Vải thiều được mùa, nỗi lo “được mùa mất giá” lại bủa vây

( PHUNUTODAY ) - Trung Quốc siết chặt quản lý chất lượng đầu ra của quả vải, nông dân lại đau đầu tìm lối ra cho các nông sản mà cứ “được mùa lại mất giá”.

Chỉ một vài tuần nữa tới kỳ thu hoạch vải thiều năm 2018. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, những địa phương có diện tích chuyên canh vải thiều lớn nhất nước, đang nỗ lực triển khai các giải pháp tiêu thụ quả vải trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quản lý về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tỉnh Quảng Tây của nước này, từ ngày 1.4.2018, cũng áp dụng thêm các quy định về chất lượng, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc đối với các hạt hàng nông sản nhập khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết vải là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích 58,8 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Những năm gần đây, sản lượng vải luôn ở mức 300-350 nghìn tấn/năm, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ).

Cứ mỗi khi các nông sản được mùa, nỗi lo mất giá lại thường trực

Cứ mỗi khi các nông sản được mùa, nỗi lo mất giá lại thường trực

Vải thiều, một trong 52 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang, dự báo năm 2018 tiếp tục được mùa lớn. Năm 2017, doanh thu từ vải thiều của Bắc Giang mức kỷ lục, với 5.300 tỷ đồng, thay vì mức 4.000 tỷ đồng hàng năm.

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2018, diện tích cây vải của tỉnh Hải Dương khoảng 10.500ha. Diện tích vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU trên địa bàn tỉnh có 131,68ha.

Do thời tiết thuận lợi, dự kiến năm nay vải được mùa, sản lượng đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đạt khoảng 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017.

Thế nhưng, tiêu thụ vải năm nay dự báo sẽ khó khăn hơn. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống nông sản, trong đó có quả vải của Việt Nam. Trung Quốc năm 2017 chiếm trên 70% tổng sản lượng xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai, một lượng nhỏ qua cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang.

Cần định hướng lâu dài cho quả vải để không phải tiếp tục đi theo còn đường

Cần định hướng lâu dài cho quả vải để không phải tiếp tục đi theo còn đường "giải cứu" mà nhiều hàng hóa thời gian qua phải làm

Những quy định mới của Trung Quốc, nếu doanh nghiệp và người sản xuất không đáp ứng được, sẽ ảnh hướng rất lớn đến tiêu thụ quả vải năm 2018. Trong khi đó, công nghệ bảo quản, chế biến vải ở nước ta còn lạc hậu, thời gian bảo quản vải tươi không dài (chỉ dưới 25 ngày), mà thời vụ thu hoạch lại ngắn, tập trung nên khó khăn cho vận chuyển, tiêu thụ.

Phó Chủ tịch Bắc Giang cho biết, Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường, Trung Quốc, vào ngày 23-24/5 tới. Cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức diễn đàn về vải thiều hay tuần lễ vải thiều sẽ được tổ chức ở trong nước.

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều thuận lợi, UBND Tỉnh Bắc Giang mới đây đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đề nghị với cơ quan chức năng của Chính phủ Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ Visa tại chỗ của của khẩu Hữu Nghị và mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”.

Những nỗ lực của các tỉnh có diện tích chuyên canh quả vải lớn nhất nước là cần nhưng chưa đủ để quả vải có thể xuất khẩu ổn định vào thị trường gần 1,4 tỷ người tiêu dùng này.

Tăng cường chất lượng, hạn chế các dư lượng thuốc tồn đọng...cần đưa người dân vào một chuỗi sản xuất nông sản mới có thể tránh những nỗi lo

Tăng cường chất lượng, hạn chế các dư lượng thuốc tồn đọng...cần đưa người dân vào một chuỗi sản xuất nông sản mới có thể tránh những nỗi lo "được mùa rớt giá"

Cục Trồng trọt cho rằng, nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm, nên đẩy mạnh chế biến truyền thống như sấy khô để giảm sức ép tiêu thụ quả tươi; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ quả vải, nhãn.

Cần sử dụng hiệu quả các kho ngoại quan để lưu chứa, tạm trữ quả vải, nhãn; chuẩn bị đầy đủ dịch vụ hậu cần để tổ chức tiêu thụ kịp thời sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng về thủ tục hành chính, giao thông, vận chuyển phục vụ tiêu thụ quả vải, nhãn.

Thêm đầu ra cho quả vải, việc tiếp cận các thị trường mới được đặt ra đã nhiều năm, nhưng đưa được loại quả này vào các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai là rất khó khăn, bởi những hàng rào kỹ thuật, quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, chiếu xạ, kiểm dịch, tem nhãn truy xuất nguồn gốc.

Bộ Nông nghiệp Úc năm 2015 chính thức cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam vào thị trường Australia sau 12 năm đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, 40 tấn vải thiều đưa sang Úc lần đầu tiên đã không giữ được chất lượng, màu sắc và giá thành ở mức thấp, dù đã được làm sạch, giữ lạnh, vận chuyển bằng đường hàng không sang Úc.

Hiện tượng “giải cứu nông sản” đã trở nên quen thuộc, từ năm này qua năm khác và có xu hướng chưa giảm đi, quả vải chỉ là một ví dụ. Các hạn chế chính trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam nằm ở khâu sản xuất, chuỗi giá thành còn cao trong khi việc sử dụng đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật và giống còn bất cập.

Sản phẩm thực sự đảm bảo an toàn vẫn còn tương đối thấp. Đối với sau thu hoạch, phí giao dịch cao và tổn thất sau thu hoạch cũng cao, trong khi khâu chế biên công nghệ được đánh giá là công nghệ tương đối thấp và giá trị gia tăng thấp.

Những hạn chế này dẫn đến tỷ lệ xuất khẩu được giá cao hiện nay còn ít, vấn đề an toàn thực phẩm ít đặc biệt và thiếu các thương hiệu. Thương hiệu nông sản quá khiêm tốn so với lượng nông sản nước ta xuất khẩu, trong khi chuỗi giá trị nông sản rất khó khăn trong việc nâng cấp công nghệ mới và hiện đại do chưa tiếp cận với thị trường chất lượng cao.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link