Tục ướp đầu kinh dị của các bộ tộc vùng Amazon

( PHUNUTODAY ) - Xưa kia, bộ tộc người Shuar, sinh sống trong rừng rậm Amazon, thường chặt đầu của kẻ thù sau đó đem đi ướp bằng cách nhồi đá, sỏi vào. Ngày này, phong tục kì dị này vẫn tồn tại với những biến tướng của nó.


Rừng rậm Amazon – vùng đất của những bộ tộc kì lạ

Rừng Amazon, là một khu rừng lá rộng đất ẩm ở lưu vực Amazon của Nam Mỹ, vùng đất này có diện tích khoảng 7 triệu km², thuộc lãnh thổ của 9 quốc gia trong đó Brazil chiếm chủ yếu (với 60% diện tích rừng).

Ngoài ra là diện tích đất của các quốc gia như Peru (chiếm 13%), Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam, Guyana ). Đây được xem là một dải rừng mưa nhiệt đới lớn nhất và phong phú nhất về các loài động thực vật trên thế giới. Nơi đây tập trung hệ động thực vật vô cùng đa dạng, là khu dự trữ sinh quyển cho loài người.

1
Những chiếc sọ người được bày bán như một mặt hàng lưu niệm
Khu vực này là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật, và khoảng 2.000 loài chim cùng thú. Cho tới nay, các nhà khoa học xác định được rằng có ít nhất khoảng 40.000 loài thực vật, 3.000 loài cá, 1.294 loài chim, 427 loài thú, 428 loài động vật lưỡng cư và 378 loài bò sát sinh sống trong khu vực này.

Không những vậy, rừng Amazon cũng là vùng đất vàng của các bộ tộc kì lạ, sinh sống trong điều kiện hết sức hoang sơ với các phong tục có một không hai trên thế giới. Không ít các bộ tộc sinh sống ở trong rừng Amazon có điều kiện sống biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài.

Theo ước tính của Hiệp hội Người da đỏ quốc gia Brazil, đất nước sở hữu 60% diện tích rừng Amazon thì có khoảng 68 cộng đồng dân cư cô lập đang sống trong rừng. Chỉ mới vào tháng 6 vừa qua, một bộ lạc mới với khoảng 200 người, chưa bao giờ được biết đến trên thế giới đã được phát hiện bởi vệ tinh. Bộ lạc mới nhất được phát hiện này hiện đang sống ở bốn khu nhà mái rơm. Họ trồng ngô, chuối, lạc và các loại cây khác.

Cộng đồng này ở khu vực Vale do Javari rộng lớn gần biên giới Peru, với diện tích gần bằng đất nước Bồ Đào Nha và là nơi có ít nhất 14 bộ lạc chưa từng liên lạc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, sự tồn tại của các bộ tộc sống biệt lập trong khu vực rừng Amazon đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng bởi tình trạng bắt cá, săn bắn, khai thác gỗ bất hợp pháp… cũng như hoạt động truyền giáo và buôn bán ma túy dọc biên giới Brazil.

Nhiều nhóm dân cư đã phải chiến đấu để giành quyền kiểm soát vùng đất mà họ đang sinh sống, song vẫn không tránh khỏi được nguy cơ sẽ biến mất bởi những tác động từ bên ngoài. Điển hình cho điều này là trường hợp của một bộ lạc nguyên thuỷ trong rừng Amazon, từng gây xôn xao thế giới sau khi được chụp ảnh lần đầu tiên năm 2008, giờ đây đã mất tích sau một cuộc tấn công của những kẻ buôn lậu ma tuý. Đó là một bộ tộc với những cư dân mình nâu đỏ sống tại khu vực rừng Amazon thuộc bang Acre của Brazil, cách biên giới với Peru gần 40km.

Mãi đến năm 2008, lần đầu tiên, người ta mới chụp được ảnh của bộ tộc này. Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, bộ tộc này đã bị xâm phạm và cướp phá bởi những kẻ buôn lậu ma túy. Các quan chức Brazil lo ngại rằng, các thành viên trong bộ tộc này đã bị đuổi ra khỏi nhà, thậm chí là bị sát hại bởi những kẻ buôn ma túy có vũ trang. Mối lo ngại này tăng cao khi người ta thấy một chiếc ba lô của một số kẻ buôn ma túy có chứa 20kg ma túy, cùng với những mũi giáo đặc trưng của bộ tộc này được tìm thấy trong khu vực.

Chính bởi thế, các quan chức cấp cao, đặc biệt là các tổ chức bảo vệ quyền lợi và sự tồn tại của các bộ tộc tại vùng rừng Amazon hiện đang phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm bảo vệ các bộ tộc này khỏi sự xâm hại từ bên ngoài cũng như việc bảo tồn các truyền thống sinh hoạt đặc trưng riêng của họ.

Và biến tướng xấu của phong tục ướp đầu người kì dị

Những bộ tộc sinh sống trong vùng rừng Amazon sở hữu rất nhiều phong tục kì dị. Một trong số đó có thể kể đến phong tục ướp đầu người của bộ tộc Shuar, bộ tộc Achuar hay bộ tộc Aguaruna. Những bộ tộc này chủ yếu sinh sống tại vùng rừng thuộc đất nước Peru hay đất nước Ecuador.

Theo phong tục từ thời xa xưa, sau những cuộc chiến với kẻ thù trong rừng rậm, các chiến binh của bộ tộc Shuar sẽ giết chết các con tin bị bắt rồi chặt lấy đầu họ, mang đi ướp bằng cách nhồi đầy sỏi, cát. Nghi thức này của người Shuar được thực hiện trong sự thành kính về quan niệm tôn giáo của họ. Bộ tộc Shuar gọi nghi thức ướp đầu bằng cái tên Tsantssa hay Tzantza. Quá trình ướp đầu người sẽ bắt đầu bằng việc lấy xương sọ ra khỏi đầu.

Để chắp vá lại những chỗ da bị rách, họ lấy một phần da phía sau lưng để khâu vào. Hai con mắt sẽ được thay thế bằng những loại hạt đỏ rồi được khâu chặt lại. Khuôn miệng sẽ được chốt lại bằng các thanh gỗ nhọn để đảm bảo rằng miệng khép chặt, không bị mở ra.

Tiếp theo đó, những người Shuar sẽ nhét đầy sỏi và cát nóng để tái tạo hình dáng của đầu. Bước cuối cùng để hoàn thiện một chiếc đầu người ướp là dùng than củi vẽ kín phần da bên ngoài. Theo truyền thống, việc vẽ than củi lên da mang ý nghĩa giam giữ lại linh hồn của người đã chết.

Người Shuar tin rằng sau khi giết được kẻ thù thì việc ướp đầu kẻ thù vô cùng quan trọng. Trong niềm tin của người Shuar, việc lấy đầu kẻ thù, nhồi đá và cát vào hộp sọ sẽ giúp cho họ chiếm đoạt được cả linh hồn của kẻ thù, lợi dụng linh hồn đó làm việc cho mình.
 
Ngoài ra, những chiến binh Shuar cũng cho rằng: Phải thực hiện các nghi lễ ướp đầu thì linh hồn của đối phương mới không thể rời ra khỏi thể xác đã chết để thực hiện các hành vi quấy nhiễu đến đời sống của họ. Bên cạnh đó, thì việc ướp đầu kẻ thù của người Shuar cũng được xem là hành động mang tính chất đe dọa đối phương, thị uy sức mạnh của các chiến binh trong bộ tộc.

Những chiếc đầu ướp của kẻ thù sẽ được trưng bày trong nhà của các chiến binh như một chiến tích về các chiến công của họ. Các thành viên khác trong bộ lạc cũng sẽ nhìn vào số đầu ướp của các chiến binh để đánh giá sức mạnh của họ. Ngoài ra, những chiếc đầu ướp cũng được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo của bộ tộc hoặc các bữa tiệc mừng chiến thắng như một sự khẳng định sức mạnh tối thượng của họ. Một thời gian sau khi được sử dụng để trưng bày hoặc phục vụ cho các nghi lễ, những chiếc đầu người ướp này sẽ bị bỏ đi.

Cho đến nay, phong tục ướp đầu người ít được thực hiện hơn bởi không còn nhiều các cuộc chiến giữa các bộ tộc. Thế nhưng, phong tục này đang có xu hướng trở lại với những biến tướng xấu của nó. Nghi thức ướp đầu với ý nghĩa tôn giáo trước kia của phong tục không còn được chú ý. Thay vào đó, một số người thuộc bộ tộc Shuar đã nhận thấy tính thương mại và trao đổi của những chiếc đầu ướp kì dị này. Người trong bộ tộc Shuar thường đổi đầu ướp lấy súng cho các khách du lịch hoặc người sưu tầm cá nhân. Cứ một khẩu súng sẽ đổi được một chiếc đầu ướp. Thậm chí, trong những năm 1930, người ta có thể mua một chiếc đầu này với giá 25 USD.

Do những chiếc đầu ướp không còn nhiều chính vì thế, chúng vô tình trở thành những món hàng độc, được ưa chuộng bởi một số người thích các đồ lưu niệm kì dị khi đến thăm vùng đất sinh sống của bộ tộc Shuar. Vậy nên, rất nhanh chóng, những chiếc đầu này là món hàng được săn lùng để trao đổi, buôn bán.

Do giá trị của những chiếc đầu người ướp, nên đã hình thành một nhóm các tên săn đầu người ướp nhằm bán lại cho du khách. Không có những chiếc đầu người cũ, được tạo thành từ các nghi lễ sau một cuộc chiến đấu, những kẻ săn đầu người này thường tìm đến các ngôi mộ người mới chết để lấy cắp đầu người.

Bởi vậy, nạn săn đầu người chết có cơ hội hoành hành ở các khu vực phía Tây Bắc của rừng Amazon. Hiện nay, chính phủ Peru và Ecuador đã cố gắng vào cuộc để ngăn chặn biến tướng xấu của phong tục ướp đầu người kì dị này. Sự thương mại hóa những chiếc đầu người ướp của bộ tộc Shuar thay cho các quan niệm tôn giáo truyền thống cũng chính là một trong những hệ lụy xấu của việc các yếu tố văn hóa ngoại lai xâm nhập vào đời sống của các bộ lạc vùng Amazon.
  • Lê Anh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn