vị”. Tuy nhiên, Chử Anh “làm loạn” là thế nào, bị “tố cáo” ra sao, mắc vào tội gì, do bị giam giữ rồi chết hay bị hạ lệnh xử tử, tất cả đều không hề ghi chép rõ. Chính vì vậy, trong vòng hơn 300 năm qua, câu chuyện về cái chết của thái tử Chử Anh vẫn chỉ lưu truyền chủ yếu trong các câu chuyện dân gian, chứ dưới góc độ sử học, nó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Cho tới năm 1962, trong kho của viện bảo tàng Cố Cung ở Đài Trung, Đài Loan, người ta phát hiện ra cuốn sách “Mãn Văn lão đáng”. Và điều đáng ngạc nhiên chính là, trong cuốn sách này, người ta tìm thấy những phần ghi chép xa xưa nhất về vị “thái tử” nhà Thanh. Và nguyên nhân về cái chết của Chử Anh bắt đầu được hé lộ.
 
Chuyện kể rằng, vào năm Vạn Lịch thứ 39, Nỗ Nhĩ Cáp Xích 53 tuổi. Vào thời điểm lúc bấy giờ, tuổi thọ bình quân của người Nữ Chân không cao, sống đến 53 tuổi như Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã có thể gọi là rất thọ. Vì vậy, ông vua sáng lập nhà Thanh sau này không thể không nghĩ tới chuyện sắp xếp người kế thừa sự nghiệp của mình, phòng khi ông nhắm mắt xuôi tay. Sau khi suy nghĩ đắn đo nhiều lần, cuối cùng Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định phong cho con trưởng Chử Anh làm thái tử, đồng thời giao cho Chử Anh nắm giữ quyền điều hành mọi công việc của triều đình. Sự việc đó xảy ra vào tháng 6 năm Vạn Lịch thứ 40.

Chử Anh là một người đàn ông Nữ Chân đầy bản lĩnh và tham vọng. Từ năm 18 tuổi đã bắt đầu dẫn quân đánh trận. Năm 22 tuổi đã trở thành thống lĩnh của đội quân Bạch kỳ, tham gia bàn luận và quyết định chuyện triều chính. Tới năm 34 tuổi thì được phong làm thái tử, thay cha nắm giữ việc điều hành triều chính. Có thể nói rằng, Chử Anh là người kế thừa mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích tự tay mình đào tạo và rất lấy làm vừa ý. Tuy nhiên, dẫu tài năng và lịch duyệt tới mức nào thì uy tín cũng như sự từng trải chiến trận của Chử Anh vẫn không thể nào so sánh được với người cha đã sống cả đời trên lưng ngựa của mình. Do tuổi còn trẻ, lại được cha ưu ái giao cho quyền điều khiển triều chính, Chử Anh có phần kiêu ngạo.
1
Nỗ Nhĩ Cáp Xích trên phim

Thêm nữa, Chử Anh nhiều năm chỉ biết chinh chiến, kiến thức nhiều chỗ còn hạn hẹp, nhất là chưa bao giờ trải qua những cuộc cọ xát về chính trị thực sự, vì vậy, khi có được quyền lực tối thượng trong tay, một mãnh tướng quen ngồi trên lưng ngựa như Chử Anh đã làm không ít chuyện mà theo các nhà chính trị là vô cùng ngốc nghếch.

Vào thời điểm đó, Chử Anh đã có trong tay quyền lực “chỉ dưới một người nhưng trên vạn người”, tuy nhiên, Chử Anh vẫn hết sức đố kỵ với 4 người anh em của mình cùng với 5 vị đại thần đang rất được Nỗ Nhĩ Cáp Xích sủng ái.

Chử Anh luôn muốn nhân lúc Nỗ Nhĩ Cáp Xích còn sống, tìm mọi cách để tước bỏ hết quyền lực của những người này nhằm củng cố địa vị cho mình, tạo điều kiện thuận lợi để lên ngôi đại hãn một khi cha nhắm mắt xuôi tay. Cách nghĩ và cách làm của Chử Anh vô tình đã khiến cho 4 vị thân vương và 5 vị đại thần nói trên cảm thấy sợ hãi và tìm cách liên kết với nhau, cùng chống lại Chử Anh, biến Chử Anh từ một thái tử đầy quyền lực, được cả triều đình tôn sùng trở thành một người bị cô lập, kiêu ngạo, không được lòng bất cứ ai.

Điều ngốc nghếch nhất của vị thái tử triều Hậu Kim này chính là ông không hề ý thức được hoàn cảnh nguy hiểm của mình, ngược lại, để xác lập quyền lực, còn ra lệnh cho 4 vị thân vương và 5 vị đại thần phải tuyên thệ trung thành với mình. Xét về địa vị, 4 vị thân vương lẫn 5 vị đại thần đều không thể sánh ngang với Chử Anh, tuy nhiên, họ cũng không phải là những tên giá áo túi cơm, bất tài vô dụng. Và Chử Anh đã phải trả giá đắt cho sự kiêu ngạo và coi thường đối thủ của mình.

Ngay lập tức, 4 vị thân vương và 5 vị đại thần dâng tấu lên Nỗ Nhĩ Cáp Xích vạch tội Chử Anh. Bản tấu nói rằng, Chử Anh làm thái tử, là người kế thừa sự nghiệp nhà Hậu Kim sau này và cũng là người đang được Nỗ Nhĩ Cáp Xích tin tưởng giao quyền xử lý việc triều chính, tuy nhiên, Chử Anh lại thiếu sự công bằng, tìm cách ly gián mối quan hệ giữa các vị đại thần, bức ép những người em của mình phải tuyên thệ sẽ tuyệt đối trung thành với bản thân, bất chấp cả lệnh của vua cha.

Chưa hết, Chử Anh còn dùng quyền lực của mình để uy hiếp các thân vương rằng nếu như không phục tùng mình thì sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết, sẽ không cung cấp bổng lộc cho họ nữa, thậm chí còn tuyên bố, bất cứ ai dám chống đối lại Chử Anh đều sẽ bị giết chết không thương tiếc.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhận được bản tấu vạch tội Chử Anh thì cảm thấy rất buồn. Chử Anh là vị thái tử mà ông dày công huấn luyện và bồi dưỡng từ khi còn rất nhỏ. Những chiến công mà Chử Anh mang về đều khiến ông cảm thấy rất vui, coi đó như một sự báo đáp đối với những công sức mà ông đã bỏ ra để rèn giũa cho đứa con trai đầu mà ông rất thương yêu. Thế nhưng, giờ đây, cũng chính đứa con trai ấy lại đang bị những người anh em của nó cũng như các vị đại thần trong triều đình vạch tội, coi như một tên hám quyền, tàn bạo.

Sau một hồi đắn đo, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định cầm bản tấu vạch tội của các thân vương và đại thần đưa cho Chử Anh xem và nói: “Con à, đây là những bản tấu của 4 thân vương và các vị đại thần. Con xem xem, nếu như có chỗ nào không phải sự thực, có thể giải thích”.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích làm vậy thực ra là cho Chử Anh một cơ hội kiểm điểm bản thân mình. Nếu như Chử Anh giải thích rõ ràng mọi chuyện, tự nhận mình vì kiêu ngạo và hẹp hòi nên đã gây sức ép với những người anh em lẫn các vị đại thần, thì có lẽ Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã sẵn sàng bỏ qua tất cả mọi chuyện và Chử Anh sẽ vẫn tiếp tục là một thái tử.

Tuy nhiên, Chử Anh bản tính kiêu ngạo, nhất định giữ nguyên chủ kiến của mình, cho rằng những lời của các thân vương và đại thần đều là sự vu cáo xấc xược, còn bản thân thì không có gì để nói. Thái độ của Chử Anh đã khiến Nỗ Nhĩ Cáp Xích nổi giận thực sự.

Khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết định lập Chử Anh làm thái tử, ông đã nghĩ rằng Chử Anh là đứa con hiểu rõ nhất ông đã phải vất vả và gian khổ như thế nào để có được sự nghiệp và khi ông giao quyền điều hành chính sự cho Chử Anh, ông cũng hy vọng rằng Chử Anh có thể có cơ hội rèn luyện bản lĩnh của một người lãnh đạo trước khi lên nắm quyền thực sự.

 Tuy nhiên, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không ngờ được rằng, những chiến tích từ khi còn rất trẻ đã khiến Chử Anh hình thành đức tính kiêu ngạo, không biết hối cải là gì. Chính điều đó khiến ông vua khai quốc nhà Thanh cảm thấy giận dữ. Ngay lập tức, Nỗ Nhĩ Cáp Xích ra lệnh tước bỏ mọi quyền lực của Chử Anh, đồng thời cho thu hồi toàn bộ số dân chúng cũng như gia súc thuộc về Chử Anh, chia cho những người con khác.

Sau đó, Nỗ Nhĩ Cáp Xích hai lần dẫn quân tấn công tộc Ô La đều không cho Chử Anh đi theo mà bắt ông ở lại Kiến Châu. Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng không giao nhiệm vụ trấn giữ Kiến Châu cho Chử Anh mà lần lượt giao cho những người con khác là Đại Thiện, Mãng Cổ Nhĩ Thái và Hoàng Thái Cực.

Hành động của Nỗ Nhĩ Cáp Xích thể hiện rất rõ sự bất tín nhiệm đối với Chử Anh. Tuy nhiên, Chử Anh không hề coi đó là hậu quả do hành động của mình gây ra, ngược lại trong lòng luôn cảm thấy bất mãn và oán hận cả cha lẫn những người anh em của mình. Vì vậy, mỗi khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn quân ra khỏi Kiến Châu là Chử Anh lại đốt sớ yểm bùa để Nỗ Nhĩ Cáp Xích cùng các thân vương và đại thần sẽ đại bại.

 Đồng thời, Chử Anh còn tuyên bố nếu như Nỗ Nhĩ Cáp Xích thất bại trở về, sẽ không mở cửa thành cho ông vào.

Khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn binh trở về, đã được thuộc hạ tố cáo chuyện Chử Anh đốt sớ yểm bùa. Nỗ Nhĩ Cáp Xích nổi trận lôi đình, ra lệnh nhốt Chử Anh vào ngục tối. Sau hai năm bị giam trong ngục tối, tới ngày 22 tháng 8 năm Vạn Lịch thứ 43 - 4 tháng sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích lập nước và lên ngôi đại hãn - Chử Anh đã bị chính cha đẻ của mình xử tội chết. Năm đó, vị thái tử này chỉ mới 36 tuổi.

Hàng ngàn năm sau, người ta vẫn không khỏi đặt câu hỏi: Điều gì khiến Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhẫn tâm giết hại đứa con trai mà ông ta rất mực yêu thương? Nhiều người nói rằng, quyết định này bắt nguồn từ tính cách của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Sử còn chép về sự tàn bạo của Nỗ Nhĩ Cáp Xích rằng: “Bất kể là vợ con hay người thân, chỉ cần ngang bướng chống lại thì lập tức bị giết”. Cũng có người lại cho rằng, Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết Chử Anh để bảo vệ ngôi đại hãn chí cao vô thượng của mình, do Chử Anh ngày càng lập được nhiều chiến công. Có người còn nói, thực tế Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết Chử Anh là vì hai cha con cùng tranh chấp một người con gái.

Trên thực tế thì Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng là một con người với tất cả những hỷ, nộ, ai, lạc. Theo những gì sử sách còn ghi lại thì việc khiến Nỗ Nhĩ Cáp Xích thấy ân hận nhất trong cuộc đời mình chính là việc ra lệnh giết thái tử Chử Anh. Đặc biệt là những năm tuổi già, mỗi khi nhớ tới sự việc này, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại cảm thấy vô cùng buồn bã.

Theo sách “Thanh Thái Tổ Vũ Hoàng Hoàng đế thực lục” có ghi chép, cũng vì sự việc của Chử Anh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích không muốn những đứa con cháu của mình “cốt nhục tương tàn”, nên vào năm Thiên Mệnh thứ 6, tức năm 1621 đã cho gọi tất cả con cháu của mình tới và bắt chúng tuyên thệ rằng, dù sau này ai là người cầm quyền thì cũng không được làm phản, nếu không, những người còn lại sẽ hợp sức tiêu diệt người đó. Tuy nhiên, lời thề này cũng không hề khiến con cháu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích bớt đi những cuộc chiến đẫm máu, “cốt nhục tương tàn”, để tranh giành quyền lực.
  • Cổ Tỉnh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc