Thẩm Thúy Hằng: Câu kinh an hòa của huyền thoại nhan sắc

06:25, Thứ tư 16/05/2012

( PHUNUTODAY ) - Thẩm Thúy Hằng có thể coi là minh tinh lẫy lừng đầu tiên của nền kỹ nghệ showbiz Việt Nam.

Thẩm Thúy Hằng có thể coi là minh tinh lẫy lừng đầu tiên của nền kỹ nghệ showbiz Việt Nam. Gần nửa thế kỷ trước, cô cùng với Kiều Chinh, Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuyền được coi là “ngũ đại kỳ nữ” vang danh Sài Gòn.

Có lẽ, người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng trở thành thần tượng của cả 1 thế hệ là vì từ sân khấu ca nhạc, cải lương, kịch nghệ và điện ảnh, lĩnh vực nào cô cũng khiến công chúng mê mình đến phát cuồng.

Có thể nói chưa có một gương mặt diễn viên nữ nào tại Việt Nam được “tổ đãi” và danh tiếng như cô.

Kể từ khi chính thức vào nghề năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi tiếng như cồn và trở thành một trong những gương mặt nữ hiếm hoi của Việt Nam đứng vào hàng ngũ minh tinh của Á Châu suốt hai thập niên 60-70.

Với nhiều người, 3 chữ Thẩm Thúy Hằng là biểu tượng 1 thời của sắc đẹp.

 Tâm đã tĩnh – lòng đã yên

Theo quy luật của thời gian, nhan sắc nào cũng phải tàn phai, hào quang nào cũng trở thành ký ức.

 Có thể minh tinh Thẩm Thúy Hằng trong bóng nắng xế chiều của cuộc đời đã nhận những cái tát nghiệt ngã từ số phận khi những bức hình độc địa được đưa lên mạng. Tôi tin, người ta không cười cô.

Công chúng đau lòng cho cô như một phụ nữ  bình thường nhất của cuộc đời. Với họ, 3 chữ Thẩm Thúy Hằng đã là một huyền thoại, đủ để họ nhớ về cô như một nhan sắc huy hoàng không bao giờ phai mờ.

Hiện nay Thẩm Thúy Hằng không còn tham gia hoạt động nghệ thuật nữa, 1 phần là do sức khoẻ, 1 phần là do chị muốn khán giả luôn giữ cho mình những kỷ niệm đẹp về Thẩm Thúy Hằng của quá khứ.

Biểu tượng sắc đẹp Thẩm Thúy Hằng
Biểu tượng sắc đẹp Thẩm Thúy Hằng


Khi tuổi tác đã cao, cô chuyên tâm nghiên cứu về thiền, hằng ngày cô dành nhiều thời gian cho việc ngồi thiền, ăn chay trường…

 Sau khi sang nhượng lại ngôi nhà gắn bó bao kỷ niệm với mình trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cô cùng gia đình dọn nhà đi nơi khác.

Chồng của cô: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (từng làm Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa, sau 1975 làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, và Thủ tướng Võ Văn Kiệt), đã mất ngày 29/08/2003 do mắc bệnh về tim mạch (thọ 82 tuổi).

Nghệ sỹ Thẩm Thúy Hằng giờ sống giản dị trong ngôi nhà mới, yên tĩnh ở khu Bình Quới, Tp HCM.

 Thường xuyên tham gia các công tác từ thiện, với tâm niệm rằng cuộc đời con người vốn gặp nhiều khổ đau, thay vì hằn học, bi lụy hay làm đau người khác thì hãy cùng nhau gieo xuống hạt mầm lương thiện, cô chia sẻ.  

“Tôi cố gắng trong khả năng của mình góp phần đem lại  hạnh phúc cho những người kém may mắn trong xã hội”

 Nhiều năm nay, Thẩm Thúy Hằng ít xuất hiện ở những nơi công cộng trừ những dịp làm từ thiện hay những việc quan trọng như ở bên linh cữu của NSND Phùng Há để thắp hương tưởng niệm, cùng hòa mình vào dòng các tăng ni, phật tử cầu siêu cho nữ nghệ sỹ mà cô xem như người thầy, người mẹ đã dẫn dắt, dạy dỗ cô đóng phim, đóng kịch ngay từ những bước đầu bỡ ngỡ theo con đường nghệ thuật này.

Những dấu son cuộc đời   

Tên thật của Thẩm Thúy Hằng là Nguyễn Kim Phụng. Cô sinh năm 1941 nguyên quán tại Hải Phòng, và lớn lên tại An Giang.

Vào lứa tuổi 16 hồn nhiên mơ mộng, cũng như biết bao cô gái bước vào lứa tuổi trăng rằm, cô bé Nguyễn Kim Phụng cũng có những ước mơ, nhiều khát khao đam mê cháy bỏng. Cô mong muốn khám phá những mới mẻ trong cuộc sống và được đi đến nhiều nơi trên thế giới.

Vào một ngày định mệnh, Phụng vô tình nhận được từ tay cô bạn thân một trang báo có đăng quảng cáo cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân.

Điều hấp dẫn với cô bé không phải là được trở thành một ngôi sao danh tiếng, mà là do trong thể lệ cuộc thi, người đoạt giải sẽ được sang Hồng Kông theo học lớp đào tạo diễn xuất.

Mà Phụng thì rất ham thích được đi nước ngoài cho mở mang tầm mắt. Giấu cha mẹ, cô bé Phụng đã cùng cô bạn thân ghi tên dự tuyển.

Ngày bước vào vòng tuyển, Phụng len lén giấu chiếc áo dài của chị vào trong chiếc cặp học sinh bước đến nơi thi tuyển.

Giữa muôn ngàn đóa hoa hương sắc, với những gương mặt sáng ngời nổi bật của những Kim Vui, Mộng Tuyết, Thu Trang, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… đã làm cho Phụng chùn bước, phân vân.

Chính bà Mỹ Vân đã tinh ý phát hiện thấy Phụng. Bà đã đến động viên khuyến khích cô mạnh dạn bước vào vòng thi. Và cô nữ sinh Nguyễn Kim Phụng đã xuất sắc vượt qua hơn 2.000 thí sinh.

Cô bé Nguyễn Kim Phụng bỏ đi chiếc áo dài trắng nữ sinh để bước vào thế giới của đèn lấp lánh, thế giới của sự nổi tiếng với nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng. Từ vai diễn đầu tiên Tam nương trong bộ phim “Người Đẹp Bình Dương” đã đưa Thẩm Thúy Hằng bước lên ngôi vị diễn viên khả ái nhất của màn ảnh Sài Gòn vào cuối thập niên 50 đầu thập niên 60.  

Vẻ đẹp mỹ miều của Thẩm Thúy Hằng là đại diện của biểu tượng sắc đẹp miền Nam. Hình ảnh nàng Chức nữ liễu yếu đào tơ vừa hát vừa bay về trời của Thẩm Thúy Hằng trong nhạc cảnh “Chức nữ về trời” của nhạc sĩ Phạm Duy soạn nhạc trong bộ phim “Ngưu Lang Chức Nữ” của đạo diễn Năm Châu đến nay vẫn còn in đậm những ký ức đẹp trong lòng khán giả lớn tuổi.

Những hợp đồng đóng phim thi nhau mời gọi, nhan sắc và tài năng của Thẩm Thúy Hằng ngày càng đi lên đỉnh cao, nhanh chóng đưa tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng trở thành ngôi sao số 1. Thẩm Thúy Hằng đã giữ được kỷ lục về số đầu phim tham gia - hơn 60 phim truyện nhựa.

Những phim mà Thẩm Thúy Hằng tham gia nổi tiếng thời đó là: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự Tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Cát, Nửa Hồn Thương Đau, Đôi Mắt Huyền, Nàng, Bóng Người Đi, Ngậm Ngùi, Mười Năm Giông Tố, Sóng Tình, Xin Đừng Bỏ Em…

Thời rực rỡ và sung sức nhất của cô là khoảng thời gian 1965-1972, những bộ phim có Thẩm Thúy Hằng tham gia đều đạt doanh thu cao ngất ngưởng.

Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng lập nhóm làm phim Thẩm Thúy Hằng. Phim đầu tay cô chọn làm là “Chiều Kỷ Niệm”. Phim dài 1 giờ 45 phút thuộc thể loại tình cảm xã hội do Lê Mộng Hoàng đạo diễn.

Các diễn viên tham gia diễn xuất cùng cô là: Thanh Tú, Năm Châu, Kim Cúc, NSND Phùng Há, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi…

Nhờ lực lượng hùng hậu những tên tuổi nổi tiếng như thế mà bộ phim đen trắng “Chiều Kỷ Niệm” đã tạo nên kỷ lục gây ngạc nhiên trong giới nghệ thuật miền Nam thời đó bởi sự thành công ngoài sức tưởng tượng. Ngay ngày đầu công chiếu, khán giả đã chen chúc tới hai rạp Rex và Văn Hoa để giành vé.

Chỉ trong ngày đầu công chiếu, rạp Rex đã thu về được hơn 1 triệu tiền Việt nam (thời đó), còn Văn Hoa thu về hơn 700 đồng.

Sau đó, suốt trong một tuần lễ phim chiếu, ngày nào cũng đông như vậy, đến nỗi cuốn phim được chiếu tiếp sang tuần thứ hai. Điều này, là hiện tượng hiếm hoi mà khán giả dành cho phim Việt.

Thành công này đã giúp cho Thẩm Thúy Hằng thừa thắng xông lên thực hiện tiếp “Như Hạt Mưa Sa”.

Bộ phim đen trắng, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do đạo diễn Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971.

Hợp diễn với Thẩm Thúy Hằng là Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều…  

Người nữ nghệ sĩ khả ái này đảm nhận hai vai diễn là hai chị em sinh đôi với 2 tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị thì dịu dàng và nữ tính còn cô em thì trẻ trung, hiện đại.

Bộ phim này cũng có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp phần 2 là “Như Giọt Sương Khuya” bằng phim màu.

Danh tiếng và địa vị của cô càng được nâng cao hơn nữa khi cô xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn quốc, An Độ, Thái Lan, Singapore, Indonêsia, để dự liên hoan phim, hay trong những vai diễn hợp tác…

Đi đến đâu cô cũng được người ta tôn vinh, Thẩm Thúy Hằng sánh vai cùng Creg Moris, Wen Tao, Địch Long, Khương Đại Vệ…

Chị chị, em em với những Lý Lệ Hoa, Lý Thanh, Chân Chân, Lâm Thanh Hà, Lăng Ba, Trịnh Phối Phối… vinh quang không sao kể hết. Thật hiếm có nữ nghệ sỹ Việt Nam nào có được cái may mắn như cô.

Cát xê của Thẩm Thúy Hằng thuộc hàng cao nhất. Như năm 1974, chỉ cần xuất hiện một số phân đoạn trong một bộ phim hài chiếu Tết, mà Hằng đã nhận được hơn 1 triệu đồng thời đó. Được như vậy là vì Thẩm Thúy Hằng là tên bảo chứng doanh thu khi bộ phim trình chiếu.

Siêu sao mọi lĩnh vực

Không dừng ở Điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn thử sức mình ở Kịch nghệ, Cải lương, Tân nhạc… Thời những năm 1960, trong miền Nam xuất hiện nhiều ban kịch như Dân Nam, Tân Dân Nam, ban kịch Kim Cương, ban kịch Mộng Tuyền, ban kịch Thẩm Thúy Hằng... Cô đảm nhận vai trò làm trưởng ban, viết kịch bản… dĩ nhiên là diễn viên chính.

 Trước năm 1975, ban kịch Thẩm Thúy Hằng  được xếp vào 1 trong 10 ban kịch tiêu biểu của kịch nghệ Miền nam, riêng cô nhiều lần được bầu chọn là một trong 12 diễn viên vững chắc của ngành kịch.

 Trên truyền hình, hàng tuần đều có vở mới có sự tham gia diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng.

Khán giả trước năm 1975 chắc không thể không nhớ đến những vai diễn chính mà cô tham gia trong các vở kịch như: Sông Dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người Mẹ Già, Suối Tình, Đôi Mắt Bằng Sứ, Dạt Sóng,… và những vở kịch ngắn lúc 0 giờ.

Ở lĩnh vực cải lương, Thẩm Thúy Hằng đã có dịp biết đến khi tham gia những phim được sân khấu hóa như: Đò Chiều, Đôi Mắt Huyền, Oan Ơi Ông Địa, nhưng vai diễn trên sân khấu ấn tượng nhất khi Thẩm Thúy Hằng hát cải lương chính là vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở “Bóng chim tăm cá” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga…

 Xuất hiện trong những chương trình đại nhạc hội, Thẩm Thúy Hằng còn hát tân nhạc khá mùi mẫn.

Sau năm 1975 Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương. Cùng với những tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền Nam như Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuỵền, Bạch Tuyết…

Thẩm Thúy Hằng trong phim Tứ quái Sài Gòn
Thẩm Thúy Hằng trong phim Tứ quái Sài Gòn


Thẩm Thúy Hằng vẫn tiếp tục đóng phim, diễn kịch. Những bộ phim như: Như Thế Là Tội Ác, Ngọn Lửa Krông Zung, Hồ Sơ Một Đám Cưới, Đám Cưới Chạy Tang, Cho Cả Ngày Mai, Nơi Gặp Gỡ Của Tình Yêu… với những nhân vật hoá thân là cô Diệp, Hơ Doan, thím Ba Xoay… cũng một phần nào minh chứng cho quyết tâm hoà nhập vào đời sống mới, vai diễn mới.

Thẩm Thúy Hằng vẫn là nữ diễn viên miền Nam được ái mộ nhất trong những năm đầu giải phóng.

Bên lĩnh vực kịch nói cô cùng với Nguyễn Chánh Tín  tạo nên những đêm diễn tuyệt vời.

 Sân khấu đoàn Bông Hồng sáng đèn hằng đêm với những vở diễn như: Cho Tình Yêu Mai Sau, Đôi Bông Tai, Hoa Sim Gai Trắng, Biệt Thự Hoang Tàn…vai diễn cuối cùng trước khi cô từ giã lĩnh vực nghệ thuật là vai Phồn Y trong vở diễn Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.

Thẩm Thúy Hằng từng hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, Ảnh hậu Á châu trong liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (1972,1974)...

Thời hoàng kim của Thẩm Thúy Hằng đã trôi qua. Giờ huyền thoại nhan sắc đang bình an với lẽ thiền, với những câu kinh cầu nguyện cho cuộc đời. Cầu chúc cho trái tim của cô luôn bình an.

  • T.Anh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc