(Ảnh nóng) - Nhật muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với ASEAN, Chiến đấu cơ Triều Tiên ồ ạt xuất kích, TQ đưa trái phép tàu tiếp tế xuống Trường Sa, hội thảo Biển Đông diễn ra tại Mỹ... là tin tức thời sự chính ngày 13/3.
Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng tàu tiếp tế nhỏ kiểu mới để cung cấp hậu cần cho binh sĩ của nước này đồn trú trái phép tại bãi đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tân Hoa xã hôm nay 13/3 ngang nhiên đưa tin bốn tàu thuộc dạng nói trên mới đây đã thực hiện công việc tiếp tế tới bãi đá Su Bi chỉ mất 20 phút, rút ngắn thời gian gấp 3 lần so với trước đó. |
Chỉ huy Hạm đội Nam Hải Cung Kinh Hiệp "khoe" với giới báo chí Trung Quốc rằng tàu tiếp tế nhỏ kiểu mới có thể hoạt động trong thời tiết xấu và là đội tiếp tế “tiên phong trên biển”. Một chỉ huy khác tên Lưu Kiến Trung cũng khoe rằng mỗi chiếc tàu mới có thể chở ba tấn dầu và nước ngọt, so với 2,8 tấn của các tàu trước đó. |
Nhật báo Chosun Hàn Quốc ngày 13/3 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang dẫn theo các tướng lĩnh hàng đâu ra thị sát các đơn vị ngoài tiền tuyến, gần với địa điểm Mỹ - Hàn tập trận. |
Bên cạnh đó, tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua, 12/3, cho biết, CHDCND Triều Tiên bắt đầu sơ tán dân xuống hầm, ngụy trang các xe bus và xe tải. Theo báo JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, chính phủ CHDCND Triều Tiên cũng đã di chuyển xuống hầm. |
Trong khi đó, không quân của Bắc Triều Tiên đã tăng mạnh số chuyến bay huấn luyện trong vài ngày qua kể từ khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung - một một nguồn tin quân sự tại Seoul tiết lộ với Yonhap hôm 13/3. |
Theo nguồn tin trên, số lần chiến đấu cơ Triều Tiên xuất kích tính riêng hôm 11/3 đã lên tới 700 lần. Động thái này của Bắc Triều Tiên được xem như là một phần của những nỗ lực để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc "Key Resolve". |
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 13/3 đưa tin, hôm nay 13/3 Bắc Triều Tiên lại tiếp tục lên tiếng đe dọa sẽ trả đũa một cách tàn nhẫn đối với "những kẻ xâm lược". |
Các kịch bản này đã tính đến khả năng Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào tàu ngầm, tàu chiến Hàn Quốc, nhẹ hơn thì là tên lửa phòng không hoặc đạn pháo nhằm vào các căn cứ ven biển, sát biên của Hàn Quốc. Đồng thời, Seoul và Washington cũng đã "chuẩn bị tinh thần" cho việc đối mặt với khả năng Bình Nhưỡng cho nổ thử hạt nhân lần 4, phóng tên lửa tầm xa. |
Vì vậy, giới chức quân sự Mỹ - Hàn đã lên hơn 30 kịch bản những hành vi leo thang mà Bắc Triều Tiên có thể tiến hành cũng như các phương án đối phó. |
Các kịch bản này đã tính đến khả năng Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào tàu ngầm, tàu chiến Hàn Quốc, nhẹ hơn thì là tên lửa phòng không hoặc đạn pháo nhằm vào các căn cứ ven biển, sát biên của Hàn Quốc. Đồng thời, Seoul và Washington cũng đã "chuẩn bị tinh thần" cho việc đối mặt với khả năng Bình Nhưỡng cho nổ thử hạt nhân lần 4, phóng tên lửa tầm xa. |
Trong một diễn biến khác có liên quan, Mỹ đã từ chối triển khai một tàu sân bay hạt nhân tham gia tập trận chung bắt đầu từ hôm 1/3 với quân đội Hàn Quốc như Seoul đã kỳ vọng, bất chấp căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên - tờ Chosun đưa tin cho biết. |
Washington dường như đang cảm thấy cần phải phản ứng vô cùng thận trọng với các mối đe dọa ngày càng hiếu chiến của Bắc Triều Tiên là chiến lược tốt nhất. |
Hôm nay 13/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto cho hay, do tranh chấp lãnh thổ trở nên tồi tệ hơn ở một số nước trong khu vực với Trung Quốc, nên ASEAN và Nhật Bản cần tăng cường quan hệ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. |
"Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có những vấn đề khác nhau liên quan đến an ninh quốc phòng, kể cả tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông...Năm ngoái, ở nước chúng tôi đã thay đổi Nội các. Dưới bộ máy Nội các mới, chúng tôi muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng với các nước ASEAN và đóng góp cho hòa bình trong khu vực", Thứ trưởng Nhật Bản nói tại lễ khai mạc Hội nghị ASEAN - Nhật Bản ở Tokyo. |
Theo đài RFI, từ ngày 13 đến ngày 15/3, tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giới chuyên gia quốc tế mổ xẻ trong cuộc hội thảo ở Mỹ do Hội Châu Á - trụ sở tại New York - phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức. |
Đặt dưới lăng kính "Biển Đông là nhân tố trung tâm cho hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương", các chuyên gia tham gia hội thảo sẽ phân tích liệu tranh chấp khu vực có đang là một quả bom nổ chậm, đòi hỏi phải nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ. |
Theo thông cáo đăng trên website của Hội Châu Á, một trung tâm nghiên cứu và tham vấn hàng đầu tại Mỹ về châu Á, hội thảo lần này sẽ tập hợp hàng chục chuyên gia nghiên cứu, giáo sư đầu ngành thuộc nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức tư vấn đến từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Australia. (Tổng hợp từ VNE, GDVN, TNO) |