Trần Lực: Kiêu hãnh, tự tin tựa lưng vào gốc đại thụ!

08:02, Thứ sáu 30/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Cha anh là Giáo sư, NSND Trần Bảng kết hôn với nghệ sĩ Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên chèo.

(Phunutoday)- Hẹn hò đạo diễn Trần Lực trong một sớm mùa đông, bên ly cafe ấm áp, anh bảo: “Lâu rồi mình chẳng gặp nhà báo đâu, vì công việc vẫn thế, chưa có gì mới. Nhưng nói về phụ huynh thì là ngoại lệ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống như thế này, mình tự hào chứ, kiêu hãnh chứ, tự tin như đứng tựa lưng vào cây đại thụ ấy chứ. Mà cũng vì thế nên làm gì cũng phải tự ý thức là mình phải làm cho ra hồn, không lại mang tiếng con trai ông Trần Bảng”.
[links()]
NSƯT Trần Lực (sinh ra ở Hà Nội), quê ở Cổ Am (Vĩnh Bảo – Hải Phòng), trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha anh là Giáo sư, NSND Trần Bảng kết hôn với nghệ sĩ Trần Thị Xuân, cũng là một diễn viên chèo. Ông bà có ba người con. Người con cả tên là Trần Trí học giỏi, năm 14 tuổi đã đọc làu Hán nôm và tiếng Nga, mất năm 21 tuổi.

Người con thứ hai là họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây và con út là đạo diễn NSƯT Trần Lực. Trần Lực vẫn thường bảo mình là trai trưởng của dòng họ nên ý thức giữ gìn truyền thống gia đình đã hình thành từ thuở nhỏ, từ những lần cha anh dẫn các con mình về Cổ Am và kể cho các con nghe từng câu chuyện sống động qua những kỷ vật của dòng họ.

Cha là người bạn

Mở lời nói về cha mình, Trần Lực bảo: “Tính ông già mình phóng khoáng lắm. Nói ra thì bảo là con khen cha, nhưng thực sự là mình phục ông già lắm. Kiến thức và cách sống của ông, mình phấn đấu cả đời cũng không bì kịp…”.

Là con út, lại là đích tôn của họ Trần, Trần Lực bảo mình được bố mẹ chiều lắm. Nếu như mẹ anh chiều con trai theo kiểu ủy mị, rất phụ nữ thì NSND Trần Bảng lại chiều con theo kiểu trái ngược hẳn với vợ. Khi ông mua quà cho các con có nghĩa là ông đang bày tỏ tình cảm mãnh liệt, thay vì ôm hôn chúng.

Từ nhỏ, cậu bé Trần Lực đã được bố cho đi rất nhiều nơi. Anh ví mình như cái đuôi lẵng nhẵng theo sau của bố. Anh lân la, tìm hiểu khắp nơi trong Nhà hát Chèo ở khu văn công Mai Dịch. Khi đó, NSND Trần Bảng còn là trưởng đoàn Chèo ở đây.

Trần Lực bảo rằng mình đã may mắn khi được sinh ra, lớn lên với tuổi thơ thấm đẫm hơi thở của nghệ thuật truyền thống. Người cha đáng kính của anh đã chuẩn bị cho các con mình những nền tảng vững chắc nhất để chúng có thể làm nghề và sống bằng nghề trên chính đôi chân mình, bằng chính bàn tay và khối óc của mình.

Với hai người con hiện đã thành danh của mình, NSND Trần Bảng chưa khi nào hướng các con tới một nghề nghiệp nhất định, mà ông lẳng lặng chuẩn bị hành trang đầy đủ, để các con tự lựa chọn con đường đời cho mình. Mặt khác, Trần Lực tính bướng bỉnh.

Ngay từ khi còn bé, nếu bố mẹ bảo anh học vẽ, thì anh sẽ quay sang tập đàn. Còn nếu bố mẹ bảo anh học đàn thì y như rằng anh sẽ quay sang tập vẽ. Tính cách bướng bỉnh, nghịch ngợm ấy của Trần Lực đã không ít lần khiến mẹ anh nổi nóng và la mắng om sòm.

Ngược lại với vợ, ông Trần Bảng lại rất điềm đạm và cư xử với các con như những người bạn. Từ khi bắt đầu học cấp III là Trần Lực nhận thấy rằng, bố thực sự mình như một người bạn. Cách ông giao tiếp khiến các con có được cảm giác mình rất được tôn trọng. Khi hai bố con ngồi lại với nhau, ông hỏi anh vừa đi chơi ở những đâu, nếu anh muốn trả lời thì ông sẽ lắng nghe, còn nếu anh không nói thì ông cũng không gặng.

Trần Lực bảo, ông đã tạo cho các con ý thức độc lập và sự tin cậy rất lớn đối với người đàn ông lớn nhất trong gia đình. Chính vì thế, sau khi ông Trần Bảng xây dựng được lòng tin của các con, thì thậm chí cậu choai mới lớn Trần Lực còn chủ động “khai” hết với bố về những “nỗi niềm” rất đàn ông của mình khi đó.

Sự tôn trọng của bố thành cái “barie” khiến Trần Lực chưa khi nào đi quá giới hạn. Chuyện đáng nhớ nhất là có lần học lớp 8, anh đi cùng một đám bạn, trong đó có một cậu nhảy vào giật cái mũ cối của một người đi đường để đội cho oai.

Kết quả là cả nhóm bị công an bắt giam ở phường. Anh bảo: “Ngày đấy, với chức vụ và tiếng tăm của ông già thì chỉ cần ông có nhời với cơ quan công an là mình được thả về ngay. Ấy thế mà cụ không làm thế. Ông già chẳng nói chẳng rằng, kệ cho thằng con nếm mùi “tạm giam” một đêm rồi đến trưa hôm sau mới đến thăm”.

Ra khỏi đồn công an, ông Trần Bảng lẳng lặng dẫn con ra quán phở, gọi cho con một bát. Lúc đấy, Trần Lực đã đói hoa mắt nên cắm cúi ăn một mạch mới ngẩng lên. Khi đó, ông từ tốn bảo con: “Thế đấy con ạ! Ở nhà bố mẹ có thể đánh mắng con, nhưng ra xã hội là như thế. Thế con có thấy ghê gớm không?” - “Ghê ạ!”.

Ông bảo: “Ghê thì lần sau tránh nó đi. Dù đó chỉ là trò nghịch ngợm trẻ con, nhưng đó vẫn là ăn cướp, con ạ!”. Sự nhẹ nhàng, từ tốn của ông khiến Trần Lực cảm thấy nhẹ nhõm và may mắn. Anh bảo, chỉ cần ngày đó bố anh mắng mỏ nặng lời thì chắc Trần Lực sẽ lập tức “dạt vòm” bởi cái tính ương ngạnh, hiếu thắng của tuổi trẻ.

Trần Lực nghiện thuốc lá từ thời trẻ. Có một thời gian anh đã bỏ được, nhưng chỉ khoảng 6 tháng và cách đây không lâu, không nhớ chuyện gì đã khiến anh hút lại. Thế nhưng, từ khi biết anh hút thuốc, ông Trần Bảng không bắt con bỏ thuốc, mà để con tự ý thức về điều đó.

Ông biết, với cái tính ương ngạnh của anh, cấm đoán chỉ khiến cậu con trai ưa nổi loạn làm điều ngược lại và khi đó còn tệ hại hơn. Vì thế, đôi khi, có bao thuốc ngon, ông còn đem về đưa cho Trần Lực, nhưng vẫn bảo, hút thuốc không tốt cho sức khỏe.

Nền tảng tri thức

Trần Lực bảo may mắn cho anh và chị gái anh khi cả hai làm nghệ thuật và được sinh ra, lớn lên trong môi trường thấm đẫm chất nghệ thuật. Hai bố mẹ là nghệ sĩ chèo – môn nghệ thuật bắt nguồn từ âm nhạc và múa. Thời thơ ấu, anh cùng chị gái đã thuộc làu những vở tuồng, chèo, cải lương vì nhà ở ngay trong khu văn công Mai Dịch.

Đá bóng, bắn bi chán, lũ trẻ lại ngồi phệt xem các thầy dạy học, sau đó ra lấy mo cau đeo vào người giả làm áo giáp rồi diễn tuồng cha chả chà chà… hay diễn chèo Xúy Vân giả dại…

Hơn thế, NSND Trần Bảng có thói quen nghe nhạc cổ điển từ thời trẻ nên Trần Lực cũng được nghe, cảm nhận nhạc cổ điển từ khi anh chưa hề chú ý tới nó. Theo thời gian, cùng với sự trưởng thành, anh được cha nói cho nghe về ý nghĩa từng bản nhạc mà hai cha con vẫn thường nghe, và dạy anh cách hiểu, cách cảm nhận cái hay, cái đẹp trong đó. “Cứ có dịp đi nước ngoài thì thay vì mua những đồ gia dụng giá trị để đem về Việt Nam bán như rất nhiều người lúc đó, ông cụ lại mua máy quay đĩa, đĩa hát mới và các vật dụng khác để về dùng” – Trần Lực kể.

GS. NSND Trần Bảng còn có thói quen đọc nhiều sách, từ khoa học tới lịch sử rồi kinh dịch… đủ cả. Khả năng ngoại ngữ của ông cũng thật đáng nể khi mà năm hai mươi tuổi, ông đã đọc được sách Hán Nôm, thông thạo tiếng Pháp và biết tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga.

Nhờ kho sách của cha, Trần Lực cũng được rèn luyện được thói quen đọc sách từ nhỏ, bắt đầu bằng những cuốn truyện tranh nước ngoài, tiểu thuyết, truyện ngắn. Anh đọc nó từ khi còn chưa biết phiên âm tiếng nước ngoài và cha anh đã kiên nhẫn chỉ cho con.

Trần Lực bảo: “kho sách và những kiến thức khổng lồ mà ông già chắt lọc được trong đó khiến tôi có niềm tin tuyệt đối vào những điều ông nói và nhờ đó mà tôi có được một nền tảng để làm nghệ thuật mà không gặp phải cảm giác hoang mang”.

Anh kể: “Từ nhỏ, cả hai chị em tôi chưa từng được ông già hướng cho nghề gì, nhưng tuổi thơ lẽo đẽo bám theo bố đi dựng vở, tôi thuộc làu làu các vở diễn chèo truyền thống… Ông già chuẩn bị cho các con từng đó kiến thức một cách hết sức tự nhiên và gần như không hề có chủ ý. Và sau này, dù tôi với chị Mây đều tự lựa chọn nghề nghiệp cho riêng mình nhưng chúng tôi biết mình đã được cha trang bị kiến thức khá đầy đủ và chu đáo”.

NSND Trần Bảng còn là người “chịu chơi” trong mắt con trai Trần Lực. Anh bảo, ở Hà Nội có xe máy đời mới là thế nào bố anh cũng có. Trong cách ăn mặc, ông cũng khá chỉn chu, điệu đà… như thú đam mê. Trần Lực cũng bị ảnh hưởng bởi những điều đó nên người ta luôn thấy một diễn viên, đạo diễn Trần Lực chịu chơi, bảng lảng. U50 nhưng hình ảnh người ta thường thấy ở anh chẳng khác nào cậu trai chưa vợ cưỡi con Vespa tiếng nổ pành pành với mái tóc đuôi ngựa tung tẩy rất đời.

Đạo diễn Trần Lực phục cha nhất ở việc ông tạo được phong thái sống ung dung, túc tắc, tự tại trong cả cuộc sống và công việc. Ảnh hưởng nhiều từ phong thái đó, Trần Lực cố gắng để được phần nào như bố. Nhờ đó, quan điểm sống, cách làm việc của anh cũng phần nào mang hơi hướng của NSND Trần Bảng.

Tuy Trần Lực không túc tắc, bền bỉ, duy trì phong độ làm việc trước sau như một như cha, nhưng anh vẫn hài lòng vì trong công việc, mình đã bình tĩnh hơn những người khác. Những bộ phim do Trần Lực đạo diễn và sản xuất rất rạch ròi về thể loại và rõ ràng về cách thể hiện nên đã có những thành công: “Chuyện nhà Mộc” – bi hài (phim truyền hình), “Hai Bình làm thuỷ điện” – bi hài (phim 35 mm), “Tết này ai đến xông nhà” – tâm lý, hài (phim 35 mm), “Chàng trai đa cảm” – tâm lý xã hội (phim truyền hình)…

Trần Lực học được ở cha mình cách làm việc tập trung. Mỗi khi viết kịch bản, dựng vở, hay thậm chí là viết báo cáo, tham luận ông Trần Bảng sẽ dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ. Ông ngồi lặng yên hàng giờ trong khói thuốc bảng lảng.

Bà Trần Thị Xuân và các con đã quen với điều đó nên hết sức tôn trọng và giữ yên tĩnh cho ông làm việc. Sau đó, ông sẽ lấy giấy bút và ngồi viết một lèo, gần như không phải sửa chữ nào. Chữ ông Trần Bảng đẹp, giống như rất nhiều chí sĩ cùng thời, nét chữ, nết người và ông đã viết thì rất cẩn thận và sạch sẽ.

Anh bảo: “Chẳng nhẽ cứ ngồi khen cha mình thì cũng ngại, nhưng sự thật là tôi thấy ông rất giỏi. Tôi luôn cố gắng phấn đấu để mình được bằng một phần của ông và vì thế mà cách sống, tính cách và nghề nghiệp… của tôi đều mang hơi hướng của ông già. Dù tôi đã định hình được phong cách riêng, nhưng có một điều rõ ràng, cốt lõi của phong cách đó vẫn mang âm hưởng, phong cách của GS. NSND Trần Bảng.

Điểm tựa tinh thần

Trong gia đình NSND Trần Bảng thì ông gần như là trụ cột về mọi mặt trong gia đình. Trong gia đình có công, có việc gì thì gần như ông là người lo lắng, quán xuyến. Trần Lực bảo: “Ông già chỉ cần loáng một cái là xong hết, nhưng nếu để bà già xử lý là sẽ rối tinh lên ngay”.

Trần Lực gọi bố mẹ mình là “cặp đôi đẹp”. Mẹ anh khá đẹp, bà sống rất thật, nhưng khoản nấu nướng thì lại kém và cách nói năng cũng nghĩ sao nói vậy chứ không phải là người khéo léo… Ấy thế mà làm dâu trưởng trong một gia đình cực kỳ gia giáo, phong kiến, bà lại rất được chồng yêu thương, tôn trọng và chiều chuộng.

“Ông già chưa bao giờ to tiếng, chưa bao giờ quát vợ. Chứ như tôi, vợ mà nhí nhố là phải quát ngay” - Trần Lực cười khùng khục khi nhắc đến những kỷ niệm ngày còn nhỏ - “Ông già làm lãnh đạo, lại đi nhiều, thế nào mà chẳng có khối em trẻ hâm mộ.

Bà già nhiều khi cũng ghen chứ, nhưng hai ông bà chỉ thì thào chứ chưa bao giờ thấy to tiếng với nhau cả. Hồi tôi còn nhỏ, đang đêm mà nghe tiếng xì xào là tôi áp tai vào tường nghe xem bố mẹ cãi nhau cái gì, hóa ra là mẹ tôi ghen, thì thào dằn vặt bố, nhưng chỉ nghe thấy ông già bảo: “Thôi thôi, đi ngủ đi!”. Tôi hóng mãi cũng chẳng nghe thêm được gì nữa!”.

Cho đến giờ, hai ông bà vẫn tình cảm như đôi vợ chồng son thuở nào. Năm nay, ông Trần Bảng đã gần 90 tuổi, bà Trần Thị Xuân cũng đã gần 80, nhưng cả hai ông bà không thích ở cùng các con mà sống riêng và vẫn muốn tự chăm sóc nhau. Mãi đến mới đây, khi sức khỏe ông bà đã yếu đi nhiều thì mới đồng ý cho các con thuê người giúp việc. Thế nhưng, người giúp việc chỉ đến nấu cơm và dọn dẹp xong rồi đi, chứ không ở đó. Lim dim mắt sau làn khói thuốc, Trần Lực tủm tỉm: “Đó là một cặp đôi đẹp!”.

Trần Lực thấy rất kỳ lạ rằng bố anh rất thỏa mãn và bằng lòng với những gì mình có, không ham hố, bon chen. Có lẽ vì thế nên cuộc sống của ông bà trong mắt các con rất êm đềm, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Riêng điều này, anh bảo mình học cha mãi mà chưa làm được.

Trong cuộc sống riêng, Trần Lực gặp nhiều nỗi buồn. Cập kề tuổi 50, anh đã có tới ba lần kết hôn, ba lần lên xe hoa.

Anh tâm sự: “Ở những gia đình khác, nếu mỗi lần con cái gặp chuyện không vui như thế thì không biết ăn nói thế nào với bố mẹ - vì nỗi buồn thường là con cái sẽ giấu đi. Nhưng ở nhà tôi, ông già là chỗ dựa tinh thần của cả nhà.

Cả mẹ, chị tôi và tôi đều có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì mà không sợ ông già sốc. Ông rất bình tĩnh đón nhận câu chuyện. Hai lần tôi nói với ông về sự đổ vỡ trong chuyện riêng là hai lần cha con đi café với nhau. Ông lắng nghe mọi suy nghĩ của tôi rồi mới đưa ra những lời khuyên theo quan điểm của mình. Nhưng cuối cùng, ông bảo: “Quyết định vẫn là ở con!”.

Có một cậu con trai nhưng lại có tới ba lần đón con dâu. Với người nào ông Trần Bảng cũng quý mến và yêu thương như con gái. Khi thông báo với ông chuyện không vui, Trần Lực không thấy mình chịu bất cứ áp lực nào, khi nói hết với ông, anh thấy mọi việc dường như nhẹ nhàng hơn, dễ chấp nhận hơn. Ngay cả giờ đây, khi ông cụ đã có tuổi, nhưng tất cả sự thật dù buồn hay vui mà các con bày tỏ chưa bao giờ khiến ông cụ sốc.

Trong nhân tình thế thái, chuyện bực mình, ấm ức, thù hận khi bị ai đó ghen ghét, hãm hại là điều phổ biến. Nhưng NSND Trần Bảng đã dạy cho các con mình biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực đó. Trần Lực còn nhớ khi anh còn nhỏ, cha anh thì đảm nhiệm chức vụ khá quan trọng của Bộ Văn hóa – Thông tin.

Có một dịp, ông như sẵn sàng được sang Pháp để thực hiện một dự án về nghệ thuật Chèo với nước bạn, nhưng cấp dưới của ông đâm đơn kiện rằng ông Trần Bảng là cháu nội quan Thượng thư triều đình phong kiến, rằng bố ông Trần Bảng là ông Trần Tiêu theo nhóm Tự lực văn đoàn… Thời kỳ đó, chỉ cần có đơn kiện là phải dừng hết mọi việc.

Dự định không thành nhưng ông Trần Bảng không vì thế mà hậm hực hay trù úm cấp dưới. Ông lại tiếp tục sống và làm việc hết mình cho nghệ thuật. Dường như những hỉ nộ ái ố của cuộc sống không khiến ông mảy may bị tác động.

Trần Lực thấy kinh ngạc về cha mình. Anh bảo: “Tôi cố gắng để có thể sống ung dung được như thế lắm, nhưng tôi chưa làm được. Khi bị ai chơi xấu, tôi vẫn thấy mình hậm hực, bực tức và vẫn có suy nghĩ là lúc nào phải cho nó biết tay. Sau đấy, tôi lại tự nhủ, hóa ra mình cũng nhỏ nhen, hèn hạ lắm, còn lâu mới bằng ông già được”.

Tựa lưng vào cây đại thụ

Thời thơ ấu, NSND Trần Bảng hay cho các con về quê, nơi có chùa Đông A và nhà thờ tự của dòng họ ở Cổ Am (Hải Phòng). Ông chỉ từng bức hình rồi giải thích cho các con đây là cụ Trần Mỹ, đây là ông nội Trần Tiêu, đây là ông Khái Hưng…

Ông tỉ mỉ giải thích từng kỷ vật của dòng họ. Cảm giác mỗi lần được về nơi đây với Trần Lực là sự yên bình đến kỳ lạ. Cái yên bình đó thấm dần vào tuổi thơ Trần Lực. Anh mong đến những dịp có giỗ tổ, giỗ họ… để lại được về đây, như con chim non về với tổ lớn.

Anh bảo: “Chính nền móng truyền thống ấy đã khiến mình tự tin hơn rất nhiều trong công việc và cuộc sống. Tự hào và kiêu hãnh một chút, an tâm một chút như khi tựa lưng vào gốc cổ thụ. Mình có nguồn gốc như thế này thì mình làm cái gì cũng phải ra hồn, không thể cẩu thả”.

Sau thời gian dài học tập tại Bungary từ năm 21 tuổi, đến năm 1991, Trần Lực về nước. Nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ những mối quan hệ trong công việc và uy tín của ông Trần Bảng nên trong giới, Trần Lực được tạo điều kiện làm việc khá tốt và rất được trân trọng. Nhưng bản thân anh thì hiểu rằng, anh được mọi người trân trọng không phải bởi lúc đó, anh giỏi giang gì, mà là mọi người tôn trọng và yêu quý bố anh nên mới giúp đỡ anh nhiệt tình đến thế.

Thế là, chính điều đó tạo cho cậu trai Trần Lực vừa chân ướt chân ráo ra trường ý thức là làm gì cũng phải cố gắng, để không bị chê cười là sao con ông Trần Bảng mà lại như thế này. Đó là thời điểm những năm 90, Trần Lực đang phải trải qua một cú sốc khi trở về từ nơi mà điều kiện và môi trường làm nghệ thuật vô cùng thoải mái và hiện đại, về một nơi mà tất cả mọi thứ đều vô cùng khó khăn. Chưa thực sự hòa nhập được sau cú sốc ấy, anh ở nhà và được mời tiếp tục đóng phim.

Khi đó, ông Trần Bảng bảo con: “Làm nghệ thuật thì phải trở thành ngôi sao, là diễn viên phải đóng vai chính, không thể lẫn mãi trong quần chúng. Muốn có vai chính, phải làm việc hết mình. Còn nếu con cảm thấy không làm được thì chuyển nghề vẫn kịp”.

Trần Lực nói với cha: “Con sẽ làm được. Con sẽ trở thành người được mọi người biết đến”. Sau này, anh thấy rằng, sự nổi tiếng cũng giúp cho anh rất nhiều trong công việc. Nhưng để có được điều đó, phải lao động thực sự nghiêm túc.

Trần Lực được mời đi đóng phim, bố anh bảo: “Thôi con cứ đi đi, để lấy vốn sống, vì không có vốn sống thì không thể làm nghệ thuật được”.

Thế là, 3 năm ròng rã, Trần Lực theo các đoàn đóng phim lăn lộn từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Thời điểm đó, điện ảnh Việt Nam mỗi năm đóng được 1 - 2 phim. Vì thế, có lúc cả đoàn nằm vùng tới vài tháng trời trên Hà Giang rét buốt, “ba cùng” với người dân tộc bản địa. Anh bảo, thậm chí, họ mời hút thuốc phiện cũng hút.

Rồi có thời gian về Quảng Bình nắng chang chang, gió Lào cát trắng, những đêm ca hát cùng cánh thanh niên bản xứ và uống bia Tàu ngoài bờ sông… đã kéo được Trần Lực hòa vào cuộc sống ở Việt Nam. Anh bắt đầu bắt tay vào làm việc thực sự.

Anh làm diễn viên, ông Trần Bảng lại chỉ cho con cách nhập vai nhanh và chính xác nhất: Điều khiển và giữ tiết tấu của nhân vật lúc vui, buồn… như cách lấy nhịp thở thế nào để thể hiện được hết cảm xúc của nhân vật. Trần Lực làm theo và anh thấy quả đúng là khi điều chỉnh hơi thở, nó sẽ khiến trái tim đập đúng cảm xúc của nhân vật khi đó và từ đó, nét mặt, giọng nói cũng được lột tả đến tài tình.

Khi anh làm đạo diễn, tiếp cận với các tác phẩm của con, NSND Trần Bảng nhận xét: “Con bị ảnh hưởng bởi yếu tố hài trong hề chèo. Chất dân gian ấy được thể hiện rõ nhất trong “Chuyện nhà Mộc”. Trần Lực ngẫm lại, đúng là kể cả với những kịch bản mà anh được yêu cầu sản xuất theo thể chính luận thì khi quyết làm theo kiểu hài hước nhẹ nhàng, anh thấy nó thành công hơn.

Hiện nay, với tư cách là ông chủ hãng phim Đông A, Trần Lực muốn xây dựng Đông A trở thành hãng phim tốt. Với anh, một hãng phim mà chỉ làm phim truyền hình thôi thì chưa đủ và ở Việt Nam, chưa có hãng phim nào xây dựng được bản sắc riêng của mình.

Trần Lực đang ấp ủ một dự án nghệ thuật lớn mà anh chưa thể tiết lộ. Anh bảo nó chưa đúng thời điểm. Nhưng anh cảm thấy vững tin và có đầy đủ quyết tâm cũng như nền tảng tri thức để thực hiện nó. Anh thấy vui khi chia sẻ với cha mình từ khi đó mới chỉ là ý tưởng. GS. NSND Trần Bảng bảo con: “Ừ, được, có chí!”.

Khánh Nguyễn
 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc