Tư liệu chưa từng công bố về điệp viên huyền thoại của KGB

07:14, Chủ nhật 21/08/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Những điệp vụ mà Losif Grigulevich là người tổ chức và thực hiện chỉ được hé lộ vào những năm gần đây khi người ta quyết định công khai cái gọi là “kho lưu trữ Mitrokhin”…

mal" >

“Người thứ 3” giấu mặt trong vụ ám sát Trotsky

Losif Grigulevich sinh năm 1923 tại Vilnius, thủ đô Litva. Thời thanh niên, Losif Grigulevich tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở Litva và Tây Belarusia (thời gian này chưa thuộc Liên Xô). Kết quả, Losif Grigulevich bị chính quyền đương thời bắt giam tới hai lần. Sau khi ra tù, Losif Grigulevich được đưa tới Ba Lan. 

Tại đây, ông may mắn được gặp gỡ và làm quen với nhiều nhà cách mạng Xô Viết. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, Losif Grigulevich lại bị chính quyền Ba Lan lúc bấy giờ trục xuất khỏi nước này vì tham gia các hoạt động tuyên truyền chính trị khi đó được coi là “bất hợp pháp”. Rời Ba Lan, Losif Grigulevich được cử tới hoạt động tại Paris của Pháp. Chính tại đây, Grigulevich đã được lựa chọn vào biên chế của Ủy ban Dân ủy Nội vụ Liên Xô (tức tiền thân của Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô KGB sau này). Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời tình báo đầy huyền thoại của Grigulevich bắt đầu.

Trong một thời gian ngắn sau đó, Grigulevich đã trở thành nhân vật quan trọng của tình báo chính trị vì đã thu thập được nhiều thông tin rất có giá trị về Mỹ, Brazil, Argentina, Mexico, Italia, Vatican và nhiều nước khác. 

Nhiều người cho rằng, Grigulevich gặp nhiều may mắn cho nên suốt 17 năm hoạt động tình báo ở rất nhiều nước khác nhau, ông chưa bao giờ bị đối phương mảy may nghi ngờ. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Grigulevich là người rất cẩn trọng trong mọi hành động, cử chỉ của mình, luôn tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước. 

Grigulevich đã học được cách đưa ra những quyết định độc đáo trong các tình huống hiểm nguy. Hơn nữa, Grigulevich là một người rất thông minh và có trí nhớ lạ thường. Grigulevich rất dễ thích nghi với cuộc sống và hoạt động ở nhiều nước khác nhau, khả năng nói được nhiều ngoại ngữ và nhiều giọng nói khác nhau cho phép ông, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mạo nhận là người Argentina, Brazil, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Mexico và nhiều nước khác mà bao giờ Grigulevich cũng thành công.

Hình dáng bên ngoài của Grigulevich không có nét gì đặc biệt làm người ngoài chú ý. Đối với Grigulevich phương pháp hóa trang hoàn hảo nhất không phải là sử dụng tóc giả, râu giả hay thay đổi quần áo thường xuyên mà là phải có dáng điệu và cử chỉ tự nhiên. Grigulevich còn có một phẩm chất vô giá đối với mỗi tình báo viên là dám mạo hiểm.

Chính nhờ những năng lực vượt trội cũng như bảng thành tích dày đặc của mình, Grigulevich nhanh chóng trở thành một điệp viên rất được cấp trên coi trọng. Rất nhiều nhiệm vụ quan trọng của Cơ quan an ninh Nga đều được giao cho Grigulevich, trong số đó có rất nhiều điệp vụ ám sát. Tuy nhiên, bất kể là nhiệm vụ nào, phức tạp ra sao, Grigulevich đều hoàn thành cực kỳ xuất sắc và đặc biệt là không để lại bất cứ sơ hở nào. Năm 1938, Grigulevich được lệnh phải trở về Matxcova. Ủy ban Dân ủy Nội vụ muốn giao cho Grigulevich cùng nhiều tình báo viên khác, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: Ám sát Trotsky.

Trotsky vốn là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng mười Nga, chỉ sau Lenin. Trong những ngày đầu lịch sử Liên Xô, ông làm dân uỷ ngoại giao và sau này là người thành lập và chỉ huy Hồng quân và dân uỷ chiến tranh. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Bộ chính trị Liên Xô. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn với Stalin, Trotsky đã bị đưa ra khỏi đảng Cộng sản và trục xuất khỏi Liên Xô. Sau khi lưu lạc tại nhiều quốc gia, Trotsky đã tới Mexico. 

Trotsky luôn kiên trì cho rằng, tư tưởng của mình mới thực sự là “kế thừa Chủ nghĩa Mác – Lê nin”, còn tư tưởng của Stalin là một thứ “bóp méo” chủ nghĩa Mác – Lê nin. Vì vậy, ngay từ thời bấy giờ, người ta gọi những tư tưởng của Trotsky là chủ nghĩa Trotsky để tách biệt nó ra khỏi chủ nghĩa Mác – Lê nin. 

Trotsky đã phải sống một cuộc sống lưu vong qua hết nước này tới nước khác, tuy nhiên, Stalin thì vẫn không thể quên được người “chiến hữu cũ” có quan điểm bất đồng với mình. Vì vậy, vào thời điểm Stalin biết được tông tích của Trotsky, ông đã ra lệnh cho ám sát Trotsky. Grigulevich là một trong những tình báo viên được Stalin giao cho nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng này. Tháng 4/1938, nhóm tình báo rất được tin tưởng này đã xuất phát.

Tuy nhiên, khi Grigulevich vừa tới Mexico, chưa kịp bắt tay vào công việc thì ông lại nhận được lệnh quay trở về Matxcova. Nguyên nhân là do Ủy ban Dân ủy Nội vụ vừa nhận được thông tin, tướng quân Orlov đã bỏ trốn khỏi Matxcova và mang theo thông tin điện Kremlin phái tình báo ám sát Trotsky đến thông báo cho ông ta. Orlov lại vốn là một người quen cũ của Grigulevich, hai người từng có mối quan hệ khá mật thiết trong thời gian Grigulevich hoạt động tại Tây Ban Nha.

Sau khi nhận được lệnh từ Ủy ban Dân ủy, Grigulevich nghĩ rằng mình không còn có “duyên” với nhiệm vụ quan trọng này nữa. Tuy nhiên, sau đó, để tăng cường lực lượng, đảm bảo sự thành công của nhiệm vụ, Chủ tịch Ủy ban Dân ủy Nội vụ khi đó là Beriya vẫn quyết định gửi vị “tướng yêu” của mình tới Mexico. 

Vào thời điểm đó, hai nhóm ám sát đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ. Sau khi Grigulevich tới Mexico đã tự mình tổ chức thành một nhóm dự bị, đảm bảo kế hoạch hoàn thành một cách thuận lợi ngay cả trong trường hợp gặp phải những sơ suất bất ngờ. Cùng thời gian đó, Grigulevich cũng đảm nhiệm một nhiệm vụ khác: Liên lạc với một điệp viên tên là Sheldon Harte. Điệp viên này do cơ sở của Ủy ban Dân ủy Nội vụ tại New York phát triển và hiện tại đang làm trong đội bảo vệ của Trotsky. 

Sau khi một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, điệp vụ mang tên “Con vịt” đã bắt đầu. Toàn bộ lần hành động này chỉ kéo dài chưa tới 20 phút. Người ta cho rằng, Harte chính là người mở cánh cổng nhà của Trotsky để nhóm ám sát xông vào bên trong. Và sau khi đột nhập vào nơi ở của Trotsky, các tình báo của cơ quan mật vụ Liên Xô đã dùng súng bắn vào Trotsky khi ông ta đang nằm trên giường. 

Sau hàng trăm phát đạn, nhóm ám sát tin rằng, Trotsky khó có thể thoát chết vì vậy nhanh chóng rút lui. Tuy nhiên, sự thực đã không diễn ra như nhóm ám sát suy nghĩ. Họ đã quá vội vàng và sơ suất. Bởi vì, ngay khi biết mình bị bao vây, Trotsky đã nhanh chóng trốn xuống gầm giường vì vậy, ông ta không hề trúng một viên đạn nào của nhóm ám sát. 

Sau đó, người ta tìm thấy thi thể của Harte. Cảnh sát Mexico khẳng định, Harte đã cấu kết với cơ quan tình báo của Liên Xô trong vụ ám sát Trotsky. Tuy nhiên, Trotsky thì không tin như vậy. Ngay trong sân nhà mình, nơi xảy ra vụ ám sát không thành, Trotsky đã đắp một ngôi mộ cho Harte, trên đó có ghi dòng chữ: “Harte, người bị chết dưới tay của Stalin”. Các nhà nghiên cứu sau này cho rằng, chính nhóm ám sát đã quyết định ra tay “khử” Harte vì nghi ngờ anh ta đã thông báo cho Trotsky khiến vụ ám sát bị thất bại. 

Thất bại trong lần hành động đầu tiên, nhóm tình báo của Liên Xô vẫn chưa bỏ cuộc. Cuối cùng, người chỉ huy nhóm ám sát đã quyết định để Ramón Mercader, một thành viên của nhóm hành động một mình.

Mercader và mẹ vốn là thành viên đảng Cộng sản Tây Ban Nha và cả hai đều là tình báo của Liên Xô tại nước này. Trong lần hành động trước, Mercader và mẹ mình mỗi người cầm đầu một nhóm ám sát. Mặc dù lần hành động thứ nhất không thành công, tuy nhiên, hai mẹ con Mercader đã giành được sự tín nhiệm đặc biệt từ cấp trên. 

Trong vòng 3 tháng sau đó, Mercader đã tìm cách tiếp cận với Trotsky, rồi dần dần chiếm được cảm tình của ông ta. Cho tới ngày 20/8/1940, Mercader mang một bài viết của mình tới tìm Trotsky. Trước đó Trotsky đã hứa với Mercader sẽ sửa bài viết giúp anh ta. Tuy nhiên, ngoài bài viết, Mercader còn mang theo bên mình một chiếc rìu băng mà các vận động viên leo núi thường sử dụng.

Khi Trotsky đang tập trung để xem giúp Mercader bài viết, Mercader đã cầm chiếc rìu bằng bổ một cú như trời giáng xuống đầu Trotsky. 

Tuy nhiên, cú đâm không chuẩn xác lắm và không giết chết Trotsky ngay lập tức như Mercader dự tính. Các nhân chứng nói rằng Trotsky nhảy bổ vào Mercader và đánh nhau dữ dội với anh ta. Nghe tiếng động, các vệ sĩ của Trotsky lao vào phòng và hầu như giết Mercader, nhưng Trotsky ngăn họ, nhắc lại nhiều lần rằng cần để anh ta sống để trả lời các câu hỏi. Trotsky được đưa tới bệnh viện, tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, Trotsky chỉ sống thêm được một ngày nữa. Ông chết vào ngày 21/8/1940, khi 60 tuổi.

Trong vụ ám sát Trotsky, Iosif Grigulevich không có cơ hội trực tiếp tham gia hành động. Tuy nhiên, sau này, Grigulevich đã nói rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông trong lần hành động này đó là khuyên Mercader trực tiếp tiếp cận và ám sát Trotsky.

Và kế hoạch ám sát thống chế Nam Tư Tito

Thành công trong nhiệm vụ ám sát Trotsky, Grigulevich cùng những tình báo viên trong nhóm ám sát, ngoại trừ Mercader bị bắt đều được vinh danh tại Liên Xô. Sau điệp vụ này, Grigulevich được cử tới hoạt động tại châu Mỹ La tinh. Nhiệm vụ của Grigulevich tại đây là phá hoại các kế hoạch vận chuyển vật tư chiến lược của phát xít Đức đồng thời phát triển mạng lưới tình báo đối ngoại cho cơ quan an ninh Liên Xô. Đây là thời gian Grigulevich kết hôn với một phụ nữ Mexico tên là Laure Arauho, người trợ thủ đáng tin cậy của Grigulevich. Bà vừa là nhân viên mật mã vừa là giao thông viên.

Cũng trong thời gian hoạt động tại đây, trong một cơ hội hết sức ngẫu nhiên, Grigulevich đã gặp gỡ và làm quen với một nhóm các nhà cách mạng Costa Rica. Grigulevich cũng là người đã giúp họ khởi thảo bản tuyên ngôn cũng như cương lĩnh cách mạng. Và chính cuộc gặp gỡ ngoài dự kiến này đã tạo cho Grigulevich cơ hội trở thành người được giao nhiệm vụ ám sát tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito. 

Sau khi cách mạng ở Costa Rica thành công, những người quen cũ của Grigulevich đã mời ông đến làm việc cho quốc gia của họ. Grigulevich thấy rằng đó là một cơ hội rất tốt cho công việc của một điệp báo như mình nên đã nhận lời. Vì vậy, ít lâu sau đó, Grigulevich trở thành một quan chức ngoại giao của Costa Rica.

Trong thời gian sau đó, với vai trò một quan chức ngoại giao, Grigulevich trở thành một nhân vật quen thuộc trong giới ngoại giao quốc tế. Với sự tín nhiệm ngày một nâng lên, Grigulevich trở thành đại sứ của Costa Rica tại Vatican rồi tiếp đó là Italia. Tiếp đó, Grigulevich được cử đến làm đại sứ tại Nam Tư. Đây là một cơ hội lớn cho Grigulevich, bởi lẽ nhiều năm trước đó, Grigulevich đã nhận được mệnh lệnh từ Ủy ban Dân ủy Nội vụ: Tìm cách tiếp cận và ám sát Tito.

Nam Tư vốn là quốc gia theo đường lối Xã hội chủ nghĩa sớm nhất ở châu Âu sau Liên Xô. Tổng thống Nam Tư Tito ban đầu vốn là một đồng minh rất được Stalin tin cậy. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, giữa Stalin và Tito đã có một sự chia rẽ rất nghiêm trọng. Khác với những nước thuộc khối Cộng sản Đông Âu, Nam Tư không phụ thuộc Hồng quân Liên Xô trong cuộc giải phóng chống phát xít. Mặc dù trong thời gian đầu, Tito là đồng minh với Stalin, song Tito luôn cho rằng, Nam Tư có khả năng đứng riêng rẽ, tự chủ, không phụ thuộc thế lực bên ngoài. Do đó, liên hệ với Liên bang Xô viết dần dần trở nên căng thẳng.

Ngay từ năm 1945 Liên Xô đã gài điệp viên vào đảng Cộng sản Nam Tư để theo dõi và tạo ảnh hưởng. Mặt khác, Nam Tư cũng không chịu để Đồng minh Tây Âu lấn ép. Nhiều cuộc đụng độ vũ trang xảy ra giữa Nam Tư và quân Đồng minh Tây Âu đã xảy ra. Nam Tư giành lại lãnh thổ Istria, hai thành phố Zadar và Rijeka từng bị Italia chiếm giữ từ những năm 1920. Khi Tito muốn lấy lại khu vực Trieste thì bị phe Đồng minh Tây Âu phản kháng, dẫn đến xảy ra nhiều căng thẳng quân sự. Nghiêm trọng nhất những là vụ không quân Nam Tư tấn công máy bay của Hoa Kỳ. 

Từ năm 1945 tới năm 1948 ít nhất 4 phi cơ Mỹ bị Nam Tư bắn rớt. Stalin rất lo ngại về những xung đột này. Stalin cho rằng Liên Xô lúc bấy giờ còn đang hồi phục sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chưa đủ tiềm lực để tham gia chiến tranh giữa đông và tây Âu. Cho tới năm 1948, Tito quyết định đặt kế hoạch phát triển kinh tế không lệ thuộc hệ thống của Liên Xô. Từ đó, liên hệ giữa Nam Tư và Liên Xô bắt đầu tan rã. 

Ngày 17/5/1949, Tito cho mời họp các nước cộng sản Đông Âu để điều đình vào tháng 6 nhưng ông không đến họp, với lo ngại rằng Nam Tư sẽ bị tấn công. Giai đoạn này là cuộc khủng hoảng quân sự trầm trọng, quân Liên Xô và Hungary kéo đến đóng tại biên giới phía bắc Nam Tư. Ngày 28/6 Nam Tư bị trục xuất khỏi khối Đông Âu, và bị kết tội là đảng Cộng sản Nam Tư đã để những thành phần chủ nghĩa quốc gia lên cầm đầu. Những phần tử có tư tưởng giống Tito trong những nước này cũng bị thanh trừng hay trục xuất. Riêng Stalin lại đi xa hơn, ông ra lệnh thủ tiêu Tito. 

Sau khá nhiều lần thất bại, nhiệm vụ ám sát Tito ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với cơ quan tình báo của Liên Xô. Vì vậy, với tư cách một người đang giữ chức đại sứ Costa Rica tại Nam Tư, Grigulevich là người duy nhất lúc bấy giờ có đầy đủ cơ hội để có thể tiếp cận Tito và thực hiện hành động ám sát. 

Trong lần hành động này, tại tổng bộ Ủy ban Dân ủy Nội vụ ở Matxcova Grigulevich có biệt danh là “Max”. Sau khi nhậm chức tại Belgrade, thủ đô Nam Tư, với tư cách là một đại sứ, Grigulevich đã nhanh chóng thiết lập một mối quan hệ mật thiết với những nhân vật xung quanh Tito. Dần dần, Grigulevich nhận được sự tin tưởng của Tito và bắt đầu có cơ hội gặp gỡ riêng với vị tổng thống của Nam Tư. 

Grigulevich đem tất cả những tiến triển trong kế hoạch của mình báo cáo về Matxcova. Vào tháng 2/1953, Ủy ban Dân ủy Nội vụ phái người tới Viên- thủ đô nước Áo- để liên lạc với Grigulevich và bạn bạc cụ thể về kế hoạch ám sát Tito. Với kinh nghiệm tình báo hàng chục năm và tài năng vượt trội, Grigulevich đã nhanh chóng đưa ra 3 phương án ám sát: Một, ông sẽ mang một thiết bị có chứa một loại virus có thể lây qua đường hô hấp và phóng nó ra trong cuộc gặp riêng giữa ông với Tito. Để tránh việc Grigulevich cũng bị nhiễm virus, ông sẽ được uống thuốc chữa từ trước.

mal" >

mal" >

Mặc dù kế hoạch mà Grigulevich đưa ra đều rất chi tiết, song tất cả đều không làm vừa lòng những người chỉ huy ở Matxcova. Cuối cùng, Matxcova đưa ra một phương án khác: Grigulevich với tư cách là đại sứ của Costa Rica tặng cho Tito một món quà. Món quà này sẽ chứa chất độc và khi Tito mở hộp quà sẽ bị trúng độc mà chết. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng phương án này cũng được cơ quan mật vụ Liên Xô xác định là phương án cuối cùng. Tất cả đã chuẩn bị hoàn tất, chỉ chờ sự chấp thuận của cấp lãnh đạo cao nhất.

Tuy nhiên, trong khi tại Nam Tư, Grigulevich chỉ còn chờ mệnh lệnh từ cấp trên để hành động, thì tại Matxcova, Stalin đột ngột qua đời. Khi nghe thông tin đó, vị tình báo viên lão luyện biết rằng, kế hoạch có thể phải dừng lại. Và quả thực không ngoài những gì Grigulevich dự liệu.

 Kế hoạch ám sát Tito, vụ ám sát mà nếu thành công có thể làm chấn động cả thế giới cuối cùng buộc phải cất vào kho lưu trữ. Kế hoạch này cũng chấm dứt luôn cuộc đời tình báo lẫy lừng của Grigulevich. Cuối năm 1953, ông từ Nam Tư về nước và đầu năm 1954 thôi làm việc trong cơ quan tình báo đối ngoại. Tuy nhiên, đó chưa phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp của Grigulevich.

Thôi làm việc tại cơ quan tình báo, Grigulevich bắt đầu cuộc sống mới như một nhà khoa học. Grigulevich đã được trao bằng tiến sĩ sử học mà không cần phải bảo vệ luận văn và sau đó, ông làm việc như một chuyên gia về lịch sử châu Mỹ La tinh. Cho tới năm 1979, Grigulevich trở thành một viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. 

Trong suốt thời gian này, Grigulevich đã viết rất nhiều sách. Ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách khác nhau. Thân phận của Grigulevich được cọi là tuyệt mật và hồ sơ của ông được cất giữ an toàn trong két sắt. Vào thời bấy giờ, các đồng nghiệp mới của Grigulevich đã rất lúng túng khi họ hoàn toàn không có một chút thông tin nào về Grigulevich trong lý lịch khi ông ở trước độ tuổi 40. Những chi tiết về cuộc đời hoạt động tình báo của Grigulevich chỉ được hé lộ trong những năm gần đây, kể từ sau khi cái gọi là “kho lưu trữ Mitrokhin” được công bố.

  • Hà Phương
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc