Nối tóc là phương pháp ghép các sợi tóc giả vào phần tóc thật bằng các chất liệu keo, chỉ, chun, sáp ong… để cải thiện độ dài và dày hơn. Đây là kiểu làm đẹp phổ biến được phái nữ yêu thích để khắc phục mái tóc thưa.
Các kỹ thuật nối tóc cơ bản
Kẹp chì
Cách này được thực hiện bằng cách luồn các lọn tóc giả và thật qua ống kẹp chì, sau đó dùng kẹp bấm lại để cố định mối nối. Phương pháp này thực hiện nhanh chóng, ít gây hư tổn cho tóc thật và có thể tháo ra dễ dàng nhưng kẹp có thể bị lộ ra ngoài trong quá trình tạo kiểu. Đồng thời, phương pháp này tạo áp lực lên tóc thật nên không phù hợp với tóc mỏng hoặc yếu.
Nối bằng keo
Nối tóc bằng bím keo là kỹ thuật gắn kết các tép tóc giả và thật bằng loại keo chuyên dụng. Kiểu nối bằng bím keo thực hiện nhanh hơn các phương pháp khác, đồng thời duy trì mối nối ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, quy trình phức tạp và cầu kỳ, đòi hỏi thợ có tay nghề cao. Ngoài ra, hóa chất trong keo nối có thể gây kích ứng da đầu nhạy cảm.
Nối bằng sáp
Cách này không gây tổn thương đến phần tóc thật. Sáp chuyên dụng được làm nóng chảy và dùng để gắn tóc giả vào tóc thật. Phần sáp sẽ cứng lại khi nguội, giúp tạo ra một mối nối chắc chắn nhưng vẫn đem lại sự mềm mại, tự nhiên. Tuy nhiên thao tác tháo gỡ cần sử dụng hóa chất để giảm bớt độ kết dính của sáp, có thể gây ra hư tổn trên nền tóc yếu.
Sợi fiberglass
Đây l một loại sợi tổng hợp có độ bền cao, mềm mại và mượt mà, gần giống với tóc thật. Loại chỉ mỏng này có tính năng chịu nhiệt và sở hữu độ đàn hồi cao, giúp tạo độ ma sát và giữ cho lọn tóc giả không bị lỏng. Phương pháp này không sử dụng hóa chất nên dễ tháo gỡ và ít gây hại cho da dầu nhưng chi phí cao hơn các cách nối khác và cần thợ có tay nghề cao thực hiện.
Lưu ý khi nối tóc
Trước khi nối tóc
Nếu duy trì nối tóc liên tục có thể làm cho tóc trở nên yếu và rụng nhiều hơn do bị kéo căng trong quá trình thực hiện. Phương pháp này ó thể gây hư tổn nặng nề cho các sợi tóc yếu và dễ gãy rụng, khiến cho việc phục hồi sau khi tháo gỡ mối nối trở nên khó khăn hơn.
Các cô nàng có mái tóc mỏng bị rụng do bệnh lý hoặc gặp các vấn đề về da đầu như viêm, mụn nhọt, gàu ngứa… không nên áp dụng xu hướng làm đẹp này.
Chăm sóc tóc sau khi nối tóc
Việc làm sạch cần được chú trọng vì các mối nối là nơi dễ tích tụ vi khuẩn từ môi trường, có thể dẫn đến các vấn đề như nấm, gàu, viêm chân tóc, gãy rụng… Cần chải tóc bằng lược răng thưa trước khi gội. Hãy chọn dầu gội và xả không chứa sulfate, paraben và các chất tạo mùi giúp ngăn ngừa tình trạng khô tóc. Chu trình chăm sóc đúng cách sẽ giúp mái tóc luôn bồng bềnh và giảm thiểu tác hại của tóc nối.
Nên ủ tóc để nâng cao sức khỏe toàn diện của tóc. Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn thực phẩm giàu kẽm, sắt, vitamin B và vitamin D cũng là cách hiệu quả để nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe từ bên trong.