Người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân (trừ ngón út) không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe.
Thời gian qua, nhiều người chẳng may có những dị tật nhỏ như thừa ngón tay/ngón chân, bị tai nạn làm mất một ngón tay/ngón chân không được dự thi lấy giấy phép lái xe máy. Trong khi đa phần những trường hợp này đều có thể điều khiển xe như người bình thường.
Phải cắt bỏ mới được lái xe
Kể về trường hợp “oái oăm” của mình trên tờ Pháp luật TP. HCM, ânh H.V.V. (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP. HCM) cho biết, anh đã ba lần bị các trung tâm đào tạo lái xe tại Thành phố này từ chối, không cho nộp hồ sơ dự thi lấy giấy phép lái xe.
Lý do là bàn tay phải của anh V. có một đốt thịt nhỏ trổ ra từ ngón cái, trông như ngón tay thứ sáu. Nhân viên các trung tâm giải thích, anh V. phải phẫu thuật cắt bỏ ngón tay thừa rồi đi giám định chứng tỏ bàn tay vẫn vận động bình thường sau phẫu thuật thì mới được dự thi.
Người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân (trừ ngón út) không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe. Ảnh: Pháp luật TP. HCM. |
“Ngón tay thừa của tôi rất nhỏ, không ảnh hưởng đến việc điều khiển xe máy. Trước giờ tôi vẫn điều khiển xe máy chạy bình thường như bao người khác, nhưng cứ đi nộp hồ sơ thi bằng lái là bị từ chối” - anh V. bức xúc.
Ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Theo Quyết định 4132/2001 của Bộ Y tế, người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân (trừ trường hợp thiếu ngón út) không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe. Muốn thi, những người này phải cắt bỏ phần ngón thừa và việc cắt bỏ không được gây ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Theo ông Lực, thời gian qua vẫn có một số người dị tật ngón tay/chân thoát qua vòng sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Đó là do người tham gia thi quá đông, những người này lại “lách” bằng cách mang giày, mang bao tay nên cán bộ sát hạch không phát hiện.
“Quy định của Bộ Y tế như vậy nên chúng tôi phải tuân thủ. Tuy nhiên, nếu quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thì ngành y tế cần nghiên cứu điều chỉnh lại cho phù hợp”, ông Lực đề nghị.
Các bác sĩ cũng khẳng định, việc thiếu hay thừa một ngón tay, ngón chân cơ bản chỉ là yếu tố thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động. Về ngón chân thì lại càng vô lý hơn, bởi khi mang giày hay dép vào thì bàn chân thiếu 1-2 ngón đâu có khác biệt gì với không thiếu.
Vì vậy, các bác sĩ đề xuất, nếu có thể điều khiển xe bình thường thì phải cấp phép lái xe, không nên tước đi cơ hội của họ.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 33 quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và đường bộ, thay thế Quyết định 4132/2001. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên chưa đầy hai tháng sau khi ban hành, Quyết định 33 bị bãi bỏ nên lại quay trở về áp dụng Quyết định 4132”.
Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Quyết định 4132 có những điểm không còn phù hợp thực tiễn, nhưng không thể sửa ngay được. Hiện Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách y tế nghiên cứu sửa đổi, dự kiến trong năm 2013 sẽ ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 4132.
Từng "kỳ thị" quá nên phải bỏ
Cuối năm 2008, Bộ Y tế từng ban hành Quy định 33 về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cụ thể, với người đi xe máy, yêu cầu thị lực đảm bảo 7/10 trở lên (kể cả hỗ trợ của kính), chiều cao tối thiểu phải đạt 1,45m trở lên. Đối với người lái ôtô, chiều cao tối thiểu phải từ 1,50m trở lên. Những người cân nặng dưới 40kg cũng không được lái xe máy dung tính 50cm3. Với nhóm lái xe chuyên nghiệp, những người đã có bằng lái, cần khám tuyển lại yêu cầu chiều cao 1,60m trở lên, với những người tuyển mới, tối thiểu phải đạt 1,62m.
Người có hai chân lệch nhau 2,5-3cm không được lái xe chuyên nghiệp, cụt ngón 1-2 hoặc cụt cả bốn ngón/bàn tay không được điều khiển xe máy.
Những người có thính lực kém, như nghe tiếng nói thầm, 1 tai dưới 3m, tai kia dưới 1m hoặc mất sức nghe cũng không được đi xe máy.
Ngoài ra, quy định mới cũng nêu rõ, những người mắc chứng rối loạn tâm thần cấp/mạn tính; Động kinh; những người bị cơn đau thắt ngực không ổn định; Gù, vẹo hoặc quá ưỡn; Cứng/dính cột sống; Thoát vị đĩa đệm… cũng không đủ điều kiện được lái xe.
Sau khi bị Quy định được ban hành, dư luận đã thật sự “nổi sóng”, nhiều người nói rằng đây là một quy định phân biệt đối xử, không công bằng với những người bị khuyết tật nhỏ vẫn điều khiển được phương tiện… Cuối cùng, để trấn an dư luận, Bộ Y tế đã phải bãi bỏ Quyết định này.
- P.V (tổng hợp)