Thẩm Thúy Hằng: Nữ hoàng của sân khấu đèn màu

07:04, Thứ hai 06/06/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có những ngôi sao bỗng lóe sáng trên bầu trời rực rỡ, chói lọi nhưng rồi bỗng dưng vụt tắt. Thẩm Thúy Hằng là một ngôi sao vụt chói sáng lộng lẫy và rực rỡ nhất trong muôn vàn vì sao nghệ thuật lúc bấy giờ ở Sài Gòn nhưng không tắt, mà càng ngày càng tỏa sáng hơn.


Sau hai năm xuất hiện trên màn ảnh và trở thành “minh tinh màn bạc”, Người đẹp Bình Dương - Thẩm Thúy Hằng trở thành tâm điểm của tất cả những câu chuyện liên quan đến nghệ thuật tại Hòn Ngọc Viễn Đông (tên gọi Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh trước đây). Chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt Nam một diễn viên mới vào nghề, tham gia vai diễn đầu tiên bỗng dưng trở thành một minh tinh, một ngôi sao tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật thứ 7.


Có một chiều ở góc phố cà phê đường Trương Định, ký giả Văn Tân làm báo ở Sài Gòn trước năm 1975, người đã từng viết “mòn bút” về Thẩm Thúy Hằng thời ấy, đã nhớ và kể lại: Những năm 1960, cả Sài Gòn lên cơn sốt vì sắc đẹp của Người đẹp Bình Dương - Thẩm Thúy Hằng.

Người đời còn so sánh cô với Elizabeth Taylor, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot…Các trang bìa tạp chí thời bấy giờ luôn đăng ảnh mới nhất của Thẩm Thúy Hằng, lập tức người mua chen nhau mua hết. Ai cũng muốn giữ cho riêng mình một tấm ảnh về thần tượng sắc đẹp.

Và chính ký giả Văn Tân cũng là người cất giữ nhiều ảnh về Thẩm Thúy Hằng. Trong bối cảnh chiến tranh, Mỹ và Ngụy trộn lẫn nhau nhan nhãn khắp Sài Gòn, bao nhiêu nổi âu lo, trăn trở mà người Sài Gòn vẫn phớt lờ đi, dành thời gian cho màn ảnh, sân khấu và những mỹ nhân như Thẩm Thúy Hằng, chứng tỏ  lực hút của sắc đẹp, điện ảnh có ma lực mạnh hơn mọi thứ.

Nhan nhãn khắp nơi, từ các rạp xi-nê, tụ điểm đại nhạc hội, các trang bìa tạp chí, báo, băng rôn, áp-phích của Sài Gòn đâu đâu cũng thấy hình ảnh tứ đại mỹ nhân đương thời là “Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Mộng Tuyền”…Trong câu chuyện của người Sài Gòn mỗi buổi sáng tại các quán cà phê góc đường Tự Do, Gia Long, Lê Văn Duyệt…bao giờ cũng đề cập đến Thẩm Thúy Hằng.

Nhưng Thẩm Thúy Hằng không muốn dừng lại trên màn bạc, khi phong độ đạt tới đỉnh cao nhất, mà cô cùng các cộng sự mong muốn thể nghiệm trên sân khấu kịch nói và cải lương. Vào thời điểm này, sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hãng phim, các ban kịch, sân khấu cải lương, tân nhạc, các diễn viên, đào kép chính, người càng nổi tiếng, càng cuốn hút vào các điểm chú ý nhạy cảm nhất của dư luận.
d
Thẩm Thúy Hằng năm 1972

Như câu chuyện Thẩm Thúy Hằng với kỳ nữ Kim Cương là một ví dụ. Thẩm Thúy Hằng và kỳ nữ Kim Cương là hai người bạn rất thân nhau, cả hai đều xinh đẹp, tài năng và nổi tiếng. Trong các mỹ nhân đương thời như Mộng Tuyền, Kiều Chinh, Thanh Nga thì Kỳ nữ Kim Cương và Người đẹp Bình Dương - Thẩm Thúy Hằng là mục tiêu ngắm và sự quan tâm số một của dư luận, báo giới.

Những năm 1960, ở miền Nam xuất hiện nhiều ban kịch nổi tiếng như : Tân Dân, Dân Nam, ban kịch Kim Cương, ban kịch Mộng Tuyền, Túy Hoa…Những tên tuổi có trong lòng khán giả mộ điệu hàng đêm trên sân khấu như: Năm Châu, Kim Chưởng, Vân Hùng, Thanh Tú, Kim Cương, Kim Cúc, La Thoại Tân…trở thành ngôi sao hướng sự chú ý của mọi khán giả.

 Họ đến với sân khấu hàng đêm là dể được nghe, được gặp những đào kép mà họ mến mộ. Như thể, không thể có sân khấu kịch nghệ, cải lương nếu như không có những nghệ sĩ tài năng này. Ban kịch Thẩm Thúy Hằng ra đời vào đúng thời điểm nhạy cảm, sự cạnh tranh rất gay gắt đang diễn ra. Nhưng đúng như quan niệm cấp tiến: có cạnh tranh là có phát triển và phát triển mạnh hơn, vững bền hơn.

Một lần nữa, Thẩm Thúy Hằng và Ban kịch của cô đã làm bùng nổ dư luận và khơi nguồn cho sự cạnh tranh. Mặc dù lúc bấy giờ, ai cũng thừa biết, khán giả đến với rạp xi-nê, sân khấu tân nhạc, kịch nói hay cải lương không chỉ để nghe, mà còn để ngắm sao. Khán giả không đặt mục tiêu chính yếu về chuyện dở hay của kịch bản, đào kép đẹp hay xấu, diễn dở hay hay, miễn là ban kịch của minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng. Ban kịch của một cô đào nổi tiếng, nữ hoàng nhan sắc, thần tượng của dư luận. Thế là đủ để kéo mọi người đến khán trường.

Ông Nguyễn Quốc An - một thương gia ngành nhựa ở Chợ Lớn nhớ lại: Ngày đó hay tin ban kịch Thẩm Thúy Hằng công diễn vở ra mắt, công nhân của tôi ùa nhau lên xin nghĩ sớm để xếp hàng mua vé coi. Họ chủ yếu đến để coi Thẩm Thúy Hằng minh tinh màn bạc bằng người trần, mắt thực. Ai không coi dược về tiếc ngùi ngẫm mấy hôm liền.

Kể cũng lạ, Sài Gòn là phồn hoa đô hội nơi quy tụ bao nhiều nhan sắc, tài hoa chen nhau thi thố, phô diễn, nhưng người dân vẫn chọn lựa cho mình một ngôi sao riêng. Ngôi sao may mắn đó là Thẩm Thúy Hằng.

Cô là biểu tượng sắc đẹp tài hoa, một hoa hậu không vương miện, một minh tinh không cần giải thưởng thế giới vinh danh. Thậm chí người đời chỉ còn nhớ “Người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng” mà không còn ai nhớ nội dung phim, hay vai nữ chính Tam Nương mà Thẩm Thúy Hằng thủ diễn.

Tình chị duyên em với kỳ nữ Kim Cương

Nhiều ký giả lúc bấy giờ đã so sánh, đề cập sự cạnh tranh của hai Ban kịch Thẩm Thúy Hằng với Ban kịch của kỳ nữ Kim Cương. Với Kim Cương, cô và mẫu thân nghệ sĩ Bảy Nam (Lê Thị Nam) vốn dĩ là con nhà nòi, đã có bề dày về phim trường từ những năm 1950 - 1955 và cả sân khấu kịch nói, cải lương. Nhưng còn Thẩm Thúy Hằng, tất cả hãy còn quá mới mẻ, mới khởi đầu phim trường từ cuối năm 1958, duy chỉ có sự nổi tiếng về nhan sắc và vinh quang trên màn bạc đương thời là không có đối thủ.
f
 

Với bất cứ người nổi tiếng nào, thông thường hễ ai chọn chỗ đứng cho mình ở hãng nào, thì sự ràng buộc trong các hợp đồng kinh tế buộc người nổi tiếng tận lực, độc quyền và phải ra sức bảo vệ thương hiệu cho hãng đó. Hãng phim Mỹ Vân đưa Thẩm Thúy Hằng lên hạng ngôi sao trong bộ phim “Người đẹp Bình Dương” là cũng vì lý do đó. Ngay cả nghệ danh Thẩm Thúy Hằng cũng được hãng Mỹ Vân chọn lựa và quảng cáo tung hứng ngay từ đầu.

Trong một lần kể chuyện, Thẩm Thúy Hằng cho biết: vào thời đó, các hãng có nhiều người nổi tiếng với chữ Kim: Kim Hương, Kim Cương, Kim Cúc, Kim Chưởng…nên cô không lấy tên Kim Phụng (có chữ Kim ở đầu), mà lấy nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng với ý nghĩa tri ân hai người thầy dạy văn Thẩm Thệ Hà và thầy dạy nhạc Thẩm Oánh.

Còn Hằng là tên con sông Hằng ở Ấn Độ, Kim Phụng rất yêu mến dòng sông này vì nó giúp con người gội rửa hết mọi tội lỗi theo quan niệm của người Ấn Độ và cũng là quê hương Phật Tổ. Duyên nghiệp này như một định mệnh, về cuối đời cô và cô Kim Cương đã chọn sách Thiền và cửa Phật làm nơi nương tựa và làm niềm vui, hạnh phúc để an ủi sự sống của mình khi bóng chiều nghiêng đổ.

Kỳ nữ Kim Cương kể chuyện về tình bạn với Thẩm Thúy Hằng sâu đậm, quyến thức thân thuộc như môi với răng: “Tôi biết Hằng đã né tôi nhiều lần. Vì một số cây bút kịch trường thời đó đã tạo xì-căng-đan, so sánh giữa tôi với Hằng. Có lần tôi đến nhà mời tham gia đóng phim với tôi.  Đưa cả kịch bản mời Hằng chọn vai chính còn tôi vai phụ.

Ngay việc Hằng đóng chính, tôi đóng phụ cũng được, miễn sao hai chị em cùng có mặt trong một bộ phim, thế nhưng Hằng đã từ chối. Sau này hãng Mỹ Vân - nơi Hằng ký hợp đồng độc quyền mời tôi tham gia trong bộ phim Tứ quái Sài Gòn, gồm có anh Tùng Lâm, Khả Năng, La Thoại Tân, Thanh Việt… Lúc đó tôi và Hằng mới có dịp đứng chung truớc ống kính truyền hình”.

Thẩm Thúy Hằng cuời tiếp lời: “Còn trẻ mà, dễ bị tác động. Tôi ’’quê’’ nhất khi đọc những bài báo so sánh tôi diễn hơn thua với bà Kim (cách gọi thân mật của chị đối với Kim Cương). Thiệt tình mà nói Kim Cương là con nhà nòi, tôi là dân tay ngang đến với nghệ thuật, thì so sánh như thế sẽ khập khiễng. Thời gian và tình bạn đã giúp tôi hiểu, cuộc đời là đường trường. Rồi có lúc những trắc trở nghiệt ngã sẽ được hóa giải” .

Khi Ban kịch Kim Cương tổ chức diễn vở Lôi Vũ, Thẩm Thúy Hằng đóng vai Phồn Y, Kim Cương đóng Thị Bình. Dường như số mệnh sắp đặt sẵn, ngoài đời thì thiên hạ lấy hai cô ra để làm đề tài “khẩu chiến” còn trên sân khấu, Thẩm Thúy Hằng với Kim Cương đóng vai hai khắc khẩu nhau, như nước với lửa.
Nhưng cũng chính yếu tố ấy đã giúp vở diễn kịch tính hơn, thành công hơn với sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả. Nhưng ngoài đời, hai kiều nữ là hai chị em Kim Cương–Thẩm Thúy Hằng rất thân thiết nhau, gắn bó sâu đậm tình bạn đến mấy chục năm sau.

Còn nhớ 34 năm về trước, vào ngày 26/6/1977 bọn tội phạm đã bắt cóc 11 trẻ em độ tuổi 5-6, bán cho người dân tộc ít người tại vùng Đức Trọng, Lâm Đồng, trong số trẻ đó có con trai Bác sĩ Lã Hỷ và con trai duy nhất của nghệ sĩ Kim Cương là bé Toro Trần Trọng Gia Vinh tại nhà trẻ Vườn Hồng.

 Sau đó có một gã lạ mặt nói giọng Nam Bộ, xưng tên là Hải Phong điện thoại tới nhà yêu cầu gặp nghệ sỹ Kim Cương ra giá tiền chuộc 100 cây vàng. Sau nhiều lần thương lượng bọn bắt cóc đồng ý nhận 20 cây vàng tại địa điểm chúng chọn và đe dọa sẽ giết bọn trẻ nếu báo cho công an biết.
d
Thẩm Thúy Hằng tại Nhật Bản năm 1965

Đáp ứng yêu cầu của chúng, nghệ sỹ Kim Cương phải đi vay nợ bạn bè người thân đủ số vàng giao nộp cho bọn bắt cóc. Ngay sau đó, bọn bắt cóc trả bé Toro tại bãi cỏ trước Nhà thờ Đức Bà, Quận 1. TPHCM. Sau này công an Quận Tân Bình đã phá án và giải cứu tất cả các bé trả về gia đình. Những lúc Kim Cương như điên, như dại vì mất con và rối bời, chán nản với tất cả thì cũng là lúc Thẩm Thúy Hằng luôn thường xuyên ở bên cạnh chia sẻ, an ủi. Thước đo giá trị bền vững, lâu dài của tình bạn không thể lấy gì cân đong, đo đếm được.

 Kỳ nữ Kim Cương xúc động bày tỏ: “Giữa chúng tôi như có một sợi dây vô hình buộc chúng tôi lại với nhau. Nhưng Hằng may mắn hon tôi, trong mái ấm gia đình còn có một người đàn ông làm trụ cột. Còn tôi, hơn 20 năm qua vừa làm cha, vừa làm mẹ đối với con trai mình. Cái bền vững nhất là tình bạn trong sáng giữa tôi và Hằng."

Trước năm 1975, ở Sài Gòn ban kịch Thẩm Thúy Hằng được xếp vào một trong mười ban kịch tiêu biểu của kịch nghệ Miền Nam, riêng cô nhiều lần được bầu chọn là một trong mười hai diễn viên kịch xuất sắc và  thành danh. Hằng tuần, Thẩm Thúy Hằng đều có vai diễn trên sân khấu đài truyền hình và phát trên sóng phát thanh đài Sài Gòn cũ với tất cả tâm trạng chờ đón và háo hức của người dân Sài Gòn.

 Những vở kịch chính của Ban kịch Thẩm Thúy Hằng được người đời nhắc nhớ tiêu biểu như : Sông dài, Trà Hoa Nữ, Áo người trinh nữ, Bạc trắng lửa hồng, Nửa hồn thương đau... Trên sân khấu cải lương, với tuồng “Sông dài” – Đoàn Thanh Minh- Thanh Nga đã khẳng định một nghệ sĩ nhan sắc Thanh Nga tài hoa tỏa sáng trên vòm trời nghệ thuật cải lương, thì "Sông dài" của đoàn kịch Thẩm Thúy Hằng cũng đã gây sự bùng nổ trong dư luận kịch trường và khán giả, sau này còn được quay thành phim.

Nhưng ít ai biết rằng, để có những thành công này, Thẩm Thúy Hằng đã phải lao động cật lực, gần như không có thời gian nhàn rỗi cho bản thân. Với những ngôi sao, màn bạc minh tinh như cô, lợi danh mà cuộc đời mang lại đã không đủ thời gian mà thụ hưởng, nhưng Thẩm Thúy Hằng đã gác lại mọi thứ phồn hoa để lao vào sáng tạo, lao động và cống hiến thêm trong lĩnh vực kịch nghệ.

Thẩm Thúy Hằng với vai trò trưởng ban kịch (giám đốc đoàn kịch bây giờ), vừa viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Lao động nghệ thuật trở thành sự sống của cô lúc bấy giờ. Một mình đóng cả “ba vai” là chuyện không dễ mấy mỹ nhân thời đại có thể đảm đương nổi.

Nhiều ngôi sao cùng thời phải mất nhiều thời gian cho việc gỡ rối tơ lòng, tình ái và những thói thường đỏng đảnh khác, nhưng Thẩm Thúy Hằng chỉ hiện thân trên màn bạc, sân khấu và các nhân vật hóa thân.

Một phần có lẽ do cô không có nhiều thời gian nhàn rỗi, một phần chồng cô là một tiến sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, Thẩm Thúy Hằng đương kiêm phu nhân Phó Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước thì mọi lời ong, tiếng ve không dám châm chích vào.
Thẩm Thúy Hằng  với tài tử
Thẩm Thúy Hằng với tài tử Hongkong Trần Quang Thái

Trước năm 1975, khán giả Sài Gòn không thể quên những vai diễn của Thẩm Thúy Hằng trong các vở kịch như: Suối tình, Người mẹ già, Đôi mắt bằng sứ... những vai diễn làm say đắm lòng người xem, mang dấu ấn phong cách trẻ trung, lộng lẫy vốn có của một minh tinh màn bạc tầm cỡ Á Châu.

Người đời thường mang cô so sánh với những tài tử, minh tinh Á Châu hay Mỹ quốc, Anh quốc. Ở lĩnh vực sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng đã làm khán giả say lòng ái mộ khi cô tham gia những phim được sân khấu hóa như: Đò chiều, Đôi mắt huyền, Oan ơi Ông Địa.

Trong tất các vở diễn sân khấu đã đóng, vai diễn ấn tượng nhất của Thẩm Thúy Hằng là vũ nữ Cẩm Lệ trong vở cải lương “Bóng chim tăm cá” của soạn giả Nguyễn Phương. Cùng với lực lượng diễn viên hùng hậu của Đoàn cải lương Thanh Minh- Thanh Nga thời đó như Mộng Tuyền, Thanh Tú, Ngọc Nuôi, Thành Được…, giọng ca mùi mẫn, diễm lệ của vũ nữ Cẩm Lệ - Thẩm Thúy Hằng như càng thăng hoa, làm khán giả rơi lệ cùng với những tràng vỗ tay dài vang lên cổ vũ.

Một trong số những bậc thầy, người nhiệt tình giúp đỡ Thẩm Thúy Hằng trên sân khấu cải lương là soạn giả Lê Khanh. Sau vở “Bóng chim tăm cá”, kịch sĩ Anh Lân và Túy Hoa có mời Thẩm Thúy Hằng tham gia vở dã sử Việt Chiêm của soạn giả Mộc Linh là “Đồ Bàn Di Hận”. Thẩm Thúy Hằng diễn vai cô gái Chăm tên Phàm Lan, một vai diễn thành công trước nay của sầu nữ cải lương Út Bạch Lan.

Nhưng Thẩm Thúy Hằng đã diễn rất thành công. Thẩm Thúy Hằng còn xuất hiện trong những chương trình đại nhạc hội và hát tân nhạc “rất mùi mẩn” như nhạc phẩm “Hai Chuyến Tàu Đêm” của Nhạc sĩ Trúc Phương trong các chương trình tạp kỷ của bầu show Duy Ngọc,   hay như “Tình Lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình.

Nghệ sĩ ưu tú Thẩm Thúy Hằng chưa dứt nghiệp đời

Sau ngày đất nước giải phóng 30-4-1975, Nam Bắc một nhà, Thẩm Thúy Hẳng tiếp tục tham gia hăng hái nhất vào các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu với các vai diễn trong hàng loạt phim và sân khấu kịch nói, cải lương.

Vào những năm đầu giải phóng, hòan cảnh kinh tế, xã hội, an ninh rất phức tạp. Những cái cũ chưa xóa nhòa, vết thương  đau do chiến tranh để lại hậu quả rất nặng nề chưa thể khắc phục trong ngày một, ngày hai. Cái mới, con người mới, xã hội mới chưa hình thành rõ nét. Thành phố Sài Gòn sau này mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trải qua nhiều thăng trầm trong thời kỳ đổi mới, đi lên. Riêng lĩnh vực an ninh, văn hóa đã xảy ra vụ việc phức tạp, đấu tranh căng thẳng, thách thức dư luận xã hội và cơ quan chính quyền cách mạng non trẻ.

Vụ án kẻ thù hèn hạ đã ám sát gia đình nghệ sĩ Thanh Nga khi vừa hạ màn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh - một vở diễn cùng thời là Thái hậu Dương Vân Nga rất được khán giả hâm mộ đón nhận nồng nhiệt. Hay như vụ bắt cóc cháu Lã Phương 5 tuổi con trai bác sĩ Lã Hỷ và con trai Toro 5 tuổi của kỳ nữ Kim Cương đòi tiền chuộc 100 cây vàng.

Trong bối cảnh ấy, người ta không lạ gì những tin đồn thất thiệt cho rằng: Thẩm Thúy Hằng bị bắt, rồi tin vượt biên, tỵ nạn…Họ đâu biết, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền…cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đã ở lại với quê hương và tiếp tục con đường nghệ thuật phục vụ cho nhân dân mình, tổ quốc mình.
 

Tuy không đạt phong độ đỉnh cao như trước đây, nhưng sự đóng góp cho sân khấu nghệ thuật của Thẩm Thúy Hằng sau năm 1975 là một ghi nhận trân trọng, đáng biểu dương vì tất cả sự nhiệt tình, tâm huyết và lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Điều đó đã được trả công và vinh danh xứng đáng với hàm Nghệ sĩ ưu tú mà Nhà nước trao tặng cho Thẩm Thúy Hằng.

Thẩm Thúy Hằng cùng với nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín tạo nên những đêm diễn tuyệt vời luôn sáng đèn hàng đêm cho sân khấu Bông Hồng qua những vở như: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn,  Đôi mắt, Đôi bông tai… (Đoàn kịch Bông Hồng), Người đá lạc đội hình, Người đẹp thành Venlse, Con mắt (Đoàn Cửu Long Giang), Lôi Vũ, Vực thẳm chiều cao, Dưới hai màu áo (Đoàn kịch nói Kim Cương)...

Một trong những vở kịch hay của Thẩm Thúy Hằng rất được giới công nhân, trí thứ sau năm 1975 yêu thích là vở “Đôi Mắt” của tác giả Vũ Dũng Minh. Nội dung vở kịch này xây dựng tuyến nhân vật xoay quanh những chuyện đấu tranh, mâu thuẫn nhau trong quan hệ công tác và cách cư xử của những người cán bộ, chiến sĩ ngay tại mặt trận.

Đây là cuộc đấu tranh tâm lý, xung đột tính cách giữa các  nhân vật trong bối cảnh chiến trường nên kịch tính khá dữ dội. Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín sắm vai một bác sĩ quân y, Thẩm Thúy Hằng cũng là một bác sĩ quân y mới ra trường, Bích Thủy là một y tá quân y, và Bạch Lan Thanh trong vai cô gái dân tộc Vân Kiều…

Thẩm Thúy Hằng tham gia viết một số kịch bản vào năm 1994-1995. Trong đó có kịch bản phim "Chuyện tình của em" được nhà sản xuất phim Đào Thu thực hiện. Bẵng đi một thời gian khá dài, Thẩm Thúy Hằng lui vào im lặng với cuộc sống gia đình ẩn dật, nghiên cứu Thiền, Phật và tu tại gia, làm từ thiện.

Chồng cô là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, từng là Phó Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa, kiêm Thống Đốc Ngân hành nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng, GS. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh ở lại Việt Nam và tiếp tục  làm Cố vấn kinh tế cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, rồi Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh mất ngày 29/8/2003 do bệnh tim mạch, thọ 82 tuổi tại căn biệt thự trên đường Cách Mạng Tháng Tám - TP.HCM.

Bất ngờ Thẩm Thúy Hằng quay lại với sân khấu năm 2006 khiến cho giới văn nghệ sĩ mừng vui và ngạc nhiên. Duyên nợ với cửa Thiền, nhà Phật chưa làm cô quên đi nghiệp đời còn vương vấn. Như kiếp cầm ca, đã là con tằm thì phải nhã tơ và muôn đời còn nợ kén, nợ dâu. Cả 2 kịch bản: Người hạnh phúc, Nụ cười và nước mắt Thẩm Thúy Hằng viết lần này đều chọn đề tài về tình yêu, hạnh phúc.

Dường như nhân loại vĩnh viễn không bao giờ định nghĩa được tình yêu là gì? Hạnh phúc là gì? Cặp phàm trù bất tử luôn hiển hiện trong mỗi trái tim con người. Lắm khi như mơ hồ, mộng ảo, nhưng cũng có lúc lại dung dị và gần gũi vô cùng.

 NSƯT Thẩm Thúy Hằng tâm sự: “Tôi muốn góp phần với các nghệ sĩ sân khấu mang đến công chúng yêu kịch những thông điệp chứa đựng giá trị nhân ái, để mọi người hiểu và nâng niu hơn hạnh phúc đang có của mình. Cuộc đời tôi đã có quá nhiều hạnh phúc. Tất cả những tâm sự của tôi xin được gửi vào những sáng tác mới này”.

“Hạnh phúc là được lao động và cống hiến”- Thẩm Thúy Hằng quan niệm như vậy. NSƯT Hồng Vân, thế hệ đang làm chủ sân khấu kịch, xúc động khi đọc kịch bản đã cho biết: “Cô Hằng lâu nay ăn chay trường, sống khép kín, nhưng lúc nào cũng quan tâm đến hoạt động sân khấu và điện ảnh. Tất cả những trang viết của cô đều xuất phát từ trái tim nhân ái, muốn mỗi người đều trân trọng hạnh phúc đang có. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa lên sàn tập kịch bản của cô”.

 Đạo diễn- NSƯT Văn Thành cũng cho biết đã giao kịch bản Người hạnh phúc cho một đạo diễn trẻ dàn dựng tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. Có nhiều người thắc mắc vì sao Thẩm Thúy Hằng lại quan tâm đến đề tài hạnh phúc, trong khi sân khấu kịch đã có quá nhiều soạn giả khai thác thành công đề tài này từ Bắc vào Nam. Người đẹp Bình Dương- Thẩm Thúy Hằng cười phúc hậu: “Tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi nhiều hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong nghệ thuật”.

Nhưng tạo hóa luôn bất công, đặc biệt là với mỹ nhân. Khó ai từ xưa đến nay vẹn toàn tài sắc. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết :

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” và “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Người đẹp Bình Dương - Thẩm Thúy Hằng có được tạo hóa ban tặng cho tài sắc toàn vẹn hay không ?
  • Nam Yên (còn tiếp)
[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc