.
Uyên quen Lâm ở Pháp. Anh sang Pháp học tiến sĩ chuyên ngành Toán. Trông anh cũng đặc sệt chất “toán học”, cao lòng khòng, gầy như que củi, mắt thì đeo cặp kính cận dày cộp. Lúc đó cô còn đang là sinh viên năm cuối của một trường khác trường anh, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Cô theo bố sang Pháp từ khi đang học cấp 2, nên cuộc sống ở đây đối với cô đã gần như hoàn toàn quen thuộc.
Thực ra hồi mới quen anh, cô chẳng có thiện cảm với anh chút nào. Trông anh chẳng khác gì hình ảnh mấy ông tiến sĩ đầu to mắt cận mở miệng ra là nói chuyện lý thuyết viển vông và rao giảng đạo đức mà cô đã có thành kiến sẵn.
Đơn giản vì bố cô cũng là một người như vậy, ông đặc biệt xuất sắc trong chuyên môn của mình, nhờ ông mà cả gia đình mới có thể nhập cư vào Pháp, nhưng ông sống rất khô khan, từ khi vợ mất, ông cũng chẳng mấy khi tỏ ra gần gũi với Uyên và hai đứa em trai của cô. Hơn nữa ông còn rất gia trưởng, cho nên tiếng là sống ở Pháp nhưng gia đình cô “truyền thống” hơn bất cứ một gia đình truyền thống Việt Nam nào theo cái nghĩa là bố đã nói thì các con không có quyền cãi lại.
Sống trong không khí gia đình như vậy, Uyên lúc nào cũng cảm thấy gò bó và ngột ngạt. Cho nên khi bước chân vào đại học, chuyển sang một thành phố khác để bắt đầu cuộc sống sinh viên tự do, Uyên cảm thấy như mình được tháo cũi xổ lồng.
Tính cách hồn nhiên sôi nổi của cô được thỏa sức bộc lộ. Cô kết thân với các bạn đủ mọi dân tộc, màu da, và cũng nhanh chóng có vài ba mối tình. Những mối tình sinh viên lãng mạn đến rồi đi ấy dường như không để lại chút ưu tư nào trong đôi mắt trong vắt vô tư lúc nào cũng như mỉm cười của cô.
Ảnh minh họa |
Trong suy nghĩ của Uyên hồi ấy, sau này nếu cô có kết hôn, thì thứ nhất cô phải tránh xa đàn ông Việt Nam (đàn ông Việt Nam gia trưởng lắm, cứ nhìn bố cô là biết!), thứ hai là cô phải tránh xa mấy anh tiến sĩ (cả ngày chỉ biết chúi đầu vào sách vở, lý thuyết thì hay mà thực hành thì chẳng ra gì, cái này cũng lại suy ra từ bố cô nốt!).
Ấy thế mà, đúng như các cụ vẫn nói, “ghét của nào trời trao của ấy”, Uyên lại yêu một anh chàng Việt Nam, lại còn đang theo học chương trình tiến sĩ. Cũng phải nói thêm rằng, Lâm hóa ra không “đơn giản” như vẻ bề ngoài của anh.
Lần đầu tiên quen anh trong một ngày hội Văn hóa Việt Nam do sinh viên mấy trường đại học cùng đứng ra tổ chức, Lâm đã khiến Uyên phải chú ý đến mình vì trong khi các anh chàng khác vây quanh cô (chẳng gì thì cô cũng được ngầm mệnh danh là “hoa khôi người Việt” ở đây, hơn nữa thành tích học tập và tiếng Pháp của cô đều thuộc loại đáng nể) thì Lâm lại chẳng hề liếc mắt nhìn cô lấy một cái gọi là có.
Quen anh được vài ba tháng, Uyên mới khám phá ra Lâm có rất nhiều đam mê, nhiều tài vặt bên cạnh cái chuyên ngành Toán khô như ngói của anh. Anh biết chơi đàn ghi-ta, và đã từng chơi trong một ban nhạc rock suốt cả thời đại học ở Việt Nam. Anh thích chụp ảnh, và đã từng xuất bản vài ba cuốn sách ảnh trong đó anh không chỉ là người cầm máy mà còn là người thiết kế từ đầu đến cuối. Nhưng bất ngờ hơn cả là anh rất dí dỏm.
Ở bên anh Uyên có thể cười vui suốt ngày, và cô quen với cái cảm giác có anh bên cạnh lúc nào không hay. Ngoài giờ lên lớp, Uyên và Lâm bắt đầu có thói quen cùng làm mọi việc với nhau, cùng đi thư viện học bài, cùng đi siêu thị mua đồ nấu ăn, và cũng khám phá mọi hang cùng ngõ hẻm của thành phố Paris mà Uyên tưởng mình đã quá đỗi quen thuộc.
Rất nhanh chóng, họ yêu nhau, một tình yêu đẹp đẽ và thơ mộng đủ để khiến cho mọi người phải ngưỡng mộ. Họ dành những ngày nghỉ cuối tuần dạo chơi bên bờ sông Seine, cùng mơ ước về ngày tình yêu đơm hoa kết trái. Yêu nhau hai tháng, Uyên dẫn Lâm về nhà gặp mặt bố cô cùng hai người em trai, và anh lập tức chiếm được cảm tình của họ. Những tưởng chuyện tình yêu của họ sẽ mãi tươi đẹp và êm đềm như nước sông Seine.
Những lá thư kết nối tình cảm của… hai người phụ nữ
Mọi rắc rối chỉ bắt đầu khi mùa hè năm đó, sau khi Uyên tốt nghiệp đại học, Lâm đưa Uyên về Việt Nam ra mắt bố mẹ anh. Cha Lâm là người hiền lành, không thích can thiệp vào chuyện của con cái. Nhưng mẹ anh thì khác hẳn.
Từ buổi gặp gỡ đầu tiên, bà đã tỏ ra không bằng lòng với cô con dâu tương lai mà theo bà là “nửa Tây nửa ta”. Sang đến tuần thứ hai, bà tìm cách nói bóng gió với cô: “Nói thật với cháu, Lâm là con một, nên kiểu gì sau khi lấy vợ xong nó cũng phải sống cùng hai bác ở Việt Nam. Mà đúng là trời xui đất khiến thế nào ấy chứ, từ trước đến nay, cả hai bác, cả thằng Lâm đều mong nhà này có một cô con dâu thuần Việt…” Uyên nghe bà nói chỉ im lặng, cũng giống như bao lần cô đã im lặng trước những lời dạy bảo bất tận của bố cô để rồi sau đó lại âm thầm làm theo ý mình.
Ba ngày sau, cô đột ngột rời Việt Nam trở về Pháp, chỉ để lại hai lá thư, một cho Lâm và một cho mẹ anh. Trong lá thư cho Lâm, cô nói tình yêu cô dành cho anh vẫn không có gì thay đổi, nhưng cô không thể vì anh mà hy sinh cuộc sống tự do của mình, vì vậy, cô chọn cách ra đi. Còn trong lá thư gửi lại cho mẹ Lâm, Uyên viết: “Thưa bác, cháu mất mẹ từ thuở bé, nhưng cháu hiểu tấm lòng người mẹ mà bác dành cho anh Lâm. Cháu không muốn làm người chia rẽ tình cảm hai mẹ con bác…”.
Sau khi nhận được thư cô, Lâm lập tức thu xếp quay trở lại Pháp, nhưng đúng lúc đó thì cô đã xin được việc làm và chuyển đến sống ở Dunkirk, một thành phố nhỏ ven biển cách Paris hàng vài trăm cây số. Còn Lâm, vướng bận việc học ở trường, cũng chẳng biết làm thế nào để thuyết phục Uyên, nhất là khi cô đã chủ động cắt đứt mọi liên lạc với anh. Lâm chỉ còn kịp chuyển cho Uyên một lá thư trả lời của mẹ anh – lá thư mà trước khi anh đi, mẹ đã dặn dò nhất định phải chuyển đến tận tay Uyên.
Chẳng biết mẹ Lâm viết những gì trong lá thư mà sau đó Uyên lại viết thư trả lời gửi đến tận địa chỉ của bà ở Việt Nam. Thế rồi những lá thư “tranh luận” của hai người phụ nữ một già một trẻ cứ nhiều lên theo năm tháng.
Uyên bắt đầu kể với mẹ Lâm những chuyện mà cô chưa từng tâm sự với ai, mặc cảm của cô từ thuở ấu thơ khi mẹ mất, những nỗi niềm “con gái” mà cô không thể chia sẻ với người bố khô khan và hai đứa em trai vô tâm, và cả lòng “ghen tị” của cô với Lâm khi chứng kiến những quan tâm săn sóc nhỏ nhặt mà mẹ dành cho anh khi cô ở Việt Nam.
Còn mẹ Lâm lại say sưa kể về những năm tháng vất vả bà nuôi dạy đứa con trai duy nhất khi chồng trong quân ngũ, cả những kỳ vọng của bà về cô con dâu tương lai người sẽ thay bà chăm sóc cho Lâm.
Những lá thư như chiếc cầu nối ngày càng đưa hai người phụ nữ đến gần nhau hơn, và Lâm không thể tin vào mắt mình khi vài tháng sau, chính Uyên chủ động đến tìm gặp anh để thông báo cô đã tìm được một người “mẹ nuôi”, đó chính là mẹ của Lâm. Anh càng ngạc nhiên hơn khi ngay ngày hôm sau nhận được điện thoại của mẹ dặn dò anh phải chăm sóc cẩn thận cho cô “con gái nuôi” tên Uyên của bà.
Câu chuyện tình yêu của Lâm và Uyên đã được nối lại bằng những cánh thư không phải của hai người yêu nhau mà là của mẹ chồng và con dâu tương lai. Mẹ Lâm đã bị chinh phục bởi tính cách thẳng thẳn, chân thành và sự thông minh của cô gái “nửa Tây nửa ta” mà ban đầu bà không hề có thiện cảm.
Còn Uyên lại tìm thấy ở những lời bộc bạch đôi khi tưởng chừng rất “khó nghe” của mẹ Lâm tấm lòng của một người mẹ. Cho đến tận bây giờ, khi Lâm sắp tốt nghiệp và đôi bạn trẻ đang chuẩn bị cho một đám cưới, Lâm vẫn không khỏi mỉm cười cảm ơn số phận mỗi khi anh nhớ lại chuyện đã qua.
Bắt đầu bằng những lá thư, hai người phụ nữ mà anh cần nhất trên đời cuối cùng đã dành tình cảm cho nhau, và chính tình cảm đó cuối cùng đã giúp anh tìm lại được tình yêu tưởng chừng đã mất.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Lâm tốt nghiệp. Lâm và Uyên vẫn chưa quyết định được họ sẽ chọn Pháp làm nơi lập nghiệp hay quay lại quê hương Việt Nam. Nhưng điều đó giờ đây dường như không còn quan trọng nữa, vì dù họ ở đâu, mẹ Lâm cũng biết con trai bà đã được một bàn tay đầy tin cậy chăm sóc, còn Uyên thì biết rằng mình luôn nhận được sự ủng hộ của “mẹ nuôi”.
Trang Anh