(Ảnh nóng) - Hải giám Trung Quốc rình rập Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc dùng chiến thuật cờ vây cô lập Philippines, 4 chiến hạm Ấn Độ tới Biển Đông - thông điệp quan trọng cho Trung Quốc...là tin tức thời sự chính ngày 30/5.
Căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam do Trung Quốc và Philippines đang tranh giành trái phép đã có dấu hiệu hạ nhiệt đôi chút khi Trung Quốc rút 1 tàu khu trục và 30 tàu cá khỏi vùng biển này, nhưng vẫn để 2 tàu Hải giám neo đậu trái phép tại đây, đêm ngày "rình rập" hoạt động (trái phép) của phía Philippines. |
Có thể thấy rằng căng thẳng trên Bãi Cỏ Mây những ngày qua chính là do Trung Quốc đang cố tình tạo ra hòng kiếm cớ điều tàu Hải giám, một loại tàu quân sự trá hình công khai xâm nhập, đứng chân và hoạt động trái phép tại Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam, một âm mưu hết sức xảo quyệt, nguy hiểm và lộ liễu. Như vậy nhìn bề ngoài thì căng thẳng trên Bãi Cỏ Mây có vẻ như hạ nhiệt hơn một chút, nhưng trên thực tế là Trung Quốc đã lấn thêm được 1 bước tại đây - PV. |
Trong cuộc tiếp xúc bên lề ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tổ chức tại trại Aguinaldo quân đội Philippines hôm qua 29/5, Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines nói với Bộ trưởng Quốc phòng nước sở tại Voltaire Gazmin rằng Bắc Kinh đang rất quan tâm tới "cấu trúc mới bổ sung" mà Philippines có thể xây dựng (trái phép) ở Bãi Cỏ Mây, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố "chủ quyền" phi lý và phi pháp. |
Trước đó, Philippines từng nhiều lần cho biết chính Trung Quốc đã tìm cách đổ trộm vật liệu xây dựng tại Bãi Cỏ Mây, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và cho tàu rào cản lối vào đầm phá bãi cạn Scarborough của Philippines - PV. Phía Philippines cam kết chỉ phái tàu hậu cần cung cấp thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho 1 tiểu đội thủy quân lục chiến đang chốt giữ (trái phép) trên xác chiến hạm cũ ngoài Bãi Cỏ Mây chứ không xây thêm cấu trúc nào khác. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn kiếm cớ duy trì 2 tàu Hải giám "canh chừng" trái phép tại Bãi Cỏ Mây. |
Theo ABS CBN News, Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật cờ vây. Những gì đang xảy ra hiện nay ở Bãi Cỏ Mây - Trường Sa cũng giống như Trung Quốc đang dùng chiến thuật cờ vây với Philippines. Trung Quốc đã điều các lực lượng 1 tàu chiến, 2 tàu Hải giám và 30 tàu cá đến bao vây xung quanh xác chiến hạm cũ Philippines phái lính cố thủ (trái phép) tại Bãi Cỏ Mây cho đến khi Philippines bị tước đoạt mất mọi đường cơ động ra vào khu vực này, một sỹ quan hải quân Philippines yêu cầu giấu tên nói với ABS NBC News. |
Ngày 29/5, chiếc soái hạm thuộc Hạm đội 7 (Mỹ) USS Blue Ridge cùng tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon đã xuất hiện tại biển Đông. Hai tàu này hiện tuần tra tại khu vực biển Đông, biển Philippines, biển Java và eo Malacca, theo website của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Nhóm tàu đang hợp tác trao đổi hải quân và huấn luyện với Hải quân Nhật, Indonesia, Campuchia và các quốc gia khác. |
Ngày 29/5, Tiến sỹ Subhash Kapila viết trên tờ Eurasia Review rằng việc Hải quân Ấn Độ phái 4 tàu chiến tới Biển Đông mang một thông điệp quan trọng có tính biểu tượng nhằm vào Trung Quốc. 4 chiến hạm Ấn Độ trên đường cơ động tới Biển Đông hiện đang tiến hành một cuộc tập trận với Hải quân Singapore ở eo biển Malacca, sau đó sẽ ghé thăm cảng Kelang của Malaysia, Đà Nẵng của Việt Nam và Manila - Philippines. |
3 điểm dừng chân trong hành trình tời Biển Đông của 4 chiến hạm ấn độ thuộc 3 trong số 4 quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt với Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố "chủ quyền" toàn bộ hoặc một phần quần đảo - PV). |
Tiến sỹ Subhash Kapila cho rằng thông điệp này mang rất nhiều trọng lượng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông. Ấn Độ là một đối tác quan trọng ở Biển Đông trong khi Trung Quốc đang leo thang sức mạnh quân sự từ Biển Đông cho đến dãy Himalaya, New Delhi cần phải xác lập một tầm cao chiến lược cùng các quốc gia khác đang bị ảnh hưởng và bị Trung Quốc gây sức ép về chính trị, quân sự. |
Đối thoại an ninh Shangri-la 2013 ngày mai sẽ khai mạc tại Singapore và kéo dài từ 31/5 đến 2/6 quy tụ nhiều nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh quân đội các nước trong khu vực và các cường quốc trên thế giới tham dự. Theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc đã phái một Phó tổng tham mưu trưởng làm trưởng đoàn tham dự Shangri-la năm nay, đồng cấp bậc trưởng đoàn Trung Quốc các kỳ đối thoại Shangri-la từ 2010 trở về trước. Người được giao nhiệm vụ trưởng đoàn Trung Quốc là Thích Kiến Quốc. |
Năm 2011 Trung Quốc đột ngột nâng lên cấp Bộ trưởng Quốc phòng khi phái Lương Quang Liệt làm trưởng đoàn tham dự, sang đối thoại Shangri-la 2012 lại hạ đột ngột cấp trưởng đoàn xuống hàng chuyên viên Tổng cục - quân khu khi phái Nhiệm Hải Tuyền, Phó giám đốc học viện Khoa học Quân sự làm trưởng đoàn tham dự. Chủ đề của đối thoại an ninh Shangri-la năm nay được Thời báo Hoàn Cầu cho rằng hơn một nửa số vấn đề đưa ra trao đổi có liên quan đến an ninh. (Ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Singapore – Tiến sỹ Ng Eng Hen phát biểu tại Lễ khai mạc Shangri-la) |
Cuộc khẩu chiến xung quanh chủ quyền nhóm đảo Senkaku có dấu hiệu gia tăng khi giới truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 30/5 cho biết, Vương Nghị, tân Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu: "Phát biểu của phía Nhật Bản (ám chỉ Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga) là thiếu hiểu biết và không thể chấp nhận. Chúng tôi yêu cầu những người này học lại lịch sử như những học sinh nghiêm túc, đọc lại Tuyên bố Potsdam và Tuyên ngôn Cairo, đừng bao giờ lặp lại những điều thiếu hiểu biết như vậy." |
Press TV ngày 30/5 đưa tin cho biết, lực lượng quân đội chính phủ Syria đã nhận được một lô hàng hệ thống phòng không S-300 của Nga. Theo đó, một nguồn tin người Li Băng dẫn lời Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, Damascus đã nhận được lô hàng S-300 đầu tiên từ Nga. Tổng thống Assad nói thêm rằng lô hàng S-300 thứ hai sẽ được gửi tới Syria ngay sau đó - truyền hình Al-Manar của Li Băng cho biết thêm. |
Phương Tây và Israel đã kiên quyết phản đối việc chuyển giao hệ thống S-300 cho lực lượng quân đội chính phủ Syria bởi chúng sẽ giúp gia tăng sức mạnh đáng kể cho lực lượng này trong khi họ muốn Tổng thống Assad phải từ chức để kết thúc cuộc xung đột 26 tháng. Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 28/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định rằng, Nga không có ý định từ bỏ thỏa thuận được ký kết từ năm 2010. (Tổng hợp từ GDVN, TNO, Dân Trí) |