Thuốc trúng thầu: Tăng hàm lượng để đẩy giá thuốc

11:20, Thứ hai 27/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Trong danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện của 11 tỉnh thành, có nhiều thuốc kháng sinh hàm lượng bất thường, và giá cũng bất thường.

Trong danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện của 11 tỉnh thành, có nhiều thuốc kháng sinh hàm lượng bất thường, và giá cũng bất thường.
[links()]
Tờ Tuổi trẻ dẫn khảo sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện theo quy định mới áp dụng từ ngày 1/6/2012, có nhiều thuốc kháng sinh hàm lượng rất bất thường, các thuốc này đều ít bị cạnh tranh và giá cao hơn nhiều so với thuốc cùng hoạt chất, cùng sản xuất trong nước với hàm lượng thông thường trên thị trường hiện nay.

Như, giá thuốc Cefalexin 350mg của Công ty cổ phần tập đoàn Merap (Việt Nam) trúng thầu tại tỉnh Bình Dương có giá 1.400 đồng/viên, trong khi cùng thuốc này, hàm lượng thường thấy là 250mg (cùng sản xuất trong nước) cùng trúng thầu vào tỉnh Bình Dương của một công ty dược khác giá chỉ có 470 đồng/viên. Thậm chí, loại Cefalexin 500mg (cũng là loại hàm lượng thông thường) của công ty dược này trúng thầu vào tỉnh Bình Dương có giá 725 đồng/viên.

bang-gia-thuoc-trung-thau-Phunutoday.vn
Bảng giá thuôc so sánh trúng thầu tại bệnh viện.Ảnh: TTO.

Hay như thuốc phối hợp Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 750mg có giá trúng thầu bao gồm VAT là 99.000 đồng/lọ, trong khi sản phẩm của công ty dược khác cùng dạng phối hợp, cùng trúng thầu trong danh mục nhưng hàm lượng 1,5g + 1,5g giá rẻ hơn gần một nửa, chỉ còn 59.000 đồng/lọ…

Một chuyên gia về dược của Bảo hiểm xã hội VN cho rằng, về lý thuyết có thể sản xuất thuốc với bất kỳ hàm lượng nào, nhưng điều quan trọng là giá. Khó có thể chấp nhận hàm lượng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh mà giá cao hơn gấp nhiều lần. “Có thể đây là cách lách của doanh nghiệp để tạo sự độc quyền”, vị này đánh giá.

Ông Vũ Xuân Hiển, trưởng Ban Dược - vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội VN) cho hay, đang có xu hướng xuất hiện thuốc hàm lượng không giống bình thường, hàm lượng cao hơn 1-2 lần so với thông thường nhưng giá cao hơn trên ba lần. “Chúng tôi đã có trao đổi với Cục Quản lý dược về hiện tượng này, nhưng hiện nay chưa có biện pháp ngăn chặn”- ông Hiển cho biết.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang lo ngại xu hướng “Trung Quốc hóa thị trường thuốc”. Thực hiện đấu thầu theo quy định mới, các thuốc đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ tham gia đấu giá từng sản phẩm, nhưng khi đấu về giá thì rất nhiều thuốc Trung Quốc trúng thầu vì giá rất rẻ.

Như, Bình Dương có Ceftriaxone 1g của Qilu (Trung Quốc); Hải Phòng có Conxime 0,75g của Shandong Hualu (Trung Quốc), Biloxim 1,5g của Shijiahuang (Trung Quốc); Thừa Thiên - Huế có Tinidazol của Sichuan Kelun (Trung Quốc)...

“Nếu dùng thuốc giá rẻ mà thời gian điều trị kéo dài thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với vấn đề giá thuốc”, một chuyên gia của Bảo hiểm xã hội VN cho biết.

Lâu nay việc quản lý giá thuốc luôn là một đề tài nóng được cả xã hội quan tâm, từng nhiều lần được đưa ra thảo luận, chất vấn trước Quốc hội. Đặc biệt là thuốc trong bệnh viện điều trị theo bảo hiểm y tế, gây nhiều thiệt hại về giá thuốc trúng thầu. Tuy nhiên, thị trường thuốc vẫn còn nhiều điều phải bàn, người dân vẫn phải lo lắng.

Để quản lý giá thuốc đấu thấu vào bệnh viên, hồi cuối năm 2012, Bảo hiểm xã hội VN đã có văn bản yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh thành tham gia quá trình đấu thầu thuốc vào bệnh viện ngay từ giai đoạn đầu, đảm bảo hiệu quả trong quá trình đấu thầu.

Đồng thời giao ban dược Bảo hiểm xã hội VN xem xét lựa chọn 20-30 hoạt chất có số lượng sử dụng nhiều nhất, cung cấp thông tin giá thuốc để các địa phương lựa chọn, kiểm soát giá, giảm chi phí mua thuốc điều trị tại bệnh viện.

Hôm 17/5 vừa qua, Hải quan Pháp đã thu giữ 1,2 triệu viên thuốc aspirin giả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lượng thuốc aspirin giả này đang trên đường đến một công ty Tây Ban Nha có trụ sở tại đảo Balearic để phân phối cho người dân tại vùng bán đảo Iberia, khu vực bao gồm các vùng lãnh thổ của Pháp, Tây Ban Nha, Anh...

Theo Bộ Kinh tế Pháp, thành phần chủ yếu của các viên thuốc aspirin là đường glucose và không chứa bất kỳ hoạt chất chữa bệnh nào. Đây là số thuốc lậu lớn nhất bị tịch thu tại Pháp và châu Âu cho đến nay.

Trong khi đó tại Trung Quốc, Bắc Kinh đang ráo riết càn quét các ổ sản xuất thuốc giả trong nước. Hôm 24/5, chính phủ nước này đã công bố quy định về việc nghiêm trị đối với các cá nhân và tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả và kém chất lượng.
  • P.V (tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc