Riêng ở lĩnh vực phim ảnh, Thanh Lan đã đóng vai chính cho khoảng 16 bộ phim khi còn ở Việt Nam như: Tiếng hát học trò (1970), Yêu (1971), Lệ đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh hàng hoa (1972), Trên đỉnh mùa đông(1972), Xin đừng bỏ em (1973), Xóm tôi (1973), Mộng Thường (1973), Trường tôi (1974), Goodbye Saigon (1975), Ván bài lật ngửa (1984-1987), Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc (1986), Ngoại ô (1987), Cao nguyên F101 (1988), Hai chị em (1988)…
[links()]
Nếu như phim “Tiếng hát học trò” do Thái Thúc Nha đạo diễn đã đưa tên tuổi Thanh Lan vào thế giới điện ảnh và làm bệ phóng cho Thanh Lan trở thành một diễn viên nổi tiếng về sau, được khán giả mến mộ, đặc biệt là khán giả trẻ thì phim “Yêu” do Đỗ Tiến Đức đạo diễn lại là một phim mở đầu cho Thanh Lan trở thành “quả bom sex” nổi tiếng trên phim trường sau này.
Phim “Yêu” chuyển thể từ tiểu thuyết của Chu Tử, một cuốn sách được gọi là sex lúc bấy giờ và tất nhiên là vì sex nên nó rất nổi tiếng trong giới trẻ. Chu Tử xuất thân là một nhà giáo dạy THPT mà hồi đó gọi một cái tên phổ biến là “Giáo sư”, rồi nhảy ra làm nhật báo Sống trong vai trò chủ nhiệm kiêm chủ bút.
Sống là một tờ báo ăn khách của Sài Gòn lúc bấy giờ, thời cực thịnh mỗi ngày phát hành tới 200.000 ấn bản. Sau khi nhật báo Sống đóng cửa vì loạt bài viết của nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan (chồng ký giả Lam Thiên Hương và là chồng của ca sĩ Khánh Ly hiện nay ở hải ngoại), tường thuật vụ một số lính Mỹ dẫm đạp lên lá cờ vàng ba sọc đỏ (cờ của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975) đã xảy ra một scandal lớn thuộc dạng sự kiện “thời sự chính trị” giữa nền đệ nhị cộng hòa của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và quan thầy Mỹ.
Riêng ở lĩnh vực phim ảnh, Thanh Lan đã đóng vai chính cho khoảng 16 bộ phim khi còn ở Việt Nam. |
Sự kiện thời sự chính trị này “nóng” đến độ Bộ Thông tin-Chiêu hồi do Hoàng Đức Nhã làm tổng trưởng đã làm áp lực buộc nhật báo Sống của Chu Tử phải đóng cửa vì bị rút giấy phép hoạt động và mất công toi 30 triệu đồng tiền đóng ký quỹ (30 triệu đồng hồi đó rất lớn vì trúng số độc đắc chỉ có 1 triệu đồng thôi)”.
Mặc dù Chu Tử là nhà báo rất có thế lực, “chạy thuốc” cũng rất dữ với Thượng nghị sĩ Trần Văn Lắm liên danh “con trâu trắng” mà nhật báo Sống công khai ủng hộ đắc cử vào Quốc Hội VNCH, về sau làm Chủ tịch Quốc hội, nhưng vẫn không cứu nổi nhật báo Sống.
Sau khi nhật báo Sống đóng cửa, ê kíp của Chu tử về hợp tác với nhóm Trùng Dương-Uyên Thao ra tờ Sóng Thần. Chính nhóm Sóng Thần đã bỏ tiền ra làm phim “Yêu” của Chu Tử và giao cho Đỗ Tiến Đức đạo diễn, anh này chỉ là một đạo diễn… tài tử.
Phim “Yêu” do Thanh Lan đóng vai nữ chính tên “Diễm”, Chu Tử đóng vai “Giáo sư” Thức và nhà văn Nguyễn Đình Toàn đóng vai nam chính. Trong phim này Thanh Lan đã đóng một số phân đoạn có diễn cảnh “sex” mà hồi đó cho là cực kỳ táo bạo mà chỉ có Thanh Lan mới dám đóng nên khi phim được chiếu rạp, lập tức ca sĩ Thanh Lan đã trở thành một hiện tượng “quả bom sex” nổi đình nổi đám trong dư luận.
Phim “Yêu” ăn khách, thu hút khán giả không phải nhờ tài của đạo diễn mà chỉ nhờ 2 yếu tố: tiểu thuyết “Yêu” của Chu tử đã nổi tiếng và do có Thanh Lan đóng “sex”. Thế thôi.
“Tình khúc thứ mười”- một phim sex chính hiệu
Sau đó, Thanh Lan lại vướng vào scandal đóng phim sex chính hiệu, đó là phim “Tình khúc thứ mười”. Một hôm, đạo diễn Lưu Bạch Đàn gặp Thanh Lan mời đóng phim, nói là do hãng phim của Nhật Bản sản xuất thực hiện những cảnh quay tại Sài Gòn.
Nghe nói hãng phim danh tiếng của Nhật mời đóng phim, tất nhiên Thanh Lan vui vẻ nhận lời. Thế là có một nhóm người Nhật vác máy 18 ly tới một ngôi biệt thự kín đáo được thuê để làm “phim trường” và Thanh Lan được đưa tới đây để thực hiện những cảnh quay khỏa thân trong mọi tư thế.
Phim chẳng có đạo diễn, chẳng có kịch bản, chỉ có người điều khiển máy và 2, 3 ông Nhật “chỉ đạo diễn xuất” cho thanh Lan đóng cảnh khỏa thân.
Suốt 1 tuần lễ như thế, và cứ 2, 3 hôm lại có một số đàn ông Nhật kéo tới ngôi biệt thự để ngắm nghía Thanh Lan đóng phim trong cảnh khỏa thân …khiến Thanh Lan nghi ngờ và cự tuyệt không chịu đóng tiếp.
Với Thanh Lan gần như nổi tiếng đi liền với tai tiếng và thị phi. Có lẽ Thanh Lan xuất thân từ trường “Tây”, lúc tuổi mới lớn đã có phong cách sống theo “Tây”, rất phóng khoáng trong chuyện quan hệ nam nữ... |
Thanh Lan tìm gặp đạo diễn Lưu Bạch Đàn để chất vấn thì ông này tỏ vẻ ngỡ ngàng, chối bỏ trách nhiệm, Thanh Lan chạy tìm nhóm người Nhật này để thưa kiện thì họ đã trốn mất. Hóa ra, phim “Tình khúc thứ mười” chỉ là một phim cuội và nhóm quay phim này lộ chân tướng là một nhóm du khách người Nhật qua Việt Nam du lịch, họ mang theo máy quay phim 18 ly để quay cảnh đẹp ở Việt Nam dọc theo lộ trình du lịch.
Không biết ngẫu hứng thế nào lại muốn quay cảnh những cô gái Việt Nam khỏa thân và họ đã nhờ đến đạo diễn Lưu Bạch Đàn và ông đạo diễn này đã đi mời Thanh Lan đóng phim “Tình khúc thứ mười”.
Động cơ của nhóm du khách người Nhật thì rõ rồi, nhưng còn đạo diễn Lưu Bạch Đàn thì mời Thanh Lan đóng phim “Tình khúc thứ mười” để làm gì? Người trong giới đã tỏ ra nghi ngờ ông đạo diễn này vì ông ta là một đạo diễn chuyên nghiệp, không lẽ lại không phân biệt được máy quay phim chuyên dụng và máy quay phim “tài tử” 18 ly?
Nhưng còn Thanh Lan? Cô cũng là một diễn viên chuyên nghiệp, thời gian đó cũng đã đóng được một số phim, chẳng lẽ lại không biết mình bị gạt đóng phim sex trước ốnh kính máy quay 18 ly?
Sau sự cố của phim “Tình khúc thứ mười” Thanh Lan hầu như chẳng còn ngại ngùng gì khi nhận những vai diễn sẵng sàng khỏa thân trước ống kính của máy quay.
Cô đã đóng hàng loạt phim về sau và nhiều phim trong số này thường có những cảnh sex mà Thanh Lan luôn nhận là mình tự đóng, trong khi một số nữ diễn viên khác thì bảo rằng đã nhờ người đóng thế những cảnh khỏa thân.
Thanh Lan ở nước ngoài
Sau khi ra nước ngoài năm 1993, Thanh Lan vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật trên các lĩnh vực. Điều đặc biệt là Thanh Lan ngoài tài năng ca hát, đóng kịch, đóng phim, cô còn làm thơ. Năm 2002, Thanh Lan đã in tập thơ đầu tay tại Mỹ, tập thơ có nhan đề là “Tình Đầu”.
Ngoài phần sáng tác tiếng Việt, có in thêm 2 song ngữ: Anh, Pháp, do chính Thanh Lan chuyển ngữ. Tập thơ này gồm có 80 bài, đủ thể thoại và chủ yếu nói về quê hương, đất nước, gia đình và tình yêu đôi lứa. Tất nhiên Thanh Lan làm thơ chủ yếu bằng cảm xúc và chưa thể gọi là “nhà thơ” nhưng đây lại là niềm đam mê của cô sau diễn xuất và ca hát.
“Tuổi học trò”
“Rất nhiều thơ ca ngợi tà áo trắng
Như mây bay trên bầu trời lãng đãng
Rợp sân trường như bầy cừu ngoan ngoãn
Thật ngoan hiền những tà áo trinh nguyên
Rất nhiều thơ ca ngợi mái tóc dài
Lúc tan trường như suối chảy bờ vai
Nhịp xe quay cùng mái tóc bay bay
Vờn rất nhẹ đôi vai tròn e ấp…”
Cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của Thanh Lan có thể chia ra làm 3 giai đoạn: Trước năm 1975, sau năm 1975 ở Việt Nam và từ sau năm 1993 ở Mỹ. Hiện Thanh Lan cư ngụ tại Newport Beach, miền Nam tiểu bang California, Mỹ.
Cũng giống như nhiều người Việt Nam lúc đầu định cư ở Mỹ, 6 năm đầu tiên, Thanh Lan có cuộc sống khó khăn, chật vật, nhưng rồi được ổn định dần.
Khi bắt đầu hoạt động ca hát trở lại, Thanh Lan đã đi trình diễn nhiều nơi tại các tiểu bang nước Mỹ, tham gia các chương trình ca nhạc lớn, thực hiện live show, tham dự các buổi họp mặt, giao lưu ca nhạc của các đoàn thể cộng đồng, lưu diễn ở Canada, Âu châu, Úc châu, tham gia các chương trình từ thiện giúp đỡ trẻ em thiếu may mắn.
Từ năm 1994, Thanh Lan đã tham gia, hợp tác với nhiều trung tâm sản xuất video, và tự thực hiện, sản xuất nhiều CD, VCD, DVD ca nhạc cho riêng mình, trong đó có nhiều nhạc phẩm do Thanh Lan soạn lời Việt từ những ca khúc nổi tiếng của Pháp.
Năm 1995, Thanh Lan đã được mời đến hát tại sân khấu của trường Đại học Havard, một trường đại học nổi tiếng của Mỹ tại tiểu bang Massachussets.
Từ năm 1995 trở đi là năm đánh dấu hoạt động nghệ thuật của Thanh Lan mạnh mẽ nhất tại nước ngoài, một số tờ báo lớn tại tiểu bang California như: San Jose Mercry News, Los Angeles Times, Orange Country Register… đã giới thiệu sự xuất hiện của Thanh Lan ở Mỹ một cách trang trọng.
Năm 1998 Thanh Lan đã làm đạo diễn thực hiện băng vidéo ca nhạc : “Trong năng, trong gió” với nhiều ngoại cảnh quay tại Mỹ, Âu châu, Úc châu, thái Lan với tiếng hát của chính cô và những bài tình ca Việt, Anh, Pháp nổi tiếng và với những sáng tác mới nhất của Thanh Lan.
Năm 2005, đài truyền hình BBC của London đã qua Mỹ để thực hiện quay hình live show cho một mình Thanh Lan hát và diễn giải bằng tiếng Anh, xen kẽ những bài thơ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp do chính Thanh Lan sáng tác và ngâm một số bài thơ do cô làm.
Chương này dài 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, chương trình Flashback của Đài truyền hình BBC đã phát bài Bang Bang, nhạc Pháp do Thanh Lan hát cho bộ phim tài liệu về Sài Gòn sau 30 năm chấm dứt chiến tranh.
Hiện Thanh Lan có một chương trình Talk Show trên Đài truyền hình SET. Và dấu ấn đậm nét nhất khi Thanh Lan thực hiện chương trình ca nhạc “Tình ca một thời để nhớ” diễn ra vào Chủ Nhật ngày 2/8/2009 tại Rạp Star Performing Art Center.
Nghệ sĩ Quốc Thái, chủ nhân Rạp Star Performing Art Center đã khai mạc chương trình bằng những lời chào mừng nồng nhiệt khi giới thiệu Thanh Lan với khán giả. Để chuẩn bị cho chương trình Talk Show này, Thanh Lan đã chuẩn bị mất 6 tháng ròng để chọn trang phục và các kiểu tóc cho phù hợp, tập 20 ca khúc để biểu diễn.
Với đài từ khá tốt, phong cách diễn giải chân tình và với giọng hát của chính mình Thanh Lan đã chinh phục được cảm tình của khán giả như thuở nào còn ở tại quê nhà.
Scandal tình ái hải ngoại
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ cùng Dũng Long Biên khi Thanh Lan còn ở tuổi học trò, Thanh Lan đã mang con gái là Quỳnh Loan về ở với ông bà ngoại. Đến khi sang Mỹ định cư, Thanh Lan đã tìm cách đưa con gái qua Mỹ bằng con đường “kết hôn giả” với luật sư Đỗ Đức Hậu, ông này đáng tuổi cha, chú của Quỳnh Loan và đang cặp bồ với Thanh Lan.
Theo dư luận thì Thanh Lan đã đi một nước cờ sai hoàn toàn, ý định của Thanh Lan là sau khi “kéo” được con gái qua Mỹ một thời gian thì cho con gái hủy hôn với Đỗ Đức Hậu để Quỳnh Loan bảo lãnh chồng qua Mỹ sum họp.
Nhưng ngờ đâu Đinh Đức Hậu là một con cáo già, đã không hủy hôn với Quỳnh Loan mà còn “cưa” luôn con gái của Thanh Lan. Kết quả là Quỳnh Loan có con với nhân tình của mẹ và Thanh Lan lên chức bà ngoại.
Năm 2003, Thanh Lan cùng với một số nghệ sĩ khác tại Mỹ như: Ngọc Huệ, Như Mai, Việt Dũng, Mai Lệ Huyền được mời sang Roma (Ý) biểu diễn trong chương trình “Đại hội giới trẻ”.
Thanh Lan và Ngọc Huệ được xếp ở chung phòng nên Ngọc Huệ hé lộ sự việc động trời: Thanh Lan cặp bồ với một người đàn ông tên Trần Công Nghị, ông này chính là người “bảo bọc” cho Thanh Lan đi lưu diễn ở Roma, từ việc mua vé máy bay đến mua sắm những món đồ nữ trang giá trị tại Ý.
Theo lời ca sĩ Ngọc Huệ “tố cáo” thì sau khi buổi biểu diễn kết thúc, nghệ sĩ đều về phòng ngủ chỉ riêng mình Thanh Lan được ông Trần Công Nghị đón đưa đi chơi suốt đêm tới gần sáng mới trở về phòng.
Sự việc “lăng nhăng tình ái” này khiến trong đoàn và “Văn phòng phối kết mục vụ hải ngoại” đều xầm xì bàn tán vì ông Trần Công Nghị là một người có “vai vế” ở Roma. Ngoài ông Trần Công Nghị tóc đã điểm sương, Thanh Lan cũng vướng scandal “tình ái” với những người đàn ông trẻ tuổi hơn mình như: Josep Hiếu, Paulo Tuấn…
Với Thanh Lan gần như nổi tiếng đi liền với tai tiếng và thị phi. Có lẽ Thanh Lan xuất thân từ trường “Tây”, lúc tuổi mới lớn đã có phong cách sống theo “Tây”, rất phóng khoáng trong chuyện quan hệ. Nên với người khác thì cho những mối quan hệ này là… kinh khủng khiếp, nhưng với Thanh Lan, có lẽ cô cho đó là chuyện bình thường...
Cuốn hồi kí của Thanh Lan
Có lẽ trong giới nghệ sĩ cùng thời, Thanh Lan là một ca sĩ, diễn viên có học vấn cao, nói và hát được nhiều thứ tiếng, tuy không được đào tạo bài bản nhưng về phần tự học thì cô là người ý chí và kiên nhẫn.
Ngoài việc thông thạo 2 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Thanh Lan còn học tiếng Đức và Tây Ban Nha, chính vì thế Thanh Lan đã hát được những bài hát của Nam Mỹ và viết hồi ký bằng tiếng Anh.
Thanh Lan đã nuôi dự định viết hồi ký từ lâu và đã bắt tay vào viết cuốn hồi ký về cuộc đời mình dày 300 trang mang tựa đề tiếng Anh là: “The Curse of Champa” được dịch sang tiếng Việt là: “Lời nguyền của vua Chàm”.
Không ai biết ý của Thanh Lan khi lấy nhan đề này cho quyển hồi ký nhằm mục đích gì, mang ý nghĩa bí ẩn gì. Nhưng lập tức khi cuốn hồi ký chưa phát hành đã gây nên sự tò mò, chú ý của dư luận.
Thứ nhất, khi nói về xuất thân gia đình, Thanh Lan đã cho rằng mình thuộc dòng dõi quyền quý nhưng sinh ra trong thời loạn lạc. Do cha mẹ Thanh Lan trong cảnh loạn lạc mới gặp nhau. Hai con người dòng dõi cao sang, quyền quý:
Ông Phạm Đức Vịnh và bà Thái Chi Lan là một đôi “thanh mai, trúc mã” do duyên trời định gặp nhau như trong cổ tích. Về sau ông bà chạy loạn, trong lúc nguy cấp bà lại đau bụng đẻ, khiến ông lội bộ mấy chục cây số để tìm bác sĩ đỡ đẻ.
Thanh Lan ra đời trong một ngôi nhà hoang trên bước đường chạy loạn. Do bị đẻ rơi, thiếu tháng nên lúc nhỏ Thanh Lan rất xấu xí, còm cõi giống y “cô bé lọ lem”. Thế nhưng khi lớn lên Thanh Lan trở thành một mỹ nhân khiến nhiều người đàn ông phải theo đuổi và cô khẳng định mình có một thân hình tuyệt mỹ khiến ai cũng muốn… khám phá.
Chính nhờ nhan sắc trời cho thuộc loại “chuẩn không cần chỉnh” này nên Thanh Lan tự hào mình có dung mạo đẹp, thật 100% từ đầu đến chân. Còn về khả năng ca hát, Thanh Lan chỉ cần vào Ban Việt Nhi của Nguyễn Đức để tập tành một thời gian rồi năm 12 tuổi đã thành ca sĩ.
Diễn xuất thì cũng do năng khiếu bẩm sinh, khi đứng trước máy quay tức khắc Thanh Lan nhập vai và diễn theo số phận của nhân vật, cần khóc thì khóc tự nhiên. Thanh Lan cũng khẳng định mình nổi tiếng từ phim “Tiếng hát học trò” đóng năm 1970, khi đó Thanh Lan mới trên dưới 20 tuổi.
Nhưng Thanh Lan quên rằng cô là cháu của ông Thái Thúc Nha, chủ hãng phim Alpha và phim này do hãng phim AlPha sản xuất, nếu không có sự giúp đỡ của ông cậu chủ hãng phim đồng thời là đạo diễn phim “Tiếng hát học trò” thì liệu Thanh Lan có cơ hội đóng phim quá sớm như vậy không?
Về cuộc tình với Dũng Long Biên, Thanh Lan cho đó là định mệnh khó tránh nên cô phải gặp một anh công tử bột, con nhà giàu nhưng chỉ có cái mã bề ngoài. Khi kết hôn rồi Thanh Lan mới biết và hoàn toàn thất vọng so với những gì cô mơ tưởng từ khi gặp nhau ở Đà Lạt.
Thanh Lan cũng xác nhận rằng cô đã khá đau khổ vì mối tình đầu và cuộc hôn nhân bất hạnh này nên chia tay với Dũng Long Biên là một sự giải thoát.
Nói chung, hồi ký của Thanh Lan được đón nhận với nhiều chỉ trích, phê phán vì mục đích tâng bốc cá nhân, tự đề cao mình quá đáng của cô.
Duy chỉ có một điều mà Thanh Lan cố tình không nói ra trong khi kể lể hàng chuỗi những thành công, nổi tiếng trong sự nghiệp ca hát, đóng kịch, đóng phim của mình từ trong nước đến khi ra nước ngoài, đó là… vụ bị nhóm du khách người Nhật lừa đóng phim sex “Tình khúc thứ mười”.
Đây có thể là một nỗi đau mà cô cố giấu trong khi cô lại “khoe” rằng sau nắm 1975 cô đã từng… vượt biên 7 lần, bị bắt 5 lần còn 2 lần thoát vì vượt biên không thành công rồi quay về lại Sài Gòn.
Và ai cũng biết rằng ngày 28/12/1993, Thanh Lan đã có một cơ hội bằng vàng khi được sang Mỹ tham dự chiếu ra mắt phim “Tình người” mà cô đóng chung với Lê Tuấn.
Phim này đã bị khán giả hải ngoại tẩy chay vì có nội dung cố ý mạ lỵ nhân phẩm phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ. Đồng thời có cảnh Thanh Lan đóng sex với Lê Tuấn trên chiếc gường của cựu hoàng Bảo Đại, có lẽ chuyện phim cũng giống như chuyện đời, nó nhắc cho Thanh Lan nhớ lại chuyện tình của mình với Tổng trưởng Bộ Dân vận-Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã và những kỷ niệm cay đắng khó phai tại “biệt điện” nghỉ mát ở Đà Lạt?
Và cũng nhờ cơ hội tham dự buổi chiếu ra mắt phim: “Tình người” mà sau đó Thanh Lan đã tìm cách trốn ở lại Mỹ với lý do: “Tị nạn chính trị”, trong khi ai cũng biết sau năm 1975, Thanh Lan đã được ưu ái như thế nào mới có được một cuộc đời, một con đường nghệ thuật thênh thang như vậy.
- Từ Kế Tường