Tướng Dương Văn Minh và cuộc truy tìm long mạch kỳ bí

( PHUNUTODAY ) - Từ “cánh đồng huyền diệu” Mỹ Phú, ông Dương Văn Huề (tức Dương Văn Mau) đã ra đi và học hành thành tài và có vị trí nhất định trong xã hội phong kiến triều Nguyễn. Đến đời các con ông, gặp lúc đất nước bị ngoại bang xâm lược và chia cắt, họ cũng tiếp tục chứng tỏ tài năng của mình trong những hoàn cảnh khác nhau.

(Phunutoday) - Từ “cánh đồng huyền diệu” Mỹ Phú, ông Dương Văn Huề (tức Dương Văn Mau) đã ra đi và học hành thành tài và có vị trí nhất định trong xã hội phong kiến triều Nguyễn. Đến đời các con ông, gặp lúc đất nước bị ngoại bang xâm lược và chia cắt, họ cũng tiếp tục chứng tỏ tài năng của mình trong những hoàn cảnh khác nhau.

 Đặc biệt là Tướng Dương Văn Minh, người đã làm sôi động chính trường Sài Gòn trong thập niên 1960 và chính là người đã đọc lời “đầu hàng” lịch sử trước Quân giải phóng, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến 30 năm, thống nhất đất nước. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, bây giờ tộc họ Dương lại quây quần trên mảnh đất huyền diệu mà cha ông họ đã dày công khai phá cách đây hàng trăm năm. Tại nơi ấy có một nhà thờ tộc họ Dương mang tên “Từ đường Dương tộc”.

Ra đi từ “cánh đồng huyền diệu” Mỹ Phú

Trải qua hàng trăm năm khai khẩn, thuần hóa, cánh đồng Mỹ Phú nằm ở vùng rìa của cánh đồng hoang Đồng Tháp Mười, đến đời ông Dương Văn Hiển, những người trong tộc họ Dương đã trở nên khá giả nhờ đất đai các thế hệ trước khai khẩn để lại giờ trở nên màu mỡ, trồng lúa đạt năng suất cao. Nhờ đó mà một người con của ông Hiển tên là Dương Văn Huề được cho đi xa (vì ở Long An thời ấy chưa có trường học) học hành đàng hoàng, rồi ra làm quan dưới thời Pháp thuộc.

 Từ cái đà của người cha, các con trai của ông Huề là Dương Văn Minh, Dương Văn Nhựt, Dương Văn Sơn cũng rời vùng quê Mỹ Phú đi học “trường Tây” và đều để lại dấu ấn trong đời. Có nguồn sử liệu cho rằng cậu bé Dương Văn Minh chào đời ngày 19- 2-1916 ở Phú Lâm (quận Bình Tân TP. HCM ngày nay), nơi cha ông là Dương Văn Mau (tên khác của Dương Văn Huề) đang làm quan trong Dinh Phó soái Nam Kỳ, sau này gọi là Dinh Gia Long.

Nhà thờ gia tộc họ Dương.
Nhà thờ gia tộc họ Dương.

Một nguồn sử liệu khác cho rằng ông Dương Văn Minh sinh ra ở Mỹ Tho hoặc Vĩnh Long, nơi ông Dương Văn Mau đang làm quan. Cũng có tài liệu cho rằng nơi sinh của ông Minh là Long An, cụ thể là ở làng Mỹ Phú, trên chính mảnh đất tổ tiên ông đã dày công khai phá. Gia đình khá giả, có cha làm quan, nên ngay từ lúc nhỏ ông Minh đã rời khỏi vùng quê Mỹ Phú về học ở Trường Collège Chasseloup-Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. HCM). Lúc ấy người Việt thường gọi tắt trường này là “Xách Lu”. Dưới thời Pháp thuộc, ở Sài Gòn có 2 trường công lập nổi tiếng là Chasseloup Laubat và Pétrus Ký.

Trường “Xách Lu” dành riêng cho con của các viên chức người Pháp hoặc người Việt Nam có quốc tịch Pháp. Còn con em người Việt học giỏi chỉ được thi vào Lycée Pétrus Ký, nhưng không biết bằng cách nào mà cậu học trò Dương Văn Minh là người Việt Nam mà vẫn được thi và đậu vào trường “Xách Lu”.

Những người lớn tuổi ở Mỹ Phú vẫn còn nhớ, ông Minh đi học xa nhà, mỗi năm chỉ về thăm quê vài lần vào dịp nghỉ hè và ngày giỗ, tết. Ngay từ nhỏ ông Minh đã là cậu bé có hình vóc to lớn hơn người, mới hơn 10 tuổi đã cao lớn như một thanh niên trưởng thành. Ông rất yêu thích đồng ruộng, thích lội ruộng bắt ốc, bắt cá, làm lúa với người thân. Theo những người học cùng ông Minh, trong đó có tướng Trần Văn Đôn, ông Minh học rất giỏi.

Ở trường, cậu học trò Dương Văn Minh vừa học giỏi, vừa năng luyện tập thể dục thể thao, ông nổi tiếng về chạy bộ và đá banh. Trong đội banh của nhà trường, Dương Văn Minh luôn giữ vai trò thủ môn, ông bắt bóng rất giỏi, không ai có thể thay thế. Đến tuổi trưởng thành, ông Minh trở thành người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, với chiều cao 1,83m, nước da sạm đen như nông dân lực điền. Vì vậy mà ông còn được đặt nhiều biệt danh như Minh Cồ, Minh Bự, "Big Minh".

Ông Minh thi đỗ Tú tài II chương trình Pháp ban toán vào năm 1938, rồi đỗ bằng Tú tài phần nhứt, nhưng không muốn tiếp tục học nữa, mà có ý định ra đi làm và lập gia đình. Ông bắt đầu tự lập với nghề Thư ký công nhật chuyên lo công văn đi và đến ở một cơ quan trong bộ máy cai trị của Pháp ở Sài Gòn, trước khi bước sang con đường quân ngũ.

Người có duyên với những biến động chính trị ở Sài Gòn

Năm 1940, Dương Văn Minh gia nhập quân đội Pháp với cấp bậc Aspirant (tức Chuẩn úy) sau khóa đào tạo ngắn hạn ở Trường Hạ sĩ quan Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Dương Văn Minh đang phục vụ tại Cap Saint Jacques và bị quân Nhật bắt, cầm tù. Khi Pháp trở lại, vì lý do nào đó mà ông bị Pháp nghi ngờ bắt, tra tấn đến gãy 2 cái răng cửa, nhiều năm sau này ông vẫn không trồng răng giả để giữ kỷ niệm về trận đòn của thực dân Pháp. Năm 1946, ông được quân đội Pháp tin dùng và thăng cấp Thiếu úy, hai năm sau lên Trung úy.

Năm 1952 ông được thăng hàm Đại úy, làm Tùy viên tại Phủ Thủ hiến Nam phần. Năm 1953 ông được thăng Thiếu tá, năm 1954 là Trung tá Tham mưu trưởng Quân khu 1. Năm 1955, khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa được thành lập, ông giữ chức Chỉ huy trưởng Phân khu Sài Gòn, sau được thăng Đại tá và giữ chức Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

 Tháng 8-1955, ông được Ngô Đình Diệm (lúc đó là Thủ tướng Quốc gia Việt Nam) giao làm Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Diệu với nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng quân đội ly khai Bình Xuyên. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Diệm thăng quân hàm Thiếu tướng ngày 23-10-1955. Sau đó được giao chức vụ Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Huệ, rồi Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh quân Hòa Hảo của Tướng Ba Cụt ở miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, trong nội bộ chính quyền Diệm bắt đầu có sự phân hóa, nghi kỵ lẫn nhau giữa 2 phe thân Pháp (trong đó có Dương Văn Minh) và thân Mỹ (đứng đầu là anh em Diệm – Nhu).

Sự kiện Hà Minh Trí ám sát Ngô Đình Diệm tại Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên ở Buôn Mê Thuột vào tháng 2-1957 càng khoét sâu mâu thuẫn này. Người chiến sĩ cách mạng cảm tử đã khai mình là lính giáo phái Cao Đài, ám sát Ngô Đình Diệm theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh, và đã lừa được anh em Diệm – Nhu. Từ vị trí là Trung tướng tư lệnh Biệt khu Thủ đô, ông Minh bị điều về “ngồi chơi xơi nước” với “hư danh” cố vấn quân sự Phủ Tổng thống. Thế nhưng, một người với nhiều nội lực và từng trải như tướng Minh không dễ đầu hàng số phận, ông đã âm thầm chuẩn bị cho một trận bão lớn – lật đổ chế độ độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm.
1
Cảnh trong từ đường.

Trong cuộc đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963, Dương Văn Minh đóng vai trò chính với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng cùng với các Tướng Trần Văn Đôn,  Mai Hữu Xuân, Đỗ Mậu... Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, Tướng Nguyễn Khánh lật đổ chính quyền quân sự này và giành quyền cai trị miền Nam Việt Nam.

Chính trường Sài Gòn lúc đó như cơn lốc, mọi người gắn với nó đều có thể bị “tung hứng” một cách bất ngờ. Năm 1964, Dương Văn Minh được “Quốc trưởng” Phan Khắc Sửu vừa nắm quyền kiểm soát chế độ Sài Gòn thăng hàm Đại tướng, nhưng ông không nhận, vì nhận định tình hình hình còn diễn biến phức tạp.

Tháng 12 năm đó, ông bị ép đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại  Thái Lan cho đến năm 1968 mới được hồi hương. Năm 1971, ông trở lại chính trường và đối đầu với đương kim Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người được Mỹ ủng hộ, trong cuộc tranh cử Tổng thống sau đó. Lúc đó dư luận Sài Gòn cho rằng ông là người thích hợp nhất để lãnh đạo "Lực lượng thứ ba" chống lại chiến tranh, tìm đường vãn hồi hòa bình.

Thế nhưng, những nỗ lực của ông đã bị NguyễnVăn Thiệu cản trở, ông đã rút ra khỏi cuộc tranh cử sau khi tuyên bố rằng cuộc bầu cử chỉ là trò múa rối. Trước sự sụp đổ nhanh chóng của Việt Nam Cộng hòa sau khi Mỹ rút quân, ông lại trở thành một nhân vật quan trọng trong chính trường Sài Gòn.

Sau khi Nguyễn Văn Thiệu, rồi Trần Văn Hương từ chức chỉ trong vòng có một tuần lễ, ngày 28-4-1975, Dương Văn Minh chính thức nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Chưa tới 40 tiếng đồng hồ sau, vào trưa ngày 30-4-1975, trên cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, ông đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng miền Nam trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức tan rã, Quân giải phóng làm chủ hoàn toàn miền Nam, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm đã kết thúc thắng lợi, đất nước hết chia cắt. Ông đã có những năm sống ý nghĩa với tư cách công dân một nước độc lập sau ngày miền Nam giải phóng. Năm 1983, ông được cho phép sang Pháp định cư với vợ chồng người con gái. Sau ông chuyển qua sống ở California, tại đó ông đã qua đời ngày 6-8-2001, thọ 86 tuổi.

Về “quyết định lịch sử” đầu hàng Quân giải phóng trưa ngày 30-4-1975, sau này Dương Văn Minh đã nhiều lần giải thích đại ý là “đây còn là vấn đề nhân đạo, bớt đổ xương máu chừng nào tốt chừng nấy”; nếu Dương Văn Minh không đứng ra nhận vai trò Tổng thống từ Trần Văn Hương, có thể đã có một cuộc đảo chánh ở Sài Gòn, phe hiếu chiến lên cầm quyền, chừng ấy chiến tranh sẽ thêm thảm khốc, dân chúng và binh lính hai bên sẽ chết nhiều thêm nữa trước khi miền Nam thuộc quyền kiểm soát của Quân giải phóng.

Nhà thờ gia tộc họ Dương

Khi đi trên con đường tỉnh lộ nối liền quốc lộ 62 thuộc tỉnh Long An với huyện Tân Phước thuộc tỉnh Tiền Giang, ngang qua ấp 3 xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), du khách dễ dàng nhận ra ngôi nhà đồ sộ nằm bên lề phải, trong khuôn viện rộng chừng 1.000m2, có hàng rào kiên cố, thiết kế đẹp bao quanh. Trên mặt chính của ngôi nhà có hàng chữ đẹp, rất to “Từ đường Dương tộc”.

Đây là nhà thờ gia tộc họ Dương, là nơi thờ tự từ ông cụ tổ của họ Dương đến khai khẩn vùng đất Mỹ Phú là Dương Văn Bảo, đến những thế hệ họ Dương tiếp theo, trong đó có vợ chồng ông Dương Văn Hiển (ông bà nội của Dương Văn Minh) và vợ chồng ông Dương Văn Huề (cha mẹ Dương Văn Minh).
1
Di ảnh ông Dương Văn Minh bên ông bà, cha mẹ trên bàn thờ.

Tôi đến thăm ngôi từ đường vào một ngày cuối tháng 7-2011, khi đám giỗ lần thứ 10 của ông Dương Văn Minh vừa được tổ chức xong. Nếu tính theo ngày dương, ông Dương Văn Minh mất ngày 6-8, nhưng nếu cúng theo ngày âm, năm nay rơi vào cuối tháng 6 âm lịch, tức cuối tháng 7 dương lịch. Mở cửa đón khách vào thăm ngôi từ đường là người quản gia tên Khưu Công Đáng.

Theo vai vế, anh Đáng gọi Dương Văn Minh bằng cậu, mẹ anh và Dương Văn Minh là anh em bà con cô cậu họ, chung đời ông nội Dương Văn Hiển. Nhà của anh Đáng ở gần đó do vợ con anh ở, còn anh ngày đêm coi sóc, lo nhang khói ngôi từ đường này và anh được những con cháu trong tộc họ Dương đang sống ở TP. HCM và ở nước ngoài trả công hàng tháng.

Theo anh Đáng, ngôi nhà thờ tổ tiên họ Dương hiện nay, trước đây ông bà, rồi cha mẹ ông Dương Văn Minh từng sống. Họ đã về đây sinh sống lúc tuổi già và khi qua đời được chôn cất trên cánh đồng trước mặt, ở phía bên kia con đường. Đứng trước nhà có thể nhìn bao quát cả “cánh đồng vàng” Mỹ Phú, trên ấy điểm xuyết nhiều ngôi mộ màu trắng của gia tộc họ Dương. Trước đây ngôi nhà cất theo kiểu cổ, lợp ngói âm dương, tường xây gạch thẻ, dày 20 phân...

Thời gian sau này ngôi nhà xuống cấp nặng, rất khó tu sửa. Cách đây gần 10 năm, các con của ông Dương Văn Minh, Dương Văn Nhựt, Dương Văn Sơn (đều là em của Dương Văn Minh) đã đứng ra xây lại ngôi nhà mới làm nơi thờ tự ông bà tổ tiên.

Ngôi từ đường được xây vừa theo lối

cổ, vừa có kiến trúc hiện đại. Hầu hết kết cấu trong ngôi nhà đều là bê tông cốt thép, chứ không giữ kiến trúc lấy chất liệu gỗ làm chủ đạo như xưa. Trong ngôi nhà, ngoài một ít diện tích dùng làm “nhà sau” (buồng ngủ và nhà bếp), phần lớn diện tích còn lại đều là “nhà trên” – nơi thờ tự tổ tiên. Cả gian nhà trên rộng mênh mông khoảng 200m2 dùng để đặt các bàn thờ, trang thờ, các bức hoành phi, bức trướng cổ, nhiều tủ thờ, bàn ghế, trường kỷ, các bộ ván gỗ thường thấy ở các ngôi nhà xưa của các ông Hội đồng, bá hộ vùng nông thôn Nam Bộ.

Ông Đáng cho biết, chỉ một số bức trướng, bộ liễn được giữ từ 3 – 4 đời truyền lại, còn lại hầu hết đồ xưa trong nhà đều mới mua sau khi ngôi nhà được xây xong. Trong ngôi nhà, các bậc tổ tiên dòng họ Dương từ đời thứ nhất là Dương Văn Bảo đến đời thứ tư là Dương Văn Cường chỉ được thờ bài vị chứ không có di ảnh.
1
Sơ đồ gia phả tộc họ Dương ở Mỹ Phú.

 Từ đời ông Dương Văn Hiển (ông nội Dương Văn Minh) trở đi, các bàn thờ đều có di ảnh. Trên gian thờ chính ở giữa nhà, kế bên những bức hoành phi cổ kính là di ảnh của ông bà nội và cha mẹ Dương Văn Minh, được phóng to, lồng khung kính thật đẹp. Đứng khiêm tốn ở góc bàn thờ là di ảnh ông Dương Văn Minh, khung ảnh nhỏ hơn rất nhiều.

Anh Đáng giải thích: “Dù ông Minh làm đến Tổng thống, nhưng trong gia đình ông vẫn là con cháu, nên ông được thờ đúng với vị trí của mình trong gia đình”. Trên các bàn thờ, tôi không thấy di ảnh của hai người em của ông Minh là Dương Văn Nhật (sĩ quan cao cấp của Quân giải phóng) và Dương Văn Sơn (từng là Trung tướng của chế độ Sài Gòn).

Ông Đáng cho biết, các con cháu của anh em ông Minh hiện đều định cư ở TP. HCM hoặc nước ngoài. Những năm trước đây, giỗ ông Dương Văn Minh được con cháu của ông tổ chức ở TP. HCM hoặc ở nước ngoài, nhưng bắt đầu từ năm nay, theo nguyện vọng của người con gái lớn của ông Minh, đám giỗ ông được tổ chức tại nhà thờ gia tộc ở tại quê hương Mỹ Phú. Nhờ đó mà hàng năm con cháu của họ có dịp tề tựu về Mỹ Phú đông đủ hơn, để nhớ về quê cha đất tổ.

Ông Đáng kể, những năm sau ngày miền Nam giải phóng ông Minh sống ở TP. HCM, ông thường về thăm quê mỗi khi tới ngày giỗ ông bà, cha mẹ. Ông Minh là người thích giữ nguyên những gì đang có, từ ngôi nhà thờ cho tới mả mồ của cha mẹ, ông bà, chỉ tôn tạo, sửa sang cho tươm tất, sạch đẹp. Thế nhưng sau này, do ngôi nhà xuống cấp quá nặng, các con cháu ông buộc phải xây dựng lại để làm ngôi từ đường thờ phụng tổ tiên, gia tộc lâu dài.

Theo sở nguyện của ông, mồ mả của ông bà được giữ nguyên trạng, chỉ hàng năm quét vôi lại cho khang trang. Theo chân người quản gia, tôi đi ra cánh đồng màu mỡ nhất Đồng Tháp Mười, đến viếng khu mộ của tổ tiên, ông bà Dương Văn Minh. Các ngôi mộ đã được làm cách đây trên dưới nửa thế kỷ, đơn giản như bao ngôi mộ của những người nông dân bình thường trong vùng. Tất cả các nấm mộ đều xây theo kiểu để trống phần mặt trên làm nơi trồng hoa, mô típ này thường thấy ở các nghĩa trang bên châu Âu. Tuy nhiên, có thể do thiếu người chăm sóc mà trên các nấm mộ không có hoa mà mọc đầy cỏ dại.

Còn lại một vùng đất

Anh Khưu Văn Đáng mở cửa tủ thờ lấy ra cuộn giấy tròn có kích thước 1 x 2m bày ra trên bộ ván ngựa dày 15cm. Đó là sơ đồ gia phả họ Dương mà các con cháu đã dày công sưu tập, vẽ nên. Cụ tổ Dương Văn Bảo sinh ra 8 người con. Người con trai thứ 8 của cụ là Dương Văn Long sinh đến 10 người con. Người con trai thứ 2 (tức thứ 3 theo cách gọi ở Nam Bộ) của cụ Long là Dương Văn Lâm cũng có 8 người con.

Một người con đời thứ ba này của tộc họ Dương đã phát triển thành một nhánh khác, sau này sinh ra anh hùng Dương Văn Hữu như đã kể ở bài trước. Người con thứ tư của cụ Lâm là Dương Văn Cường cũng có đến 6 người con, trong đó người con thứ tư Dương Văn Hiển chính là ông nội của Dương Văn Minh sau này.

Theo anh Đáng, “nhánh” của ông Dương Văn Hiển hầu hết đều học cao, nhiều người làm quan, trở nên khá giả, hiện hầu hết định cư ở TP.HCM và ở nước ngoài. Các “nhánh” họ Dương còn lại hầu hết tập trung ở xã Mỹ Phú và các xã chung quanh thuộc huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) và huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Phần lớn họ đều gắn bó với đồng ruộng vùng Đồng Tháp Mười, họ đều có cuộc sống khấm khá ở vùng nông thôn, ít người nghèo khó, một số học cao, trở thành lãnh đạo các cấp ở địa phương.

Gặp một số hậu duệ của tộc họ Dương ở vùng Mỹ Phú, tôi hơi ngạc nhiên khi họ không những rất thú vị về bề dày truyền thống của dòng họ mình, mà ai cũng muốn xây dựng, giữ gìn “cánh đồng vàng” xã Mỹ Phú mãi mãi là cánh đồng màu mỡ, nơi nhân giống cung cấp cho cả vùng.

Không chỉ những con cháu họ Dương bám đất bám ruộng ở lại quê hương, mà ngay cả những người đã thành đạt, giàu có ở TP. HCM cũng muốn gìn giữ ruộng đất của tổ tiên, dù ai có mua giá cao họ cũng không bán. Khi còn sống, ông Dương Văn Hữu đã từ chối khi có người hỏi mua gần 1 hecta ruộng của ông với giá 1 tỉ đồng, trong khi giá đất ruộng ở vị trí thuận lợi hơn lúc đó chỉ khoảng 400 – 500 triệu đồng/ha.

Ông Hai Hữu qua đời, các con ông cũng tiếp tục nhân giống lúa, làm giàu trên mảnh ruộng màu mỡ ấy như cha ông họ đã làm suốt hàng trăm năm qua. Một hậu duệ đời thứ 9 của dòng họ Dương xã Mỹ Phú tên là Dương Thị Bạch Tuyết hiện là chủ một nhà hàng lớn ở TP. HCM cho biết, chị em bà hầu hết đang lập nghiệp ở TP. HCM, nhưng ruộng đất cha mẹ để lại ở Mỹ Phú thì vẫn giữ nguyên, nhờ người chăm sóc và canh tác. Cách đây 2 năm, một doanh nghiệp đã gặp bà xin mua ruộng với giá khoảng 1 tỉ đồng/ha, nhưng chị em bà kiên quyết không bán.

 Bà Tuyết tâm sự: “Mảnh đất đó đã đổ bao mồ hôi công sức của cha ông qua nhiều thế hệ, để biến nó thành cánh đồng màu mỡ nhất vùng, đó là tài sản vô giá, như là báu vật. Vì vậy con cháu nếu không thật sự cần thiết thì không nên bán. Với lại, chị em tôi sinh ra trên mảnh đất đó, lớn lên đi làm ăn xa, nhưng tình yêu quê hương thì vẫn không nguôi. Có thể sau này khi đã lớn tuổi, không còn bon chen với đời, tôi sẽ trở về sống lại với quê hương, với tổ tiên”.

Nguyện vọng giữ nguyên “cánh đồng vàng” mà các đời họ Dương đã đổ nhiều công sức để khai phá, làm cho nó ngày càng xứng đáng là cánh đồng nhân lúa giống của cả tỉnh Long An, là tình cảm chung của hầu hết các hộ nông dân sống trên cánh đồng, dù bây giờ họ còn mang họ Dương hay một họ nào khác.

Nguyện vọng, tình cảm đó đã từng bị đe dọa cách đây vài năm trước xu thế đô thị hóa vùng nông thôn ĐBSCL. Cánh đồng xã Mỹ Phú chỉ cách thành phố Tân An chưa tới 10 cây số, vì vậy mà cánh tay “đô thị hóa” có thể vươn tới vùng đất màu mỡ này. Nguy cơ đó càng lớn hơn khi bỗng dưng có dư luận râm ran về một vùng đất có “long mạch” kì bí nào đó nằm trên cánh đồng xã Mỹ Phú. Người ta bắt đầu đi lùng mua từng thửa đất ở đây không phải để đầu tư cho nó thêm rạng danh là “cánh đồng vàng” nhân giống cho cả tỉnh, mà là để làm “công viên nghĩa trang” mang tên Vĩnh Hằng. Cánh đồng nổi tiếng nhất tỉnh Long An có nguy cơ không còn những ruộng lúa oằn bông. Người nông dân ở đây đã xôn xao, để rồi kiên quyết bảo vệ “cánh đồng huyền diệu” này.

Kỳ cuối: Cuộc truy tìm “long mạch”
  • Song Kỳ
TAGS:
Theo: