"Tái ông thất mã" chẳng xa lạ với ai nhưng đạo lý uyên thâm trong đó chẳng mấy người hiểu hết

09:55, Thứ tư 13/06/2018

( PHUNUTODAY ) - Chắc hẳn chẳng ai là không biết đến câu chuyện "tái ông thất mã". Ai cũng nghĩ câu chuyện này thật đơn giản. Nhưng kì thực, đạo lý thâm sâu trong ấy chẳng mấy người hiểu hết.

 Một ông lão ở vùng biên ải có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.

Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.

Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.

Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều được điều động ra chiến trường. Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.

Câu chuyện được trích từ tác phẩm Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông là người tinh thông Đạo thuật. Câu chuyện “Tái ông thất mã” này là minh họa cho một câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp.

tai-ong-that-ma-1

Cái lý âm dương, tương sinh tương khắc của Đạo gia là, trong âm có dương, trong dương có âm. Do đó, khi có họa thì ắt cũng đã có mầm phúc ẩn chứa trong đó, khi có phúc thì ắt cũng đã có mầm họa tiềm tàng bên trong.

Cũng như vậy, khi được thì có cái mầm mất đã nảy sinh, khi mất thì cái mầm được cũng liền có. Khi hiểu được rõ đạo lý này thì chúng ta sẽ thuận theo đạo lý mà hành xử, thuận theo tự nhiên mà sống, không phải bận tâm lo lắng được mất trong cuộc đời.

Người không hiểu được đạo lý này, cả đời sống trong khổ đau mệt mỏi, lo lắng được mất, hơn thiệt, thắng thua, tâm trí không có giây phút nào bình yên, ăn không ngon ngủ không yên.

Có người vì chút lợi cỏn con, giành được liền vui sướng, mất đi liền ưu sầu. Khi họ hiểu được đạo lý tương sinh tương khắc này, thì họ cũng sẽ hiểu, có khi mất đi sẽ đem lại phúc lành, có khi được sẽ mang về tai họa.

Do đó, từ chuyện được mất cá nhân, cho đến sự nghiệp của cả đời người, rồi đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc, cũng như con ngựa của “Tái Ông” kia mà thôi, họa phúc đồng tại, trong họa có phúc, trong phúc có họa.

Câu chuyện ngắn này đã cho chúng ta thấy được nhiều điều ý nghĩa. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường kỳ vọng những điều tốt nhất, và khi hễ không được như ý nguyện, thì vội than thân trách phận, thậm chí than trách ông trời bất công đối với mình.

Tuy nhiên, những điều chúng ta nhìn thấy và cho là đúng nhưng chưa hẳn đã đúng, điều cho là không tốt, lại chưa hẳn đã không tốt. Người xưa cũng thường nói, trong cái rủi có cái may, trong họa lại có phúc. Vậy nên, chúng ta nên tin tưởng rằng, những điều xảy ra trước mắt, cho dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thì tất thảy đều là những an bài tốt nhất đối với mình. Bởi vậy, mới có câu nói rằng, thuận theo tự nhiên cũng là một loại phúc.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc