Thông gia oẳn tù tì để “cướp” con cháu về ăn Tết

09:18, Thứ sáu 20/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Không phải thông gia nào cũng tranh giành vì chuyện con cháu sẽ về nhà ai ăn Tết. Nhiều gia đình thay vì để con cháu phải đau đầu tính toán đi lại giữa hai bên, họ sẽ cùng ăn bữa cơm sum họp.

(Phunutoday) - Gia đình hiện đại với mô hình 4-2-1, sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế tiêu dùng và sự đổ nhào của quan niệm trọng nam khinh nữ đã khiến cho ngày Tết truyền thống của người Trung Quốc rơi vào một quá trình đổi thay nhanh chóng chưa từng thấy. Và trong quá trình đó, có không ít những hệ lụy oái ăm, những tình huống dở khóc dở cười mà người trong cuộc thì không biết phải làm sao còn người ngoài cuộc thì cũng chỉ biết quan sát và kết luận: "Thời buổi này là thế!"

[links()]

Tết truyền thống với "đoàn viên" và "chúc phúc" chỉ còn trong dĩ vãng

Bữa cơm ngày Tết trong gia đình ở Trung Quốc
Bữa cơm ngày Tết trong gia đình ở Trung Quốc

Năm 1981, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Đối với một đất nước phong kiến lâu năm với hai tư tưởng thâm căn cố đế: đông con đông cháu là có phúc và người đàn ông nào cũng phải có trách nhiệm sinh được con trai nối dõi dòng tộc như Trung Quốc, thì đây quả là một thay đổi long trời lở đất.

Kết quả là sau 30 năm thực thi chính sách trên, kết cấu giới tính của xã hội Trung Quốc đã thay đổi tận gốc rễ. Hiện tượng "con một" và "nam thừa nữ thiếu" dần dần đảo lộn mọi nếp suy nghĩ và sinh hoạt của toàn xã hội, nhất là tại các thành phố lớn. Truyền thống ăn Tết và những phong tục tập quán đi kèm cũng phải đổi thay để thích ứng với điều kiện mới.

Trung Quốc rộng lớn bao la với nhiều dân tộc khác nhau, nên phong tục mỗi nơi mỗi khác. Nhưng Tết truyền thống của người Trung Quốc bất kể địa phương nào cũng có hai điểm chung: đầu tiên, đó là dịp để gia đình, họ tộc xum họp đoàn viên.

Tết đến, là người làm ăn xa quê, người đi học xa nhà đều quay về quê hương; thứ hai, Tết là ngày để con cháu đón nhận lời chúc phúc của các bậc ông bà, cha mẹ. Nhưng cả hai tập quán này giờ đây có nguy cơ trở thành dĩ vãng, bởi gia đình Trung Quốc hiện đại khó lòng thực hiện được những điều này, nhất là trong dịp Tết...

"Tết này ông bà đã đăng ký tour du lịch nào chưa?"

Chuyện đi du lịch vào dịp Tết có thể là "chuyện thường ngày ở huyện" với các nước phương Tây, nhưng với Trung Quốc, thì cách đây vài chục năm, đó vẫn là chuyện không thể tưởng tượng được. Song giờ đây, xách vali lên đường đi du lịch vào đúng dịp Tết xem ra không còn là độc quyền của giới trẻ nữa.

Năm 1996, các trang mạng du lịch đầu tiên của Trung Quốc xuất hiện. Và tốc độ phát triển của chúng nhanh đến mức đến ngày nay, Trung Quốc đã có hơn 5000 trang mạng du lịch, trong đó có hơn 300 trang mạng chuyên về du lịch. Chen Ying, nhân viên trang web du lịch Đồng Trình (cùng lên đường) vui vẻ cho biết:

"Tết dương lịch năm 2012 mới ngấp nghé, nhưng các tour du lịch nước ngoài vào dịp Tết âm lịch đã được khách hàng đặt trước khá nhiều. Trong đó, có một phần khá lớn là các cặp vợ chồng già. Họ đăng ký các tour khắp nơi trên thế giới: các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á. Trong đó, có những người là khách hàng quen thuộc, họ đã đi du lịch như thế này cách đây vài năm rồi."

Ông bà Li Xiang đã liên tục đi du lịch vào dịp Tết cách đây 3 năm, khi họ bắt đầu về hưu. Cậu con trai duy nhất của họ đi du học tại Mỹ đã 5 năm nay, và chưa có năm nào, cậu về nhà được vào dịp Tết âm lịch. Ở nhà nhìn nhau mãi cũng buồn, nên hai ông bà Li Xiang quyết định cứ Tết đến là dắt nhau đi du lịch khắp nơi trên thế giới.

Những tour du lịch ngày càng đắt khách còn bởi một lý do: chính phủ Trung Quốc đang ngày càng rộng rãi hơn với các ngày nghỉ dịp lễ, Tết. Kinh tế tăng trưởng mạnh, sự phát triển siêu tốc của các thành phố và nhu cầu tiêu dùng ngày một cao đã khiến các kỳ nghỉ trong năm trở thành cơ hội tốt để kích thích tiêu dùng.

Giờ đây, khi những ngày kỉ niệm như Quốc Khánh cũng được nghỉ đến 10 ngày, thì một dịp trọng đại như Tết âm lịch, số ngày nghỉ cũng phải tương đương. Với 9, 10 ngày nghỉ, và đứa con duy nhất không thể về nhà ăn Tết vì nhiều lý do, thì rõ ràng đi du lịch là một lựa chọn lý tưởng.

Thế là, Tết đối với nhiều người, kể cả những người già, không phải là dịp để tụ họp gia đình trong không khí đoàn viên đầm ấm nữa, mà là dịp để lên đường khám phá những vùng đất mới, để nghỉ ngơi, tham quan và mua sắm.

Thông gia bắt thăm để giành con cháu về ăn Tết

Mỗi gia đình chỉ có một con, vậy làm một phép tính đơn giản: khi con trai một của gia đình này kết hôn với con gái một của gia đình khác, và một đứa cháu chào đời, thì cứ bốn ông bà nội ngoại mới có một đứa cháu.

Vài chục năm sau khi thực thi chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, mô hình 4-2-1 trở thành mô hình phổ biến nhất trong các gia đình Trung Quốc. Và vậy là mỗi khi năm hết Tết đến, vấn đề con cháu về nhà ai ăn Tết bỗng nhiên trở thành "một câu hỏi lớn không lời đáp".

Wang Xiong và Li Jing là hai vợ chồng trẻ lập nghiệp tại Hàng Châu. Họ có một cô con gái năm nay học lớp 3. Nhiều cặp vợ chồng như họ có thói quen ăn Tết ngay tại thành phố mình đang sống, không về quê nội hay ngoại nữa.

Họ cho rằng, nơi đây mình còn có nhiều mối quan hệ xã hội, con cái có bạn bè, vả lại Tết là dịp để nghỉ ngơi và vui chơi. Song Wang Xiong và Li Jing không nghĩ thế. Hai vợ chồng trung thành với truyền thống của dân tộc này luôn muốn đưa con về quê ăn Tết với ông bà, họ hàng.

Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy, vì họ phải lựa chọn giữa hai "quê" và hai bên ông bà. Nhà bố mẹ Wang Xiong ở thành phố Đại Liên phía Bắc Trung Quốc, còn nhà bố mẹ Li Jing lại tít tận tỉnh Vân Nam phía Nam Trung Quốc.

Không đủ tiền bạc và sức khỏe để đi đi lại lại cả hai nơi trong dịp Tết, nên hai vợ chồng phải nghĩ ra một cách là luân phiên ăn Tết ở hai quê, cứ một năm lên Đại Liên lại đến một năm về Vân Nam. Vậy mà có khi vẫn không tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười.

Wang Xiong kể lại: "Năm kia, theo đúng "lịch", vợ chồng con cái chúng tôi ăn Tết ở Đại Liên với bố mẹ tôi. Như vậy năm ngoái sẽ là ở Vân Nam. Nhưng đến gần Tết thì cậu em họ duy nhất của tôi lại thông báo sẽ tổ chức đám cưới ngay trong dịp Tết. Bạn nghĩ xem chúng tôi có thể không dự đám cưới được không? Vậy là chúng tôi quyết định ăn Tết ở Đại Liên tiếp một năm nữa.

Bố mẹ vợ tôi vì việc này mà giận chúng tôi mấy tháng liền đấy, thật là phiền phức! Năm nay thì nhất định chúng tôi phải về Vân Nam rồi." Li Jing bổ sung: "Những trường hợp như gia đình chúng tôi không phải là ít.

Như các bạn bè tôi, rất nhiều người là người ngoại tỉnh đến đây lập nghiệp, nên sau khi kết hôn và sinh con, ăn Tết ở đâu trở thành chuyện đau đầu. Có trường hợp như bạn của tôi, hai bên ông bà thông gia còn phải... bắt thăm để quyết định xem năm nay con cháu sẽ ăn Tết với nhà nào đấy!"

Và những bữa cơm "đại đoàn viên" ở nhà hàng

Tất nhiên, không phải thông gia nào cũng đến mức giận dỗi, tranh giành nhau vì chuyện hai đứa con và một đứa cháu sẽ về nhà ai ăn Tết. Nhiều gia đình hòa thuận và lịch sự đến mức thay vì để con cháu phải đau đầu tính toán đi lại giữa hai bên, họ quyết định sẽ cùng ăn một bữa cơm sum họp cả hai nhà.

Quả thật là tiện lợi! Song địa điểm diễn ra buổi gặp mặt "đại đoàn viên" đó cũng có nhiều thay đổi, không còn là trong phòng khách gia đình như trước nữa, mà thường là ở một nhà hàng sang trọng đông vui nào đó.

Long Chi Mộng (giấc mộng của rồng) là một trong những trung tâm thương mại, vui chơi và mua sắm nhộn nhịp nhất ở Thượng Hải. Tầng hầm là một bến tàu điện ngầm lớn, các tầng trên là siêu thị, cửa hàng, khu vui chơi... lúc nào cũng ồn ào, đông nghẹt tiếng người và tiếng nhạc phát ra từ các cửa hàng.

Do vậy, bình thường khách hàng chủ yếu của nơi đây là giới trẻ và giới công chức. Hai tầng 7 và 8 của khu thương mại được dành riêng cho việc ăn uống với các nhà hàng đủ kiểu đủ loại, từ nhà hàng kiểu Tàu cho đến đồ ăn nhanh kiểu Mỹ, quán ăn Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam... Mỗi dịp Tết đến, các nhà hàng ở đây lại khẩn trương bước vào cuộc chạy đua để phục vụ các bữa ăn sum họp gia đình hiện đại.

Bốn ông bà thông gia và hai đứa con, một đứa cháu làm thành một đại gia đình trong bữa sum họp vui vẻ này. Chỉ có điều, càng giáp Tết, cảnh tượng đại gia đình phải xếp hàng lấy số bên ngoài cửa hàng và chờ đợi cả tiếng đồng hồ để được vào càng trở nên phổ biến!

Điều này cũng thật là dễ hiểu vì số lượng nhà hàng thì có hạn, mà số các gia đình có nhu cầu "đại đoàn viên" ở một nhà hàng rộng rãi, sang trọng, khiến đôi bên đều hài lòng cứ tăng dần lên theo mỗi dịp Tết đến xuân về.

Xem ra, ăn Tết trong các gia đình Trung Quốc hiện đại đúng là một câu chuyện dài chưa có hồi kết thúc!

  • Linh Anh








 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc