Đó trường hợp thai phụ Vũ Thị H. (28 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) mang thai 35 tuần 5 ngày, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức trong tình trạng lơ mơ, mắt nhìn mờ, đau bụng dữ dội vùng thượng vị, huyết áp: 240/140 mmHg, phù to toàn thân. Bệnh nhân nhanh chóng được làm đầy đủ các xét nghiệm và được chẩn đoán: mang thai lần 2, thai 35 tuần 5 ngày, tiền sản giật nặng có biến chứng.
Nhận định tình trạng cấp bách của sản phụ có nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ toàn viện, huy động lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa Phụ sản và Gây mê hồi sức nhanh chóng hội chẩn, điều trị tích cực phòng cơn sản giật, hạ áp và quyết định mổ cấp cứu. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công đã cứu sống được mẹ và con, cháu bé nặng 1800 gr, có biểu hiện suy dinh dưỡng bào thai nặng.
Theo các bác sĩ, thông thường, sau phẫu thuật đình chỉ thai ngén, bệnh nhân tiền sản giật nặng có biến chứng HELLP sẽ cải thiện nhanh chóng, các triệu chứng sẽ thuyên giảm đi. Tuy nhiên bệnh nhân Vũ Thị H. tiếp tục diễn biến xấu đi: lên cơn sản giật, da vàng đậm tăng lên, huyết áp tăng cao, xét nghiệm có tình trạng rối loạn đông máu nhẹ, số lượng tiểu cầu thấp (36.000/ml máu), suy thận tăng lên, tế bào gan bị hủy hoại nặng, men gan tăng rất cao, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân tiếp tục được các y bác sỹ khoa Gây mê hồi sức và phụ sản điều trị tích cực các loại thuốc hạ áp, cầm máu, chống sản giật, bù lại lượng đạm đã mất qua nước tiểu, được truyền 02 đơn vị khối tiểu cầu,…
Sau điều trị 8 ngày, sức khỏe của mẹ và bé đã hoàn toàn ổn định các chỉ số sinh hóa trở về bình thường và chuẩn bị được xuất viện. Đây là một trong những ca bệnh rất khó và nặng, từ trước đến giờ phải chuyển lên tuyến trên. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng của các y bác sỹ trong bệnh viện, đã cấp cứu thành công người bệnh, đem lại sự tin tưởng cho người dân trên địa bàn.
Phòng ngừa tiền sản giật - sản giật?
Tiền sản giật - sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5 - 8% thai kỳ. Nguyên nhân của tiền sản giật hiện chưa được hiểu rõ. Vì vậy, công tác dự phòng luôn ở thế thụ động. Biện pháp tốt nhất hiện nay là quản lý thai kỳ chặt chẽ, qua đó cần sự thông tin đầy đủ về tiền căn bản thân của người mẹ và điều trị tốt các bệnh lý đi kèm nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch máu, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai. Phát hiện sớm khi có sự thay đổi về huyết áp và bất thường khi có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu, để có kế hoạch điều trị ngay từ đầu.