Còn nhớ, hồi cuối tháng 3 vừa qua, khi quyết định cho tăng giá xăng lên mức kỷ lục là 24.580 đồng/lít, liên bộ Tài chính – Công Thương có lấy lý do là vì xăng dầu VN thấp hơn các nước có chung biên giới, nên xảy ra tình trạng buôn lậu, tăng giá lên ngang bằng để chống buôn lậu.
Đợt tháng 6 vừa qua cũng tương tự, dư luận sốc khi Liên bộ Tài chính - Công thương đã tăng giá xăng dầu đến 2 lần. Một lần vào tối ngày 14/6, tăng từ 221 - 426 đồng/lít. Nhưng có vẻ lần này tăng như vậy vẫn chưa đủ, tình hình buôn lậu xăng dầu đặc biệt là ở vùng biên giới với Campuchia còn phức tạp lắm. Giá Việt Nam còn rẻ thì còn buôn lậu. Làm sao để cho xăng dầu Việt chảy sang Campuchia làm giàu cho những kẻ bất chính được. Chính vì thế, đang lúc doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam vẫn "thua lỗ" nhiều quá, nên quyết tâm, tăng thêm một nữa cho tiệt đường "buôn lậu xăng dầu".
Nhất là ở thời điểm tháng 8 vừa qua, khi giá xăng dầu của thế giới liên tục giảm thì các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam có bức bình phong nghị định 84 trước đó với mức biên độ giao động 30 ngày đã lờ đi việc giảm giá xăng dầu cho người dân. Dù rất bức xúc nhưng người dân cũng tạm thông cảm cho doanh nghiệp đang thực hiện xứ mệnh cao cả chống buôn lậu. Việc chống buôn lậu này không thể chỉ riêng doanh nghiệp xăng dầu cõng được mà phải có sự tiếp sức từ nhân dân. Chính vì thế, xăng dầu kiên trì đến phút cuối mới chịu giảm giá được 300 đồng/lit.
Xăng dầu ở đâu cũng là "con" của Petrolimex |
Với điệp khúc tăng giá vì lỗ, vì chống buôn lậu của Petrolimex với những con số báo cáo khủng về lãi suất, tình hình buôn lậu khiến người dân mất dần niềm tin vào lời nói của doanh nghiệp anh cả xăng dầu này. Không những thế, Petrolimex còn là doanh nghiệp có thị trường phát triển ở bên ngoài nội địa như Trung Quốc, Campuchia, Lào. Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh trên 12 lĩnh vực. Trong đó, xăng dầu là trục chính. Các hàng hoá và dịch vụ khác đều xoay quanh lĩnh vực xăng dầu: vận tải xăng dầu (viễn dương, ven biển, vận tải đường sông, đường ống, đường sắt và đường bộ); hoá dầu (dầu nhờn, mỡ máy, nhựa đường, hoá chất); gas (dân dụng và công nghiệp); thiết kế, cơ khí, xây lắp các công trình xăng dầu; bảo hiểm và một số lĩnh vực khác.
Đối với Campuchia, với nhu cầu 1,7 triệu tấn/năm, Campuchia nhập khẩu 100% từ Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 60-70%. Hiện Campuchia có 12 đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu, thị trường xăng dầu Campuchia cạnh tranh khá gay gắt bởi được thị trường hoá hoàn toàn. Ông Đàm Tá Nho, Trưởng Văn phòng Đại diện Petrolimex tại Campuchia, từng cho biết: “Kinh doanh xăng dầu tại Campuchia được thị trường hóa hoàn toàn, Nhà nước không can thiệp hành chính, chỉ quản lý bằng quy định của pháp luật và thuế, phí”. Việc giá cả như thế nào là do doanh nghiệp tự quyết.
Trong khi đó, lượng xăng dầu Petrolimex cung cấp cho Campuchia đạt 50% nhu cầu của đất nước này. Kim ngạch xuất khẩu thu về đạt gần 700 triệu USD/năm.
Với những con số và báo cáo của Petrolimex đưa ra biện minh cho việc tăng giá xăng đã bộc lộ thủ thuật kinh doanh của doanh nghiệp này. Là doanh nghiệp có quyền tác động tới giá ở Campuchia nhưng Petrolimex vẫn không chịu động tay chân, duy trì mức giá cao ở cả hai thị trường. Người ta hoàn toàn có thể suy luận, nhờ tài kinh doanh đó, mục tiêu chống buôn lậu sẽ luôn luôn được Petrolimex đặt ra để làm cớ nâng giá đều trên hai thị trường. Kinh doanh như Petrolimex mà chỉ báo lãi chưa đầy 1000 tỷ trong 6 tháng đầu năm âu cũng là chuyện lạ.