Trái tim nhân hậu của cặp vợ chồng khuyết tật

17:31, Thứ ba 26/02/2013

( PHUNUTODAY ) - Anh Long chia sẻ: “Cuộc sống mới là điều quan trọng, nghèo mà làm được chút việc thiện càng thấy hạnh phúc hơn. Làm ông nọ, bà kia thì khó khăn chứ nhận nuôi trẻ mồ côi thì cứ có quyết tâm là làm được ngay thôi mà”.

Hàng ngày, người dân Thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) quá quen với cảnh người chồng liệt một chân vừa chống nạng, vừa đẩy xe lăn cùng vợ đi chợ, đi luyện tập thể thao, đi thăm trại trẻ mồ côi. Gặp ai họ cũng nở nụ cười đầy hạnh phúc khi nói về cuộc sống của mình. Đều tàn tật bẩm sinh nhưng bằng nghị lực phi thường họ đã kết duyên nhau, dìu nhau qua những ngày gian khó để viết lên câu chuyện hạnh phúc đầy cảm động từ chính cuộc mưu sinh chật vật của mình. Cặp vợ chồng ấy là Mai Văn Long và Hoàng Thị Hồng Châu.

[links()]

Hai nửa khuyết kết thành một đôi lành.

Gần 40 tuổi, nước da sạm màu nắng gió cao nguyên, sinh ra tại Đà Lạt, lên 5 tuổi bỗng nhiên Long lên cơn sốt liên miên suốt 4 ngày, sau đó thì bại liệt. Nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ đầy dữ dội ấy, anh kể:

“Đang tung tăng chơi bời khỏe mạnh, bỗng nhiên mình phải nằm im một chỗ, buồn lắm”. Cứ tưởng rồi sẽ khỏi được nhưng ngày tháng trôi qua vẫn y nguyên như vậy. Một chân thì tập tễnh, một chân thì liệt hẳn không nhấc lên được.

Nhớ mãi năm 10 tuổi có những ngày gia đình chẳng còn gì để ăn, Long thì dị tật, bố anh thì vật lộn với cơn đau cột sống. Nhưng dù nghèo, kiếm được đồng tiền nào bố mẹ cũng gom lại đem Long đi Sài Gòn chữa bệnh. Tuổi thơ của Long có rất nhiều đêm ròng nghe tiếng của bố mẹ khóc bên giường bệnh.

“Con đường từ nhà mình đến các bệnh viện ở Sài Gòn là con đường bố,  mẹ và mình phải rơi nước mắt nhiều nhất. Cho đến một ngày, bác sỹ kết luận mình không có khả năng hồi phục đó cũng là lúc gia sản nhà mình phải bán sạch để chữa bệnh cho mình”- Long xúc động nhớ lại.

Vợ chồng anh Long cùng đứa con út nhặt được cùng các thành tích thể thao khuyết tật của hai vợ chồng.
Vợ chồng anh Long bên người con nhặt được cùng các thành tích thể thao khuyết tật của hai vợ chồng.

Không khuất phục số phận, Long vẫn quyết tâm chống nạng đến trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh xin vào làm việc tại Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng. Thấy anh có nhiều kỹ năng và sáng kiến phục hồi cho người bệnh, tính tình anh lại hiền hậu, Bệnh viện đã đưa anh đến các huyện để giúp đỡ người khác.

Và, trong một lần về huyện Đơn Dương huấn luyện phục hồi chức năng cho những người khuyết tật nặng, anh đã nảy nở tình cảm và yêu cô gái liệt hai chân Hoàng Thị Hồng Châu. Gia đình anh một mực can ngăn cản vì Châu hơn anh 3 tuổi, lại bị liệt nặng.

Nhưng rồi, tình yêu lớn dần từng ngày, đến mức không thể sống thiếu được nhau nên anh vẫn quyết giữ gìn tình cảm đó với khát vọng sẽ có ngày đơm hoa kết trái. Long kể:

“Nhà Châu nghèo lắm, lại liệt nhưng tình cảm đâu so đo được, tôi yêu Châu bởi cô có trái tim nhân hậu, bản chất mộc mạc. Khi tình yêu chớm nở cũng là lúc họ bắt đầu chuỗi thời gian xa nhau.

Đầu năm 1994, Mai Văn Long được cử đi học lớp nâng cao kiến thức phục hồi chức năng ở Sài Gòn. Cũng thật tình cờ, ngay trước nhà anh thuê trọ là CLB Thể dục thể thao dành cho người khuyết tật.

Nảy ra ý định sẽ chơi thể thao, nên rảnh ra khi nào anh đến đó xin tập luyện để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu. Còn Châu dẫu tối ngày tập luyện nhưng đôi chân của cô không hề tiến triển, có lúc mặc cảm muốn từ bỏ tình yêu nhọc nhằn với Long vì sợ làm khổ Long.

Thế nhưng, ý nghĩ không thắng được trái tim nên mỗi tháng cô lại gửi cho Long hàng chục lá thư thấm đẫm nỗi nhung nhớ và chờ đợi. Còn Long, càng tập càng mê nên cuối năm 1994, TP.HCM tổ chức cuộc đua xe lăn cho người khuyết tật, Long mạnh dạn đăng ký tham gia và đoạt giải nhất.

Sau đi đạt giải, tỉnh Lâm Đồng mời anh vào đội tuyển đi dự giải quốc gia và đã mang về tấm huy chương Vàng. Cuộc đời anh từ đó bước sang trang mới, anh nghỉ việc hẳn ở Bệnh viện phục hồi chức năng.

Lý tưởng cao đẹp và khát vọng cống hiến

Có được chút tiền thưởng trong tay, việc đầu tiên Long nghĩ đến là làm đám cưới với Châu, mặc cho mọi người ngăn cản, càng ngăn cản anh càng quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy mình sẽ thật sự hạnh phúc.

Đám cưới nhỏ gọn và ấm cúng của họ cuối cùng cũng diễn ra. Sau khi có vợ, quyết tâm cống hiến và chinh phục thể thao khuyết tật càng trở nên cháy bỏng hơn với Long. Anh bộc bạch:

“Hai vợ chồng cưới xong ra ở riêng nên phải tự lo nhiều thứ. Nhưng theo thể thao với mình không hẳn là để có tiền thưởng của những giải đấu mà đó còn là khát vọng cống hiến và để cảm thấy mình còn có ích với xã hội, không phải bám nhờ vào người khác”.

Không quản ngày đêm, Long cần mẫn luyện tập không ngừng nghỉ. “Ban đầu có nhiều động tác khó phải tập cả ngày mới được. Đặc biệt là môn ném lao, cử tạ. Có hôm chân mỏi quá khuỵu xuống ngay lúc mình đang nâng quả tạ lên, cũng nản lắm nhưng không cho phép mình thoái lui được.

Có những ngày, sau khi tập ném lao, cử tạ hai bàn tay của Long phồng rộp khắp nơi nhưng như anh nói: “Thà đau đớn thể xác chứ không để dằn vặt với hai chữ vô dụng trong tâm hồn được”.

Niềm đam mê của chồng lan tỏa sang Châu từ lúc nào không hay. Một ngày, sau buổi tập mệt mỏi về, Châu bảo với Long hãy để chị tham gia tập luyện cùng, chị cũng muốn chứng minh khả năng vươn lên của mình.

“Ban đầu tôi nghi ngại lắm, vì Châu sức khỏe rất yếu, hay bị ngất xỉu. Hơn nữa hai chân lại liệt hoàn toàn. Nhưng trước ánh mắt đầy quyết tâm và khao khát của vợ, tôi không từ chối được”- Long bồi hồi tâm sự.

Cũng từ đó, Long trở thành huấn luyện viên của chính vợ mình. Sau 5 tháng luyện tập, anh hoàn toàn ngỡ ngàng trước khả năng tiến triển nhanh vượt bậc của Châu. Kể về điều này, Châu giãi bày:

“Anh Long chỉ cái gì ban ngày không nhớ thì tối về tôi cố nhớ ra và nghiền ngẫm, nhất là những kỹ năng và động tác khó. Không ít lần bàn tay chỉ trực tứa máu nhưng sợ chồng buồn, tôi đã cắn răng chịu đựng. Với cách luyện này, tập đến đâu tôi thuộc đến đó và nhanh chóng có khả năng ném lao chẳng thua kém người bình thường”.

Khi khả năng của hai người đã ổn định, họ đến đăng ký thi giải cấp quốc gia với trưởng đoàn thể thao khuyết tật Lâm Đồng. Được trưởng đoàn chấp nhận, hai vợ chồng Long cùng thề với nhau sẽ quyết dành huy chương về cho tỉnh nhà.

Cuối cùng, sau bao vất cả và sự đồng cam cộng khổ của hai vợ chồng, chùm quả ngọt đã đến với họ. Năm 2003, cả hai vợ chồng cùng có tên trong danh sách đội tuyển Việt Nam tham dự Paragames tại Hà Nội.

Thi đấu môn ném lao và cử tạ, chị Châu đã giành được 2 Huy chương Vàng còn anh Long cũng được Huy chương Đồng và Huy chương Bạc. Nhớ lại khoảnh khắc đó, Long chia sẻ:

“Chúng tôi quyết tâm cao lắm vì không muốn làm trưởng đoàn Lâm Đồng thất vọng. Hơn nữa, nếu dành được huy chương thì cũng thỏa khát vọng và lý tưởng của cả hai vợ chồng.

Thế nhưng, gặt được thành tích cao thế này thì hầu như không dám mơ tới nên khi đạt được vui sướng và hạnh phúc đến mấy ngày liền”. Các đại hội thể thao sau đó, cả trong tỉnh lần toàn quốc lần nào Châu và Long cũng đạt được thành tích cao.

Trái tim nhân hậu.

Sau khi đã đạt một số thành tích nhất định, Long và Châu khát vọng có một đứa con, ban đầu họ lo lắng nhưng đứa đầu tiên lành lặn nên họ tiếp tục sinh thêm đứa thứ 2 cho chúng có chị, có em.

“Bây giờ tôi thấy gia đình mình hạnh phúc chẳng thua người bình thường đâu. Cứ thương yêu, trân trọng và nâng đỡ nhau hết lòng thì mọi khó khăn sẽ vượt qua thôi. Hạnh phúc hay không cũng do trong suy nghĩ người mà ra sống đến giờ tôi nghiệm ra, đơn giản như vậy đó”- Mai Văn Long tâm sự.

Hôm đoàn chúng tôi đến thăm, hai đứa con gái của anh chị là Mai Khánh Vy và Thụy Vy đều đang đi học, chỉ có Khả Vy là ở nhà. Nhìn Khả Vy đang hồn nhiên chơi đùa, chị Châu bộc bạch:

“Hơn 1 năm trước, chúng tôi thấy cháu bị người ta bỏ rơi ở cổng một bệnh viên, khi đó toàn thân tím tái, còn đỏ hỏn, tóc chưa kịp mọc, chỉ có một chiếc tã quấn quanh người. Vội vàng đưa đến bệnh viện, sau hai ngày cứu chữa, may mắn cháu khỏe trở lại.

Hai vợ chồng bàn tính kỹ với nhau và quyết định nhận cháu về nuôi. Giờ đây, chúng tôi đều xem cháu như con ruột của mình sinh ra chứ không bao giờ nghĩ nhặt được nữa”.

Nhiều người đến bảo, đã có 2 đứa con gái còn nhận nuôi thêm đứa nữa làm gì, nhưng Long – Châu luôn quan niệm: “Cuộc sống mới là điều quan trọng, còn nghèo mà làm được chút việc thiện càng thấy hạnh phúc hơn, ấm áp hơn. Làm ông nọ, bà kia thì khó khăn chứ từ thiện hay nhận nuôi trẻ mồ côi thì cứ có quyết tâm và mong muốn là làm được ngay thôi mà”.

Thật kỳ lạ và hiếm có, tất cả suy nghĩ của Châu và Long luôn nhận được sự đồng cảm của nhau. Năm 2009, khi đã tạm ổn định cuộc sống nhờ tiền thưởng các lần đạt huy chương, số tiền ít ỏi còn dành dụm được, Long mua mấy bộ máy may đặt ở nhà mình để vợ dạy may miễn phí cho những người khuyết tật ở địa phương.

Về ý tưởng này, Long hạnh phúc cho biết: “Mình từng đớn đau vì thân thể không toàn vẹn, và cũng may mắn khi có hạnh phúc như bây giờ nên luôn muốn chia sẻ điều này với người khác, muốn mọi người khuyết tật như mình đều sống có ích.

Năm đó, đứa con gái lớn nằng nặc đòi mua chiếc xe đạp nhưng thấy trường học ở gần nên mình không mua mà mua máy may. Cháu khóc lóc mãi, nhưng rồi lớn lên chắc nó sẽ hiểu và thương bố mẹ hơn”.

Nói về khát vọng về tương lai, Long bảo khi nào sức khỏe yếu anh sẽ tình nguyện làm một huấn luyện viên miễn phí cho người khuyết tật, còn Châu thì vẫn miệt mài dạy may cho những người thiệt thòi.  

  • Hà Đông Hưng
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc