Tộc người nuôi ma giữa đại ngàn

06:58, Thứ năm 06/10/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - “Muốn thấy người ta nuôi ma phải vào rừng ma. Trong rừng ma, cây rừng um tùm, rắn độc nhiều lắm, nếu không cẩn trọng dễ bị nó đưa về chốn a-tâu đấy” – Buôl nói.


Đến TP.Pleiku, trong những ngày dừng chân ở phố núi, chúng tôi được anh Rơ-chăm Buôl, người Gia Rai (còn gọi Jrai) kể cho nghe nhiều chuyện huyền bí ở núi rừng Gia Lai. Đặc biệt là Chư Pảh, bà con nơi đây vẫn còn giữ nhiều tập tục duy trì hàng trăm, hàng ngàn năm, như tục chôn chung trong hòm độc mộc, tục chia của, tục nói chuyện với người chết, tục nuôi cơm cho người chết (nuôi ma)…


Chư Pảh cách TP.Pleiku khoảng 40km, khoảng cách không quá xa nên chúng tôi quyết định thám hiểm vùng đất huyền bí này để được tận tường cái tục lệ “nuôi ma” . Trước khi chúng tôi lên đường, Rơ-chăm Buôl tận tình chỉ dẫn đường đi cũng như bày cho chúng tôi vài kỹ năng đi rừng, đặc biệt là cách nhận biết vài thứ lá cây có tác dụng ngăn chặn nọc độc chết người của nhiều loài rắn dữ. “Muốn thấy người ta nuôi ma phải vào rừng ma. Trong rừng ma, cây rừng um tùm, rắn độc nhiều lắm, nếu không cẩn trọng dễ bị nó đưa về chốn a-tâu đấy” – Buôl nói.

"Rừng ma" là nơi an nghỉ ngàn đời của tộc người Gia Rai, như nghĩa địa của người Kinh. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi "rừng ma" là cấm địa giữa rừng già, là vùng đất bất khả xâm phạm với dân làng. Người Gia Rai tin rằng thế giới của người chết là thế giới của hồn ma (a-tâu).

Ở thế giới này, nếu không phải vì đưa tiễn người chết về cõi ma (đưa đi chôn) hay tiến hành làm lễ bỏ mả (pơthi) thì không ai được phép đặt chân vào. Lễ "bỏ mả" chính là nghi lễ người sống tiễn đưa người chết vào thế giới khác, nơi người chết chính thức bước chân vào thế giới "cực lạc", bắt đầu cuộc sống mới của các hồn ma.

Người Gia Rai tin rằng làm người cõi ma sung sướng hơn làm người đang sống nên tổ chức liên hoan, đánh chiêng vui vẻ, nhảy múa không ngừng, ăn uống linh đình. Cũng từ lễ "bỏ mả" này, từ đây người sống không còn bất kỳ liên hệ gì với người chết.

Đến trung tâm huyện Chư Pảh, theo hướng dẫn của Rơ-chăm Buôl, chúng tôi tìm đường đến làng Vân, một ngôi làng cổ của người Gia Rai hình thành hơn 300 năm qua, tìm gặp ông Rơ-chăm-Tuốt (58 tuổi), người nói tiếng Kinh rất tốt, am hiểu nhiều luật tục nơi núi sâu rừng thẳm. Không có ông Tuốt ở nhà, tiếp chúng tôi là cô con gái út của ông, tên Rơ-chăm-Lan.

s
Một góc núi rừng Chư Pảh


Ở tuổi 23, Lan xinh đẹp như đóa lan rừng, cô “sở hữu” đôi mắt đen lay láy, mơ màng như nước hồ thu, môi rõ nét, nụ cười hiền dịu, một nhan sắc đằm thắm, xen lẫn giữa kiêu sa và hoang dã. Giọng Kinh lơ lớ, cô sơn nữ bẽn lẽn cho biết “ông cha bà mẹ đi rẫy rồi”. Rẫy nhà Rơ-chăm-Lan là khu vực nằm ở lưng chừng đèo Sê San, đèo cao vực sâu, nơi dẫn lên thượng nguồn đập thủy điện Sê-San, vùng đất cheo leo, hiểm trở mà ít người thành phố biết và đặt chân đến!

Từ dưới chân núi, chúng tôi men theo con đường ôm vòng vèo qua các cánh rừng, càng lên cao, cảnh tượng trước mắt càng tạo cho những kẻ thứ lữ cảm giác mình lạc vào chốn thiên thai.

Đèo Sê San dài 33km, đến km thứ 20, khung cảnh hoang sơ, núi rừng trùng điệp, mây bay la đà trên đỉnh non cao, khi ẩn lúc hiện trong gió thổi lồng lộng.

Thi thoảng những con suối hoang tuôn dòng chảy trắng xóa trên các triền núi cao trước mặt, được điểm xuyết bởi những vạt hoa dại cùng bóng dáng của những sơn nữ lưng đeo gùi, tay cầm xà-gạc (vừa là nông cụ phát hoang bụi rậm khi đi rừng vừa là vũ khí chống thú dữ khi đối mặt)…, thật là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ!

Ở km thứ 25, chúng tôi gặp một lán trại nhỏ nằm ẩn dưới bóng cây đại thụ khổng lồ ở ven đường. Ngồi trước lán trại là một người đàn ông dáng vạm vỡ, ngực trần vững chắc như rừng cây chik (một loại cây cổ thụ được người Gia Rai dùng khoét lõi làm hòm độc mộc) chẳng gió bão nào có thể quật ngã. Do được anh Rơ-chăm Buôl và cô sơn nữ Rơ-chăm-Lan miêu tả từ trước nên chúng tôi biết đấy là Rơ-chăm-Tuốt.

Sau vài câu xã giao làm quen, ông Tuốt, sau khi rít sâu chiếc tẩu thuốc được làm từ sừng con min (bò rừng, loài này nay gần như tuyệt chủng) màu ngà, lên nước bóng loáng, phà khói mù trời, tỏ vẻ đắn đo. Ông dè dặt nói: “Vào rừng ma sợ lắm, mình không dám đâu. Mày kiếm người khác đi”. Tôi hỏi về nỗi sợ hãi này thì Tuốt bảo: “Khó nói lắm! Khó nói lắm! Sợ lắm! Sợ Lắm!”

Rơ-chăm-Tuốt chỉ lắp bắp trả lời như thế, gặng hỏi cũng không thể ghi nhận được gì hơn. Mãi một lúc sau, chiến binh của núi rừng ngày nào, thì thào: “Mùa rẫy trước (năm 2010), mình đi lạc vào rừng ma ở làng Dip (xã Ia Kreng). Đó là rừng cũ (khi rừng ma đầy mả mồ, người Gia Rai sẽ trồng 1 cây đa để làm dấu cho các thế hệ sau nhận biết đấy là cấm địa chốn a-tâu để các thế hệ con cháu biết đường mà tránh kinh động). Lúc về thì bị đau bệnh, không ăn được, không uống được, không ngủ được. Đang mạnh khoẻ bỗng như con suối cạn nước. May nhờ cúng Ỳang (thần linh) mà không bị bắt chết”.

d
Loại hòm độc mộc đẽo từ gỗ chik của người dân tộc Gia Rai


Vì sợ bị ma rừng bắt bệnh chết đau chết đớn nên Rơ-chăm-Tuốt nhất định không dám mạo hiểm dẫn đường đưa chúng tôi đến rừng ma. Tuốt chỉ tay lên đỉnh Sê-San chìm giữa mây mù, mà rằng: “Mày cứ theo con đường này, đi đến khi đụng núi thì bỏ xe, men theo con suối đi mãi, đi mãi, đi đến khi gặp mấy cái tượng gỗ là đến chỗ rừng ma”. Dứt lời, Tuốt đeo gùi, tay cầm xà–gạc lầm lũi tiến vào rẫy.

Luật tục kỳ lạ giữa rừng già
     
Thời gian chầm chậm trôi. Bóng dáng Rơ-chăm-Tuốt trong phút chốc chìm giữa núi rừng thinh lặng. Đang lúc thất vọng não nề với suy nghĩ sẽ không thể nào đặt chân vào “vương quốc” của các a-tâu để được xem hòm độc mộc, đồ tùy táng với tivi, đầu máy kỹ thuật số, xe đạp, xe máy… được người sống bỏ lại nhà mồ theo tục chia của (khi có người thân qua đời, người Gia Rai sẽ mang tất cả vật dụng, tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết lúc sinh thời, mang trả cho người chết, để người chết có phương tiện sử dụng, làm kế sinh nhai ở thế giới ma) và đặc biệt là tận tường hủ tục nuôi ma, thì cơ may chợt đến.

Từ phía khoảng rừng um tùm mà lúc nãy Rơ-chăm-Tuốt đi vào, một thanh niên dáng gầy ốm xuất hiện. Thấy chúng tôi, anh ta nhoẻn miệng cười, tay cầm điếu thuốc lá xin chút lửa. Người thanh niên giới thiệu tên Lương, là người ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, lên lập nghiệp ở huyện miền núi Chư Pảh từ năm 2005, lấy vợ là người Gia Rai năm 2008, hiện sinh sống tại làng Dúch 1 (xã Ia Kreng có 3 làng, gồm làng Dúch 1, Dúch 2 và làng Dip).

Lương thổ lộ: “Trong quá trình thu mua nông sản ở Ia Kreng, tôi gặp Rơ-chăm-Xinh, cô ấy hiền lành, xinh đẹp nên đem lòng yêu và cưới. Vì làm rể đồng bào được gần 3 năm qua nên tôi rất rõ những luật tục, hủ tục nơi núi cao rừng thẳm này”.Chúng tôi chia sẻ ý định thám hiểm chốn a-tâu cũng như tìm hiểu cội nguồn của hủ tục nuôi cơm người chết, Lương xởi lởi nhận lời.

Vừa dấn bước vào rừng, vừa dùng xà gạc phát quang bụi rậm mở đường, để hành trình ngắn lại và đỡ phần căng thẳng ,Lương cho biết: “Không như người Kinh có thể vào ra nghĩa địa thăm mả mồ người thân bất kỳ lúc nào, người Gia Rai tin rằng nếu không vì đưa ma, nuôi ma, làm lễ bỏ mả thì ai đó cả gan đặt chân vào rừng ma sẽ gây họa cho chính mình và người thân. Khi ấy ma rừng, người của cõi a-tâu sẽ theo dấu chân, theo hơi của người sống về đến buôn làng, vào tận nhà bắt người, bắt trâu bò, gây nên dịch bệnh”.

Lầm lũi tiến vào rừng, chúng tôi bắt gặp già làng Rơ-chăm-Sek khi già đang ngồi nghỉ bên gùi măng rừng, dưới một gốc cây chik đại thụ, thân to bằng vòng ôm của 3 người, cành lá chi chít dây leo uốn éo, đan chặt vào nhau như những đôi mãng xà khổng lồ đang vào mùa tình ái. Già Sek năm nay 76 mùa rẫy (76 tuổi) nhưng tráng kiện, vạm vỡ, thân chắc nịch, nhìn như người ở tuổi 60. Lương bảo nhỏ, “muốn biết gì về luật tục của buôn làng, cứ hỏi già rồi vào rừng ma hẵng chưa muộn”.

d
 


Già Sek nói rằng, theo phong tục qua hàng trăm mùa rẫy của tộc người, một khi chưa làm lễ bỏ mả thì người thân của người chết vẫn phải ngày ngày mang cơm nước, rượu thịt cho người dưới mộ được ăn no uống say. Cũng tại mả mồ giữa rừng, người sống sẽ khóc than kể lại những kỷ niệm lúc sinh thời, những chuyện xảy ra hàng ngày… với người chết.

Chúng tôi hỏi già Sek, người chết thì làm sao có thể ăn cơm uống rượu, họ ăn uống như thế nào, thì già nghiêm mặt bảo, “khi nào vào rừng ma mày sẽ biết thôi”. Rồi già diễn tả cảnh người sống khóc than, bón cơm đổ rượu cho người chết: “Con khóc cha, chồng khóc vợ… phải ngồi xổm, hai tay chống đầu gối hoặc áp 2 lòng bàn tay lên má. Lúc cho ma ăn cũng ngồi xổm như vậy!”.

 Rồi già trầm giọng kể chúng tôi nghe truyền thuyết nuôi ma “Cem asơi ak” mà theo ngôn ngữ của đồng bào có nghĩa là “đem cơm cho quạ”. Trước khi vào chuyện, già thủ thỉ rằng, chỉ có những người trên 60 mùa rẫy như già mới rõ, lớp trẻ ngày nay chẳng mấy đứa biết cội nguồn của tục này.

Giọng kể trầm trầm của già Sek từ từ đưa chúng tôi vào thế giới cổ xưa của người Gia Rai hàng ngàn mùa rẫy trước. Giọng già Sek trầm lắng: “Hai vợ chồng ông kia có con đau bệnh mà chết. Sau khi để con vào áo chik (hòm độc mộc bằng gỗ chik), người cha cùng đàn ông trong làng đưa thằng bé đi chôn ở rừng ma. Vì thương con, vì không gặp được con như ngày trước nên người cha buồn lòng, ông không tin con đã chết. Ông bỏ nhà, ông đi vào rừng sâu tìm con. Lúc ông đi, bà vợ buồn rầu, sinh đau bệnh mà chết. Rồi bà được dân làng chôn cạnh mộ con”.

Người đàn ông đi mãi, đi mãi về phía mặt trời lặn rồi một ngày nọ, ông thấy vợ và con, ông vui mừng dẫn vợ con về nhà. Nhưng khi đi qua rừng ma, vợ con ông biến mất. Ông kiếm tìm, kêu gọi đến lúc cái chân không bước nổi, cái giọng khản đục thì thấy một con quạ đen đậu trên mả mồ vợ con, con quạ nói: “Tôi và con chết rồi. Mẹ con tôi đói lắm. Ông thương thì mang cơm rượu cho chúng tôi ăn. Mỗi tháng ông mang một lần, trò chuyện cho mẹ con tôi đỡ nhớ làng. Khi nào ông giết trâu đãi làng, chia cho tôi và con khung dệt, cái chày, cái nia, cái cối giã gạo thì mẹ con tôi sẽ đi nơi khác sống”.

 Đó là câu chuyện mang đầy tính huyền thoại từ ngàn xưa, nghe qua ai cũng không thể tin, nhưng theo già Sek thì từ đó cái tục “nuôi ma” đã hình thành và gắn bó cho đến nay cùng với dân làng.

Già Sek nói: “Tục nói chuyện, cho ma ăn cơm uống rượu là như vậy đó!”. Rồi già bỏ nhỏ: “Làng có bà Siêng thường hay ra rừng ma nuôi cơm cho chồng, trò chuyện với chồng là ông Sớt. Mày ra đó biết đâu gặp bà!”

Cận cảnh tục nuôi ma và những bí ẩn của đại ngàn

Tiến ra khỏi rừng, già làng Rơ-chăm Sék để lại chi tiết đắc địa ấy. Lúc này khoảng 1 giờ chiều nhưng trời núi sầm tối, không khí u buồn, bức bối đến lạ. Lương tặc lưỡi nói: “Trời tối do mây che ánh mặt trời, lại thêm cành lá cây rừng tầng tầng lớp lớp che phủ. Mùa này trời tối nhanh, mưa hay đến bất chợt. Mình tranh thủ đi nhanh rồi ra khỏi rừng cho sớm, bằng không tối về, mưa xuống, lúc đó rắn độc, thú dữ bắt đầu ngày mới của chúng, nguy hiểm lắm!”

s
Tượng người mặt buồn ra-cong được đẽo tạc để làm bầu bạn


 Tiếp  tục dấn sâu vào rừng, tâm trạng chúng tôi nơm nớp lo sợ. Rồi cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân vào thế giới của a-tâu. Vương quốc của những hồn ma ngổn ngang những chiếc hòm bằng gỗ chik nằm lăn lóc chờ người chết.

 Bao quanh những ngôi nhà mồ là những hàng rào gỗ và vô số tượng nhà mồ được đẽo từ cây rừng, trong đó có những tượng ra-com (mặt người buồn) tạc hình người không rõ là nam hay nữ ngồi xổm, tay ôm mặt rầu rĩ… đang mục rã theo thời gian và sự huỷ hoại của nắng mưa. Sau này qua trò chuyện với các già làng, chúng tôi được các già cho biết những tượng nhà mồ đó được tạc đẽo có nhiều ý nghĩa. Có già bảo tượng độc mộc là cách để người sống bày tỏ nỗi buồn mất mát, có già cho rằng tượng người gỗ là bầu bạn, là nô lệ để hầu hạ người chết ở thế giới bên kia.

Đảo quanh rừng ma, chúng tôi bắt gặp nhiều vật dụng sinh hoạt, săn bắn, ăn uống…. mà người sống chia cho người chết theo tục chia của. Đó là cái gùi, cái xà-gạc, những ché rượu, cái tẩu thuốc, tivi, đầu máy, đầu karaoke, quạt máy…

Anh Lương kể: “Hồi mới ở rể của đồng bào, khi vào rừng ma, tôi rất bất ngờ khi thấy nhiều vật dụng có giá trị như thế lại bị đồng bào phơi nắng phơi mưa, bỏ mặc rệu rã, hư hỏng với thời gian mà không chút xót xa. Sau này qua tìm hiểu, tôi mới biết cái tục lệ chia của ấy hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm sâu. Nó thể hiện sự chân chất, không tham lam, tính hào sảng của đồng bào. Thứ gì của người chết thì trả cho họ, người sống không tham lam, không mưu cầu, không có sự ganh đua, không chiếm đoạt những gì không phải là của mình, cũng như không có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào tài sản thừa kế”.

d
Ché rượu – vật quý mà người sống chia cho người chết


Tại rừng ma hôm ấy, chúng tôi bất ngờ bắt gặp người phụ nữ tên Rơ-chăm-Siêng thường ra nuôi cơm cho chồng. Lúc này chúng đây tôi mới hiểu được cách thức mà người sống nuôi cơm cho người chết. Để những khóc than, hoài niệm của mình đến tai người dưới mộ và để cơm rượu được vào miệng người trong cõi a-tâu, người Gia Rai khoét một lỗ cỡ 10cm trên nắp quan tài độc mộc.

Ngày ngày ra nhà mồ, người sống sẽ đổ cơm, rượu qua cái lỗ nối âm - dương ấy vừa thủ thỉ kể cho người chết nghe những chuyện liên quan đến gia đình, người thân và buôn làng, ngày ngày đang diễn ra. Người cho ma ăn cũng có thể bộc bạch những bức xúc, những khó khăn và mong người ở chốn a-tâu san sẻ, hỗ trợ mình để tháo gỡ những… điều bức bí ấy!

Sau hơn 1 giờ đồng hồ kể từ lúc gặp gỡ, chứng kiến người phụ nữ tên Siêng nuôi ma, khi “công đoạn” nuôi ma” của bà vừa kết thúc thì chúng tôi mới có cơ hội trò chuyện, hỏi thăm. Chị Siêng kể rằng, “lúc nào mình ăn thì cho ma ăn. Thường thì ngày 2 bữa, lúc trưa, lúc chiều. Nhưng khi nào mưa to gió lớn mình nuôi ma một lần thôi. Lúc không vào rừng được như bị đau bệnh, có công việc… thì hôm sau mình cho ma ăn bù, uống bù! Rồi mỗi lần như thế thì giờ giấc thì tùy thôi, hôm nào dư thời gian, trời không mưa gió, có nhiều chuyện để kể thì ngồi lâu lắm!”

Chị Siêng tâm niệm, chồng chị chết là chết phần xác, chứ phần hồn vẫn sống, vẫn cần ăn, cần được san sẻ yêu thương, an ủi. Chị nói một khi chưa làm lễ bỏ mả thì chị còn phải nuôi ma dài dài. Siêng khẳng định rằng, “Không ai bắt buộc mình phải nuôi ma. Chỉ là phong tục cha ông thì mình làm theo thôi. Ai có điều kiện thì ngày nuôi ma 2 lần, không thì ngày một lần, tuần 1 lần, tháng 1 lần cũng được”.

Tôi hỏi khi nào thì làm lễ bỏ mả. Chị nhoẻn miệng cười: “Không biết được đâu, có thể 3 năm, 4 năm, hoặc nhiều nhiều năm nữa. Khi nào mình có điều kiện mổ trâu, giết gà đãi cả làng thì bỏ mả thôi”. Và như thế thì có khi người đã chết còn làm khổ người sống bởi cái lễ cần đến trâu, gà đó.

d
Chị Rơ-chăm-Siêng trò chuyện với người chồng quá cố khi “nuôi ma


Trời sập tối thật nhanh. Khi trời chuyển mưa, chị Siêng cắp chiếc nón tơi chào chúng tôi để trở về làng. Trước khi rời khỏi rừng ma, chị không quên ngồi xổm, tay chống gối tạ từ người chồng quá cố. Sợ mưa xuống “vắt tấn công hút máu, rắn quấn chân phun nọc độc” nên chúng tôi cũng rút ra khỏi rừng.

Đêm hôm ấy, bên ngôi nhà sàn nằm giữa rừng già, bên ánh lửa bập bùng, cùng với nhữung câu chuyện dài về núi rừng thuở hồng hoang, già làng Rơ-chăm-Sek, quay trở lại câu chuyện nuôi ma: “Bây giờ rừng ít thú dữ, đau bệnh có trạm y tế nên ít người chết. Nên người nuôi ma ở rừng ma cũng ít. Chứ ngày trước, nhất là những khi có dịch bệnh, người chết nhiều lắm, người nuôi ma ở rừng ma nhiều lắm!”.

Giữa rừng, trong ngôi nhà sàn có 4 thế hệ cùng lưu trú, trong men rượu cần thơm lựng hương lúa rẫy, hương rừng, bên đĩa lá bép ngọt ngậy (một loại rau rừng là món khoái khẩu của loài tê giác) và cá suối nướng lửa hồng thơm lựng. Người Gia Rai hiếu khách là thế, làm cho chúng tôi hết tỉnh lại say, thâu đêm suốt sáng. Những câu chuyện huyền bí về đại ngàn mây, núi và đặc biệt là những lời kể về cái thuở mà nhiều người đàn ông, phụ nữ cứ mờ sáng và xế chiều ra rừng ma nuôi ma, thủ thỉ trò chuyện với người chết, cứ làm ám ảnh chúng tôi hoài không thôi.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời Ia Kreng, rời vùng cao Chư Pảh trở về phố thị, lòng vẫn còn vương vấn về khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và những nét chân chất, mộc mạc của tộc người nơi này. Lòng tự hứa một ngày không xa sẽ trở lại Ia Kreng, không phải để tìm hiểu chuyện nuôi ma mà để được một lần đắm chìm trong khung cảnh thần tiên, với hình ảnh những sơn nữ phơi ngực trần đùa vui bên con suối tuôn mạch giữa rừng già chẳng khác gì chốn Bồng Lai nơi hạ giới!

  • T.Sỹ - X.Trang

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc