Tàu chiến Trung Quốc rời Trường Sa, Triều Tiên dọa tấn công Mỹ, Nga bác tin bán máy bay, tàu ngầm cho Trung Quốc... là tin tức thời sự chính ngày 26/3.
Tờ Manila Standard Today ngày 26/3 đưa tin, biên đội 4 tàu chiến hạm đội Nam Hải đã rút khỏi khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) sau mấy ngày tập trận và tuần tra trái phép tại đây. Dọc đường cơ động ra Tây Thái Bình Dương, hạm đội Nam Hải lại tiếp tục giễu võ dương oai ngay gần nhóm đảo Babuyan Philippines. Hoạt động của 4 tàu chiến Trung Quốc dường như là một thông điệp cứng rắn đe nẹt Manila khi Philippines tiếp tục đơn phương khởi kiện đường lưỡi bò phi pháp và những hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông. |
Ngày 26/3, Đài Loan tuyên bố tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn lần đầu tiên kể từ năm 2008 với mục tiêu đánh giá khả năng phòng vệ trước nguy cơ bị tấn công. Cuộc tập trận sẽ diễn ra vào ngày 17/4 trên quần đảo Penghu nằm giữa eo biển chia rẽ Đài Loan và Trung Quốc. |
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 26/3 đưa tin, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vừa báo động sẵn sàng chiến đấu đối với các đơn vị tên lửa chiến lược và pháo binh tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự Hàn Quốc và Mỹ. |
"Từ thời điểm này, chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên (Kim Jong-un) báo động sẵn sàng chiến đấu các đơn vị tên lửa chiến lược và các đơn vị pháp binh tầm xa", thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA công bố mệnh lệnh. |
Bình Nhưỡng tuyên bố các đơn vị tên lửa chiến lược, pháo binh Bắc Triều Tiên được lệnh sẵn sàng ngắm bắn các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Hoa Kỳ, các căn cứ quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như Hàn Quốc. Tuyên bố cũng cho hay Bắc Triều Tiên sẽ cho (Mỹ và Hàn Quốc) thấy những phản ứng nghiêm khắc của Bình Nhưỡng để "bảo vệ chủ quyền và phẩm giá cao quý của nhà lãnh đạo Kim Jong-un". |
Tổng thống Hàn Quốc mới đây đã truyền thông điệp cảnh báo Triều Tiên trong bài phát biểu của mình nhân kỷ niệm 3 năm sự kiện tàu hải quân Cheonan bị đánh chìm ở Biển Hoàng Hải năm 2010 trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn: "Con đường sống còn duy nhất cho Bắc Triều Tiên là chấm dứt các hành động khiêu khích và đe dọa, từ bỏ các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". |
Tổng thống Pak Geun Hye cho biết: "Bắc Triều Tiên đang đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi". Bà nhắc lại vụ phóng tên lửa đạn đạo mang vệ tinh cùng vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba đã được Bình Nhưỡng thực hiện. |
Theo Yonhap ngày 25/3, trong khi các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc có thể sẽ xem xét lại chính sách của mình đối với Triều Tiên và tỏ ra hoài nghi về khả năng Bắc Kinh sẽ cũng quay lưng lại với láng giềng của mình thì các chuyên gia đã chỉ ra một loạt các lý do chiến lược khiến Trung Quốc không thể bỏ rơi Bình Nhưỡng. |
Thứ nhất, mối quan tâm chính của Trung Quốc đối với Triều Tiên không phải là phi hạt nhân hóa mà là đảm bảo rằng chính phủ Bình Nhưỡng không sụp đổ, John Pomfret, một cựu nhà báo chiến trường Mỹ được biết đến như một chuyên gia về Trung Quốc nói với tờ The Washington Post hôm 24/3. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc. |
Rất nhiều người Trung Quốc tin rằng việc thống nhất hai miền Triều Tiên không phải là điều đáng mừng cho Bắc Kinh. Họ sợ hàng trăm ngàn người tị nạn Triều Tiên sẽ đổ vào lãnh thổ của mình trong một làn sóng di cư khó kiểm soát. Ngoài ra, theo ông Pomfret, một số quan chức Trung Quốc tin rằng một quốc gia hạt nhân Triều Tiên có thể giúp kiềm chế những tính toán của Mỹ như Trung Quốc mong đợi. |
Báo Nga hôm qua lên tiếng phủ nhận thông tin truyền thông Trung Quốc đưa ra về việc các nhà lãnh đạo hai nước đã bàn việc Nga bán máy bay chiến đấu Su-35 và tàu ngầm diesel lớp Amur cho Trung Quốc. Không có cuộc thảo luận nào liên quan đến vấn đề "hợp tác công nghệ quân sự" trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow từ ngày 22 đến 24/3, hãng Itar-tass cho hay. Đây là lời đáp lại thông tin mà truyền thông Trung Quốc đưa ra cùng ngày. |
Không có cuộc thảo luận nào liên quan đến vấn đề "hợp tác công nghệ quân sự" trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow từ ngày 22 đến 24/3, hãng Itar-tass cho hay. Đây là lời đáp lại thông tin mà truyền thông Trung Quốc đưa ra cùng ngày. |
Tờ The New York Times hôm qua loan tin các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường vận chuyển vũ khí cho lực lượng chống chính phủ Syria với sự giúp đỡ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Theo tờ báo, cho đến nay các máy bay của Jordan, Ả Rập Xê Út và Qatar đã vận chuyển hơn 160 chuyến hàng vũ khí đến sân bay Esenboga gần Ankara, và tại các sân bay khác của Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. |
The New York Times dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ nhân viên tình báo Mỹ đã giúp các chính phủ Ả Rập mua sắm vũ khí, bao gồm một đơn hàng lớn từ Croatia. Họ cũng giúp sàng lọc các phe nhóm nổi dậy ở Syria để tránh vũ khí rơi vào tay các lực lượng Hồi giáo cực đoan. |
Tuy nhiên, những nỗ lực củng cố thực lực và giải quyết tình trạng chia rẽ của phe đối lập Syria đang gặp thách thức lớn sau khi ông Ahmad Moaz al-Khatib tuyên bố từ chức Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syria hôm 24/3. Theo The Wall Street Journal, quyết định này xuất phát từ sự phân rẽ sâu sắc trong liên minh đối lập Syria. |
Phe nổi dậy Syria còn bị giáng thêm một đòn mạnh khác khi nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA), lực lượng chiến đấu chính chống lại quân chính phủ, tuyên bố không công nhận ông Hitto. Chỉ huy của FSA, Đại tá Riad al-Asaad vừa bị thương trong một vụ đánh bom ở miền đông Syria, nhưng theo tuyên bố của phe nổi dậy, tình hình của ông vẫn đang ổn định. |
Trong khi đó, theo lời một quan chức chính quyền Obama giấu tên tham gia vào công tác chuẩn bị cho hoạt động chống lại kho vũ khí hóa học của Syria nói với tờ Washington Post hôm 25/3, Lầu Năm Góc chưa sẵn sàng triển khai hoạt động trên bởi quy mô đánh bom các kho vũ khí hóa học ở Syria là rất lớn vì Syria có nhiều kho vũ khí hóa học nằm rải rác trên cả nước. (Tổng hợp từ TNO, GDVN, VNE) |