"Tình yêu sét đánh" của vị Tướng Trường Sa lừng danh

06:32, Thứ tư 07/03/2012

( PHUNUTODAY ) - “Tôi với bà lấy được nhau, sống đến từng này và có với nhau 4 mặt con, nói theo kiểu thời nay là bắt đầu bằng tình yêu sét đánh đấy bà ạ!”.

Cuộc đời binh nghiệp của Tướng Giáp Văn Cương là cả một trang dài với những câu chuyện mà mọi người vẫn thường hay nhắc kể, nhất là những câu chuyện liên quan đến biệt danh mà lính Hải quân một thời đã từng trìu mến gọi ông: “Bố Cương” - “Vị Tướng của Trường Sa”. Tuy nhiên, còn có những chuyện rất thú vị về cuộc đời ông, mà có thể với nhiều người còn chưa biết...
[links()]
Tướng Giáp Văn Cương (nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải Quân), là một vị Tướng tài năng, đức độ, từng vào sinh ra tử, chỉ huy và tham ra nhiều trận đánh khốc liệt trên khắp các chiến trường trong suốt cả hai thời kỳ kháng chiến.

Với những người lính Hải quân, đặc biệt với lính Trường Sa, ông không chỉ là vị Tư lệnh giàu tình cảm, luôn thương yêu và gần gũi với lính, một tấm gương sáng về sự tận tụy, cống hiến quên mình vì dân, vì nước, mà còn là vị Tướng có tầm nhìn chiến lược, nổi tiếng với kế sách “kê cao đất nước” khẳng định hùng hồn chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Chuyện về cuộc “hôn nhân hụt” ở quê

Tướng Giáp Văn Cương sinh ngày 13/9/1921 tại làng An Thuẫn, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình có thế lực (bố là Chánh Tổng - tổng Chu Điện, phủ Lạng Thương, nhà có tới hàng trăm mẫu ruộng, giàu có nổi tiếng cả một vùng), nhưng rất giàu lòng yêu nước và có tinh thần cách mạng.

Tướng Giáp Văn Cương
Tướng Giáp Văn Cương

Mặc dù là “cậu ấm” con nhà gia thế, được cưng chiều, chăm chút và hướng đi theo con đường học hành, khoa cử (được gia đình gửi xuống Hà Nội theo học trường Tây và từng là học sinh trường Bưởi), nhưng ông đã quyết chí đi theo con đường cách mạng, trở thành người lính cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.

Từ “cậu ấm” con nhà Chánh Tổng, bằng lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và với tố chất của con người có tài năng quân sự, ông đã trở thành một vị Tướng nổi tiếng từng giữ nhiều trọng trách cao trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Một người thân trong gia đình Tướng Giáp Văn Cương kể rằng, trước khi thoát ly gia đình (rời xứ Bắc đi vào Nam lập nghiệp năm 1942), ông đã từng “suýt phải lấy vợ” do sự sắp xếp của cha mẹ ở quê.

Phần vì tò mò, phần vì muốn biết thêm về đời tư của một vị Tướng đã quá nổi tiếng với lính Trường Sa, trong dịp về thăm quê ông (làng An Thuẫn, xã Bảo Đài), chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu chuyện này.

Gặp vợ chồng ông Giáp Văn Khai, người cháu ruột gọi Tướng Giáp Văn Cương là chú (ông là con của ông Giáp Văn Bằng, một người anh trai của Tướng Cương), hiện đang sinh sống tại làng An Thuẫn, đem chuyện này ra hỏi, ông Khai hồ hởi, thật thà bộc bạch:

“Đúng là có chuyện như vậy. Lúc còn sống ông bà và bố mẹ tôi mỗi lần nhắc đến chú Cương vẫn đem chuyện này ra kể... Khi đó, chú tôi vào khoảng 18, đôi mươi, ông bà tôi có ý se duyên cho chú với một người con gái rất đẹp người, đẹp nết ở làng.

Gia đình đôi bên đã có đánh tiếng qua lại, nhưng chú Cương tôi thì nhất quyết không đồng ý, chỉ muốn gác lại chuyện riêng tư, mong ước thoát ly gia đình tìm đường theo cách mạng để thỏa “chí trai thời loạn”, dù trong thâm tâm ông cũng có chút cảm tình và rất quý mến người con gái đó”.

Trao đổi thêm với một số người vốn là bạn vong niên với Điều thú vị là sau này, người phụ nữ “suýt trở thành bạn đời” của Tướng Giáp Văn Cương đã gả cô con gái yêu của mình cho một người cháu trai của Tướng Cương.

 Bà Nguyễn Thị Chắt (vợ Tướng Giáp Văn Cương) và con trai út Giáp Văn Hưng
Bà Nguyễn Thị Chắt (vợ Tướng Giáp Văn Cương) và con trai út Giáp Văn Hưng

Đó có thể là duyên số, cũng có thể là bởi bà còn chút nặng nợ với Tướng Cương mà cố ý se duyên cho đôi trẻ? Chuyện không được kiểm chứng từ những người trong cuộc vì cả bà và Tướng Giáp Văn Cương đã mất, hỏi bà Nguyễn Thị Chắt, phu nhân của Tướng Cương, bà cũng chỉ cười và hóm hỉnh trả lời:

“Ông nhà tôi lúc thanh niên ai mà chẳng muốn yêu!”... nhưng dẫu sao đó cũng là một kỷ niệm – một “mối tình đầu đời” thoáng qua mà rất đẹp của Tướng Giáp Văn Cương trong những năm tháng sống ở quê nhà.

Mối lương duyên với người con gái Hà thành từ “tình yêu sét đánh”

Năm 1942, Giáp Văn Cương thoát ly gia đình với mục đích tìm đường đến với cách mạng. Vốn là học sinh trường Bưởi, con nhà gia thế, thông qua một người quen biết của gia đình giới thiệu, “cậu ấm” Giáp Văn Cương đã được nhận vào làm việc trong ngành hỏa xa với chức ký ga Tam Quan (và sau đó trở thành Trưởng ga của ga Quy Nhơn Diêu Trì – Bình Định ngày nay).

Chính tại đây, cơ duyên đã khiến ông gặp được người con gái Hà thành con nhà gia giáo, để rồi chuyện tình nảy nở và kết thúc bằng một cuộc hôn nhân đẹp. Người con gái đó chính là bà Nguyễn Thị Chắt – Phu nhân của Tướng Giáp Văn Cương bây giờ.

Bà Nguyễn Thị Chắt hiện đang sống cùng gia đình người con trai út là anh Giáp Văn Hưng tại số nhà 55/9, phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua, chúng tôi đã có dịp đến thăm và được nghe bà kể rất nhiều câu chuyện về bà và Tướng Giáp Văn Cương.

Mặc dù đã sắp bước sang tuổi 90, nhưng bà rất minh mẫn và khi nói đến người chồng quá cố, hình như mọi kỷ niệm yêu thương của một thời lại ùa về khiến giọng bà run run, xúc động.

Bà gặp ông Cương vào khoảng cuối năm 1942, đầu năm 1943. Lúc ấy bà cùng gia đình theo bố là chủ ga Tam quan chuyển từ Hà Nội vào Tam Quan, Bình Định sinh sống. Ông Cương vừa mới vào làm việc tại đây.

Ông có quan hệ rất thân thiết với cậu ruột của bà khi đó cũng đang công tác ở ga Tam Quan, nên thường được cậu rủ về nhà bà chơi. Lần đầu tiên gặp bà, ông đã bị hút hồn bởi nhan sắc của người con gái Hà thành, nên sau đó hay kiếm cớ để tiếp cận.

Biết được bà rất mê đọc tiểu thuyết, ông thường tìm sách hay mua tặng. Thời đó sách còn hiếm và đắt lắm chứ không như bây giờ, vì vậy bà rất cảm kích, xúc động trước nghĩa cử của ông, nhất là mỗi lần tặng sách, ông lại giấu kèm trong đó những bức “thư tình”.

Sau một thời gian quen biết, dẫu đã cảm mến và trong lòng thực sự đã yêu ông, nhưng vốn sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia giáo (theo kiểu người Hà Nội xưa), nên bà vẫn luôn giữ ý, đôi khi tìm cách tránh mặt, hoặc nếu có gặp ông cũng chỉ dám ngồi cách mấy hàng ghế, nói dăm ba câu thăm hỏi chứ không như trai gái yêu nhau bây giờ.

Suốt thời gian yêu nhau, ông vẫn xưng tôi và gọi bà là “cô Chắt”, còn bà thì gọi ông là “Thầy ký”. Bước vào tuổi 18 đôi mươi, vốn là gái Hà Nội con nhà nề nếp, lại có nhan sắc cho nên khi ấy bà được nhiều gia đình đánh mối, chọn làm ý trung nhân cho con trai họ.

Họ là người miền Nam, có người dân Bắc nhưng bà chưa ưng bất cứ đám nào, chỉ đến khi gặp được ông thì bà đã thầm nguyện trao trọn cuộc đời mình cho ông.

Tuy nhiên, khi được gia đình đôi bên đánh tiếng mối mai, se duyên đôi lứa, bố mẹ hỏi ý của bà, mặc dù lòng đã thầm thương, trộm nhớ ông, bà vẫn giả vờ từ chối để rồi khi nghe bố nói: “Thôi mình là người Bắc thì gả con cho người Bắc vậy!”, bà mới thở phào, mở cờ trong bụng.

Ngày 11/4/1944, đám cưới của ông bà được tổ chức. Mặc dù diễn ra giản dị, không chụp ảnh cầu kỳ, đưa rước long trọng, nhưng lần nào nhớ lại, , bà vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động và rất đỗi hạnh phúc.

Bà Chắt kết thúc câu chuyện tình của mình bằng lời tâm sự rất thật, đầy chứa chan tình cảm của một người phụ nữ cả đời tận lòng chung thủy, sống hết mình vì chồng con:

“Kể từ ngày cưới nhau cho đến khi ông ấy mất vì bạo bệnh năm 1990, tính ra tôi và ông ấy đã làm vợ làm chồng trọn tình, trọn nghĩa gần 50 năm trời, nhưng thực ra để được sống gần nhau theo đúng nghĩa như các cặp vợ chồng khác thì chỉ vỏn vẹn có 3 năm.

Đó là khoảng thời gian ông được điều về công tác ở Bộ Quốc phòng...” – Bà ngừng lời, đứng dậy thắp lên bàn thờ ông mấy nén nhang, rồi chậm rãi nói tiếp: “...

Ông ấy cứ đi biền biệt hết chiến trường này, sang chiến trường khác, thời làm bên Hải quân thì liên tục những chuyến đi biển, đi Trường Sa dài ngày, nên mấy khi được ở với nhau lâu đâu.

Một mình nuôi 4 đứa con, lại thêm lo việc đối nội, đối ngoại, trăm thứ linh tinh vất vả vô cùng, nên lắm lúc tôi cứ hay đùa nghĩ, mình là một trong những người vợ Tướng cực nhất trong số vợ các Tướng lĩnh cao cấp ở Việt Nam...

Nhưng nói là nói vậy thôi, chứ có bao giờ tôi trách cứ gì đâu, cũng vì nhiệm vụ cả mà, duyên số cho tôi gặp ông được như thế là tôi mãn nguyện lắm rồi. Chả thế mà, sau này khi về già, vợ chồng ngồi chuyện trò với nhau, nhắc chuyện cũ, ông nhà tôi vẫn thường đùa trêu tôi:

“Tôi với bà lấy được nhau, sống đến từng này và có với nhau 4 mặt con, nói theo kiểu thời nay là bắt đầu bằng tình yêu sét đánh đấy bà ạ!”.

Trước lúc chia tay bà Chắt, chúng tôi thắp nhang, kính cẩn viếng ông thay cho lời tạm biệt. Ông, Giáp Văn Cương – “Vị Tướng của Trường Sa” đã có một cuộc đời đầy vẻ vang, oanh liệt, nhưng cũng không thiếu những điều thú vị...  

Hà Nội tháng 2  năm 2012

  • Nguyễn Đức Phương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc